Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 17: "II Samuên 2:1 - 3:39: "Cuối Cùng, Lên Ngôi Vua"



Đời sống và thời thế của Vua David
Cuối cùng, lên ngôi Vua
II Samuên 2.1- 3.39
Mười bảy tuần qua, tôi đã giới thiệu cho quí vị loạt bài nghiên cứu mà tôi gọi là Đời sống và thời thế của Vua David. Mười bảy sứ điệp đã qua, sau cùng David đã lên ngôi. Trong suốt thời gian nầy, chúng ta đã đi qua từng chi tiết phân nửa sau cùng sách I Samuên và phần đầu của sách II Samuên. Chúng ta đã nhìn thấy sự trị vì của Saulơ bị xấu đi đến một kết thúc thật đáng buồn, thảm hại. Chúng ta đã thấy David dấy lên từ chỗ mờ nhạt đến nổi bật cấp quốc gia. Chúng ta đã theo ông trải qua cuộc sống của ông như hình với bóng, trên đường trốn chạy tránh né Saulơ. Chúng ta đã cùng đi với ông vào cuộc phu tù trong xứ Philitin. Sau cùng, trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, lời hứa của Đức Chúa Trời thành ra hiện thực và David trở thành một vì vua.
Mười bảy tuần qua, khi tôi giới thiệu phần nghiên cứu nầy, chúng ta đã xem xét Thi thiên 78.70-72. Tôi nghĩ là chúng ta trở lại với những câu Kinh Thánh ấy sáng nay thì rất là phù hợp.
“Ngài cũng chọn Đa-vít là tôi tớ Ngài, bắt người từ các chuồng chiên: Ngài đem người khỏi bên các chiên cho bú, đặng người chăn giữ Gia-cốp, là dân sự Ngài, và Y-sơ-ra-ên, là cơ nghiệp Ngài. Như vậy, người chăn giữ họ theo sự thanh liêm lòng người, và lấy sự khôn khéo tay mình mà dẫn dắt họ”.
Ba câu nầy là phần khái quát cho cả cuộc đời của David. Trước tiên Đức Chúa Trời "chọn Đa-vít là tôi tớ Ngài". David mới chỉ là một thiếu niên khi chúng ta lần đầu tiên được giới thiệu gặp ông. Có lẽ ông mới được 16 hay 17 tuổi khi cụ tiên tri Samuên đổ dầu xức trên mái tóc màu hung hung đỏ của ông rồi thầm thì mạng lịnh của Đức Chúa Trời trong lỗ tai ông. Thứ hai, Đức Chúa Trời "bắt người từ các chuồng chiên""đem người…đặng  chăn giữ Giacốp, là dân sự Ngài". Đấy là những năm 13 hay 14 tuổi mà chúng ta đã nghiên cứu. Thứ ba, chúng ta thấy thể nào "người chăn giữ họ theo sự thanh liêm lòng người, và lấy sự khôn khéo tay mình mà dẫn dắt họ”. Chương 5, câu 4 cho chúng ta biết: "Khi Đa-vít khởi trị vì, tuổi đã được ba mươi; người cai trị bốn mươi năm".
Trong phần nghiên cứu hôm nay, chúng ta sẽ xem xét ba sự cố chính trong phần đầu trị vì của David và kế đó rút tỉa ra một số nguyên tắc chủ yếu mà chúng ta có thể áp dụng vào đời sống chúng ta hôm nay.
I. Một nước bị phân chia (2.1 - 11).
A. David được tôn làm Vua xứ Giuđa (2.1-7).
Quí vị có thể nhớ David và đội quân riêng của ông gồm 600 người, cộng với gia đình của họ đang sống phu tù tại thành Xiếclác trong khu vực miền Nam xứ Philitin. Chính ở đó David đã nhận được tin tức cho biết Saulơ và mấy con trai người đã ngã chết ở giữa chiến trận trên Núi Ghinh-bô-a đẫm máu.
Saulơ đã chết. Dân tộc đang cần một nhà lãnh đạo. Người Philitin vừa hoàn tất một chiến dịch quân sự thắng lợi, chiến dịch nầy đã chia cắt những chi phái phía Bắc Israel ra khỏi chi phái Giuđa ở miền Nam rồi đến định cư trong nhiều thành thị và làng mạc của Israel. Sự việc cho thấy dường như họ cần có người lên nắm quyền, thống nhất xứ sở và đánh đuổi kẻ thù. David biết rõ đây là lúc ông phải lên ngôi. Quí vị sẽ nghĩ ông sẽ không màng tới việc nầy lắm đâu. Rốt lại, ngay cả mão triều thiên của Saulơ cũng thuộc quyền sở hữu của ông.
Thật ngạc nhiên thay, David không nghĩ rằng bây giờ Nước thuộc về mình. Hãy chú ý trong câu 1 David "cầu vấn Đức Giêhôva". Ông đã học tập bài học nầy về mọi sự phải gánh vác. Ông muốn lên ngôi nhưng ông muốn được tôn làm Vua theo phương thức của Đức Chúa Trời. Vì vậy ông đã đưa ra một số câu hỏi thật đặc biệt.
Trước tiên ông hỏi: "Tôi có nên đi lên trong một thành nào của xứ Giu-đa chăng?" Xứ Giuđa là phần cực nam của Israel và là quê nhà của David. Hãy nhớ xứ ấy bị tách ra khỏi phần còn lại của các chi phái do cuộc xâm lược của người Philitin. Câu trả lời của Đức Chúa Trời là trực tiếp: "Hãy đi lên". David thực sự muốn biết những điểm đặc biệt trong chương trình của Đức Chúa Trời, vì vậy ông hỏi: "Tôi phải đi lên trong thành nào?" Ông vốn hiểu rõ về khu vực xứ Giuđa, song lại muốn biết là “chỗ nào” trong xứ Giuđa đấy thôi. Một lần nữa Đức Chúa Trời trả lời cho câu hỏi của ông: "Hếprôn".
Tôi muốn trình bày với quí vị, đôi khi tôi muốn tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời giống như David đã tìm. Tôi muốn Đức Chúa Trời sẽ phán dạy tôi cách trực tiếp giống như Ngài đã phán với David vậy. Một số Cơ đốc nhân đúng nghĩa thích sử dụng mệnh đề: "Đức Chúa Trời nói cho tôi biết…" hay "Đức Chúa Trời phán cùng tôi…". Tôi luôn luôn muốn hỏi họ: "Âm giọng của Đức Chúa Trời nghe làm sao? Giọng nói ấy có rền vang hay the thé và gay gắt không?" Tất nhiên hầu hết những người ấy đều không có ý nói rằng Đức Chúa Trời phán với họ bằng một giọng nói nghe thấy được. Họ muốn nói rằng họ cảm thấy có ấn tượng hay bị dẫn vào một phương thức nào đó. Cho phép tôi khích lệ quí vị cách đặc biệt về việc đó. “Nếu Đức Chúa Trời không phán với quí vị bằng một giọng nói nghe thấy được, nếu quí vị không thể mô tả âm thanh giọng nói của Đức Chúa Trời, thì đừng nói Ngài đã phán với quí vị. Hãy nói ra điều quí vị muốn nói. Hãy nói quí vị cảm thấy mình được dẫn dắt. Hãy nói quí vị cảm thấy có ấn tượng. Chúng ta đừng nhầm lẫn cái nầy với cái kia”.
Không, Đức Chúa Trời đã không chọn phán với chúng ta trong kỷ nguyên nầy bằng một giọng nghe thấy được. Ngài không điều khiển chúng ta theo ý muốn Ngài bằng phương tiện một đám mây vinh hiển chỉ cho chúng ta nơi phải đi. Chúng ta không đặt tấm thảm len dệt bằng lông chiên trên cỏ để xem coi Đức Chúa Trời có lấy sương làm ướt thảm len ấy hay không!?! Chúng ta không có cái ê phót của thầy tế lễ hay Urim và Thumim hầu ban cho chúng ta câu trả lời “được” hay “không được” từ thiên đàng. Trong việc tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời hôm nay, chúng ta có phương tiện tốt đẹp hơn nhiều. Chúng ta đang có hai lợi thế riêng biệt.
Thứ nhứt, chúng ta có SỰ TIẾP CẬN ĐẦY ĐỦ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI. Trong Cựu Ước, người ta không trò chuyện trực tiếp với Đức Chúa Trời. Họ đến gặp qua một thầy tế lễ. Họ mang theo những của lễ bằng thú vật để chuộc lấy tội lỗi của họ. Tuy nhiên, Chúa Giêxu đã đến như chiên con của Đức Chúa Trời và đã chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta. Ngài đặt dấu chấm hết cho các của lễ bằng thú vật rồi mở ra cánh cửa cho bất kỳ ai sẽ được cứu được đến gần Đức Chúa Trời cách trọn vẹn và công khai. Sách Hêbơrơ giải thích lẽ thật nầy rằng chúng ta gọi tín đồ là thầy tế lễ. Hêbơrơ 10.19-23 chép:
“Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa. Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín”.
Hêbơrơ 4.16 nói thêm: "Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng". Ngày nay, qua sự cầu nguyện, chúng ta sẽ đến trực tiếp với Đức Chúa Trời để cầu hỏi bất cứ điều gì chúng ta có cần.
Thứ hai, chúng ta có LỜI TRỌN VẸN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI. Nếu chúng ta muốn nhìn biết ý chỉ và tâm trí của Đức Chúa Trời về một việc gì đó, chúng ta không cần một trò xảo thuật nào hết! Mọi sự chúng ta cần là quyết định học hỏi! II Timôthê 3.16-17 chép:
“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹnsắm sẵn để làm mọi việc lành”.
Chúng ta có những lợi thế như vậy về các tín đồ trong thời của David! Ngày nay, ở phương diện thập tự giá của đồi Gôgôtha, chúng ta được trọn vẹn ở trong Đấng Christ. II Phierơ 1.3 chép: "Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhơn đức mà gọi chúng ta".
Thực ra, cho phép tôi cung ứng cho quí vị một số bước để biết quyết định ý muốn đặc biệt của Đức Chúa Trời. Thứ nhứt, CẦU NGUYỆN. Cầu nguyện, không những một lần mà là liên tục trong sự cầu nguyện mỗi ngày để xin Đức Chúa Trời tỏ ra sự dẫn dắt của Ngài. Thứ hai, HỌC HỎI. Phải ở với Kinh Thánh mỗi ngày. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời dẫn dắt tâm trí quí vị rồi bày tỏ ra chính mình Ngài và sự dẫn dắt của Ngài cho quí vị bằng Ngôi Lời. Thứ ba, HÃY NHÌN XEM. Hãy nhìn thấy rõ các cơ hội và những cánh cửa đang mở ra.
Chúng ta hãy trở lại với David. Đức Chúa Trời bảo ông phải đi lên một thành trong xứ Giuđa được gọi là "Hếprôn". Hếprôn nằm ở trong vùng đồi núi xứ Giuđa khoảng 20 dặm về phía Nam thành Jerusalem. Đây là một cổ thành với lịch sử rất phong phú trong Kinh Thánh. Ở Hếprôn, Ápraham đến định cư rồi xây một bàn thờ cho Đức Giêhôva (Sáng thế ký 13.18). Ở Hếprôn, Đức Chúa Trời đã gửi đến cho Ápraham ba vị khách, họ báo cho ông biết rằng vợ ông là Sara sẽ mang thai trong lúc tuổi đã già (Sáng thế ký 18.1-15). Giôsuê đã ban cho Calép đất Hếprôn làm sản nghiệp do sự trung thành của Calép (Giôsuê 14.13).
Câu 2 chép rằng: "Đa-vít đi đến đó, đem theo HAI [con số nầy rất quan trọng] người vợ, là A-hi-nô-am ở Gít-rê-ên, và A-bi-ga-in". Câu 3 nói thêm: "Đa-vít cũng đem các người ở cùng mình đi lên, mỗi người với gia quyến mình, mà ở trong các thành của địa phận Hếp-rôn".
Ý nghĩa cơ bản nhất trong từ ngữ Hy bá lai nói tới việc "ở" là ngồi xuống hay ổn định. David và gia đình ông, cộng thêm sáu trăm người cùng với gia đình của họ đến ổn định trong Hếprôn. Họ đã sống theo kiểu du mục quá lâu, sống rày đây mai đó, di chuyển hết từ chỗ này sang chỗ khác. Giờ đây họ trở về lại nơi chôn nhau cắt rốn rồi ổn định trong nhà cửa của chính họ. Câu 11 chép rằng toàn bộ thời gian nầy họ đã sinh sống gồm "bảy năm sáu tháng".
Mặc dù Đức Chúa Trời đặc biệt đưa David tới Hếprôn, David không làm ra vẻ ta đây đâu. Ông không tự mình tuyên bố làm Vua. Ông chỉ vào đấy và chờ đợi nơi Đức Giêhôva. Kế đó "Những người Giu-đa đi đến đó, và xức dầu cho Đa-vít làm vua nhà Giu-đa" (câu 4). Mọi người đều biết rằng Đức Chúa Trời đã xức dầu cho David làm vua nhiều năm trước đấy. Họ biết rõ đây là số phận của ông. Họ biết rõ cá tánh và khả năng của ông. Đức Chúa Trời khi ấy mới cảm động trong tấm lòng của những người nầy và đưa họ đến với David theo hình thức xức dầu lại cho ông một lần nữa lên làm vua xứ Giuđa. Hãy nhớ, xứ Giuđa đã bị cắt đứt khỏi phần còn lại của xứ Israel. Vì bây giờ, David đang là Vua duy nhất trên xứ Giuđa.
Sự kiên nhẩn của David và sự tiếp trợ của Đức Giêhôva nhắc cho tôi nhớ những gì I Phierơ 5.6 chép: "Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên". Đây là phần ứng dụng rất hay cho chúng ta. Đừng nắm bắt một cái gì theo lòng ích kỷ. Hãy bước đi khiêm nhường với Chúa rồi để cho Ngài ban cho quí vị bất cứ điều chi Ngài muốn ban cho quí vị.
Đừng quên sự thật là David đã được xức dầu lần thứ hai. Lần đầu tiên Samuên đã làm việc ấy khi David khoảng chừng 17 tuổi. Lần thứ hai các trưởng lão xứ Giuđa đã làm việc ấy khi David được 30 tuổi. Xức dầu là một hành động nghi thức cho sự đăng quang gồm có dầu quí xức trên đầu.
Chúng ta cần những sự xức dầu liên tục trong đời sống chúng ta. Chúng ta không cần nương vào những lần xức dầu trong quá khứ, những lần đắc thắng thuộc linh trong quá khứ, các kinh nghiệm đỉnh cao trong quá khứ. Vì có nhiều lần trong khi tôi trao đổi với những Cơ đốc nhân, họ nói rằng họ thường phục vụ theo cách nầy hay cách kia, họ thường cảm thấy mạnh mẽ trong công việc của Chúa. Đâu là nan đề? Họ đang nương vào sự xức dầu trong quá khứ, kinh nghiệm trong quá khứ thay vì sự vâng phục trong hiện tại. Như Thi thiên 92.10 chép, chúng ta cần phải được "xức bằng dầu mới", chúng ta cần phải tìm kiếm những khẳng định mới từ nơi Chúa. Meyer đã viết:
Sẽ có những lần xức dầu lặp đi lặp lại và liên tục trong lịch sử cuộc sống chúng ta khi cơ hội của chúng ta được cơi rộng ra trong vòng quay ngày càng tăng thêm. Luôn luôn nhìn trở lại với lần xức dầu mà chúng ta đã nhận lãnh là một sự sai lầm. Chúng ta phải được xức bằng dầu mới. Khi rời khỏi nhà để đến trường, và một lần nữa khi rời khỏi học đường đến với một việc làm đầu tiên, khi đứng trước bàn thờ để trở thành một người vợ, và một lần nữa khi đứng bên nôi của đứa con đầu lòng, khi được kêu gọi vào chức vụ công khai ở Hội thánh hay tại sở làm – mỗi một bước mới sẽ được đánh dấu bằng một sự chờ đợi chắc chắn nơi Đức Chúa Trời, sẽ có một sự mặc lấy quyền phép thật tươi mới, một tâm linh được nạp lại với sức mạnh của Ngài.
Trong mấy tháng qua, tôi đã tìm kiếm Chúa để được xức bằng dầu mới. Cách đây vài tháng, tôi đã đạt tới chỗ trong tấm lòng của tôi, ở đó tôi cần một sự khẳng định tươi mới để biết rõ Đức Chúa Trời có còn cần tôi nữa hay không; để làm theo những gì Ngài muốn tôi làm. Trong vài tháng, tôi đã vật vã theo cách riêng với việc ở lại hay không ở lại Amarillo và tiếp tục làm Mục sư chủ toạ Hội thánh Cornerstone. Tôi đã xét qua một số cơ hội khác dường như đã mở ra cho tôi lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau một thời gian cầu nguyện và thậm chí cả kiêng ăn nữa, Đức Chúa Trời dẫn tôi tới chỗ khẳng định rằng tôi đang ở đúng nơi mà tôi cần phải ở. Tôi đã tìm được "dầu mới", việc xức dầu mới và sự đầu phục mới tại Hội thánh của chúng tôi. Tôi muốn quí vị phải nhận biết rằng tôi càng phục theo sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tại Hội thánh nầy hơn trước đây bao giờ!
Trong câu 4 chúng ta cũng học biết rằng các cấp lãnh đạo nầy của xứ Giuđa đã đến với David để tôn ông làm vua của họ, họ nói cho ông hay rằng "dân Giabe đã chôn Saulơ". Chúng ta đã kinh qua biến cố dũng cảm vào tuần rồi khi sự cố nầy đã được ghi lại trong I Samuên 31.11-13. Những người dõng sĩ” của thành ấy ghi nhớ thể nào Saulơ từng giải cứu họ và họ đã tôn cao ký ức ấy bằng cách dạn dĩ đến gỡ lấy xác của ông ta cùng xác của mấy người con trai xuống khỏi bức tường thành Bết san, nơi quân Philitin đã treo họ lên để chế nhạo.
Hành động đầu tiên của David là vua xứ Giuđa là một sứ mệnh ngoại giao. Ông đã "sai cứ đến cùng dân sự ở Giabe trong Galaát" với một lời nói tư riêng về lòng biết ơn và một lời hứa hẹn trong tương lai.
“Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho các ngươi, vì các ngươi đã có lòng nhơn từ đối cùng Sau-lơ, chúa các ngươi, mà chôn người! Nguyện Đức Giê-hô-va lấy nhơn từ và thành thực mà đối lại cùng các ngươi! Còn ta, cũng sẽ làm điều thiện cho các ngươi, bởi vì các ngươi đã làm như vậy” (các câu 5-6).
Quí vị có thể hiểu những người bà con của Saulơ đang làm một việc đáng làm như vầy, còn David thì sao? Saulơ đã tìm cách giết David trong nhiều năm trời. Saulơ đã bắt chẹt David không cho ông trở thành vua ở chỗ hợp pháp. Tuy nhiên, mặc dù mọi điều mà David đã biết, Saulơ đã xức dầu "của Đức Giêhôva" và David đã đối xử với ông ta một mực kính trọng. Thái độ ấy không thay đổi khi Saulơ ngã chết hay khi ông đã lên ngôi vua. Đây chỉ là một cái liếc thoáng qua vào "sự thanh liêm của lòng người" (Thi thiên 78.72).
B. Ích-bô-sết được tôn làm vua Israel (2.8-11).
Các câu 8-9 cho chúng ta biết rằng "Ápne"  là "quan tổng binh của Saulơ" đã dựng "Ích-bô-sết, con trai Saulơ" rồi "lập người làm vua trên… cả Israel". Đây là hai nhân vật chính, là hai người thủ vai chính trong câu chuyện nầy. Chúng ta hãy dành một phút để làm quen với họ.
Thứ nhứt, "Ápne" được mô tả trong câu 8 là "con trai của Nêrơ". Nêrơ dường như là con trai của Kích, cha của Saulơ lập người làm chú của Saulơ theo I Samuên 14.50-51. Chúng ta không thấy ông ta trong câu chuyện của David cho tới cuộc đánh nhau với Gôliát ở I Samuên 17.55-57. Vì Ápne là "quan tổng binh của Saulơ" David biết rõ ông ta khi David được lập làm "trưởng ngàn người" (I Samuên 18.13). Ápne, giống như David là một thực khách đều đặn tại bàn ăn của Vua Saulơ theo I Samuên 20.25. Trước khi làm Tướng, Ápne nắm cơ quan an ninh của Saulơ. Khi David lẽn vào trại quân của Saulơ rồi lấy đi ngọn giáo và cái bình nước, ông đã phá Ápne công khai vì đã thất bại không bảo vệ được nhà vua (I Samuên 26.14-16). Tôi lấy làm lạ không biết Ápne đã ở đâu trong trận đánh trên Núi Ghinh-bô-a? Mọi người khác ở chung quanh nhà vua đều đã ngã chết.
Tuy nhiên, với cái chết của Saulơ, Ápne mau chóng hành động để duy trì quyền lực và giữ vững địa vị của ông ta hơn nữa. Ông ta đang cài "Ích-bô-sết" làm tân vương trên các chi phái khác ở phía Bắc của đất nước đã chia hai. Dù vậy, rõ ràng là Ích-bô-sết còn nhỏ chẳng khác gì một con búp bê ở trong tay của Ápne.
Tất nhiên là "Ích-bô-sết" là con út của Saulơ. I Samuên 14.49 đưa ra bản gia phổ nói về gia đình của Saulơ: "Các con trai của Sau-lơ là Giô-na-than, Gi-sê-vi [Aminađáp], và Manh-ki-sua, người cũng có hai con gái; lớn, tên là Mê-ráp; nhỏ, tên là Mi-canh". Chúng ta biết rằng ba người con trai nầy đã bị giết trước mặt cha của họ trên đỉnh núi Ghinh-bô-a đẫm máu. Tuy nhiên ở đây trong câu Kinh Thánh chúng ta đọc thấy "Ích-bô-sết con trai của Saulơ". Trong gia phả đầy đủ của gia đình Saulơ ở I Sử ký 8.33, chúng ta đọc: "Nê-rơ sanh Kích; Kích sanh Sau-lơ; Sau-lơ sanh Giô-na-than, Manh-ki-sua, A-bi-na-đáp, và Ếch-ba-anh". "Ếch-ba-anh""Ích-bô-sết" là cùng một người và rõ ràng là một con trai sanh cho Saulơ trong đời trị vì làm vua của ông ta.
Câu 10 chép rằng Ích-bô-sết đã "bốn mươi tuổi khi người khởi cai trị Israel". Chúng ta cũng biết được ông ta đã trị vì chỉ võn vẹn có "hai năm" khi câu 11 chép rằng David là "vua ở Hếprôn, cai trị trên nhà Giuđa" trong "bảy năm sáu tháng". Tôi đề ra như thế có ý nói rằng có khoảng 5 năm rưỡi lộn xộn không có một vị vua trong các chi phái ở phía Bắc vì cớ cuộc xâm lược của quân Philitin.
II. Một cuộc nội chiến (2.12 - 3.5).
Lịch sử của hầu hết các nước đều đã được viết ra bằng máu và Israel không nằm ở chỗ ngoại lệ đâu. Bản chất của con người cho thấy rằng giờ đây Israel và Giuđa đã có những vị vua phân biệt, thì chắc chắn sẽ có xung đột giữa họ.
A. Giuđa và Israel đều rút gươm ra (2.12-17).
Chúng ta đã gặp Ápne rồi, giờ đây chúng ta cần phải gặp gỡ đối thủ của ông ta: "Giôáp con trai của Xê-ru-gia" (câu 13). Ápne truyền cho các lực lượng của Israel dưới quyền Ích-bô-sết và Giôáp truyền cho các lực lượng của Giuđa dưới quyền của David. Chúng ta đã gặp anh của Giôáp "Abisai" ở I Samuên 26.6. Ông nầy đã tình nguyện đi với David vào trong trại quân đang ngủ của Saulơ. Mẹ của Giôáp, Xê-ru-gia là chị của David (I Sử ký 2.16). Ông cũng có một người em tên là "Asaên". Giôáp hiệp với David trở lại hang động Ađulam (I Samuên 22) và là một tôi tớ trung thành suốt các năm tháng nầy. Mặc dù được đánh dấu bằng quá khích, ông minh chứng mình là một tướng chỉ huy quân sự có tài và là một tôi tớ trung thành của nhà vua.
Dù là bởi cơ hội hay bởi sắp xếp, quân đội của Israel và Giuđa đã tập trung ở trước mặt nhau tại "Hồ Gabaôn" (câu 13). Ápne và Giôáp rõ ràng xem khinh nhau và tận dụng bất kỳ cơ hội nào để nắm lấy lợi thế. Ápne đề xuất một cuộc thi đấu giữa 12 chiến sĩ lấy ra từ mỗi quân đội, họ sẽ đấu từng cặp cùng lúc với nhau. Đối với tôi dường như đây chỉ là một cuộc đọ sức mà thôi. Giống như họ chỉ phô trương mọi tài khéo của họ thôi, chớ không phải giết chóc lẫn nhau. Tuy nhiên, mọi điều thể hiện ra lại là bạo lực giống như bất kỳ một cuộc thi đấu của võ sĩ giác đấu trong đấu trường La mã vậy. Câu 16 chép:
“Mỗi người bèn nắm đầu kẻ cừu địch mình, đâm gươm vào hông, và thảy đều ngã chết cùng nhau; chỗ đó bèn gọi là đồng Gươm, ở trong Ga-ba-ôn”.
Rõ ràng là mỗi bên dự tính giết phía bên kia cho mau và kết quả là tất cả 24 người đã giết nhau chết cùng một lúc. Chết như thế còn nhiều hơn là đánh trận nữa. Họ chỉ đi ra rồi nắm vòng lấy nhau mà đâm nhau chết.
Cuộc đọ sức trở thành bãi chiến trường. "Một cuộc chiến đấu rất dữ" đã nổ ra giữa tất cả các chiến binh. Vì sự cố quá đột ngột, chẳng có bên nào đề ra phương án tác chiến cả. Nơi ấy đã trở nên một nơi rất hỗn loạn. Tuy nhiên, "Ápne và những người Y-sơ-ra-ên đều bị các tôi tớ của Đa-vít đánh bại" (câu 17).
B. Ápne giết Asaên tại trận (2.18-32).
Quân Israel đã nhận lệnh lui lại. Họ rút đi bằng cách chạy khỏi Gabaôn thật nhanh như có thể chạy được. Câu 18 giới thiệu với chúng ta "Asaên" chính là em kế của Giôáp và Abisai. Asaên được mô tả là "chạy lẹ làng như một con hoang dương rừng". Ông là một thanh niên thuộc tuýp ngôi sao chạy đua ngày nay.
Khi chiến trận đến lúc tàn, Ápne đã tháo chạy thoát thân. Asaên bắt đầu đuổi theo ông ta. Asaên dự tính bắt sống hay giết chết vị tướng đối phương nầy. Câu 19 cho biết Asaên tập trung đuổi theo Ápne "không xây qua khỏi người, hoặc về bên hữu hay về bên tả".
Ápne đang tháo chạy. Asaên đang truy đuổi. Ápne nhận ra thanh niên nầy và hô ngược lại: "Có phải ngươi là Asaên chăng?" Asaên khẳng định lai lịch mình. Khi ấy Ápne yêu cầu Asaên thôi đừng truy đuổi mình nữa hay ít nhất nên lo truy đuổi người khác. Thế nhưng Asaên đã nhất quyết không xây qua đâu hết. Asaên cứ giữ việc truy đuổi ở phía sau Ápne. Lần thứ hai Ápne yêu cầu Asaên thôi đừng đuổi theo ông ta nữa, Ápne hỏi: "Hãy xây khỏi ta, cớ sao buộc ta phải đánh giết ngươi nằm sải xuống đất? Ví bằng giết ngươi, ta dễ nào còn dám ngó mặt Giô-áp là anh ngươi?" Ápne biết rõ Asaên là ai và biết ông ta sẽ trở thành kẻ thù đời đời của Giôáp nếu ông ta giết chết em của Giôáp. Dù vậy, Asaên "không muốn xây khỏi người". Hãy chú ý cẩn thận câu 23.
“Bởi người không khứng lánh đi, Áp-ne bèn lấy cán giáo mình đâm người nơi bụng, thấu đến sau lưng. A-sa-ên té xuống và chết tại chỗ; hết thảy người nào đến chỗ A-sa-ên ngã xuống chết, đều dừng lại tại đó”.
Rõ ràng là Ápne không muốn giết chết Asaên. Ông ta biết điều đó sẽ gây ra rắc rối lớn. Có lẽ ông đang ra sức nốc ao Asaên bằng "cán giáo" nhưng không xong. Asaên lại chạy nhanh đến nỗi "cán giáo" đã đâm thủng bụng, “thấu đến sau lưng".
Giôáp và Abisai hay tin và cá nhân họ khi ấy "đuổi theo Ápne" (câu 24). Ápne đã nhóm một số người Bêngiamin ở quanh ông rồi đứng đón tại gò Ama” chiến lược. Ở đó họ "hiệp thành một đạo, và dừng lại trên chót một gò nỗng" (câu 25).
Quí vị có thể đọc phần còn lại của câu chuyện cho mình, nhưng họ đã đến đứng tại đó trên một gò nỗng. Đến cuối ngày quân đội của David thiếu mất "mười chín người và Asaên" trong khi người Bêngiamin của Israel dưới quyền chỉ huy của Ápne mất "ba trăm sáu mươi người" (câu 30-31).
C. Nhà Saulơ ngày càng suy yếu đi, nhà David ngày càng mạnh thêm (3.1-5).
Mặc dù chúng ta không được cung ứng thêm các chi tiết, hai năm kế đó đã trông thấy máu đổ nhiều khi cuộc nội chiến càng dữ dội. Người Hêbơrơ đánh trận nghịch cùng người Hêbơrơ. Cả hai bên đều kêu cầu Đức Giêhôva đánh trận thay cho họ. Thê thảm thay khi anh em đánh nhau nghịch cùng anh em mình.
Chương 3 bắt đầu bằng cách thuật cho chúng ta biết trong suốt “cuộc chiến lâu ngày”, "David càng ngày càng mạnh, còn nhà Saulơ [dưới thời con trai ông là Ích-bô-sết] càng ngày càng yếu". Trận đánh đầu tiên nầy dường như đã dàn cảnh cho các trận chiến tiếp theo sau.
David ngày càng mạnh hơn theo chiều hướng khác. Trong khi người của ông đã thôi không đánh nhau nữa, ông trở về nhà sanh nhiều con cái. Lên tới chỗ nầy, chúng ta đã biết rõ hai người vợ của David, Ahinôam và Abigain. Tuy nhiên, các câu 2-5 ghi lại thể nào trong thời gian nầy David đã có 6 con trai khác bởi 6 người vợ khác nhau. David rất bận rộn kể từ khi nắm lấy ngôi vị xứ Giuđa!
Chúng ta bắt đầu nhìn thấy một số dấu vết của một nan đề khủng khiếp đang nằm ở dưới đời sống của David, ông không thể kiểm soát được tư dục của mình. Khi một phụ nữ hấp dẫn, lôi cuốn lọt vào mắt của ông, ông liền cưới người ấy ngay. Rốt lại, ông là một vì vua. Ông rất đẹp trai và được lòng người. Bất cứ một người nữ độc thân nào cũng rất vui sướng khi lấy ông. Người nào lại không muốn nhà vua là con rễ của mình chứ? David cưới vợ, cưới vợ và có hết đứa con nầy đến đứa con khác. Có rất nhiều vợ, hầu và con cái đến nỗi tất cả mấy đứa con ấy cũng chưa được đặt tên nữa. II Samuên 5.13 chép: "Sau khi Đa-vít từ Hếp-rôn đến, thì còn cưới thêm những hầu và vợ ở Giê-ru-sa-lem; lại sanh thêm cho người những con trai con gái khác”. Từ những gì đã được ghi lại trong Cựu Ước, chúng ta biết David có ít nhất 20 con trai và một con gái, không nhắc tới những đứa con sanh cho ông qua các cung phi nữa.
Tục đa thê hoàn toàn phổ thông giữa vòng các bậc vua chúa trong thời buổi ấy. Các vì vua thường hình thành những mối liên minh bằng cách cưới con gái trong các gia đình vương giả khác. David đã tận hưởng và làm theo mọi điều mà các bậc cầm quyền khác đã làm. Tuy nhiên, ông đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Phục truyền luật lệ ký 18.9 chép: "Khi ngươi đã vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho; chớ tập bắt chước những sự gớm ghiếc của các dân tộc ở tại đó". Chỉ vì các vua khác đã có nhiều cuộc hôn nhân, điều nầy chẳng thích nghi với David. Thực vậy, Phục truyền luật lệ ký 17.17 đặc biệt nói tới người nam Hêbơrơ: "Vua cũng không nên kén nhiều phi tần, e lòng người trở xấu xa…".
Khi gặp những người đờn bà đẹp, David đã không thể nói “không”. Sự yếu đuối lớn lao nầy sẽ trở lại làm hại ông, như chúng ta sẽ thấy trong mấy tuần nữa.
III. Một vụ giết người báo thù (3.6 - 39).
A. Ápne bội nghịch đối với David (3.6-21).
Câu 6 mô tả những gì đang diễn ra ở đàng sau bối cảnh ở giữa cuộc nội chiến nầy. Ngay cả người nhà của Saulơ  cũng đã sa sút đi, Kinh Thánh chép: "Ápne binh vị nhà Saulơ". Ích-bô-sết không nắm binh quyền, mà Ápne đang nắm.
Mặc dù phân đoạn Kinh Thánh không nói ông ta đang nắm binh quyền, dường như rõ ràng là Ápne đang giữ lấy "Rítba" là vợ lẽ của Saulơ, cho chính mình. Tôi nghĩ điều nầy phải trở ngược lại câu đứng trước, câu nầy nói ông ta: "binh vị nhà Saulơ". Có lẽ nàng là một phụ nữ rất quyến rũ.
Hãy nhớ Saulơ vốn có tánh ghen tuông là dường nào? Dường như tội lỗi của người cha đã chuyển sang cho người con. Ích-bô-sết đã tức tối với thái độ vô ý tứ nầy. Ông đã yêu cầu Ápne: "Cớ sao ngươi đến cùng vợ lẽ của cha ta?" Câu 8 chép: "Áp-ne lấy làm giận lắm về các lời của Ích-bô-sết". Ông ta nói với Ích-bô-sết:
“Tôi há là đầu chó mà hầu việc Giu-đa sao? Hiện nay tôi hết lòng phú mình cho nhà của Sau-lơ, cha vua, cho các anh em bằng hữu vua, không để cho vua phải sa vào tay của Đa-vít; mà ngày nay vua lại trách tôi về lỗi phạm với người nữ nầy! Nguyện Đức Chúa Trời phạt tôi cách nặng nề, nếu tôi chẳng vì Đa-vít làm thành mọi điều Đức Giê-hô-va đã hứa cùng người: tức là dời nước khỏi nhà Sau-lơ qua nhà Đa-vít, và lập ngôi Đa-vít trên Y-sơ-ra-ên và trên Giu-đa, từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba” (các câu 8-10).
Phản ứng ấy khiến cho Ích-bô-sết phải câm miệng lại. Câu 11 chép: "Ích-bô-sết không dám đáp một lời nào cùng Áp-ne, bởi vì sợ người".
Để rút ngắn câu chuyện dài lại, Ápne hẹn gặp David và giải quyết vấn đề. David bằng lòng chấp nhận lời đề nghị của Ápne là tái thống nhất Israel dưới quyền cai trị của David với một điều kiện, David muốn có lại "Micanh". Có còn nhớ Micanh không? Nàng là con gái của Saulơ. Quay trở lại với I Samuên 18, Saulơ đã hứa gã nàng cho David nếu David đem về cho ông ta "sính lễ một trăm dương bì Philitin". Ông ta nghĩ David sẽ bị giết chết khi nổ lực nộp cho được sính lễ nầy. Tuy nhiên, David đã "giết hai trăm người Philitin" và rồi "mang về dương bì của họ" mà nộp cho Saulơ (các câu25-27). Khi ấy Saulơ gã Micanh cho David làm vợ. Trong chương 19 nàng đã giúp cho David trốn thoát và nói dối với Saulơ là không biết chồng mình ở nơi nào. Về sau, khi David còn đang trốn chạy, Saulơ đã gã nàng làm vợ một người có tên là "Phanhti" (I Samuên 25.44).
Quả thực Ích-bô-sết rất sợ Ápne vì ông ta đã trả chị mình cho David. Đây là một cảnh thật đáng buồn vì câu 16 phác họa Micanh bị bắt trao cho David còn Phanhti theo ở đàng sau "vừa đi vừa khóc”. Tôi không biết lý do tại sao David muốn có nàng trở lại. Có thể điều nầy minh chứng cho một mục đích. Có thể ông đang xưng nhận rằng nàng thuộc về ông là điều hợp pháp. Có thể vì ông thực sự yêu thương nàng.
Thành thực với lời hứa của mình, Ápne khi ấy bắt đầu công tác xây dựng lại một mối liên minh giữa các chi phái ở miền Bắc để xức dầu cho David làm vua của họ (các câu 17-21).
B. Giôáp giết Ápne (3.22-30).
Giôáp và một số tướng lãnh của ông ta trở về Hếprôn "từ một trận đánh". Ông ta hay tin kẻ thù mà ông ta thù ghét là Ápne vừa có mặt ở đó. Ông ta vẫn còn nôn nóng vì Ápne đã giết chết em mình là Asaên. Ông ta giận dữ thắc mắc về sự khôn ngoan của Vua David. Ông ta kín đáo sai các sứ giả đi đem Ápne trở lại. Câu 27 mô tả việc làm mờ ám của ông ta.
“Khi Áp-ne trở về Hếp-rôn, Giô-áp đem người riêng ra trong cửa thành, dường muốn nói việc kín cùng người; ở đó bèn đâm người trong bụng và giết đi, đặng báo thù huyết cho A-sa-ên, em của Giô-áp”.
C. David than khóc Ápne (3.31-39).
David rất giận dữ. Ông tuyên bố rằng ông chẳng có phần gì  về việc nầy và tuyệt đối vô tội. Ông nói: "Nguyện huyết ấy [tội lỗi] đổ lại trên đầu Giôáp và trên cả nhà cha người". Ông gọi Giôáp và hết thảy dân sự đến để "xé áo các ngươi, thắt bao nơi lưng, và than khóc Áp-ne". Ông được Kinh Thánh ghi lại là ông "đi theo sau linh cửu" (câu 31). Câu 32 nói ở tang lễ "vua cất tiếng lên khóc tại mồ Ápne, cả dân sự cũng khóc". David đã than khóc Ápne cách thành thật và từ chối không chịu ăn. Dân sự đều để ý vào đó và “lấy làm tốt lành" vì họ "nhìn biết rằng vua chẳng can gì đến tội giết Ápne".
David cứ giữ lòng thành với Giôáp vì hai lý do. Thứ nhứt, Giôáp là cháu của ông. Thứ hai, Giôáp đã ở với ông kể từ cái ngày ông trốn trong hang đá Ađulam và là một chiến binh trung thành. Tuy vậy, ông đã nói trong câu 39: "Các con trai của Xê-ru-gia, là cường bạo cho ta quá. Nguyện Đức Giêhôva báo kẻ làm ác nầy, tùy sự ác của nó".
IV. Ba nguyên tắc phải áp dụng.
· Trong thời điểm quyết định, hãy học biết tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời. David không nắm lấy ngôi vị ngay mà cẩn thận tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời, chờ đợi đến thì thuận tiện, Đức Chúa Trời đem ngôi vị đến cho ông. Khi quí vị không chắc phải làm việc gì, đừng làm gì hết, hãy đợi câu trả lời rõ ràng đến từ Chúa.
· Trong những lúc dư dật, hãy học biết chối bỏ mình. Lỗi lầm đáng kể nhất trong đời sống của David là không có khả năng nói “không” với cái tôi của mình. Ông đã có hết người nữ nầy đến người nữ khác. Đến cuối cùng, cái tôi ấy khiến ông phải mất nước, đó là cái giá phải trả. Đôi khi chúng ta càng có nhiều, chúng ta lại càng ham muốn thêm. Tự chối bỏ mình là cần thiết cho sự trưởng thành.
· Trong những lúc giận dữ, hãy học biết đừng tự mình báo thù. Ápne không muốn giết Asaên thậm chí tại bãi chiến trường. Giôáp phạm tội giết người ở dưới lá cờ hoà bình. Rôma 12.19 chép: "Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét