Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Bài 26: II Samuên 14-16: "Bão Lốc Vẫn Còn Thổi"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Bão lốc vẫn còn thổi
II Samuên 14-16

Tuần qua, tôi đã chia sẻ một sứ điệp mà tôi đặt đề tựa là Gặt lấy bão lốc. Tôi lấy đề tựa ấy từ Ôsê 8.7, câu nầy nói tới những kết quả của tội lỗi Israel như sau: "Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc"." Tuần vừa qua chúng ta đã nghiên cứu qua một số hậu quả  tội lỗi của Vua David. Khi chúng ta tiếp tục trong sách II Samuên, chúng ta nhìn thấy thêm những hậu quả nữa, vì vậy tôi đặt đề tựa cho sứ điệp nầy là “Bão lốc vẫn còn thổi”. Không một ai, thậm chí cả David, nhà vua vĩ đại của Israel cũng không tránh thoát khỏi tội lỗi. Galati 6.7-8 chép:
“Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời”.
Đừng dối mình. Đừng lừa phỉnh mình mà chi. Mặc dù Đức Chúa Trời bởi ân điển tha thứ tội lỗi của quí vị, quí vị vẫn sẽ gặt lấy mọi hậu quả của tội lỗi mình. Chúng tôi muốn nói quí vị thức dậy không phải bên mép giường của mình. Có thể quí vị không ngủ được. Có thể quí vị cảm thấy không được khoẻ. Bất luận là lý do nào, quí vị đang quanh co rồi. Quí vị đang tranh cãi với người bạn đời của mình. Quí vị đang ở trong chỗ dại dột. Quí vị nhảy ra phía sau bánh xe hơi rồi tỏ thái độ giận dữ với người bạn đời của mình. Quí vị bị quẫn do giận dữ đến nỗi quí vị chạy luôn cả đèn đỏ rồi lọt vào một tai nạn nhỏ. Quí vị nhận ra mình thật là dại dột. Quí vị nhìn thấy tội lỗi tư kỷ của mình đã dẫn mình lọt vào chỗ nầy. Quí vị xưng tội và ăn năn trước mặt Chúa. Quí vị xin lỗi người bạn đời của mình. Quí vị tìm được sự tha thứ và phục hồi. Tội lỗi bị gạt ra phía sau lưng quí vị. Tuy nhiên, vẫn còn có những hậu quả phải mang lấy. Quí vị phải nộp án phí lưu thông. Quí vị phải nộp bảo hiểm khấu trừ phần thiệt hại cho cả hai chiếc xe. Tỉ lệ bảo hiểm chiếc xe của quí vị có lẽ sẽ cao lên. Quí vị phải thi lại bằng lái. Ngay cả tội lỗi đã được tha, mọi hậu quả vẫn cứ phát sinh.
Một lần nữa, Galati 6 chép: " vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát". Sự hư nát, chúng ta đã học biết rồi, có nghĩa là "con đường chết chóc". Khi chúng ta cố ý, khăng khăng chống nghịch Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ gặt lấy "sự hư nát" trong đời sống chúng ta. Nhưng hãy chú ý rằng chúng ta gặt đúng những gì chúng ta gieo ra và chúng ta gặt nhiều hơn chúng ta gieo nữa. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đúng theo những gì chúng ta mong muốn.
Khi tôi khoảng 10 tuổi, tôi có một người bạn tốt, nó cứ tưởng khi hút thuốc thì chẳng có sao hết. Nó muốn giống như "người hùng Marlboro". Không cứ cách nào đó, nó có được một gói thuốc và rồi hút lấy hút để. Nó lén lút hút hết điếu nầy đến điếu khác. Một ngày kia, bố nó bắt gặp nó đang hút thuốc. Người cha khôn ngoan của nó nói: "Con ơi, nếu con nghĩ thuốc lá là tốt, bố sẽ để cho con hút nó… nhưng nếu con không đốt thuốc lá nữa, con sẽ ăn nó đấy". Thật y như thế cho hôm nay, song bố của bạn tôi đã khiến nó phải ăn hết phần còn lại của gói thuốc đó. Nó ngã bịnh! Nhưng mục tiêu đã rõ ràng. Kể từ hôm ấy cho đến nay, nó không bao giờ đụng đến một điếu thuốc lá nữa.
Theo một ý nghĩa, Đức Chúa Trời đang khiến cho David phải ăn ngốn những điếu thuốc lá. Ngài đã để cho ông gặt lấy những điều mà ông đã gieo ra. David đã gieo ra tư dục, giết người và dối gạt. Ông đã thèm khát Bátsêba. Ông tiếp tục phạm tội tà dâm với nàng. Khi chồng nàng không chịu cộng tác, David đã cho người giết ông ta. Trong đúng một năm tròn, ông đã cố gắng dối gạt cả nước và Đức Giêhôva bằng cách che đậy mọi tội ác của mình. Giờ đây các hột giống đó đã lú mầm ra. David đang gặt lấy một mùa vụ tư dục, giết người và dối gạt. Tuần vừa qua, chúng ta đã nhìn thấy thể nào con trưởng nam của David, Amnôn đã thèm khát và thậm chí đã cưỡng hiếp Tama em gái cùng cha khác mẹ với mình. Anh ruột của Tama, Ápsalôm đã chờ đợi hai năm trời trông David phải làm một việc gì đó phải làm. Khi nhà Vua không làm chi hết, Ápsalôm đã giết Amnôn. David đã gieo ra tư dục và gặt lấy tư dục. Ông đã gieo ra giết người và đã gặt lấy giết người. David cũng gieo ra sự dối gạt nữa. Hôm nay chúng ta sẽ nhìn thấy thể nào con trai của David là Ápsalôm sẽ mưu định dối gạt cha mình rồi đoạt lấy ngai vàng khỏi ông cho xem.
Trong chương 14, chúng ta sẽ xem xét sự trở về từ cuộc lưu đày của Ápsalôm. Từ chương 15 và một các câu khác trong chương 16 chúng ta sẽ xem xét sự chàng được dấy lên đỉnh quyền lực. Kế đó chúng ta sẽ xem xét một số lẽ thật thực tế để ứng dụng.
I. Ápsalôm trở về Jerusalem (14.1-33).
· Sự được lòng người của Ápsalôm (14.25-27).
         Tôi muốn bỏ qua một khúc trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta và đặt ra bối cảnh cho các sự cố mà chúng ta sẽ tiếp thu trong một phút. Ở các câu 25-27 trong chương 14 và chúng ta hãy học biết đôi chút về sự Ápsalôm được tôn tặng trong Israel.
         Thứ nhứt, Ápsalôm là một người rất ĐẸP TRAI. Câu 25 chép: "Vả, trong cả Y-sơ-ra-ên chẳng có một người nào được khen chuộng về nhan sắc mình như Áp-sa-lôm; nơi mình người, từ bàn chơn cho đến chót đầu, chẳng có tì vít gì hết". Thưa quí bà, chàng thanh niên nầy là một người đờn ông rất lực lưỡng. Chàng có đôi mắt rất sắc nét, một chiếc mũi rất trọn vẹn và hai hàm răng trắng như ngọc vậy. Màu da của chàng bóng láng và được che phủ bởi các bắp thịt rắn chắc. Quí vị có thể đi khắp cả xứ và không tìm thấy một người nào trông tốt đẹp hơn Ápsalôm đâu. Còn mái tóc ư? Tôi đã nhắc tới mái tóc chưa? Hãy chú ý câu 26. Câu nầy nói rằng chàng "hớt tóc mình mỗi năm vì nặng làm cho bất tiện". Khi chàng cắt mái tóc, nó cân nặng "hai trăm siếc lơ" gần một cân Anh tóc! Tóc của đờn ông rất quan trọng trong xã hội Hêbơrơ. Họ để tóc dài vì tóc là biểu tượng cho sức mạnh và tính kiên quyết của họ. Mục đích là, Ápsalôm đẹp đến nỗi dân chúng "khen chuộng" chàng và rất ưa thích chàng.
         Thứ hai, Ápsalôm cũng là người CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT. Câu 27 chép: "Áp-sa-lôm sanh ba con trai và một con gái, tên là Ta-ma; nàng là người nữ rất lịch sự". Ápsalôm đã lấy tên em gái mà đặt cho con mình. Em gái của chàng đã bị Amnôn cưỡng hiếp. Ápsalôm đã đem Tama về nhà và để cho Tama sống chung với mình. Giờ đây, còn chi là vinh dự lớn lao hơn cho người em gái của Ápsalôm khi lấy tên nàng mà đặt cho con gái mình? Dân chúng đã nhìn thấy điều nầy và đã tin Ápsalôm là một người đờn ông dịu dàng có lòng thương xót.
         Thứ ba, Ápsalôm rất CAN ĐẢM. David đã làm gì khi biết rõ vụ Tama bị cưỡng hiếp? 13.21 chép: "Vua bèn giận lắm". Ông đã nổi giận song lại chẳng làm chi hết. Ápsalôm đã chờ trọn hai năm để rồi chàng phải làm một việc. Chàng đã tìm cách báo thù và giết Amnôn tại một bữa tiệc hớt lông chiên. Dân chúng trong xã hội thời ấy đánh giá cao quan niệm báo thù. Theo luật pháp, Đức Chúa Trời đã lập một điều khoản cho "kẻ báo thù huyết" tìm cách bắt kẻ giết người phải thường mạng. Dân chúng đã nhìn thấy David chẳng làm một việc gì hết. Họ cũng nhìn thấy thể nào Ápsalôm dạn dĩ bước tới và đòi sự công bình. Nếu có trưng cầu dân ý trong thời buổi ấy, số phiếu của Ápsalôm sẽ ngập cao hơn cả mái nhà!
· Người đờn bà Thê-cô-a (14.1-24).
         Giờ đây chúng ta hãy quay trở lại với phần mở đầu của chương 14. Chương 13 kết thúc với Ápsalôm bỏ trốn sang nhà ông ngoại ở xứ Ghêsurơ sau khi chàng giết Amnôn. Chàng ở đó chịu cảnh lưu đày trong "ba năm". Trong suốt thời gian đó, sự chàng được lòng người giữa vòng dân sự đang được kiến thiết. Người Do thái rất đồng cảm với chàng và họ muốn người kế tự phải quay trở lại với gia đình. Ápsalôm mong muốn quay trở về. Chàng là người kế tiếp trong gia đình sẽ kế tự ngai vàng và quí vị không thể trở thành vua nếu quí vị đang ở trong cảnh lưu đày. Đấy là lý do tại sao tôi nghĩ Ápsalôm đang có mặt ở đàng sau mọi hành động của Giôáp trong chương nầy là điều khả thi.
         Giôáp, quan tổng binh biết rõ David đang "hướng" về Ápsalôm vì vậy ông đã sai một "người đờn bà khôn khéo", một người đờn bà rất xảo quyệt đến từ "Thêcôa" để thăm viếng nhà vua. Ông ta bảo người đờn bà nầy "làm bộ có tang""có dáng một người đờn bà đã từ lâu ngày khóc một kẻ chết", Khi ấy Giôáp "bèn để trong miệng nàng các lời nàng phải nói", ông bảo nàng mọi điều mà nàng dự định phải nói cùng David.
         Đây là một cuộc đối đáp rất lâu, rất chi tiết, vì vậy cho phép tôi có thì giờ để tóm tắt sự đối đáp đó. Người đờn bà Thê-cô-a gặp nhà vua như một khán giả rồi trình ra trường hợp của mình. Bà ta "đi đến cùng vua", sấp mình xuống đất mà lạy, rồi tâu rằng: "Lạy Vua, xin cứu tôi!" Bà ta nói cho vua biết rằng bà ta là "goá bụa" với "hai con trai". Hai người trai trẻ nầy đã đánh nhau như anh em thường tình. Chúng đánh lộn ở "ngoài đồng""không ai can". Buồn thay, đứa nầy đánh chết đứa kia. Cả gia đình giờ đây muốn đứa còn sống phải chịu xử tử. Người đờn bà nói: "Vậy, chúng toan tắt đóm lửa còn tại cho tôi, không để cho chồng tôi hoặc danh, hoặc dòng dõi gì trên mặt đất" (các câu 6-7).
         David đáp: "Hãy trở về nhà ngươi; ta sẽ truyền lịnh về việc ngươi". Nói cách khác: "Hãy để cho ta yên và hãy để ta suy nghĩ về trường hợp nầy".
         Hãy chú ý lời đáp rất tinh ranh của bà ta trong câu 9: "Lạy vua chúa tôi, nguyện lỗi đổ lại trên tôi và trên nhà cha tôi, nguyện vua và ngôi vua không can dự đến!" Về mặt cơ bản, bà ta đang nói: "Tôi hiểu. Vua không muốn dính dáng vào. Tôi nhận lỗi. Tôi sẽ hết mình lo liệu như tôi có thể. Vua rửa tay vua về mớ hỗn độn nầy".
         Câu nói nầy làm cho David phải quặn đau, vì vậy ông mới hứa giúp đỡ theo cách nầy. Nếu có ai làm rắc rối bà ta hoặc dấy lên một nan đề về việc nầy, nhà vua nói: "Nếu có ai hăm dọa ngươi nữa, hãy dẫn nó đến ta" (câu 10).
         Như thế vẫn chưa phải là đủ. Bà ta còn nhắc cho vua nhớ đến điều luật "kẻ báo thù huyết" rồi nài xin một quyết  định về sự an ninh cho con trai mình. David dịu lại rồi nói: "Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề rằng, một sợi tóc sẽ chẳng rụng xuống khỏi đầu của con trai ngươi!" (câu 11).
         Người đờn bà Thê-cô-a khi ấy mới chỉ cho vua David thấy tình trạng mâu thẫn của vua. Bà ta hỏi: "Vậy thì sao đối cùng dân sự của Đức Chúa Trời, vua chẳng đoán xét đồng một thể? Vua phán lời đó giống như kẻ có tội, vì vua không đòi về đứa con trai mà vua đã đày đi". Nói cách khác: "Nếu vua cho phép con trai tôi được tự do và dân Israel đang trông mong Ápsalôm, sao vua lại cứng lòng không chịu để cho chàng trở về nhà như thế chứ?"
         Khi ấy David mới nhận thức được câu chuyện. Câu chuyện nầy là một sự nhắc nhớ câu chuyện nổi tiếng của Nathan: "Vua là người đó". Ông nghĩ ngay tới Giôáp đang đứng ở đàng sau câu chuyện nầy và bà ta nhìn nhận sự thực đó. Khi ấy Giôáp mới bị triệu vào và nhà vua nói: "Vậy vì ngươi đã làm việc nầy, hãy đi đòi gã trai trẻ Áp-sa-lôm trở về". Tuy nhiên, David đã thêm một điều khoản nầy: "Nó phải ở trong nhà nó, chớ ra mặt trước mặt ta". Ápsalôm vẫn còn là một kẻ giết người và chàng phải bị nhốt ở trong nhà. Tôi nghĩ chàng chẳng được phép đi đâu hết.
· Đồng ruộng Giôáp bị đốt cháy (14.28-33).
         Khi chúng ta nhảy tới câu 28, chúng ta thấy Ápsalôm cứ tiếp tục bị nhốt ở trong nhà "hai năm" và trong suốt thời gian đó "không ra mắt vua". Mặc dù chàng đã bị cách ly, chẳng có một ngày lễ lộc gia đình nào hết, không có tiệc tùng sinh nhật nào hết, ngay cả không được đi thăm viếng mấy đứa cháu. Ápsalôm đã nổi giận và David cứ vờ đi như thể chàng không có trên đời vậy.
         Sau hai mươi bốn tháng sống như vậy, Ápsalôm quyết định hành động. Chàng "đòi Giô-áp đặng sai người đi đến cùng vua", nhưng vị tướng lãnh không đếm xỉa đến. Ápsalôm tìm cách "lần thứ nhì" nhưng Giôáp chẳng để ý tới. Bây giờ chàng nổi giận và thậm chí quyết định đưa một sứ điệp đến với cha mình. Giôáp có một thửa ruộng kế ruộng của Ápsalôm, vì vậy chàng sai các tôi tớ mình đến đốt ruộng của Giôáp.
         Lần nầy Giôáp lật đật chạy đến. Ápsalôm bảo ông ta đến gặp vua David với câu hỏi nầy. "Tôi đã ở Ghê-su-rơ trở về làm chi? Thà tôi còn ở đó thì hơn". Chàng nói với Giôáp: "Vậy bây giờ, tôi muốn ra mắt vua; ví bằng tôi có tội ác gì, xin vua hãy giết tôi đi". Nói cách khác: "Nếu vua nghĩ mọi điều tôi đã làm là sai, hãy đến giết tôi đi vì tôi đã lấy làm mệt mỏi khi phải sống như thế nầy rồi".
         Giôáp đem sứ điệp đến cho David và nhà vua dịu lại trong sự cấm đoán đối với Ápsalôm. Chương 14 kết thúc với sự gặp gỡ của họ vào lúc sau cùng. Người con trai lạc lối "vào đền vua, sấp mình xuống trước mặt vua, và vua hôn Áp-sa-lôm". Đứa con đi hoang sau cùng đã trở về nhà.
II. Sự Ápsalôm dấy lên nắm lấy quyền lực (15.1-12; 16.20-23).
David là một chiến binh tinh nhuệ và là một vì vua lỗi lạc, nhưng lại là một người cha tồi tệ.Với nhiều vợ và hầu, gia đình ông thường ở trong cảnh lộn xộn, bầy con tranh nhau muốn được ông chú ý và tình cảm của ông. Tôi nghĩ Ápsalôm đã lớn lên với thái độ xem thường cha mình. Chàng nhìn thấy những điều trước sau không như một của ông. Chàng biết rõ câu chuyện thực nằm ở đàng sau mối quan hệ của vua với Bátsêba. Chàng đã giận dữ khi thấy David không xử phạt Amnôn. Chàng cảm thấy mình bị phản bội vì chàng đã ở trong xứ Ghêsurơ những 3 năm trời. Chàng càng cay đắng thêm nữa sau hai năm bị nhốt ở trong nhà. Tôi nghĩ nổ lực của chàng về mặt tình cảm ở cuối chương 14 là một trò chơi đấy thôi. Chàng đã mưu tính đoạt lấy ngai vàng của cha mình rồi.
Có lẽ ao ước được làm vua đã tác động Ápsalôm từ lâu. Amnôn là con trưởng nam. Ki-lê-áp con thứ hai dường như đã qua đời. Ápsalôm là con thứ ba. Có thể vụ giết Amnôn không những là một hành động báo thù cho Tama, mà cũng là một nổ lực dọn đường cho Ápsalôm lên ngôi. Giờ đây chàng đã trở về lại thành Jerusalem, không một điều gì có thể ngăn cản chàng nữa. Thái độ ghét bỏ cha mình nơi Ápsalôm sẽ lộ ra trong 3 hình thái: thủ đoạn chính trị, dối gạt cá nhânsỉ nhục công khai.
· Thủ đoạn chính trị (15.1-6).
         Chương 14 kết thúc với Ápsalôm được tự do không còn bị nhốt trong nhà nữa. Giờ đây chàng có thể đến rồi đi theo như chàng muốn. Vậy thì việc đầu tiên chàng làm là việc gì? Câu 1 chép: "Ápsalôm sắm xe và ngựa với năm mươi quân chạy trước mặt mình".
         Chàng không những đã thản nhiên đi khắp nơi trong thành. Từng hành vi của chàng đều có một tác động to lớn. Mặc dù chưa phải là vua, Ápsalôm đã hành động giống như một vì vua vậy. Chàng còn có thêm "xe và ngựa" nữa. Xe ngựa trong tư tưởng của Kinh Thánh là những biểu tượng của chiến tranh. Thi thiên 20.7 chép: "Kẻ nầy nhờ cậy xe cộ, kẻ khác nhờ cậy ngựa, nhưng chúng tôi nhờ cậy danh Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời chúng tôi". Còn la hay lừa là những biểu tượng cho hoà bình. Các vương tử đã cỡi lừa (13.29). Ngay cả Chúa Jêsus đã vào thành Jerusalem trên lưng một con lừa. Với các xe và ngựa nầy, Ápsalôm muốn đưa ra một lời phát biểu. Chàng muốn đưa ra một hình ảnh nổi bật. Chàng muốn được người ta coi mình là con người của quyền lực, một người đáng kể vì vậy chàng đã sắm xe, ngựa và những quân lính chạy trước mặt mình.
         Câu 2 chép rằng chàng cũng đã "dậy sớm, đứng nơi mé đường vào cửa thành". Hai cánh cỗng của cổ thành rất là quan trọng. Công việc làm ăn được sắp xếp và mọi tranh chấp đều được xử lý tại cỗng thành. Các trưởng lão và những vị lãnh đạo của thành phố thường ngồi tại cỗng để quyết định các vấn đề thuộc dân sự. Nếu vấn đề nào quá khó khăn hay quá quan trọng phải đưa vào cho nhà vua để lấy quyết định.
         Ápsalôm dường như đã tự đặt mình ở ngoài cỗng thành giống như chàng đã có một chức vụ quan trọng ở đó vậy. Khi nào có ai đến với một vụ "kiện thưa" chi đó, chàng sẽ chào hỏi vui vẻ với người ấy: "Người ở thành nào?" Chàng đang kiến tạo một khu vực bầu cử trải thảm từ tất cả các thành phố, các khu vực trong xứ Israel. Khi ấy giống như bây giờ, ai nấy đều phàn nàn về hệ thống luật pháp. Ápsalôm sẽ nói cho họ biết mọi sự tình của họ đều là "phải và công bình" và rồi than phiền: "Ồ! chớ chi người ta lập ta làm quan xét trong xứ! Phàm người nào có việc tranh tụng hay kiện cáo gì cần đoán xét, sẽ đến ta, thì ta sẽ xử đoán công bình cho họ" (câu 4).
         Câu 5 chép rằng khi dân sự đến với Ápsalôm họ đã "lạy" với sự tôn kính chàng là vương tử của vua. Khi ấy chàng sẽ "giơ tay ra đỡ lấy người và hôn". Hãy nói về việc hôn các con trẻ! Ápsalôm là nhà chính trị rất có tài. Chàng đã tự tỏ mình ra cho người ta thấy mình là người của mọi người. Ai nấy đều có ấn tượng. Ai nấy đều yêu thích con người đẹp trai, có lòng thương xót và can đảm nầy. Câu 6 tóm tắt lại thủ đoạn chính trị khi chép như sau: "Áp-sa-lôm dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên vậy".
· Dối gạt cá nhân (15.7-12).
         Câu 7 nhắc rằng "bốn năm" đã trôi qua. Hầu hết những ai nghiên cứu Kinh Thánh đều chỉ ra rằng phần dịch thuật thích hợp sẽ là "bốn năm" khi "bốn mươi" sẽ không phù hợp với văn mạch. Vì vậy trong bốn năm, Ápsalôm đã kiến tạo cho mình bộ máy chính trị. Giờ đây mọi sự đương ở đúng vị trí của nó. Chàng đã sẵn sàng cho hành động táo bạo của mình. Chàng đã sẵn sàng để hất cha mình ra khỏi ngai vàng.
         Để thực thi bước kế tiếp, chàng cần phải rời khỏi thành Jerusalem. Chàng nói cho David biết một câu chuyện (được dàn dựng ra), ấy là trong khi chàng sống trong cảnh lưu đày ở Ghê-ru-rơ, chàng đã lập lời thề với Đức Giêhôva rằng nếu chàng được trở về lại Israel, chàng sẽ đi xuống Hếprôn, nơi sinh trưởng của mình để "thờ phượng Đức Giêhôva" hay dâng một của lễ trong sự thờ phượng. Tất nhiên đây là một lời nói dối rất tinh vi. Ápsalôm đã dùng tôn giáo để che đậy sự dối trá của mình. Cái điều đáng mỉa mai, ấy là David đã dùng chính lời nói dối nầy với Vua Saulơ một thời kỳ trước đây khi ông đưa ra một lời cáo lỗi phải đi đến Bếtlêhem (I Samuên 20.17).
         Ở "Hếprôn" Ápsalôm sẽ khởi sự cuộc cách mạng. Hếprôn là thủ phủ của David 7 năm đầu đời trị vì của ông. Hãy tưởng tượng điều chi đã xảy ra cho nền kinh tế trong thành phố đó khi nhà vua di chuyển tới thành Jerusalem. Có lẽ không có một sự mất mát tình cảm nào ở đó cả.
         Ápsalôm đã sai phái "những kẻ do thám" của mình hay các sứ giả kín nhiệm đi khắp xứ. Họ phải đem lịnh nầy: "Thoạt khi anh em nghe tiếng kèn, thì hãy nói: Áp-sa-lôm làm vua tại Hếp-rôn!" Giống như các ngọn đèn trong nhà thờ Old North ở Boston hay tiếng kêu lúc nửa đêm của Paul Revere, từng cuộc lật đổ đã có phần mở đầu gây ấn tượng rất sâu sắc. Mới đây tôi đã đứng trước mặt Cung Điện Mùa Đông ở thành phố Saint Petersburg, nước Nga, chính bối cảnh mà cuộc cách mạng Bolshevik đã bắt đầu.
         Ápsalôm đã lừa gạt David vào việc để cho chàng rời khỏi thành Jerusalem. Chàng cũng lừa luôn "hai trăm người", họ đã "đi với người cách thật thà chẳng nghi ngại chi hết". Có lẽ đây là những nhà lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng trong thành Jerusalem. Vì họ đã ở với Ápsalôm khi cuộc cách mạng khởi sự, điều nầy cho thấy rằng họ đang ủng hộ chàng cho dù việc nầy đối với họ là một việc hoàn toàn đáng ngạc nhiên.
         Nhà quý tộc giữa vòng những kẻ âm mưu là: "Ahitôphe là mưu sĩ của David ở Ghilô". Là một trong những thành viên có đẳng cấp cao trong chính phủ của David đã bỏ ngũ theo Ápsalôm. Tại sao chứ? Ahitôphe là ông nội của Bátsêba! II Samuên 11.3 chép nàng là "con gái của Ê-li-am". II Samuên 23.34 chép Ê-li-am là "con của Ahitôphe ở Ghilô".
         Tiểu đoạn nầy kết thúc với phần tóm lược: "Sự phản nghịch trở nên mạnh, và đoàn dân đi theo Áp-sa-lôm cùng ngày càng đông" (câu 12).
· Sự sỉ nhục công khai (16.20-23).
         Phân nửa thứ hai của chương 15 và phân nửa thứ nhứt của chương 16 xử lý với cuộc tháo chạy của David ra khỏi thành Jerusalem sau khi cuộc lật đổ bắt đầu. Chúng ta sẽ tiến hành nghiên cứu sự cố nầy trong tuần tới. Còn bây giờ, hãy nhảy qua 16.20, ở đây dòng câu chuyện trở lại với Ápsalôm. David và người của ông giờ đây đã tháo chạy ra khỏi thủ đô. Ápsalôm cùng với những kẻ theo mình đã đột nhập vào thành. Đặc biệt hãy chú ý: "Ahitôphe đã có mặt với Ápsalôm". Sau một cuộc đối đáp với Husai (các câu 16-19) là người chúng ta sẽ chiếu cố tới vào tuần sau, Ápsalôm xây sang vị mưu sĩ khôn ngoan Ahitôphe rồi nói: "hãy mưu định đều chúng ta phải làm” (câu 20).
         Ahitôphe ghét David vì những điều vua đã làm đối với gia đình của ông ta. Ông muốn đẩy một cái nêm chèn vào giữa vua và Ápsalôm. Ông biết rõ David có điểm yếu đối với đứa con đẹp trai nầy. Ông biết rõ ông phải vùa giúp Ápsalôm làm một việc thật là ghê tởm, bẩn thỉu đến nỗi David không thể tha thứ và không thể quên được. Vì vậy ông ta nói: "Hãy đi đến cùng các cung phi của thân phụ ông".
         David đã đem theo nhiều vợ khi tháo chạy, thế nhưng theo 15.16 đã để lại 10 cung phi "đặng giữ đền". Ahitôphe bảo Ápsalôm vào đấy rồi ăn nằm với những người đờn bà đã được để dành cho thân phụ của chàng. Đây sẽ là một sự sỉ nhục khả thi lớn lao nhứt, một sự sỉ nhục tuyệt đối công khai đối với David. Ahitôphe nói: "Khi cả Y-sơ-ra-ên hay rằng ông đã sỉ nhục thân phụ ông như vậy, thì hết thảy những người ở cùng ông lại sẽ càng mạnh mẽ hơn".
         Câu 22 chép: "Vậy, người ta che cho Áp-sa-lôm một cái trại ở trên sân nóc đền; rồi trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, Áp-sa-lôm đi đến cùng các cung phi của cha mình". Tại sao phải là một cái trại chứ? Tại sao chàng không vào bên trong đền? Vì họ muốn điều nầy phải được công khai trước mọi người. Khắp cả thành khi người ta nhìn lên cung điện họ đều nhìn thấy cái trại lớn nầy (tôi hình dung cái trại nầy có màu vàng rực rỡ lắm!). Họ sẽ nói: "Cái trại nầy dùng để làm gì?" Câu trả lời sẽ là: "Ápsalôm đang ở trong đó với các cung phi của David!"
         Hãy trở lại với chương 12. David đã phạm tội tà dâm, đã giết người và đã lừa dối. Thế rồi Đức Chúa Trời đã sai Nathan đến nói rằng mọi tội lỗi của ông đã được tha, thế nhưng ông sẽ sống với mọi hậu quả của các tội lỗi đó. Câu 10 chép: "Nên bây giờ, gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi". Đặc biệt hãy chú ý các câu 11-12:
         “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi; ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch nhựt. Vì ngươi đã làm sự kia cách kín nhiệm, nhưng ta sẽ làm việc nầy trước mặt cả Y-sơ-ra-ên và tại nơi bạch nhựt".
         Trời và đất có thể qua đi, nhưng Lời của Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn là sự thực.
III. Các lẽ thật thực tế cho hôm nay.
· Không một ai được miễn trả giá cao cho tội lỗi.
         David tưởng ông có thể có được Bátsêba rồi chẳng sao hết. Vì vậy có nhiều người tưởng rằng họ sẽ chẳng sao hết với tội tà dâm hay tội lỗi nào khác. Mọi người khác sẽ dính díu vào nhưng họ tưởng họ sẽ là ngoại lệ. Không có một ngoại lệ nào hết. Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu. Chúng ta luôn luôn gặt lấy những gì chúng ta gieo ra.
· Bậc phụ huynh thường cố ý lờ đi tội lỗi của con cái.
         David đã ở đâu khi Ápsalôm mưu phản ông? Ông chẳng màng đến con cái của mình, cứ xem như  không có chuyện gì hết vậy. Nếu có ai đó nói cho David biết mọi điều Ápsalôm sắp làm, ông sẽ nổi giận cho xem. Vì vậy có nhiều bậc phụ huynh cứ nhắm mắt lại đối với con cái vì rất đau khổ khi không thể đương diện với chúng.
· Cay đắng dẫn tới tai vạ.
         Mưu của Ahitôphe  được "người ta coi như lời phán của chính Đức Chúa Trời" (16.23). Ông là một nhân vật chói sáng và khôn ngoan đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, vì cớ ác cảm, ông đã xây lưng nghịch lại David và đã sử dụng lý trí mình cho tội ác. Cay đắng giống như một chứng ung thư, nó đang gậm nhấm chúng ta.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét