Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 12: I Samuên 26:1-25: "Sự Ăn Năn Thật"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Sự ăn năn thật
I Samuên 26.1-25
Giữa phần cuối của Cựu Ước và phần đầu của Tân Ước là bốn trăm năm yên lặng, bốn thế kỷ trong đó Đức Chúa Trời chẳng phán gì với Isarel dân sự của Ngài. Không có một tiên tri, không có một sự hiện thấy và chẳng có một sự mặc khải nào hết. Khi Đức Chúa Trời phán trở lại, qua một sứ giả rất lập dị, kỳ cục có tên là Giăng. Sứ điệp của ông không có gì sai sót cả. Ông tuyên bố, như một tiếng kêu ngoài đồng vắng: "Hãy ăn năn, vì Nước thiên đàng đã đến gần!" (Mathiơ 3.2). Không bao lâu sau đó chính mình Con Đức Chúa Trời, Chúa Giêxu Đấng Mêsi đã xuất hiện trong hình thức nhục thể của Ngài. Sứ điệp của Ngài cũng y như thế: "… song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy" (Luca 13.3, 5). Vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi mặc lấy quyền phép của Đức Thánh Linh, Phierơ đã rao giảng với lòng dạn dĩ lắm: "Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh" (Công Vụ các Sứ Đồ 2.38). Thực vậy, sứ điệp của vị sứ đồ cứ tiếp diễn: "Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi" (Công Vụ các Sứ Đồ 3.19). Phaolô đã tuyên bố trên đồi Mars: "Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn" (Công Vụ các Sứ Đồ 17.30).
Ăn năn là một lẽ đạo chủ chốt xuyên suốt cả Kinh Thánh. Ăn năn dịch từ chữ metanoia có nghĩa là "nghĩ khác đi" hay "đổi ý”. Ăn năn mang ý nghĩa đổi chiều và quay đúng 180o theo hướng ngược lại. Ăn năn được gắn với sự xưng tội. Chúng ta chỉ được cứu bởi việc xưng ra tội lỗi của mình, nhất trí với Đức Chúa Trời về tội lỗi chúng ta rồi xây khỏi nó khi chúng ta quay về với Đấng Christ. Mặc dù chúng ta được bảo đảm cho đến đời đời, chúng ta tiếp tục xưng tội và ăn năn tội lỗi của chúng ta hầu cho chúng ta có thể ăn ở trong Thánh Linh và có một mối tương giao mật thiết, thân mật với Đức Chúa Trời. I Giăng 1.9 chép: "Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác".
Khi chúng ta tiếp tục phần nghiên cứu về đời sống và thời thế của Vua David, chúng ta đến với I Samuên 26. Trong phân đoạn nầy, chúng ta có hai trường hợp ăn năn. Một là giả dối và một là chân thật. Trước khi chúng ta đào sâu vào vấn đề nầy, chúng ta cần tra xét phần nội dung.
Thứ nhứt, chúng ta nhớ từ chương 24 Saulơ thể nào đã ăn năn. Saulơ đã truy đuổi David đến tận Ênghêđi, là khu vực ốc đảo xinh đẹp nằm ở phía Tây của Biển Chết. Saulơ đi vào hang đá để "đi tiện" và việc nầy đã xảy ra trong chính hang động mà David cùng người của chàng đang ẩn náu. Mọi người đều thúc giục David giết chết Saulơ. David vốn biết rõ làm thế là sai, nhưng không thể kháng cự chuyện “cắt góc vạt áo tơi của Saulơ”. Ngay sau đó, David đã cảm thấy sai lầm và tội lỗi. Lòng chàng “tự trách”. Chàng nói: "Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va, mà tra tay trên mình người, vì người là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va" (24.6). Người của David vẫn muốn giết Saulơ song David "quở trách" họ và "ngăn cản chúng xông vào mình Saulơ". Sau đó, David đã ra khỏi hang động với mãnh áo tơi của Saulơ rồi đối mặt với nhà vua. Với mãnh áo tơi ấy như một bằng chứng, David nói cho nhà vua biết thể nào chàng đã từ chối cất lấy mạng sống của ông ta. Chàng nói: "Nơi tôi chẳng có sự ác, hoặc sự phản nghịch, tôi chẳng có phạm tội gì với cha. Còn cha, lại săn mạng sống tôi để cất nó đi" (24.11). Lời lẽ của David đã thấm sâu vào Saulơ. Ông ta bật khóc rồi nói: “Con thật công bình hơn cha; vì con có lấy điều thiện mà báo điều ác cha đã làm cho con” (24.17). Thậm chí ông ta còn nhìn nhận: "Quả hẳn ta biết rằng con sẽ làm vua, và nước Y-sơ-ra-ên sẽ bền-lâu ở trong tay con" (24.20).
Thứ hai, chúng ta nhớ từ chương 25 thể nào David đã ăn năn. Một người có tên là Nabanh đã xúc phạm David bằng cách từ chối không bù đắp cho chàng về những công việc đã được làm ra. Hắn ta đã rủa sả David và đã nói bóng nói gió rằng chàng chẳng có gì khác hơn là một gã nô lệ bỏ trốn hay một kẻ cướp cạn mà thôi. Trong cơn giận dữ, David đã vũ trang kéo lực lượng bốn trăm người đến đánh kẻ điện dại đó. David nói: "Còn hắn lại lấy oán trả ơn. Nguyện Đức Chúa Trời xử kẻ thù nghịch của Đa-vít thật cho nặng nề! Từ đây đến mai, phàm vật gì thuộc về Na-banh, ta sẽ chẳng để còn lại vật nhỏ hơn hết" (25.21-22). David không những sắp giết Nabanh, mà còn giết cả gia đình và tôi tớ của ông ta nữa! Nabanh có một người vợ thông minh đẹp đẽ tên là Abigain. Nàng đã mang theo phần bù đắp rồi gặp gỡ David trên đường. Nàng đã nhắc cho David nhớ rằng không bao lâu nữa chàng sẽ làm vua và chàng không muốn làm bất cứ điều chi vấy bẩn bảng thành tích hay lương tâm của mình. Sự khôn ngoan của nàng đã khiến cho chàng phải ăn năn. Chàng đáp cùng nàng:
"Đáng ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Đáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình" (25.32-33). Sau đó, nhơn "Đức Giêhôva đánh Nabanh, và người chết", khi ấy David mới ngõ lời cầu hôn với Abigain và nàng đã trở thành vợ của chàng.
Saulơ đã ăn năn về mọi dự tính giết người của mình. David đã ăn năn về mọi dự tính giết người của mình. Cả hai người đều đã phạm tội. Cả hai người đều ăn năn. Tuy nhiên, trong chương 26 chúng ta thấy một sự đối ngược giữa sự ăn năn thành thật và sự ăn năn không thành thật. Chúng ta cứ tiếp tục công việc của mình qua câu chuyện rồi khi đó chúng ta sẽ tiếp thu được một số bài học về sự ăn năn thật.
I. Sự phản bội của dân Xíp, họ hầu việc cái tôi của mình (các câu 1-2).
Câu 1 cho chúng ta biết rằng "dân Xíp" đã đến tìm Saulơ với các tin tức nói về David. Dân “Xíp” tất nhiên xuất thân từ khu vực Xíp. Mặc dù họ ra từ cùng một chi phái như David, là chi phái Giuđa, họ đã sẵn sàng và bằng lòng bán đứng chàng. Trở lại trong chương 23, câu 19 chúng ta thấy họ đã làm điều nầy trước đây rồi. Họ muốn tỏ ra cho Saulơ thấy là họ trung thành với ông ta.
Chúng ta biết Saulơ đã ăn năn về thái độ thù ghét đối với David. Ở Ênghêđi ông ta đã nói thật nhiều với David rằng ông ta sẽ không còn truy đuổi hay tìm giết chàng nữa. Saulơ đã đối mặt với tội lỗi của ông ta. Ông ta đã nhìn thấy điều đáng trách của mình trong luật pháp trọn vẹn, là "luật pháp về sự tự do" và đã nhận biết mình sai trái là dường nào rồi (Giacơ 1.25). Ông ta đã xưng tội, đã ăn năn và đã thôi không còn truy đuổi theo David nữa.
Tuy nhiên, khi dân Xíp đến tận nhà ông ở tại Ghibêa rồi cho hay rằng David đang "ẩn trên gò Hakila, đối ngang đồng vắng", Saulơ liền tập trung một lực lượng tinh nhuệ "ba ngàn tinh binh" rồi đi xuống "đồng vắng Xíp đặng tìm David".
Quí vị không di chuyển một đạo quân "ba ngàn" người mà không hoạch định cẩn thận. Một đạo quân có cái đuôi hậu cần thật là dài. Đây không phải là một quyết định đột ngột đâu! Sự chuyển quân nầy đòi hỏi một sự phối hợp và quyết đoán. Saulơ biết rõ, bằng lòng và quyết tâm đi ngược lại với lời của mình và tiếp tục truy kích David.
Tại sao vậy? Tại sao Saulơ đi ngược lại với lời nói của mình chứ? Điều chi đã xảy ra với sự ăn năn của ông ta? Tôi tin Saulơ đã phạm phải ba lỗi lầm chứng minh sự ăn năn của ông ta không phải là sự ăn năn thật:
· Thứ nhứt, Saulơ CỐ BÁM LẤY tội lỗi của mình. Saulơ là một kẻ hay nghiền ngẫm. Ông ta nghiền ngẫm về sự David được lòng người. Ông ta không hiểu lý do tại sao dân chúng ưa thích David nhiều hơn họ ưa thích ông ta. Ông ta tưởng tượng cuộc đời của ông ta sẽ như thế nào một khi David không nằm trong bức tranh. Ông ta đã suy nghĩ nhiều nan đề sẽ không còn có nữa nếu David không có mặt trên đời. Ông ta vốn biết rõ David đã không phạm một điều ác nào, còn Saulơ không thể dứt bỏ tánh thù hiềm của ông ta được. Mặc dù ông ta không còn truy đuổi David nữa, ông ta cố bám lấy sự ước ao muốn giết chết David của mình. Sự ăn năn thật từ chối không bám lấy hay kỳ kèo bên sự cám dỗ.
· Saulơ đã NGHE THEO người ta. Dân sự ở chung quanh Saulơ đã khích ông ta cứ truy đuổi trở lại. Dân Xíp nói: "Hỡi Vua, chúng tôi một lần nữa đã chỉ chỗ của David cho vua. Mọi sự vua phải làm là chỉ có bắt hắn mà thôi". Phòng cố vấn của Saulơ nói: "Tâu Bệ hạ, chúng tôi đã lần theo các cuộc thăm dò ý kiến. Người ta không xem vua là một nhà lãnh đạo kiên quyết. Vua cần phải làm một việc gì đó để có được số đông người ủng hộ". Quan Tổng Binh Ápne nói: "Hỡi Vua Saulơ, lực lượng của chúng ta đương trong tình trạng sẵn sàng. Với lịnh của vua, chúng tôi sẽ triển khai và lên đường hành quân ngay. Chúng ta đã đào tạo một đội Lực Lượng Đặc Biệt cho chiến dịch nầy. David không bao giờ biết lực lượng nào đụng mặt hắn. Lần nầy chúng ta sẽ không thất bại đâu!" Luôn luôn có hạng người tìm cách đẩy chúng ta vào chính tội lỗi của chúng ta.
· Saulơ đã NÓI DỐI với bản thân mình. Saulơ rất yếu đuối. Ông ta biết mọi điều ông ta sắp làm đều là sai trật hết. Ông ta vốn biết rõ ông ta sắp chịu thua. Ông ta biết rõ ông ta đang dầm mình vào trong tội lỗi, nhưng ông ta không cưỡng lại bản thân mình. Ông ta đã ban lịnh lạc ra. Galati 6.7 chép: "Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy". Chúng ta nói dối với lòng mình khi nghĩ rằng chúng ta đã tránh xa tội lỗi rồi.
II. Sứ mệnh của David (các câu 3-12).
Saulơ đã "đóng trại bên kia gò Hakila, đối ngang đồng vắng, tại nơi đầu đường". Saulơ đang ở "nơi đầu đường" trong một khu vực nhiều dân cư, còn David vẫn còn ở "trong đồng vắng". David ưa thích khu vực nầy và cảm thấy an ninh ở đó. Chàng có nguồn nước mát và thực phẩm dồi dào để cung cấp cho đội quân của mình (câu 3).
Luôn luôn Saulơ đã sai thám tử theo dò David. Giờ đây trong câu 4: David "sai kẻ do thám đi". Chàng đã nghe đồn rằng Saulơ đang theo đuổi mình một lần nữa. Điều nầy đã làm cho David nổi giận. Chàng phải bịnh né tránh nhà vua điên cuồng nầy. Các thám tử của chàng đã tường trình lại mọi việc làm của Saulơ. Chàng không thể tin Saulơ sẽ đi ngược lại lời nói của ông ta và giờ đây lại theo đuổi chàng. Phần cuối của câu Kinh Thánh nói rằng David "biết chắc rằng Saulơ đã đến". Đây không phải là tiếng đồn đâu! Chàng đã biết “chắc”.
Khi ấy David "chỗi dậy, đi đến tận nơi Saulơ đã hạ trại". Có lẽ chàng đã đến muộn vào buổi tối khi trời đã chạng vạng rồi leo lên nơi cao quan sát trại quân. Khi chàng điều nghiên bối cảnh ấy, chàng "thấy nơi ngủ của Sau-lơ và của Áp-ne, con trai Nê-rơ, là quan tổng binh của người". Câu 5 chép thật đặc biệt: "Sau-lơ nằm ngủ tại đồn, có đạo binh đóng trại xung quanh mình". Là vua, nơi ngủ nghỉ của Saulơ nằm ở giữa trại quân. Có lẽ đã có một ngọn cờ đánh dấu nơi nghỉ đó. Có thể đó là một căn lều vương giả. Chúng ta không biết rõ. Chúng ta không biết David đã dễ dàng đánh dấu vị trí chính xác nơi nhà vua ngủ nghỉ bên cạnh quan Tổng binh là Ápne. Mọi sự chung quanh họ, trong vòng tròn đồng tâm, là “đạo binh” nầy, là những tinh binh đã được huấn luyện đặc biệt, họ cũng đương ngủ nữa.
Có ít nhất hai người đứng gần David khi quan sát trại quân. Một là "Ahimêléc người Hêtít" và người kia là "Abisai con trai của Xêrugia, em của Giôáp". Không nên nhầm lẫn Ahimêléc nầy với Ahimêléc thầy tế lễ đã bị Saulơ giết chết. Abisai là con trai của Xêrugia, chị của David, là cháu trai của David và là em của Tướng lãnh của David. Về hai người trai trẻ nầy, David cần có một sự tình nguyện. Chàng nói: "Ai muốn cùng ta đi xuống dinh Saulơ?" Abisai là một thanh niên rất dũng lược, là người giữ một vai trò rất quan trọng về sau nầy. Abisai bắt ngay cơ hội tình nguyện mạo hiểm nầy rồi nói: "Tôi sẽ đi với ông".
Câu 7 chép: "Vậy David và Abisai lúc ban đêm, vào giữa quân lính". Dưới màn đêm tăm tối, họ đã bò vào trại quân. Họ đã quan sát kỹ càng nhưng không thấy có đặt lính canh ở chỗ nào hết. Từng người trong đội quân “ba ngàn tinh binh” kia dường như nằm lăn ra đất mà ngáy ngủ hết. Quí vị có thể hình dung David và Abisai đang đi rón rén qua cả trại quân đó, thật là cẩn thận, nhẹ nhàng êm ái. Từng tiếng ngáy ngủ đã làm cho họ phải giật mình. Từng người lính nào cử động trong giấc ngủ đều khiến cho họ phải dè chừng. Họ luôn ý thức và cẩn thận cảnh giác từng chút một.
Khi còn là một thiếu niên, tôi hay đi nhè nhẹ vào nhà khi về trễ lúc ban đêm. Tôi xoay ổ khoá thật nhẹ nhàng rồi lẻn vào trong. Tôi nghe thấy tiếng ngáy ngủ của cha tôi. Bao lâu tôi còn nghe thấy tiếng ngáy ngủ của ông ấy, tôi cứ tưởng mình chẳng làm cho ai thức giấc, thế nhưng mẹ tôi luôn luôn biết rõ mấy giờ tôi về tới nhà.
Nhận ra chỗ của Saulơ chẳng mấy khó đối với họ. Họ tìm thấy nhà vua "đương ngủ, nằm trong đồn, cây giáo cặm dưới đất tại nơi đầu giường", Saulơ không hề rời xa ngọn giáo đó. Nó luôn luôn ở gần với tầm tay. Một số học giả Kinh Thánh tin rằng cây giáo còn hơn một thứ vũ khí nữa, vì đó là một cây trượng biểu tượng cho sự trị vì của ông ta.
Saulơ đang nằm ngáy ngủ và David đến đứng bên cạnh ông ta. Mũi giáo nằm ngay bên phải. Sự thể thật là cám dỗ. Mọi sự chàng phải làm là nhấc cây giáo lên, di chuyển chừng vài tất. Chàng có thể đâm mũi giáo ấy xuyên cổ họng của Saulơ rồi yên lặng trốn thoát ra khỏi đó. Mọi sự rắc rối của chàng sẽ không còn có nữa. Cuộc săn đuổi sẽ kết thúc. David sẽ được tôn làm vua và đời sống của chàng sau cùng sẽ không còn khổ ải nữa. Mọi sự chàng phải làm là sử dụng ngọn giáo quá tiện nghi đó.
Abisai thúc giục cậu mình nên hành động ngay. Anh ta nói: "Ngày nay Đức Chúa Trời đã phó kẻ thù nghịch ông vào tay ông". Song David lại chần chừ. Abisai có thể nhớ lại thể nào David đã kềm chế không giết Saulơ trong hang động kia tại Ênghêđi. Chàng nói với người phụ tá mình: "Xin cho phép tôi [quí vị có thể thấy giọng nói thì thào không còn kiên nhẫn nổi nữa của anh ta] lấy giáo đâm người chỉ một cái mà cặm người xuống đất; chẳng cần phải đâm lại". Tôi thích câu nói đó! Anh ta đang nói: "Cậu David ơi, nếu cậu cho phép cháu cơ hội nầy, cháu có thể  loại bỏ hắn ta ngay lúc nầy đây. Một nhát đâm thôi, cháu chỉ cần bấy nhiêu. Saulơ sẽ ngã chết và cậu sẽ lên ngôi vua. Chỉ cho phép cháu giết hắn đi cho rồi!" (câu 8).
Mặc dù có sự cám dỗ và lời thì thầm của Abisai, David vốn biết nhiều hơn. Chàng nói: "Đừng giết người; ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không bị phạt?" (câu 9).
Trở lại trong chương 24, ở Ênghêđi, khi Saulơ đi đại tiện trong chính hang động mà David cùng một số người đang ẩn náu bên trong, trước tiên David đã nghe thấy một lời khuyên tương tự rồi. Chàng đã bò về phía Saulơ với thanh gươm của mình giơ cao lên. Tuy nhiên, khi chàng đến gần rồi, chàng biết rõ mình không thể giết Saulơ, vì vậy chàng đã cắt đi một mãnh áo tơi của nhà vua. Rồi sau đó, chàng đã "tự trách mình". Người của chàng đã nài xin David để cho họ giết chết Saulơ, nhưng David "đã quở trách tôi tớ mình". Chúng ta nhớ từ Hy bá lai nói tới sự “quở trách” có nghĩa là "đả kích". David đả kích họ hay quở trách họ vì ao ước của họ là muốn giết chết nhà vua.
Chàng đã sắp giết chết Saulơ đến nơi, nhưng chàng đã ăn năn. Chàng đã xưng nhận tình trạng tội lỗi của chính mình. Chàng đã thực sự ăn năn. Chàng đã đổi ý của mình. Chàng đã quay 180o theo một hướng khác. Thay vì lấy mạng của Saulơ, chàng đã bảo vệ mạng sống của Saulơ không để cho người của mình hành động.
Bây giờ, một lần nữa, sự cám dỗ muốn giết Saulơ lại dấy lên. Saulơ một lần nữa đang truy đuổi David và khiến cho David phải giận dữ. Chàng đột nhập vào trại quân đến đứng bên cạnh Saulơ. Mũi giáo ở kề một bên. Nếu David không muốn làm công việc mà Abisai đề nghị thì chàng có thể để việc ấy cho Abisai làm.
Cái điều chúng ta rút tỉa được từ bối cảnh nầy, ấy là xác thịt không thay đổi được. Quí vị có thể trở thành một Cơ đốc nhân. Quí vị có thể chịu phép báptêm rồi rất năng động trong Hội thánh. Quí vị có thể cầu nguyện và đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Quí vị có thể tấn tới trong sự thông biết Chúa và trong ân điển của Ngài. Tuy nhiên, xác thịt của quí vị chẳng có chút thay đổi nào hết. Cũng chính những tội lỗi ấy thường cám dỗ quí vị, chúng vẫn còn cám dỗ quí vị đấy. Trưởng thành về mặt thuộc linh không có nghĩa là quí vị sẽ không còn bị những tội lỗi nhất định ấy cám dỗ, trưởng thành thuộc linh có nghĩa là quí vị đang học biết phải nói “không” với các thứ tội lỗi đó. Sự cám dỗ không thay đổi; đáp ứng của quí vị đà thay đổi.
Lần đầu tiên David bị cám dỗ phải giết Saulơ, chàng đã nói "không". Trong chương 26, chàng sắp sửa giết Nabanh khi Đức Chúa Trời sai Abigain đến chỉ ra tội lỗi của chàng. Chàng đã ăn năn rồi nói: "không". Bây giờ một lần nữa David bị cám dỗ phạm tội nhưng chàng đã hiểu biết hơn. Lần nầy, lui lại là dễ dàng hơn. Sự cám dỗ phạm tội của quí vị không hề đi đâu xa, nhưng mỗi lần quí vị nói "không" sự đắc thắng sẽ đến dễ dàng hơn. Sự ăn năn thật không phải là xưng tội rồi nói quí vị lấy làm tiếc, nhưng rồi cứ lặp đi lặp lại chính tội lỗi đó hết lúc nầy tới lúc khác. Sự ăn năn thật là xây khỏi tội lỗi đó rồi học nói: “không” mỗi lần cám dỗ đến.
Khi David đứng bên cạnh Saulơ đang nằm ngủ mê, cơn giận chàng tan biến đi và sự khôn ngoan tin kính quay trở lại. Thay vì chỉ nhìn thấy màu đỏ, chàng nhìn thấy màu đen và trắng. Mọi sự trở nên trong sáng rõ ràng hơn. Với giọng nói thì thào, chàng giải thích cho Abisai hiểu:
"Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, Đức Giê-hô-va chắc sẽ đánh người, hoặc khi người đến kỳ định mà chết, hoặc khi người ra trận mà diệt vong. Nguyện Đức Giê-hô-va giữ, chớ cho tôi tra tay vào kẻ chịu xức dầu của Ngài!"
David biết rõ rằng Đức Chúa Trời tối cao của người đang nắm quyền tể trị tuyệt đối. Chàng biết rõ rằng khi Đức Chúa Trời sẵn sàng buộc Saulơ chết, ông ta chắc sẽ chết. Đức Chúa Trời đã lấy làm mệt về Saulơ và sẽ "đánh" ông ta giống như Ngài đã đánh tên Nabanh điên dại kia. "Ngày của ông ta" phải chết có các lý do tự nhiên không bao lâu nữa sẽ đến. Như nói trước và tiên tri về các cao điểm của Ghinhbôa, David nói rằng Saulơ sẽ "ra trận mà diệt vong". Với bất cứ giá nào, Đức Chúa Trời sẽ quyết định cái chết của ông ta, chớ không phải David.
Vì vậy David và Abishai đã lấy "cây giáo và bình nước" cạnh đầu giường của Saulơ rồi đi ngang qua số binh lính đang ngủ mê và “hai người đi”.
Hãy chú ý thật đặc biệt mệnh đề cuối của câu 12: "hết thảy ngủ, vì Đức Giê-hô-va đã khiến sự ngủ mê giáng trên chúng nó". David nghĩ chàng rất tốt, rất khéo léo và lén lút mà chẳng biết rằng Đức Chúa Trời đã gây mê toàn bộ trại quân theo cách siêu nhiên! Họ không phải lén lút vào đó. Họ đã đi qua lại giữa những tên lính ngủ mê và buồng phổi họ không phải hít lấy hít để mà vẫn tuyệt đối được an ninh. Không một điều gì đã xảy đến cho họ trong trại quân đó. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã có những con đường hẹp tránh thoát hay một cú gọi hoặc hoàn thành việc chi đó thật kỳ diệu mà chẳng biết rằng Đức Chúa Trời đang tể trị từng chi tiết?
Đức Chúa Trời đã để cho David cơ hội giết chết Saulơ và giây phút chàng ra khỏi nơi đó. Đức Chúa Trời sẽ để cho chúng ta bất chấp Lời của Ngài, loạn nghịch bước theo con đường riêng của mình rồi làm theo ý riêng của chúng ta. Chúa đang thử nghiệm thực tại sự David ăn năn và dạy dỗ cho nhà vua tương lai biết tin cậy Ngài.
III. Đối mặt công khai với Saulơ (các câu 13-25).
A. David trách cứ Ápne (các câu 13-16).
Câu 13 chép rằng David khi ấy "sang qua bên kia, dừng lại tại trên chót núi, xa trại quân. có một khoảng xa cách nhau". David khôn khéo muốn có một khoảng cách giữa mình với quân lính Israel trước khi tỉnh thức họ. Chàng muốn ở trong một tầm thước an ninh.
Có lẽ trong khi trời còn tối hay trước lúc trời chạng vạng tối, chàng đã "gọi quân lính với Ápne, con trai Nêrơ". Chàng không ngụ ý nói với Saulơ nhưng nói với vị tướng lãnh và lực lượng ba ngàn tinh binh đã được dự trù lo bảo hộ cho nhà vua. Chàng nói: "Ápne, ngươi chẳng đáp lời sao?"
Tình trạng mê ngủ siêu nhiên bắt đầu phủ lên số binh lính còn say ngủ nầy. Họ đang nghe một giọng nói lạ đang nói với vị tướng lãnh của họ. Ngay khi đó, vị tướng lãnh đáp lại giọng nói trong bóng tối kia: "Ngươi là ai mà kêu la cùng vua?" David đáp lại với giọng châm chọc:
"Nào, ngươi [nói cách khác: ‘ta không nói với nhà vua, ta đang nói với ngươi!’] há chẳng phải là một dõng-sỉ sao? Trong Y-sơ-ra-ên ai bằng ngươi? Vậy, sao ngươi không canh giữ vua, là chúa của ngươi? Có kẻ trong dân sự đã đến muốn giết vua chúa ngươi. Điều ngươi đã làm đó chẳng tốt đâu. Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, ngươi đáng chết, vì không canh giữ chúa ngươi, là đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. Bây giờ, hãy xem thử, cây giáo của vua và bình nước nơi đầu giường vua ở đâu?"
Quí vị có thể nhìn thấy Ápne cùng các vệ sĩ hoàng gia khác đang xáo trộn bươn đi tìm kiếm mũi giáo và bình nước của Saulơ không thấy có ở đó? Họ bắt đầu tỉnh thức, sửng sốt và mất phương hướng. Theo luật pháp Môise, Ápne và toàn bộ lực lượng đặc nhiệm đã phạm lỗi đáng bị trừng phạt bởi án tử hình vì họ đã thất bại không bảo vệ được mạng sống của nhà vua. Họ đã run sợ khi nghe thấy những gì Saulơ sẽ nói.
B. David thắc mắc Saulơ (các câu 17-20).
Saulơ giờ đây đã choàng tỉnh. Ông ta nghe thấy cuộc đối đáp của Ápne với giọng nói từ trong bóng tối và ông ta  "nhận biết" hoặc công nhận rằng đó là "tiếng của David". Ông ta gào lên: "Hỡi David, con ta, có phải tiếng con chăng?" David đáp ngay: "Hỡi vua chúa tôi, ấy là tiếng tôi".
David lại hỏi: "Cớ sao chúa đuổi theo tôi tớ chúa như vậy? Tôi có làm điều gì, và tay tôi đã phạm tội ác chi?" (câu 18). Chàng đang chỉ ra sự thật là Saulơ đang truy đuổi chàng vì một trong hai lý do.
Thứ nhứt, có thể chàng đã phạm tội và Đức Chúa Trời đang dùng Saulơ truy đuổi chàng. Chàng nói: "Bây giờ, xin vua hãy lắng nghe lời của tôi tớ vua. Nếu Đức Giê-hô-va xui-giục vua hại tôi, nguyện Ngài nhậm mùi thơm của lễ" (câu 19a). Nói cách khác, nếu có tội lỗi nào nơi David đến nỗi giục giã Đức Chúa Trời “khuấy khuất” Saulơ theo đuổi chàng, mọi sự Saulơ cần phải làm là nói cho David biết đâu là tội lỗi để chàng dâng một của lễ hay một “của dâng” cho Đức Giêhôva hầu chuộc lại tội lỗi của mình. Saulơ khi ấy có thể trở về nhà và David sẽ được tự do và được tha tội.
Thứ hai, có thể người khác đã vu cáo lầm David. Chàng nói: "nhưng nếu là loài người, nguyện chúng bị rủa sả trước mặt Đức Giê-hô-va; vì ngày nay chúng đuổi tôi đi khỏi chỗ dành cho tôi trong sản nghiệp của Đức Giê-hô-va, và chúng nói rằng: Hãy đi, thờ tà thần" (câu 19b).
Đây là một câu nói đáng kinh ngạc: "khỏi chỗ dành cho tôi trong sản nghiệp của Đức Giêhôva" vì người Do thái đã được định cho phải kiều ngụ trong đất Israel, là Đất Hứa. Sản nghiệp, phước hạnh của Chúa được gắn chặt với vùng đất đó. Họ đang buộc David phải rời khỏi xứ. Thí dụ, sau sự Sa Ngã, Ađam và Êva bị đuổi ra khỏi vườn Êđen, họ phải rời khỏi nơi tương giao và phước hạnh.
Về sau, khi Giacốp đi trốn anh mình là Êsau, chàng đã mơ thấy một cái thang bắc từ đất lên trời, trên đó các thiên sứ đi lên đi xuống. Khi Gia cốp tỉnh giấc rồi, chàng nói: "Thật Đức Giê-hô-va hiện có trong nơi đây mà tôi không biết! Người bắt sợ và nói rằng: Chốn nầy đáng kinh khủng thay, thật là đền Đức Chúa Trời, thật là cửa của trời!" (Sáng thế ký 28.16-17). Giacốp vốn hiểu rõ rằng xứ Canaan là một nơi rất đặc biệt, một nơi mà ở đó đất đụng trời. Giống như Đức Chúa Trời đã chọn một dân đặc biệt, Ngài đã chọn một nơi thật đặc biệt cho họ để sinh sống.
Mặc dù Giacốp sống phần đời của mình tại Ai cập rồi qua đời ở đó, ông đã được chôn trong xứ Israel. Giôsép đã truyền cho dân sự phải lấy hài cốt mình về khi họ quay trở về đất hứa.
Trong sách Rutơ, khi chồng của Naômi cùng hai người con trai qua đời tại xứ Môáp, bà muốn trở về lại xứ  Israel. Khi con dâu bà là Rutơ muốn cùng đi với bà, Naômi đã nói: "Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi". Nhưng Rutơ đã đáp: "Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi" (Rutơ 1.15-16). Trong lý trí của họ, được ở trong đất hứa là kế tự mọi lời hứa của Đức Giêhôva, còn bị dời ra khỏi đất hứa thì chỉ có nghĩa là đi hầu việc tà thần.
Trong II Các Vua 5, khi Naaman, người Syri đã được chữa lành và được biến đổi trong xứ Israel trở về lại xứ Syri, ông ta đã nói với tiên tri Êlisê: "…tôi xin ông cho phép người ta ban cho kẻ tôi tớ ông đủ đất bằng hai con la chở nổi vì từ rày về sau, kẻ tôi tớ ông chẳng muốn dâng của lễ thiêu hay là tế lễ cho cho thần nào khác hơn là Đức Giê-hô-va" (II Các Vua 5.17). Ông ta không nghĩ ông ta có thể dâng của lễ cho Đức Chúa Trời trừ phi ông ta có đủ đất bằng hai con la chở về từ xứ Israel.
Khi dân sự của Đức Chúa Trời bị đưa đi làm phu tù trong đất Babylôn, họ đã cảm thấy như bị dời đi khỏi Đức Chúa Trời vì họ bị dời đi ra khỏi xứ của họ. Hãy lắng nghe tiếng than thở của họ từ Thi thiên 137.1-6:
“Chúng tôi đương ngồi trên mé sông Ba-by-lôn, bèn nhớ lại Si-ôn, và khóc. Chúng tôi treo đờn cầm chúng tôi trên cây dương-liễu của sông ấy. Vì ở đó những kẻ bắt chúng tôi làm phu tù, có biểu chúng tôi hát xướng; Kẻ cướp giựt chúng tôi có đòi chúng tôi hát mừng, mà rằng: Hãy hát cho chúng ta một bài ca của Si-ôn. Trên đất ngoại bang, chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va? Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi! Nếu ta không nhớ đến ngươi, chẳng thích Giê-ru-sa-lem hơn sự vui vẻ nhất của ta, nguyện lưỡi ta dính nơi ổ-gà!”
Quí vị có thể thấy lý do tại sao David gắn bó với xứ sở như thế. Nhiều người khác đến nói với Saulơ phải truy đuổi chàng và khi làm như thế họ đang đẩy chàng ra khỏi xứ và giữ chàng không nhận được "phần sản nghiệp của Đức Giêhôva". Họ đã nói: "Hãy đi, thờ tà thần".
David cứ nói: "Ôi, nguyện huyết tôi chớ chảy ra trên đất". Chàng lại nói nữa rằng vua của Israel đã đi ra đặng tìm giết một con “bọ chét”. Chàng nói Saulơ giống như một người kia "đang đuổi theo chim đa đa trên núi vậy". Loài chim đa đa trong xứ Israel ngày xưa đóng ổ với nhau giống như chim cút vậy. Chúng không bay, mà chạy đi trốn các loài dã thú săn đuổi chúng. Dân Israel đã săn chúng ngoài đồng ruộng, ở đó chúng sẽ bị truy đuổi cho tới chừng nào chúng kiệt sức và rồi người ta đập chúng chết bằng những cây gậy. Saulơ chẳng có lý do gì chính đáng mà chỉ lo chạy lên chạy xuống những dãy núi, không phải lo săn một bầy gà gô mà chỉ lo săn một con chim đa đa đơn độc khó bắt.
C. Saulơ một lần nữa xưng tội trước mặt David (các câu 21-25).
Ông ta nói: "Ta có phạm tội; hỡi Đa-vít, con ta, hãy trở lại! Ta sẽ chẳng làm hại cho con nữa, vì ngày nay, con đã kính nể mạng sống ta. Thật, ta đã làm điên cuồng, phạm một lỗi rất trọng".
David đã yêu cầu một người từ trại quân  Saulơ chạy qua để chàng gửi trả lại "cây giáo của vua". Chàng không có ý muốn giữ cây giáo đó. Chàng không có dự tính giữ lấy cây trượng của vương quốc cho tới chừng Đức Chúa Trời ban nó cho chàng. Chàng muốn chỉ ra chàng có được nó thật là dễ dàng. Chàng nói:
"Đức Giê-hô-va sẽ báo trả cho mọi người tùy theo sự công bình và trung tín của người; vì ngày nay Ngài đã phó vua vào tay tôi, mà tôi không khứng tra tay vào đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. Ngày nay, tôi lấy mạng sống vua làm quí trọng thế nào, thì Đức Giê-hô-va cũng sẽ lấy mạng sống tôi làm quí trọng thể ấy, và giải cứu tôi khỏi các hoạn nạn [chàng nhận biết Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị, chớ không phải Saulơ]".
Saulơ đáp: "Hỡi Đa-vít, con ta, nguyện con được phước! Quả thật, con sẽ làm công việc lớn lao và được thắng hơn". Hãy chú ý "Đa-vít cứ đi lối mình" còn "Sau-lơ trở về nơi người". David đã khôn ngoan đủ không đặt quá nhiều sự tin cậy nơi các sự hứa hẹn của Saulơ.
IV. Những bài học sau cùng về sự ăn năn thật.
· Sự ăn năn thật, là cần thiết cho một mối quan hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu phán: "… song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy" (Luca 13.3, 5). Muốn được cứu, muốn được sanh lại, muốn kiếm được thiên đàng và tránh được địa ngục, chúng ta phải ăn năn về mọi tội lỗi của mình. Chúng ta phải xây khỏi mọi ham muốn tư kỷ rồi nhơn đức tin hướng về Chúa Giêxu. Tin theo Chúa Giêxu chưa phải là đủ, sứ điệp của Tin lành kêu gọi chúng ta phải ăn năn mọi tội lỗi của mình.
· Sự ăn năn thật, còn hơn cả sự xưng tội nữa. Ngay sau khi được cứu, khi Đức Thánh Linh chỉ ra tội lỗi trong đời sống chúng ta, chúng ta phải giữ sự ăn năn và xây khỏi tội lỗi đó. Phải, chúng ta phải xưng ra tội lỗi đó. Chúng ta phải nói với Đức Chúa Trời rằng chúng ta lấy làm tiếc. Nhưng sự ăn năn còn phải hơn cả sự lấy làm tiếc đó nữa. Saulơ đã lấy làm tiếc, nhưng ông ta cứ tiếp tục tìm cách giết David. Sự ăn năn thật, không những là lấy làm tiếc vì cớ tội lỗi, mà còn phải xây khỏi tội lỗi mà hướng về sự công bình.
· Sự ăn năn thật, tiếp tục nói “không” với chính những sự cám dỗ. Điều chi đang cám dỗ quí vị thế? Rượu chè chăng? Ma túy? Thuốc lá? Khiêu dâm? Ngồi lê đôi mách? Tham lam? Những tật xấu khác đang cám dỗ người khác. Sự thật cho thấy rằng bất cứ điều chi đã cám dỗ quí vị giờ đây có lẽ đang cám dỗ quí vị trong phần đời còn lại. Sự ăn năn thật không nói “không” cho hôm nay rồi nói “có” cho ngày mai. Nếu quí vị thực sự ăn năn, quí vị cứ giữ việc nói: "không" thật nhiều lần hơn nữa.
· Sự ăn năn thật, đưa chúng ta quay trở lại nơi có sự tương giao với Đức Chúa Trời. Hãy nhớ David và những người Do thái khác đã gắn bó thể nào với Đất Hứa. Bị đuổi ra khỏi đất ấy trong lý trí của họ thì y như là hầu việc tà thần. Theo ánh sáng của kỷ nguyên ân điển của Tân Ước, chúng ta không nhất thiết phải gắn bó với vị trí về mặt địa lý. Trong sự cứu rỗi, về mặt địa vị chúng ta được đặt để "trong Đấng Christ""trong Đấng Christ" chúng ta được phước với "từng phước hạnh thuộc linh" (Êphêsô 1.3). Chúng ta đã được bảo đảm cho đến đời đời. Không có gì có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Ngài (Roma 8). Ngài giữ chúng ta trong tay Ngài (Giăng 10.28-29). Mặc dù sự cứu rỗi chúng ta đã được bảo đảm, mặc dù Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta vô điều kiện, mặc dù Ngài giữ chặt chúng ta và sẽ không quên chúng ta, đôi khi chúng ta lại quên Ngài. Đôi khi chúng ta chọn đi theo đường riêng mình và làm theo ý riêng mình. Đức Chúa Trời để cho chúng ta cứ đi. Khi chúng ta phạm lỗi lầm đủ, chúng ta nên ăn năn tội lỗi của mình rồi quay trở lại với Ngài. Khi chúng ta làm theo như thế, chúng ta sẽ được phục hồi. Mối quan hệ với Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thay đổi, song mối tương giao có thể bị cắt đứt và có thể tìm lại được. Sự ăn năn chân chính về nghĩa bóng, nó đưa chúng ta trở lại với đất hứa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét