Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 21: II Samuên 8 - 9: "Ơn Thương Xót Dành Cho Mêphibôsết"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Ơn thương xót
dành cho Mêphibôsết
II Samuên 8-9

Vào thời điểm nầy, Vua David đã lên tới đỉnh cao sự nghiệp của mình. Đức Chúa Trời đã nhấc ông lên từ chỗ chăn bầy chiên rồi lập ông làm người chăn dắt cả dân tộc. Ông đang ở tại cao điểm thành công, là một bậc vương quyền. Chúng ta đã học biết trong chương 7, câu 1 rằng trong một thời gian ngắn Đức Chúa Trời đã "đã giải cứu người khỏi các kẻ thù nghịch chung quanh mình". Chính trong thời gian hoà bình nầy mà David đã có lòng ước muốn xây dựng đền thờ cho danh của Đức Chúa Trời, một toà nhà uy nghi, thường trực để chứa Hòm giao ước. Đức Chúa Trời đã đáp lại bằng cách nói cho David biết đấy không phải là thời điểm để xây dựng một đền thờ như thế. Mặc dù David không thể xây một cung đền cho Đức Giêhôva, Đức Giêhôva đã phán "rằng Ngài sẽ dựng cho David một ngôi nhà" (7.11). Đây không phải là một ngôi nhà thuộc thể, mà là ngôi nhà thuộc linh. Đức Giêhôva đã lập một GIAO ƯỚC với David, một lời hứa trang trọng, không đời đổi vẫn còn đang ứng nghiệm hôm nay. Giao Ước David nầy đã được nhận biết đầy đủ trong Giao Ước Mới đã được thông qua bởi sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúa Jêsus vẫn còn đang xây dựng "một ngôi nhà thuộc linh" hình thành bởi tất cả những người được chuộc (I Phierơ 2.5). Mặc dù David không hiểu hết mọi sự ấy, ông đã thờ lạy Đức Giêhôva và hỏi: "Lạy Chúa GIÊHÔVA, tôi là ai, họ hàng tôi là gì, mà Chúa đã đem tôi đến nơi nầy?" (7.18).
Khi chúng ta nghiên cứu vắn tắt chương 8, chúng ta thấy thì giờ yên nghỉ nầy đã kết thúc và David trở về với chiến trận. Câu 1 chép: "Đa-vít đánh bại dân Phi-li-tin, bắt phục chúng nó". Câu 2 chép: "Người cũng đánh dân Môáp" Câu 3 chép: "David cũng đánh Hađađêxe… Vua Xôba". Câu 5 chép: "Dân Sy-ri ở Đa-mách đến tiếp trợ Ha-đa-đê-xe, vua Xô-ba; Đa-vít bèn giết chúng nó hai mươi hai ngàn ngươi". Câu 6 chép: "Hễ nơi nào Đa-vít đi đến, thì Đức GIÊHÔVA cho người được thắng". Nếu quí vị cứ đọc tới, quí vị sẽ thấy rằng ông đã đem về nhiều chiến lợi phẩm và mọi sự giàu có không tả xiết. Cả David và Israel đều trở nên giàu có vượt quá sự mô tả nữa. Câu 13 ghi: "Sau khi thắng dân Sy-ri trở về, Đa-vít lại nổi danh tiếng". Câu 14 nhắc lại mệnh đề: "Như vậy, Đức GIÊHÔVA khiến cho Đa-vít được thắng khắp nơi nào người đi đến".
David đã lên tới đỉnh cao của sự thành công. Ông đã thu lấy đủ mọi thứ mà ông đã thu thập được. Ông đã có sự giàu có dư dật trỗi hơn mọi giấc mơ hoang tưởng nhất của ông. Ông đã dựng lên một triều đại gồm các cấp lãnh đạo có khả năng (8.15-18). Israel đã khởi động giống như cổ máy chạy bằng nhiên liệu tốt và thịnh vượng đều khắp. David đã trị vì rất có tài, giờ đây ông có rất ít việc phải làm lắm. Ông đã sống không ngừng nghỉ. Ông biết làm gì để sinh lợi. Ông nhắc cho tôi nhớ đến ngôi sao bóng rỗ Michael Jordan. Anh ta đã nghỉ chơi bóng cách đây mấy năm sau khi đã đạt được mọi sự mà anh ta có thể thu đạt lấy và đã làm ra tiền nhiều hơn số anh ta chi xài. Anh ta đã lo làm giàu và đã thử chơi dã cầu, nhưng không có kết quả. Anh ta đã thử nhiều thứ khác song chẳng được như ý. Giờ đây anh ta đã trở lại từ sự nghỉ hưu lần thứ hai.
Trong tình trạng không ngưng nghỉ của ông, mọi tư tưởng của David đã trở lại với người bạn Giônathan của mình và khế ước mà họ đã lập với nhau. Quí vị sẽ nhớ ra Giônathan là con trai của Vua Saulơ. Giônathan và David đã lập một khế ước của tình bằng hữu mà họ đã làm mới lại những mấy lần. Giônathan đã qua đời nhiều năm trước trong chiến trận.
Trong mấy năm dài nầy, sau cái chết của Giônathan, David đã nghĩ lại, ông nhớ tới người bạn của mình và nhớ lại khế ước. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ học biết thể nào nhà Vua đã tìm gặp một người con của Giônathan có tên là Mêphibôsết và ưng ban cho anh ta lòng thương xót rất lớn.
Lòng thương xót của David dành cho Mêphibôsết là biểu tượng xinh đẹp cho lòng thương xót của Đức Chúa Trời dành cho hạng tín đồ ngày hôm nay. Khi chúng ta lần qua phân đoạn Kinh Thánh nầy, tôi muốn chỉ ra 6 phần tương ứng từ lòng thương xót của David dành cho Mêphibôsết làm minh hoạ cho lòng thương xót của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta ngày hôm nay.
I. Như David tìm cách tôn cao Giônathan, cũng một thể ấy Đức Chúa Jêsus Christ  tìm cách tôn cao Đức Chúa Cha  (9.1).
A. David tìm cách tôn cao Giônathan.
Khi David ngự trên ngai vàng của mình bên trong cung điện bằng gỗ bá hương xinh đẹp kia, ông đã hỏi các tôi tớ mình: "Có người nào của nhà Sau-lơ còn sống chăng? Ta muốn vì cớ Giô-na-than mà làm ơn cho người".
Quí vị sẽ nhớ từ phần nghiên cứu trước đây của chúng ta, David và Giônathan là hai người bạn rất thân với nhau. David đã gặp gỡ Giônathan ngay sau khi ông giết gã khỗng lồ Gôliát. Kinh Thánh khi ấy nói về họ như sau:
“thì lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu mến Đa-vít như mạng sống mình.… Giô-na-than khế hiệp cùng Đa-vít, bởi vì yêu mến người như mạng sống mình” (I Samuên 18.1, 3).
Giônathan đã binh vị David ở trước mặt cha mình là Vua Saulơ. Ông đã che chở cho David và giúp David tránh mọi cuộc công kích như điên cuồng của nhà Vua. Giônathan là hoàng thái tử, là người sẽ nối ngôi nhưng hiểu rằng David sẽ là nhà vua kế vị. Ông đã nêu ra nguyên nhân chính cho khế ước của họ trong I Samuên 20.15-18:
“…thì cũng chớ cất ơn thương nhà tôi đến đời đời. Như vậy, Giô-na-than kết giao ước cùng nhà Đa-vít mà rằng: …Giô-na-than thương yêu Đa-vít như mạng sống mình vậy, nên khiến Đa-vít lại thề nữa.”
Chúng ta sẽ thấy họ ký thác phải bảo tồn và lo liệu cho gia đình của nhau, điều nầy đã được trình bày trong chương 20, câu 42.
“Giô-na-than nói cùng Đa-vít rằng: Đức GIÊHÔVA sẽ làm chứng giữa tôi và anh, giữa dòng dõi tôi và dòng dõi anh đến đời đời".
Một lần cuối cùng, trong khi David đang ẩn náu tại đồn Xíp, Giônathan đã ra tận ngoài rừng để gặp ông. Một lần nữa chúng ta đọc:
“Hai người cùng lập giao ước tại trước mặt Đức GIÊHÔVA…” (I Samuên 23.18).
Lần nhắc tới Giônathan ở trong I Samuên 31 khi ông và các anh em ông đứng gần cha mình trên hòn núi cao đẩm máu Ghinh-bô-a. Ở đó, người chiến binh anh dũng và là người bạn trung thành nầy đã phó mạng sống mình để bảo hộ cho cha là Vua Saulơ. Khi David hay tin người bạn mình qua đời, ông đã viết một bài ai ca mà ông gọi là: "Bài ca về Cung". Bài ca nầy được ghi lại trong II Samuên 1. Trong bài hát ấy ông nói tới tình yêu quá đỗi mà ông đã dành cho Giônathan.
“Cớ sao người dõng sĩ ngã giữa cơn trận? Nhân sao Giô-na-than thác trên gò nỗng các ngươi? Hỡi Giô-na-than, anh tôi, lòng tôi quặn thắt vì anh. Anh làm cho tôi khoái dạ; Nghĩa bầu bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ” (II Samuên 1.25-26).
Mối quan hệ của David và Giônathan rất mật thiết. Họ không phải là nhu nhược hay đồng tình luyến ái như có người đã gán cho họ. Họ là những chiến binh mạnh sức liên kết với nhau trong tình yêu của họ dành cho Đức Chúa Trời và cho xứ sở. Khi David ngày càng lớn tuổi thêm, ký ức về Giônathan càng trở nên quí giá hơn.
Giữa người Philitin và các năm tháng bất ổn về chính trị trong xứ Israel, gia đình Vua Saulơ, gia đình Giônathan hết thảy đã bị quét sạch. Trong II Samuên 4 chúng ta hay được thể nào người em út của Giônathan, con trai út của Saulơ, Ích-bô-sết đã bị ám sát chết.
David không dám chắc là có một con cháu nào của Giônathan còn lại hay không, ít nhiều gì cũng phải còn lại một người. Tuy nhiên "vì cớ Giônathan" để tôn cao Giônathan bạn mình, David muốn tỏ ra sự thương xót cho bất kỳ người thân nào của Giônathan còn sống sót. Lòng tử tế của nhà Vua sẽ không thể hiện ra vì người thân nào của Giônathan đáng được hay xứng đáng, mà chỉ vì “cớ Giônathan” mà thôi, để tôn cao Giônathan.
Trong thời buổi đó, khi triều đại nầy bị triều đại khác truất phế, gia đình của nhà Vua trước thường bị hành hình để tránh quyền lực của nhà Vua mới không bị thách thức. Khế ước của David với Giônathan và quyết định của ông phải hành động theo khế ước ấy là quyết định có tính cách mạng.
B. Chúa Jêsus tìm cách tôn cao Đức Chúa Cha.
Nếu chúng ta thực hiện cuộc điều tra dư luận sáng nay, quí vị sẽ trả lời sao cho câu hỏi nầy: "Tại sao Đức Chúa Jêsus Christ bước vào thế gian nầy rồi chịu chết trên thập tự giá?" Tôi cuộc rằng hầu hết chúng ta đều sẽ đáp như sau: "để cứu tội nhân". Có một nhận thức về điều chi là đúng đắn và chơn thật. Chính Chúa Jêsus đã phán: "Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất" (Luca 19.10).
Tuy nhiên, có một mục đích cao cả hơn. Giống như David muốn giải cứu một người nào đó từ nhà Saulơ "vì cớ Giônathan", cũng một thể ấy Chúa Jêsus cứu chúng ta, không phải vì mọi duyên cớ của chúng ta, mà vì cớ của Đức Chúa Cha. Ngài hoàn toàn bước vào thế gian nầy rồi chịu chết trên thập tự giá để làm vinh hiển cho Cha của Ngài. Ngài phán: "Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài" (Giăng 4.34). Ngài phán trong Lời Cầu Nguyện ở vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Ngài như sau: "Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm" (Giăng 17.4). Sau lần vào thành cách đắc thắng, thời gian trước khi bị phản, bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá, Giăng 12.27-28 chép:
“Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì?... Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy! Cha ơi, xin làm sáng danh Cha! Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!"
Chúng ta nhìn thấy ơn cứu rỗi từ ý thức của mình. Mọi tư tưởng của chúng ta đều tựu trung vào con người, lấy cái tôi làm trọng. Còn ơn cứu rỗi không lấy con người làm trọng mà lấy Đức Chúa Trời làm trọng! John Piper viết:
“Mục đích sự chết của Chúa Jêsus là làm vinh hiển cho Đức Chúa Cha. Bằng lòng làm Con Đức Chúa Trời để gánh lấy sự mất mát nhiều về vinh hiển của mình hầu sửa chữa lại nỗi thương tổn được làm ra cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bởi tội lỗi chúng ta để tỏ ra giá trị vô hạn của Đức Chúa Trời là dường nào. Sự chết của Đấng Christ cũng tỏ ra chắc chắn về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối cùng chúng ta. Nhưng chúng ta không phải là trọng tâm”.
David muốn làm ơn cho một thành viên trong nhà của Saulơ là "vì cớ Giônathan". Trong một phương thức cao cả hơn, ơn thương xót chúng ta nhận được từ Đức Chúa Jêsus Christ không phải vì chúng ta sống nhơn đức hay xứng đáng mà vì Chúa Jêsus muốn đem lại sự vinh hiển và tôn cao Cha của Ngài.
II. Giống như Mêphibôsết sống trong cuộc lưu đày, cũng một thể ấy chúng ta đã bị đày ải xa cách Đức Chúa Trời bởi tội lỗi của chúng ta (9.2-4).
A. Mêphibôsết đã sống trong cuộc lưu đày.
Khi David giải thích cho các tôi tớ Ngài lý do tại sao ông lại muốn làm ơn cho dòng dõi của Saulơ, "vì cớ Giônathan", họ phải lan truyền mạng lịnh ấy. Không bao lâu sau đó có một người tên là Xípba, trước đây ông ta là "một tôi tớ của nhà Saulơ", đã đem tin đến. Ông ta được dẫn tới trước mặt nhà Vua và một lần nữa David hỏi: "Chẳng còn có người nào về nhà Sau-lơ sao? Ta muốn lấy ơn của Đức Chúa Trời mà đãi người".
Xípba tâu rằng: "Còn một người con trai của Giô-na-than bị tật hai chơn" (câu 3). Hãy chú ý hai phần quan trọng đã mô tả Mêphibôsết. Anh ta là "một người con trai của Giônathan" và anh ta "bị tật hai chơn". Mêphibôsết đã bị què. Chương 4 cho chúng ta biết rằng khi triều đại của Saulơ bị truất bỏ với cuộc mưu sát của Ápne và khi ấy Íchbôsết, Mêphibôsết chỉ mới có "năm tuổi" mà thôi. Anh ta chỉ là một thiếu nhi. Vì cả gia đình của nhà Vua bị truất sẽ bị giết hết, người vú của Mêphibôsết đã túm lấy nó mà bỏ chạy để cứu lấy mạng của nó. Trong cuộc bạo động, đứa nhỏ "té ngã và bị què". Chúng ta không biết chính xác điều nầy đã xảy ra như thế nào, chỉ biết rằng tình trạng của nó thích ứng với một thương tích đã bị trong khi trốn ra khỏi cung điện mà thôi.
Đứa trẻ bị què nầy, "con của Giônathan" đã lớn lên trong cuộc sống đày ải. Nó chẳng nhớ nhung gì về cuộc sống vương giả, về cung điện, và ông nội của nó là Vua hay cha nó là hoàng thái tử cả. Thay vì sống trong sự xa hoa vương giả, đời sống của Mêphibôsết rất là khó nhọc. Khi Vua David hỏi: "Người ở đâu?" Xípba đáp: "Người ở trong nhà Ma-ki, con trai A-mi-ên, tại Lô-đê-ba".
"Lô-đê-ba" là một cái tên rất hay được đặt cho một địa điểm. "" theo tiếng Hybálai có nghĩa là "không". "Đêba" ra từ chữ gốc có nghĩa là "đồng cỏ". Vì lẽ đó cái tên "Lô-đê-ba" đúng nghĩa là “chẳng có đồng cỏ chi hết". Mêphibôsết đã tiêu pha những năm tháng thiếu thời của mình ẩn trốn trong một nơi khô khan, trơ trụi, không có sự sống. Chúng ta không biết Mêphibôsết bao nhiêu tuổi, chỉ biết anh ta đã là một người lớn vì câu 12 cho chúng ta biết anh ta đã "có một con trai nhỏ tên là Mica". Từ lúc 5 tuổi cho đến lúc trưởng thành, người cháu nội của nhà Vua đã sống một cuộc sống đày ải trong một đất không có đồng cỏ, không có sự sống.
B. Chúng ta bị đày ải xa cách Đức Chúa Trời bởi tội lỗi chúng ta.
Phần tương ứng nầy không có gì sai sót cả. Giống như Mêphibôsết là con của nhà Vua, Ađam tổ phụ của chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời và hết thảy chúng ta đều được dựng nên theo ảnh tượng của Ngài. Ađam, là đầu và là đại biểu của dòng giống con người từng có mối giao thông mặt đối mặt với Đức Chúa Trời. “Lối chiều, nghe tiếng GIÊHÔVA Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt GIÊHÔVA Đức Chúa Trời" (Sáng thế ký 3.8). Ađam đã được ban cho quyền quản trị để cai trị và trị vì  trong vai trò con của nhà Vua.
Giống như Mêphibôsết đã té ngã mà bị què, chúng ta cũng bị sự Sa Ngã mà làm cho què quặt. Mặc dù Ađam đã có mối giao thông mặt đối mặt với Đức Chúa Trời, ông đã chọn phá vỡ luật pháp của Đức Chúa Trời và sa ngã vào trong tội lỗi. Chúng ta gọi hành động ấy trong Sáng thế ký 3 là Sự Sa Ngã hay sa ngã vào trong tội lỗi. Vì cớ sự loạn nghịch của Ađam, ông đã nhận lãnh sự rủa sả của tội lỗi. Ông trở thành một tội nhân. Kế đó, ông đã chuyển tội ấy cho cả dòng giống con người – cho hết thảy chúng ta. Roma 5.12 chép: "Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội...". Mêphibôsết về mặt thể xác bị què, còn chúng ta bị què về mặt thuộc linh, không thể đến với Đức Chúa Trời theo sức riêng của mình được.
Giống như Mêphibôsết đã sống ở một nơi không có sự sống, cũng một thể ấy chúng ta từng không có một đời sống thuộc linh. Mêphibôsết đã sống trong một đất chẳng có đồng cỏ, một nơi của sự chết. Cho tới chừng nào chúng ta gặp được Đấng Christ, chúng ta đã chết về mặt thuộc linh. Êphêsô 2.1 chép: "Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình".
Giống như Mêphibôsết đã ở trong một cuộc đày ải về mặt chính trị xa cách Israel, chúng ta đã ở trong cuộc đày ải về mặt thuộc linh xa cách Đức Chúa Trời. Chúng ta đã bị phân rẽ ra khỏi Ngài và không có sự sống thuộc linh nào hết.
III. Giống như David tìm kiếm Mêphibôsết, cũng một thể ấy Đức Chúa Jêsus Christ tìm kiếm chúng ta (9.5).
A. David tìm kiếm Mêphibôsết.
Câu 5 chép: "Vua Đa-vít bèn sai tới nhà Ma-ki, con trai A-mi-ên, tại Lô-đê-ba, mà đòi người đến". David đã ra lịnh đem Mêphibôsết từ vùng đất trơ trụi về cung điện. Hãy chú ý là chính nhà Vua là người đề xướng cuộc gặp gỡ. Mêphibôsết đã không khập khiễng bước vào hai cánh cửa cung điện rồi nài xin làm một khán giả. David đã cho đòi Mêphibôsết đến. Nhà Vua đã tìm kiếm Mêphibôsết.
B. Đấng Christ tìm kiếm chúng ta.
Phần tương ứng quan trọng ở đây, ấy là chúng ta không tìm kiếm Đấng Christ, thay vì thế Ngài đến tìm chúng ta! Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương Vĩ Đại. Ngài yêu chúng ta và kéo chúng ta đến với Ngài. Về tuyển dân của Ngài, tiên tri Giêrêmi đã nói: "ĐỨC GIÊHÔVA từ thuở xưa hiện ra cùng tôi và phán rằng: Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhơn từ mà kéo ngươi đến" (Giêrêmi 31.3).
Chúa Jêsus phán: "Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt" (Giăng 6.44). Ngài phán trong Giăng 12.32: "Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta".
Sứ đồ Giăng về sau đã viết: "Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta" (1 Giăng 4.10). Có lẽ Giăng đã tóm tắt câu nói ấy rõ ràng hơn ở 1 Giăng 4.19: "Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước".
Ân điển của Đức Chúa Trời vốn bao la là dường nào! Chúng ta bị hư mất, bị chết mất, trơ trụi và không có sự sống. Chúng ta là hạng tội nhân không công bình, ít suy nghĩ về Đức Chúa Trời và chẳng có lòng ham mến về Đức Chúa Trời. Chúng ta muốn đi theo đường lối riêng và làm theo ý riêng của mình. Nhưng vì tình yêu thương đáng kinh ngạc và ân điển khôn tả xiết của Đức Chúa Trời, Ngài đã nắm lấy quyền chủ động. Ngài đã tìm kiếm chúng ta. Ngài đã gọi đích danh chúng ta. Ngài đưa chúng ta vào trong đền Ngài!
Trước đây trong loạt bài học nầy, tôi đã nhắc tới câu chuyện ở đàng sau một trong những bài thánh ca mà tôi rất ưa thích, “Phước Nguyên Từ Trời” (TC 28) (Come Thou Fount of Every Blessing). Trong một khổ của bài thánh ca ấy, là câu nầy…
Jêsus kiếm tôi khi đang thất lạc,
từng vơ vẩn cách xa đường thánh…
Trong Luca 19 chúng ta đọc câu chuyện nói về một người lùn tên là Xachê, một người thu thuế đã trèo lên cây để nhìn xem Chúa Jêsus ở một khoảng xa xa. Khi Chúa Jêsus đến dưới cây ấy, Ngài đã gọi đích danh ông: "Đức Chúa Jêsus đến chỗ ấy, ngước mắt lên mà phán rằng: “Hỡi Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi" (Luca 19.5).
Khi tôi được 14 tuổi, Chúa Jêsus đã tìm gặp tôi và gọi đích danh tôi. Tôi không nghe thấy giọng nói cách rõ ràng, nhưng tôi cảm thấy sự lôi kéo không sai sót của Đức Thánh Linh ở trong lòng tôi. Ngài đã tìm gặp tôi! Ngài đã kêu gọi tôi! Thậm chí Ngài còn ban cho tôi đức tin để đáp ứng và nói: "Phải, lạy Chúa, con tin!"
IV. Giống như Mêphibôsết đã nhìn nhận tình trạng bất xứng của mình trước mặt David, cũng một thể ấy chúng ta nhìn nhận tình trạng hư mất của mình trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ (9.6-8).
A. Mêphibôsết sấp mình xuống trước mặt David.
Tôi lấy làm lạ không biết Mêphibôsết đã nghĩ gì khi anh ta nhận lãnh lời triệu tập của nhà Vua để rồi đến trước mặt Vua David như thế. Có phải anh ta nghĩ: "Được thôi, ta đã trốn suốt cả đời. Sau cùng ông ấy cũng tìm được mình. Mình sẽ bị quay thế thôi!” Tôi đánh cuộc là anh ta đã run rẩy khi các lính canh cung điện dẫn anh ta vào đến nội cung.
Hãy chú ý câu 6 chỉ ra điều Mêphibôsết đã làm khi anh ta vào gặp Vua David. Anh ta "sấp mình xuống đất và lạy". Anh ta  bỏ cây nạng ra rồi cúi lạy trước mặt nhà Vua.
David đã gọi tên anh ta rồi nói: "Chớ sợ; ta muốn làm ơn cho ngươi vì cớ Giô-na-than, cha ngươi; ta sẽ trả lại cho ngươi những đất của Sau-lơ, ông nội ngươi, và ngươi sẽ ăn chung bàn ta luôn luôn".
Cho phép tôi đóng ngoặc đơn lời nói của nhà Vua "Mêphibôsết, ngươi không còn trốn tránh chi nữa. Ngươi không phải sợ hãi mà chi. Cha ngươi là người bạn thiết của ta và ta đã hứa với người ta sẽ tiếp trợ cho ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi mọi sự đáng phải thuộc về ngươi, thêm nữa ta muốn ngươi sống với ta, ăn cùng bàn và làm con của ta".
Mêphibôsết không thể tin nơi tai của mình. Anh ta đã điếng người. Anh ta mong tốt nhứt là nhà tù và tệ nhất là bị hành quyết. Giờ đây Vua truyền cho anh ta rằng anh ta sẽ trở thành con của nhà Vua và sẽ sống ở trong cung điện? Thật là khó tin quá! Không thể như thế được! Câu 8 chép rằng một lần nữa "Mêphibôsết bèn lạy" rồi tâu với nhà Vua: "Kẻ tôi tớ vua là gì, mà vua lại đoái mắt đến một con chó chết, như tôi đây?"
Đây không phải là sự hạ mình giả dối, mà là một thứ tình cảm chân thành. Anh ta bị què khi còn nhỏ. Hết thảy cuộc đời của anh ta đã sống trong sự ô trọc. Anh ta đã bị hạ thấp và bị chà đạp suốt cả đời rồi. Anh ta chẳng là gì hết, "một con chó chết" mà thôi! Anh ta vốn biết rõ và đã nhìn nhận như thế. "Sự tử tế của David" đối cùng anh ta là quá mạnh mẽ.
B. Chúng ta quì gối ở trước mặt Chúa Jêsus.
Giống như Mêphibôsết, khi chúng ta được cứu, chúng ta đã quì gối ở trước mặt nhà Vua. Chúng ta đã nhìn thấy bản thân mình y như thế, là hạng tội nhân bị xa cách Đức Chúa Trời. Giống như Mêphibôsết, chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta là những con chó chết.
Kinh Thánh dạy một lẽ đạo mà chúng ta gọi là sự đồi bại hoàn toàn di truyền. Nó có nghĩa là chúng ta sống tội lỗi bởi bổn tánh và bởi sự lựa chọn. Di truyền có nghĩa là chúng ta ra đời đã có bổn tánh tội lỗi được truyền xuống từ cha mẹ, họ đã nhận lãnh bổn tánh ấy từ tổ phụ tải xuống từ Ađam. Sự đồi bại nầy hoàn toàn chiếm hữu lấy từng phần cuộc sống của chúng ta. Trong chúng ta mọi sự đều là tội lỗi hết.
Roma 3 là chương Kinh Thánh nói nhiều nhất về sự đồi bại của chúng ta.
“như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn, Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó….vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Roma 3.10-18,23).
Người nào thực sự được cứu đã đạt tới giới hạn đồi bại của chính họ. Giống như Mêphibôsết, chúng ta phải nhìn nhận: "Tôi là một con chó chết".
Ồ, nhưng khi Mêphibôsết nhìn nhận tình trạng vô giá trị của mình rồi hạ mình xuống cúi lạy trước mặt nhà Vua, điều chi đã xảy ra? Anh ta đã được tôn cao lên. Tôi hình dung David đã cúi xuống nhấc đầu Mêphibôsết lên, nhìn thẳng vào mắt anh ta mà phán: "ngươi sẽ ăn chung bàn ta".
Đức Chúa Trời đã làm như thế cho chúng ta! Thi thiên 3.3 chép: "Nhưng, hỡi Đức GIÊHÔVA, Ngài là cái khiên chở che tôi; Ngài là sự vinh hiển tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên".  Êphêsô 2 chép rằng dù chúng ta "chết trong quá phạm và tội lỗi mình”, dù chúng ta "làm trọn các sự ham mê của xác thịt", và thậm chí khi chúng ta "tự nhiên làm con của sự thạnh nộ…". Ôi điều nầy là tốt lành đấy! Hãy lắng nghe các câu 4-6.
“Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu. và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ”.
V. Giống như David đã ban cho Mêphibôsết cơ nghiệp của cha mình, cũng một thể ấy Đức Chúa Jêsus Christ ban cho chúng ta cơ nghiệp của Cha chúng ta trên trời (9.9-10).
A. Mêphibôsết đã nhận lãnh cơ nghiệp của cha mình.
Trong câu 7, David hứa: "Ta… sẽ trả lại cho ngươi những đất của Saulơ, ông nội ngươi". Trong các câu 9-10, David xây sang Xípba mà nói:
“Vua bèn gọi Xíp-ba, tôi tớ của Sau-lơ, mà nói rằng: Ta đã ban cho con trai chủ ngươi mọi tài sản thuộc về Sau-lơ và nhà người. Vậy, ngươi cùng các con trai và tôi tớ ngươi phải cày đất đó cho người, rồi nộp hoa lợi đất sanh sản, hầu cho con trai chủ ngươi có bánh ăn….”
Mọi thứ đã mất mát khi triều đại Saulơ kết thúc giờ đã được phục hồi lại cho Mêphibôsết.
B. Chúng ta đã nhận lãnh cơ nghiệp của Cha chúng ta trên trời .
Khi chúng ta được cứu, không những chúng ta được tha tội, chúng ta còn được ban cho cơ nghiệp của Đức Chúa Trời Toàn Năng nữa!
“Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài” (Roma 8.16-17).
“Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa (Galati 3.29).
“hầu cho chúng ta nhờ ơn Ngài được xưng công bình, trở nên con kế tự của Ngài trong sự trông cậy của sự sống đời đời” (Tít 3.7).
Chúng ta không sẽ nhận lãnh cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời, chúng ta đã nhận lãnh rồi cơ nghiệp ấy. Giờ đây chúng ta chỉ trông đợi để thừa hưởng cơ nghiệp ấy mà thôi. Cơ nghiệp giàu có đời đời của cha chúng ta còn chắc chắn hơn bất kỳ một cơ nghiệp tạm thời nào ở đây trên đất.
VI. Giống như Mêphibôsết đã ngồi tại bàn của David như một ngươi con, cũng một thể ấy chúng ta sẽ ngồi tại bàn tiệc của Đức Chúa Trời như con trai con gái của Ngài (9.11-13).
A. Mêphibôsết đã ngồi tại bàn tiệc của David.
Trong câu 7, David nói: "Và ngươi sẽ ăn chung bàn ta luôn luôn". Trong câu 10, ông đã ra lịnh cho Xípba phải lao động trên đất của Mêphibôsết "hầu cho con trai chủ ngươi có bánh ăn", nhưng ông còn nói thêm: "Mê-phi-bô-sết, con trai chủ ngươi, sẽ ăn chung bàn ta luôn luôn".
Xípba đã nhất trí với mạng lịnh của David trong câu 11 và ở đó một lần nữa David nói rất rõ ràng: "Ấy vậy, Mê-phi-bô-sết ăn chung bàn Đa-vít như một con trai của vua vậy". "Như một con trai của Vua" là mệnh đề chìa khoá. Hãy chú ý câu 13: "Mê-phi-bô-sết ở tại Giê-ru-sa-lem, bởi vì ngươi ăn luôn chung bàn của vua. Người bị què hai chơn".
Bốn lần trong chương nầy chúng ta được Kinh Thánh cho biết Mêphibôsết sẽ ăn tại bàn của David. Ý của câu nầy nói rằng anh ta sẽ được nhận làm con nuôi trong gia đình của David. Anh ta sẽ làm con của David và David sẽ làm cha của anh ta.
Charles Swindoll đã nói rất hay khi mô tả bối cảnh quanh bàn tiệc của nhà vua. Tôi không thể làm gì khác hơn là đọc cho quí vị nghe nguyên văn.
“Hãy hình dung cuộc sống sẽ như thế nào trong những năm tháng đến tại bàn tiệc ngồi ăn với David xem. Bữa ăn có giờ giấc hẳn hoi và những tiếng chuông reo ăn tối, các thành viên trong gia đình cùng khách mời đều đến dự. Amnôn, lanh lợi và hóm hỉnh, đến với bàn tiệc trước tiên. Rồi có Giôáp, là khách mời – vạm vỡ, đúng là bậc trượng phu, lôi cuốn, da ông ta màu đồng đỏ như mặt trời, đang đi bộ đến, ông ta cao ráo và ngồi thẳng lưng giống như một người lính dạn dày kinh nghiệm vậy. Kế tiếp Ápsalôm đến. Hãy nói về chàng thanh niên đẹp trai nầy! Từ mão triều trên đầu chàng ta cho đến gót chân chẳng có một tì vít gì trên chàng ta cả. Tiếp theo là Tama – là con gái xinh xắn, dịu dàng của David. Và, tiếp đến, có thể thêm Solomon vào đấy nữa. Chàng bận học suốt cả ngày, nhưng sau cùng cũng phải bỏ qua bài vở mà mau mau đến với bàn ăn”.
“Nhưng rồi họ nghe thấy tiếng “cụp, cụp, cụp, cụp”, và đây rồi Mêphibôsết đến, anh ta đang khập khiễng đến với đôi nạng. Anh ta mĩm cười và hạ mình xuống tham gia cùng những người khác khi anh ta đến tại chỗ của mình tại bàn tiệc giống như một con trai của nhà Vua vậy. Và chiếc khăn ăn ân điển đã phủ xuống đôi chân của anh ta. Ồ, đúng là một bối cảnh thật linh động!”
B. Chúng ta sẽ ngồi tại bàn tiệc của Đức Chúa Trời.
Cho dù chúng ta có đi khập khiễng trong xác thịt tội lỗi què quặt, sa ngã nầy, chúng ta có một chỗ tại bàn tiệc của Đức Chúa Trời. Dù chúng ta xem khinh nó, sự què quặt tội lỗi nầy có một mục đích. Nó nhắc cho chúng ta nhớ đến ân sũng của Đức Chúa Trời. Nó nhắc nhở rằng chúng ta tuyệt đối bất xứng và chúng ta chỉ thuộc về Ngài bởi đặc ân của Ngài cho người không xứng đáng. Khi chúng ta ngồi với Ngài, ân điển của Ngài bao phủ tội lỗi chúng ta và chúng ta có mối tương giao ngọt ngào. 1 Giăng 1.9 chép:
“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”.
Có một ngày sẽ đến khi cuộc đời nầy qua đi, chúng ta gặp gỡ Chúa Jêsus mặt đối mặt. Cái gì què quặt sẽ được làm cho ngay thẳng trong sự hiện diện của Ngài. Khi ấy chúng ta sẽ ngồi dự tại bàn tiệc của Ngài cho đến đời đời. Chúng ta sẽ ngồi dự với các anh chị em được chuộc của chúng ta tại bàn tiệc cưới của Chiên Con. Có thể chúng ta sẽ ngồi đối mặt với David và Mêphibôsết đấy! Trong ngày trọng đại đó, chúng ta sẽ thực sự nhìn biết ý nghĩa của ơn thương xót và chúng ta sẽ ngợi khen danh của Đức Chúa Trời chúng ta cho đến đời đời!

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét