Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 16: I Samuên 31 - II Samuên 1: "Cớ Sao Người Dõng Sĩ Ngã Giữa Cơn Trận"



Cớ sao người dõng sĩ
ngã giữa cơn trận?
I Samuên 31 – II Samuên 1
Hôm nay chúng ta đánh dấu một biến chuyển quan trọng trong đời sống của David. Chúng ta chuyển từ phần cuối sách I Samuên sang phần đầu sách II Samuên. Chúng ta chuyển từ phần cuối sự trị vì của Saulơ trong vai trò Nhà Vua sang phần đầu sự cai trị của David. Trong hai chương nầy chúng ta sẽ thấy Saulơ ngã chết và David nhận lãnh ngai vàng. Một trận đánh khủng khiếp, đổ máu sẽ nổ ra trên một hòn núi hoang vắng. Dân Israel bỏ chạy vì mạng sống của họ. Một món nợ biết ơn xưa phải được trả. Một lời nói dối chú về cái tôi đã được thốt ra nhưng sẽ lãnh lấy đúng phần thưởng của nó. Một bài ca cho tang lễ sẽ được hát lên vì một người bạn trung tín. Suốt phần nghiên cứu nầy chúng ta sẽ suy gẫm các vấn đề như tự tử và làm cho người bịnh nan y được chết nhẹ nhàng. Chúng ta sẽ tiếp thu một số bài học chính về sự sống và sự chết. Tuy nhiên, trước khi chúng ta đào sâu phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta hãy dành ra một phút để ghi nhớ phần nội dung.
Như chúng ta lật qua các trang Kinh Thánh cho tới mấy chương cuối của sách I Samuên, chúng ta nhớ thể nào Vua Saulơ trong sự ganh tỵ dữ dội đã tìm cách lấy mạng của David trong một số dịp. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời trong sự khôn ngoan của Ngài luôn luôn giải cứu David thoát khỏi sự phản bội của nhà Vua.
Chương 27 cho chúng ta biết thể nào David bắt đầu phiêu bạt xa khỏi Đức Giêhôva rồi tìm cách trốn tránh Saulơ bằng cách bỏ theo dân Philitin, là kẻ thù chí tử của Israel. Ông phục vụ Akích Vua xứ Gát và được ban cho thành Xiếc lác để ông cùng những dõng sĩ của mình cư trú. Khi các lãnh chúa dân Philitin sửa soạn một cuộc tổng tấn công dân Israel, Akích đã cho đòi David cùng đi lên với họ.
Đồng thời, chương 28 cho chúng ta biết thể nào Vua Saulơ đã trông thấy cách điều binh của quân đội Philitin và đã lấy làm run sợ. Thay vì chạy đến với Đức Giêhôva, ông đã chọn lấy một trung gian của Satan, một mụ chuyên cầu vong từ xứ Ên Đôrơ. Ở đó Đức Chúa Trời thật lạ lùng cho phép ông trao đổi với hồn của tiên tri Samuên, cụ tiên tri cảnh cáo ông rằng quả thực Israel sẽ bị đánh bại và chính mình Saulơ cũng như mấy người con trai của ông ta sẽ ngã chết trong chiến trận. Samuên nói: "Ngày mai ngươi và các con trai ngươi sẽ ở một nơi với ta" (28.19).
Cách đó mấy dặm, David đương ở bên cạnh người Philitin. Khi hai bên quân đội đang so kè với nhau trước mặt các cấp lãnh đạo, những vị Tướng lãnh của quân Philitin quyết định rằng họ không muốn David cùng ra trận với họ. Họ sợ rằng ông sẽ xây lại đánh họ ngay ở giữa bãi chiến trường. Vì vậy, Akích bèn sai David trở về lại Xiếc lác.
Khi David cùng sáu trăm người của mình trở lại nhà cửa của họ ở Xiếc lác, họ thấy thành phố bị đốt thiêu tới tận nền, vợ con của họ cũng như tài sản của họ đã bị cướp hết. Những chiến binh mạnh dạn nầy đã đau khổ lắm, nó đổi thành giận dữ và họ đã đổ thừa cho David. Thậm chí họ còn đòi "ném đá ông nữa". Tuy nhiên, David xây lòng mình về với Đức Chúa Trời. Ông "được sức mạnh nơi Giêhôva Đức Chúa Trời mình" (30.6). Ông đã tìm kiếm ý chỉ của Đức Giêhôva và truy đuổi những kẻ đã cướp phá họ. Đức Chúa Trời đã ban cho người của David một chiến thắng huy hoàng và họ "thâu lại mọi vật" đã bị mất mát, sự giàu có của họ còn được thêm lên nữa (30.18-19).
David, người của ông và gia đình của họ đều trở về lại với nhà cửa của họ. Có nhiều việc phải lo làm để tái thiết lại thành phố bị đổ nát hết của họ. Trong khi âm thanh của những ngọn búa, cái cưa vang dội cả Xiếc lác, xa tít về phía Bắc ở một địa điểm có tên là Ghinh-bô-a bãi chiến trường đang hồi dữ dội. Năm vị lãnh chúa người Philitin đã cắt Israel ra thành nhiều mãnh với quân đội đông đảo của họ. Lực lượng yếu kém của Vua Saulơ đã tập trung lại đánh chặn họ, nhưng Đức Chúa Trời không còn ở với ông ta nữa. Trong khi David vui mừng với gia đình mình đã được đoàn tụ, ở đàng xa kia đồng bào của ông đã dãy chết trên bãi chiến trường.
Hôm nay chúng ta sẽ chia chương cuối trong sách I Samuên và chương đầu tiên của II Samuên thành ba phần và kế đó chúng ta sẽ tra xét ba bài học cần phải tiếp thu.
I. Cái chết ở trên Núi (31.1-13).
A. Israel bị đánh bại (các câu 1-2).
Chương 31 bắt đầu như sau: "bấy giờ dân Philitin giao chiến cùng Israel". Chúng ta biết từ 29.1 rằng quân đội của Israel đã đóng trại tại "Gít-rê-ên", trong một trũng sâu, nơi sẽ xảy có chiến trận At-ma-ghê-đôn.
Quân Philitin đã áp đảo người Israel trong đồng trũng và họ bắt đầu lui ngược về các đỉnh của  "Núi Ghinh-bô-a. Về mặt chiến thuật, một cuộc lui binh lên núi là một điều rất khó khăn. Cuộc lui binh ấy chậm chạp và rất mệt nhọc. Lưng của quí vị bị phơi ra cho kẻ thù. Câu 1 chép: "người Y-sơ-ra-ên chạy trốn trước mặt dân Phi-li-tin, và nhiều người trong bọn bị vít chết, ngã xuống trên triền núi Ghinh-bô-a".
Hãy hình dung xem tình cảnh ấy như thế nào, hàng ngàn người, vũ trang bằng gươm giáo, thuẩn khiên, cung tên lăm lăm trong tay xung trận. Máu đổ chảy dài theo triền núi. Khắp nơi đều có những thi thể nằm chết rải rác, bị tên bắn hay bị chặt đầu. Những tiếng kêu la đau đớn dậy lên từ các cơ thể bị thương tích cùng mình. Nhiều người đã bước vào cõi đời đời trên hòn núi ấy.
Trong những ngày ấy, thuật dụng binh đã đặt nhà Vua vào giữa bãi chiến trường. Tôi nghĩ binh sĩ sẽ chiến đấu khó nhọc hơn khi nhà Vua có mặt với họ, điều nầy hợp lý thôi. Saulơ không được an toàn trong khi điều lịnh ở xa bãi chiến trường. Ông ta đã có mặt ở giữa đó và đã cố hết sức mình để thoát thân.
Câu 2 chép: "Dân Phi-li-tin hăng rượt theo Sau-lơ cùng con trai người". Nếu vua đối phương bị kẹt giữa chiến trận và nếu người bị giết, thì giống như bị quân thù đánh bại vậy. Vì cớ đó hai bên quân đội luôn luôn tìm cách giết Vua đối phương. Người Philitin có lẽ đã có một đơn vị tinh binh đã được huấn luyện đặc biệt để truy tìm và giết Saulơ cùng các con trai người.
Saulơ đang tìm cách trốn thoát. Có thể ông ta đang đứng trên một chiến xa do ngựa kéo. Có thể ông ta đang ngồi trên lưng ngựa. Có thể ông ta đang đứng ở trên đất. Chúng ta không biết cách thức ông ta đang vận dụng để thoát thân như thế nào, chúng ta chỉ biết rằng ông ta đã không thành công. Câu 2 cũng cho chúng ta biết rằng "dân Philitin giết Giô-na-than, A-bi-na-đáp, và Manh-ki-sua, là các con trai của Sau-lơ". Tôi hình dung sự thể như thế nầy: Saulơ đang trốn chạy và ba con trai của ông ta hình thành toán bảo vệ. Khi quân Philitin tấn công họ trên sườn núi Ghinh-bô-a, Giônathan và hai người em của chàng chuyển sang chiến đấu và bảo vệ cha của mình. Có lẽ họ đã đẩy lùi quân Philitin và giúp cho Saulơ có thời gian di chuyển ra xa họ và cuộc chiến, song cái giá phải trả quá đắt. Tôi nghĩ Saulơ đã chứng kiến mấy đứa con mình ngã chết, chúng đã chiến đấu để cứu lấy cái mạng sống loạn nghịch của ông.
Bây giờ hãy nhớ Hoàng Tử Giônathan là bạn thân nhất của David. Họ có một khế ước với nhau. Giônathan bằng lòng bỏ đi quyền kế tự của mình đối với ngai vàng để cho David lên làm Vua. Thật đau đớn làm sao khi nhìn thấy chàng ngã chết cách dũng cảm tại chiến trường bên sườn núi. Beth Moore viết:
Phân đoạn Kinh Thánh nầy đặc biệt rất khó, vì chúng ta cảm thấy chúng ta đã đạt tới mức nhận biết người nào bị hư mất. Chúng ta cảm thấy chúng ta đã đến mặt đối mặt với điều tốt, điều xấu, và điều bẩn thỉu nơi Saulơ và nơi Giônathan dịu dàng và đáng yêu. Tấm lòng tôi đau nhói nơi sự cuối cùng quá nhọc nhằn của họ. Tôi lấy làm lạ không biết Giônathan có nghe nói David đang ở phía bên kia không? Có phải Giônathan đã tìm cách gặp mặt David trước khi chàng phóng ra ngọn giáo của mình vì sợ mình sẽ làm hại người bạn của mình không? Có phải Giônathan lấy làm lạ không biết David có còn muốn giữ khế ước mà họ đã lập cho dù Giônathan có tử trận trong ngày ấy? Phải chăng chàng đã lo sợ? Phải chăng những giọt nước mắt đã làm mờ đi thi thể của những người anh em của chàng đang nằm ở gần đó? Tôi thấy lòng mình muốn biết nhiều hơn nữa, chớ không phải chỉ nhìn thấy tên của chàng bị bỏ sót trong trang giấy. Chàng là loại bạn hữu mà hết thảy chúng ta đều cần có – loại bạn hữu mà David vốn có cần.
B. Saulơ muốn tự tử (các câu 3-6).
Khi Saulơ ngoái nhìn lại qua bờ vai của mình, ông ta nhìn thấy thi thể của ba người con trai đã ngã chết trên đất. Khi ấy, như câu 3 chép: "Thế trận dữ dội cho Saulơ". "Những lính cầm cung" giương tên rồi bắn vòng cầu qua núi hướng về ông ta. Saulơ không thể tránh né hết được. Một số mũi tên đã cắm vào áo giáp của ông, và "bị trọng thương". Bản Kinh Thánh Vulgate, bản dịch Cựu Ước tiếng Latinh chép: "Ông bị thương nơi bụng, đây là vết thương chí tử".
Saulơ biết mình bị trọng thương nặng. Ông ta biết rõ mình sẽ chết vì vết thương nầy, đây sẽ là một cái chết đau đớn, kéo dài. Còn nữa, Saulơ biết rõ hành động hung ác của quân Philitin. Ông sợ cách thức chúng sẽ hành hại ông. Ông muốn chết ngay khi đó trên núi hơn là còn sống mà sa vào tay của quân thù. Ông gọi "kẻ vác binh khí" mình đến bảo nó: "Hãy rút gươm ngươi, đâm ta đi, kẻo những kẻ không chịu cắt bì kia đến đâm ta và sỉ nhục [hành hình] ta chăng".
Một người lính "vác binh khí" thì giống như một “tùy viên”cho nhà vua. Anh ta là người lo công việc vặt và chạy công văn. Anh ta cũng giống như dịch vụ mật vậy. Anh ta đứng gần đó với cái thuẩn lớn cùng các thứ vũ khí khác nữa. Công việc của anh ta là lo bảo vệ cho nhà vua…với chính mạng sống của anh ta nếu cần thiết. Quí vị có thể đoán ra người nầy quả hẳn rất bận rộn, anh ta đang lo tìm cách đứng giữa Saulơ  và một loạt các mũi tên đang bắn xuống. Có lẽ anh ta cũng đã bị thương nữa.
Anh ta từ chối lời yêu cầu của nhà Vua. Câu 4 chép anh ta "sợ hãi lắm". Có thể sự chém giết nơi chiến trận đã làm cho anh ta phát khiếp vì vậy anh ta đã sợ hãi lắm. Có thể anh ta sợ cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nếu anh ta rút gươm mình ra giết nhà Vua đã chịu xức dầu. Anh ta đã thề bảo vệ Saulơ chớ không phải thề giết ông ta. Bất luận là động lực nào, kẻ vác binh khí sẽ không kết liễu mạng sống của Saulơ.
Trong cơn tuyệt vọng, "Saulơ bèn lấy gươm và sấn mình trên mũi nó". Bởi chính tay mình ông ta đã làm xong công việc mà các cung thủ Philitin đã bắt đầu. Trên các cao điểm của Ghinh-bô-a, vây chung quanh là các thi thể của binh lính và của các con trai ông, Saulơ đã kết liễu mạng sống loạn nghịch, khổ sở của mình bằng cách sấn mình trên mũi nó.
Kẻ vác binh khí bị bỏ lại một mình ở chiến trận. Quân Philitin cũng đang tiến về phía anh ta nữa. Trong một hành động của lòng trung thành trong lúc cùng đường, anh ta cũng "sấn mình trên mũi gươm mình mà chết với người" (câu 5). Câu 6 tóm tắt bối cảnh đáng buồn nầy như sau: "Như vậy, trong ngày đó, Sau-lơ, ba con trai người, kẻ vác binh khí người, và hết thảy kẻ theo người đều chết chung với nhau".
C. Quân Philitin tổ chức chiến thắng (các câu 7-10).
Khi Saulơ và các con trai người ngã chết trên Ghinh-bô-a, dường như dân Israel đều mất hết hy vọng. Câu 7 và 8 mô tả thể nào những người "ở bên kia trũng""bên kia sông Giôđanh" đã nghe thấy các tin tức rồi "bỏ các thành mình mà trốn đi".
Mới đây, trong khi du hành qua miền Nam Mississippi, tôi để ý thấy các tấm bảng chỉ dấu đi đường dọc theo xa lộ chính ghi là "lối sơ tán". Mấy tấm bảng nầy thông báo cho các cư dân vùng bờ biển biết đường xa lộ sử dụng lối sơ tán trong trường hợp có bão lớn. Tôi tưởng tượng những đường xa lộ ấy nối đuôi nhau với những cư dân đang chạy trốn bão. Cũng một thể ấy cho dân Israel trong ngày đó. Các cư dân trong những thị trấn cùng các làng mạc nhỏ gần Gít-rê-ên và núi Ghinh-bô-a đã chạy trốn trong nỗi kinh hoàng trước quân đội có tính cướp phá của người Philitin. Phần cuối của câu 7 chép: "nên nỗi dân Philitin đến ở đó” [các thành phố]. Quân dã man nầy đã đập phá những ngôi nhà riêng, các nhà bếp trống cùng những hầm rượu rồi tiệc tùng trên vùng đất đẹp nhất mà xứ Israel có thể hiến cho.
Câu 8 nói rằng qua "ngày sau" chúng đến lục soát "những kẻ chết". Đây là một phần việc rất kinh khủng và rùng rợn. Tuy nhiên, phần việc ấy rất cần thiết. Trong thời đại nầy, các loại vũ khí chất lượng cao rất hiếm và không một thứ gì còn bỏ lại ở đàng sau. Đối với kẻ chiến thắng, họ đi lấy chiến lợi phẩm và quân Philitin đã trở lại với bối cảnh trận chiến để cướp bóc các thi thể đã ngã chết, cả hai phía: người của họ và người của quân thù.
Trong quá trình ấy, họ "thấy Sau-lơ và ba con trai người nằm sải trên núi Ghinh-bô-a". Quân Philitin là một giống dân rất tàn ác và đầy thú tính. Một phần trong lễ mừng của họ là hành hình và cắt xẻo quân thù của họ. Saulơ đã đúng khi sợ rằng họ sẽ "sĩ nhục" ông ta. Bối cảnh nầy hình thành lại trong lý trí của tôi hành vi độc ác mà các cư dân người Somali ở Mogadishu thực hiện khi họ bị kích thích đối với các thi thể của binh lính Mỹ qua các đường phố của họ như hết thảy chúng ta đều thấy trên đài truyền hình CNN.
Sau khi tìm thấy thi thể của Saulơ, chúng "cắt đầu Saulơ, lột lấy binh khí người". Chúng cũng "sai báo tin tốt nầy cho khắp xứ dân Phi-li-tin, trong các đền thờ của thần tượng họ và trong cả dân sự". Chúng "để binh khí của Sau-lơ tại trong đền thờ Át-tạt-tê, và treo xác người vào tường thành Bết-san". I Sử ký 10 là một phân đoạn Kinh Thánh tương ứng với phân đoạn nầy. Các câu 9-10 chép:
“Chúng bóc-lột thây Sau-lơ, chém đầu người, cất lấy binh khí người, rồi sai kẻ đi khắp xứ Phi-li-tin, để báo tin cho các thần tượng và dân sự. Chúng để binh khí của người tại trong miễu các thần của chúng nó, còn đầu người thì đóng đinh treo trong chùa Đa-gôn”.
Trong lý trí của các dân theo tà giáo nầy, thần tượng của họ, đặc biệt là thần cá, thần Dagon đã đánh bại Đức Chúa Trời của Israel, là Đức Giêhôva. Các vua của chúng hãy còn sống, còn Saulơ thì đã chết. Số người đến dự trong các chùa miễu đã chơi nhởi suốt cả đêm. Chúng lấy binh khí của vua Israel đem đến cái miễu bẫn thỉu, ô uế chuyên thờ lạy thần "Át tạt tê" là Nữ thần ban ơn trúng mùa. Chúng lấy cái đầu của Saulơ đem đến "chùa Đa gôn". Tất nhiên, chùa nầy đã được tái thiết lại sau khi Samsôn xô nó sập xuống trước kia.
Không những sự loạn nghịch của Saulơ đã gây ra sự chết của chính ông ta, thêm cả sự chết của mấy người con và vô số binh lính can đảm; sự loạn nghịch ấy còn khiến cho danh Đức Giêhôva bị xúc phạm trong xứ Philitin nữa. Khi quí vị ăn ở trong sự loạn nghịch với Đức Chúa Trời và Lời của Ngài, không những quí vị tự đánh hạ mình cùng những ai thân cận mình xuống thấp, quí vị còn đánh hạ cả danh của Đức Giêhôva và làm cho những người chưa tin Chúa phải chai cứng trong sự vô tín của họ. Quí vị đang cung ứng cho những kẻ không phải là Cơ đốc nhân sự xưng công bình trong việc chối bỏ Tin Lành.
D. Những người dõng sĩ đến lấy xác của  Saulơ (các câu 11-13).
Tin tức lan đi thật nhanh. Đúng khoảng 20 dặm về phía Đông là thành phố "Giabe Galaát" của người Israel. Khi "dân sự" ở đó hay được tin tức về Saulơ, các câu 11-12 chép:
“Nhưng khi dân sự Gia-be ở Ga-la-át hay điều dân Phi-li-tin đã làm cho Sau-lơ, thì những người dõng sĩ trong bọn họ đứng dậy, đi trọn đêm, gỡ lấy xác của Sau-lơ và của con trai người khỏi tường thành Bết-san; rồi họ trở về Gia-be, thiêu các thây tại đó, lấy cốt của họ mà chôn dưới cây liễu xủ tơ, ở gần Gia-be, và kiêng ăn trong bảy ngày”.
Những người nầy đã tìm cách băng ngang qua những tên lính canh Philitin để đến âm thầm lấy các thi thể. Họ đã đem được các thi thể ấy trở về quê nhà rồi "thiêu" các xác ấy. Tôi nghĩ sở dĩ như vậy là vì mấy cái xác đã bị cắt xẻo rất khủng khiếp đến nỗi họ chẳng muốn để cho ai khác nhìn thấy nữa. Khi ấy họ mới thành khẩn chôn xương cốt chung với nhau.
Tại sao vậy? Điều chi đã khiến cho mấy người nầy "gan dạ" hay dạn dĩ như thế chứ? Tại sao họ dám liều mạng sống của mình để đến lấy xác của Saulơ, Giônathan cùng hai người em khác của Giônathan? Họ nhớ tới Saulơ ở một cung cách khác. Họ không nghĩ tới Saulơ trong vai trò một nhà Vua loạn nghịch không biết ăn năn. Họ đã nhớ thể nào ông đã bắt đầu đời trị vì của mình là một người tin kính ra đi đánh trận cho Đức Giêhôva.
Trở lại trong I Samuên 11, chúng ta đọc tới chỗ Nahách vua Am môn đang bao vây Giabe Galaát. Người Israel đã đưa ra vài điều kiện trước khi họ đầu hàng. Nahách đáp ông ta sẽ buông tha mạng sống của người Israel nhưng phải khoét con mắt bên phải của họ đi làm một sự rủa sả cho họ và để ngăn ngừa họ không còn đánh nhau được nữa. Thật là khó chịu khi thấy một người thuận tay phải cầm gươm bên tay phải với con mắt bên phải đã bị khoét mất. Nhà Vua trẻ Saulơ đã hay được cuộc bao vây và đòi hỏi đó. I Samuên 11.6 chép: "Vừa nghe tin nầy, Sau-lơ được Thần của Đức Chúa Trời cảm động, và cơn giận người nổi phừng phừng". Ông đã triệu tập một đạo quân từ khắp xứ Israel rồi tiến thẳng đến Giabe Galaát với ba trăm ba chục ngàn quân rồi giải phóng thành phố.
Dân sự ở Giabe đều biết rõ Saulơ đã trở thành vua rồi. Họ đã nhìn thấy sự cứng lòng và sự rủa sả của ông. Tuy nhiên, trong cái chết của ông họ đã tôn cao con người của ông ngày trước đó. Nguyện ký ức của chúng ta về sự biết ơn trong quá khứ sẽ thật dài và danh sách những điều vấp phạm trong lúc bây giờ sẽ ngắn đi nhiều. Chúng ta không luôn luôn xét đoán người ta vì những điều họ đang sống ngay lúc bây giờ mà hãy xét đoán mọi điều mà họ đã sống và mọi điều mà họ sẽ sống.
II. Một báo cáo đến từ bãi chiến trường (1.1-16).
A. Một sứ giả bất ngờ (các câu 1-4).
Người ta đánh dấu những sự cố quan trọng khi chúng đang xảy ra nhằm lúc họ nghe được các tin tức. Tôi đã nghe nói có nhiều người kể lại chính xác nơi họ đã có mặt và điều chi đang diễn ra khi Tổng thống Kennedy bị bắn tại Dallas trong năm 1963. Một bài hát mới đây có câu: "Quí vị ở đâu khi thế giới thôi không xây chuyển nữa…?" có ý nói tới cuộc tấn công vào ngày 11/9. Tôi hay tin chiếc phi cơ đầu tiên đâm vào toà tháp đầu tiên khi vợ tôi từ trường gửi về cho tôi một email nói cho tôi biết nên mở TV để xem tin tức. Tôi đã ngồi trong căn phòng riêng của mình với trạng thái kinh khủng lạnh người và đã nhìn thấy chiếc phản lực thứ hai đâm sầm vào tháp thứ hai rất rõ ràng. Với một lý do kỳ lạ nào đó, chúng ta đánh dấu các sự cố quan trọng bằng những việc vô nghĩa chúng ta đang làm khi chúng ta nghe thấy các tin tức.
Chương 1 trong sách II Samuên mở ra bằng cách nói cho chúng ta biết David đã làm gì khi ông hay được các tin tức nói về cái chết của Vua Saulơ. David đã "thắng dân Amaléc trở về" và đã "ở Xiếc lác hai ngày". Ông và người của ông đã yên ổn tái thiết lại những ngôi nhà đã bị thiêu cháy khi "Ngày thứ ba, xảy có một người ở dinh Sau-lơ trở về". Người nầy được mô tả là "quần áo rách rưới, đầu đóng bụi", đây là biểu thị cho thấy đau khổ và than khóc nhiều lắm. Anh ta chạy đến "trước mặt Đa-vít, sấp mình xuống đất mà lạy". Có lẽ anh ta đã chạy từ xa về và thật nhanh đến nỗi anh ta đã kiệt sức. Có lẽ đây là dấu cho thấy một sự tôn kính lắm (các câu 1-2).
David vốn biết rõ có một trận đánh đã hay sẽ diễn ra trong xứ Israel. Ông đã ở với dân Philitin khi chúng tổ chức đội ngũ và hoạch định mọi kế sách của họ. Ông vốn biết quân Israel đã ở vị trí nào. Ông vốn biết rõ địa thế rồi. Ông chỉ không biết điều gì đã xảy ra thôi! Ông đã hỏi với thái độ mất kiên nhẫn: "Người từ đâu đến?" Thở hắt một hơi, người kia đáp: "Tôi ở trại quân Israel thoát khỏi" (câu 3).
David nhìn vào quân phục rách nát của người nầy cùng bụi đất bám trên đầu anh ta rồi hiểu rằng những gì anh ta đã mang về không phải là các tin tức tốt lành. David hỏi: "Vậy, việc xảy ra sao? Hãy thuật cho ta". Vị sứ giả không kịp thở kia đáp liền: "Dân sự đã trốn khỏi chiến trường, và có nhiều người trong họ bị ngã chết; Sau-lơ và Giô-na-than, con trai người, cũng đều chết nữa" (câu 4).
B. Một lời giải thích kế tiếp nhau (các câu 5-10).
David cần phải biết chắc thông tin nầy. Ông muốn biết chắc. Ông hỏi: "Làm sao ngươi biết Sau-lơ và con trai người đã chết?" Nói cách khác: "Hãy đưa cho ta xem chứng cớ". Người kia đáp:
“Tình cờ tôi đi qua núi Ghinh-bô-a, thấy Sau-lơ nương trên cây giáo mình. Xe và lính kị theo gần kịp người. Người xây lại thấy tôi và gọi tôi. Tôi thưa rằng: Có tôi đây. Người nói cùng tôi rằng: Ngươi là ai: Tôi thưa: Tôi là dân A-ma-léc. Người bèn tiếp: Hãy lại gần giết ta đi, vì ta bị xây xẩm, nhưng hãy còn sống. Vậy, tôi đến gần và giết người đi, vì tôi biết người bại trận, không còn sống được. Đoạn, tôi lấy mão triều thiên trên đầu người và vòng vàng nơi cánh tay người, mà đem về đây cho chúa tôi” (các câu 6-10).
I Samuên 31 cho biết rằng Saulơ đã tính tự tử bằng cách sấn mình trên mũi gươm. Bây giờ trong II Samuên 1 chúng ta có lời của sứ giả nầy, anh ta xưng mình đã đến với một nhà Vua bị thương chí tử và trả lời cho tiếng kêu cầu của ông ta rồi phát ra “ân huệ cuối cùng”.
Có hai cách giải thích khả thi. Một số học giả Kinh Thánh nói rằng Saulơ đã làm cho sự tự tử của mình hỏng đi khi ông ta sấn mình trên mũi gươm. Ông ta không thực sự giết chết mình. Còn gã nầy nói hắn đã nhìn thấy ông ta "nương trên cây giáo mình" rồi thương xót giúp cho ông ta chết đi.
Cách giải thích thứ hai và là cách giải thích dường như thích ứng nhất, ấy là Saulơ hiển nhiên đã nhảy vào tự tử và  gã nầy đến lấy xác ông ta trước tiên để thu hồi mão triều thiên cùng cái vòng vàng nơi cánh tay. Hắn ta biết rõ David là Vua kế vị và nghĩ hắn sẽ kiếm được lòng biết ơn của David nếu David tin chính hắn ta đã hoàn tất sự chết của Saulơ. Tôi tin sứ giả nầy đang nói dối vì I Samuên 31.5 chép rằng kẻ vác binh khí của Saulơ "đã nhìn thấy Saulơ đã chết rồi".
C. Một sự đau đớn lòng (các câu 11-12).
Chúng ta không biết David có nhìn thấy qua câu chuyện nầy hay không, nhưng ông đã quay mặt đi ngay tức khắc rồi khóc lóc sầu thảm về cái chết của Saulơ và Giônathan. Ông "bèn xé quần áo mình". Suốt cả lịch sử Hêbơrơ, việc xé áo xống là một cách thể hiện ra ở bề ngoài nỗi đau khổ ở bên trong. David không phải làm thế một mình đâu vì "hết thảy những người đi theo cũng đều làm y như vậy".
Hậu quả của chiến trận đã đụng mạnh vào Xiếc lác. Dân sự "đã để tang, khóc lóc, và nhịn đói" cho đến chiều tối. Lý trí họ không thể quên được Saulơ và Giônathan và "dân sự của Đức Giêhôva""nhà Israel" vì hết thảy đều đã "bị gươm ngã chết".
Chúng ta có thể suy nghĩ linh tinh về sự ấy, nhưng David vốn yêu mến và tôn kính Saulơ dù khi Saulơ đã thường tìm cách giết David. Thực ra, chúng ta sẽ thấy trong một phút thể nào David đã ca ngợi nhà Vua.
D. Báo ứng cho sự phản bội (các câu 13-16).
Trong nỗi đau ấy, David đã suy gẫm về các tin tức đưa đến trong ngày. Đau đớn hầu như chuyển sang tư tưởng phục thù. David lấy làm lạ sao gã nầy không ngần ngại cất đi mạng sống của nhà Vua được xức dầu của Đức Giêhôva. Ông hỏi: "Ngươi ở đâu đến?" gã kia đáp lại: "Tôi là con trai của một người ngoại bang, tức con của một người A-ma-léc". David vốn biết rõ điều nầy rồi (câu 8). Tôi nghĩ ông muốn biết chắc mà thôi! Thật là thú vị, David đã trở về từ việc giết dân Amaléc là những kẻ đã đốt phá ngôi làng nầy. Mỉa mai thay, Đức Giêhôva đã lìa khỏi Saulơ vì ông đã thất bại không giết một vua người Amaléc, còn bây giờ gã Amaléc nầy lại xưng nhận rằng mình đã giết Saulơ.
David hỏi một câu rất rõ ràng: "Cớ sao ngươi không sợ giơ tay lên giết kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va?" Vì chẳng có một câu trả lời nào là hợp lý cả, David đã nói với một người của mình: "Hãy lại gần, xông đánh hắn". Người của David "đánh hắn và hắn chết".
III. Một bài ca dành cho một người bạn (31.17-27).
Một trong những việc khó nhất cho bất kỳ một vị Mục sư nào phải làm khi tổ chức tang lễ cho ai đó mà ông không quen biết. Quí vị lắng nghe các thành viên trong gia đình nói về người thân quá cố của họ rồi tìm cách thuật lại mọi việc đó cho hội chúng biết, nhưng ai nấy đều biết quí vị đang nói, quí vị thực sự không quen biết người ấy. Mặt khác, khi quí vị quen biết người ấy và quí vị biết mối quan hệ của người với Đấng Christ, việc giảng cho tang lễ chỉ thực khó vì quí vị phải có nhiều việc để nói ra. David rõ ràng cảm thấy như thế nầy về Saulơ và Giônathan. Ông viết một bài "Ca thương" một Thi thiên cho tang lễ "về Saulơ và Giônathan". Ông gọi bài ca nầy là: "Bài ca về Cung" và truyền cho dân sự phải dạy bài ca ấy cho con cái họ. Bài ca nầy cũng được chép vào "Sách kẻ công bình", một quyển sách không được xem là kinh điển nói tới các việc làm anh hùng cùng chiến tích của dân tộc Hêbơrơ.
Hãy tưởng tượng cả thành Xiếc lác chuyển mình tổ chức một buổi thờ phượng tưởng niệm Saulơ và Giônathan. Mọi người đều nhóm lại chung quanh khi David đọc lên Thi thiên nầy, công việc của tình yêu thương. Lẽ đạo của Thi thiên nầy là: "Nhơn sao các kẻ anh hùng nầy ngã chết!" Mệnh đề nầy đã được lặp đi lặp lại ba lần và mỗi lần làm nổi bật lên một khổ mới trong Thi thiên.
David nói: "Ôi! Y-sơ-ra-ên! kẻ danh vọng của ngươi đã thác trên gò nỗng ngươi! Nhơn sao các kẻ anh hùng nầy bị ngã chết?" “Kẻ danh vọng của Israel” ở trong Saulơ và Giônathan. Họ đã bị giết trên "gò nỗng" trên núi Ghinh bô a. Đây là một sự cố rất quan trọng vì kẻ "anh hùng" hay mạnh sức của Israel giờ đây đã quá cố rồi (câu 19).
Kế đó ông công bố: "Chớ đi tuyên cáo đều đó trong Gát, chớ rao truyền sự ấy trong các đường phố Ách-ca-lôn, e các con gái Phi-li-tin vui vẻ, và các con gái kẻ không chịu cắt bì mừng rỡ chăng?" (câu 20). Gát và Áchcalôn là các thành thủ phủ trong xứ Philitin. David sợ tư tưởng của các binh lính Philitin trở lại với các thành ấy rồi diễu hành qua các đường phố với những con gái của thành phố miệng ca hát những bài ngợi khen của họ.
Ông nói tiếp: "Hỡi núi Ghinh-bô-a! Nguyện sương móc và mưa chẳng sa xuống trên ngươi, và chẳng có đồng ruộng sanh sản vật dùng làm của lễ đầu mùa; vì tại nơi đó, cái khiên của anh hùng bị nhơ nhuốc, tức là cái khiên của Sau-lơ, nó sẽ chẳng hề được xức dầu nữa" (câu 21). Đây là một lời rủa sả giáng trên ngọn núi. Cái "khiên" tiêu biểu cho sự bảo hộ. Cái khiên đã bảo hộ cho Saulơ giờ đây "chẳng hề được xức dầu nữa" mà đã bị nhuộm bằng huyết của ông ta. Nó đã bị đem đặt trong một ngôi chùa thờ thần Át-tạt-tê.
Kế đó David hát: "Cây cung của Giô-na-than chẳng hề trở về mà không dính đầy huyết kẻ chết, và mỡ của người dõng sĩ; Cây gươm của Sau-lơ không hề trở về mà không vinh quang" (câu 22). Thậm chí trong khi chết Saulơ và Giônathan đều là những chiến binh. Ngay cả với lượng sức lực cuối cùng của họ, họ cũng đã giết thật nhiều quân thù.
Ông nói: "Khi còn sống, Sau-lơ và Giô-na-tha yêu nhau đẹp nhau, lúc chết chẳng lìa khỏi nhau; hai người vốn lẹ hơn chim ưng, mạnh hơn con sư tử!" (câu 23). Giônathan đã giữ lòng trung thành với cha mình cho tới cuối cùng và dường như đã ngã chết đang khi lo bảo vệ cho ông ấy. "Chim ưng""sư tử" tiêu biểu cho sự khôn ngoan và sức mạnh của dân tộc.
David tiếp tục nói trong câu 24: "Hỡi con gái Y-sơ-ra-ên, hãy khóc về Sau-lơ, người đã mặc cho các ngươi áo xống màu đỏ điều xa-xí, trao giồi áo xống các ngươi bằng đồ vàng". Trong các năm trước đây, trong đời trị vì của Saulơ, ông là một vì Vua anh minh và tin kính. Ông đã đánh thắng nhiều trận và đã hầu việc Đức Giêhôva. Ông đã đem lại sự giàu có và huy hoàng cho Israel. David khích lệ các con gái Israel phải nhớ tới những điều mà Saulơ đã từng làm.
Một lần nữa ông than vản: "Cớ sao người dõng sĩ ngã giữa cơn trận? Nhân sao Giô-na-than thác trên gò nỗng các ngươi?" (câu 25). Ông nói: "Hỡi Giô-na-than, anh tôi, lòng tôi quặn thắt vì anh. Anh làm cho tôi khoái dạ; Nghĩa bầu bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ" (câu 26). David và Giônathan vốn có một mối quan hệ thân thiết giống như bất cứ ai cũng có thể có. I Samuên 18.1 chép: "lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít". Họ đã khẳng định một mối quan hệ bằng khế ước hẳn hoi. David đã có nhiều vấn đề với phụ nữ. Ông không có một quan niệm nào về mối quan hệ tin kính sống một vợ một chồng đâu. Ông không nghĩ tới hai người vợ của mình hay nhiều người nữ khác mà ông sẽ có trong các giới hạn của tình bạn. Đấy là lý do tại sao ông nói rằng tình yêu của Giônathan thì "quí hơn tình thương của người nữ".
David kết luận ở câu 27: "Cớ sao những anh hùng bị ngã xuống? Nhân sao các binh khí họ bị bẻ gãy?" Trong lý trí của ông, các thứ "binh khí", sức mạnh đã lìa khỏi Israel rồi. Tôi không nghĩ ông đã nhìn biết đầy đủ rằng nơi ông Israel sẽ tìm được sự vinh quang cao cả nhất của dân ấy.
IV. Ba bài học cần phải tiếp thu.
A. Sự chết đang đến.
Saulơ đã khởi sự rất tốt đẹp. Ông là sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Ông đã dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã đáp đậu trên ông. Nhưng rồi, Saulơ đã bắt đầu tỏ ra kiêu căng và loạn nghịch chống lại Đức Giêhôva. I Sử ký 10.13-14 hiến cho chúng ta một cái nhìn đáng kinh ngạc vào các sự cố cho chúng ta nghiên cứu hôm nay:
“Ấy vậy, vua Sau-lơ chết, vì tội lỗi mình đã phạm cùng Đức Giê-hô-va, và vì chẳng có vâng theo mạng lệnh của Ngài; lại vì đã cầu hỏi bà bóng, chẳng có cầu hỏi Đức Giê-hô-va; vậy, vì cớ ấy Ngài giết người, dời nước người cho về Đa-vít, con trai Y-sai”.
Thực ra, Saulơ không tự giết mình, ông cũng không bị giết bởi tay của người Amaléc nữa. Chính Đức Chúa Trời mới là Đấng đã giết ông ta. Saulơ đã loạn nghịch và loạn nghịch mà không chịu ăn năn, vì vậy Đức Chúa Trời mới cất ông về quê hương. I Giăng 5.16 chép: "Cũng có tội đến nỗi chết".
Bất chấp lý do tại sao chúng ta chết, hết thảy chúng ta chắc chắn phải chết. Hết thảy chúng ta đều có một ước hẹn với cái chết. Hêbơrơ 9.27 chép: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét".
Peter Marshall, một cựu Mục sư Tuyên úy của Thượng Nghị Viện Hoa kỳ, thường kể lại một câu chuyện minh hoạ sự ước hẹn mỗi một người chúng ta với sự chết.
Một truyền thuyết xưa kể lại một thương buôn ở Baghdad, một ngày kia ông ta sai tôi tớ mình ra chợ. Cũng khá lâu người đầy tớ trở về, mặt trắng bệt và run rẩy, rồi với vẻ bối rối, anh ta nói với chủ của mình: "Ở dưới khu chợ con có chen lấn với một người đờn bà trong đám đông, khi con quay qua con trông thấy đó là Thần Chết đã chen lấn tôi. Bà ta nhìn thẳng con rồi tỏ ra vóc dáng đầy đe doạ. Chủ ơi, làm ơn cho con mượn con ngựa của ông để con chạy thật nhanh khỏi đây để lẫn tránh bà ta. Con sẽ cỡi ngựa đến Samarra và con sẽ ẩn náu ở đó, Thần Chết sẽ không tìm ra con đâu”.
Thương buôn kia cho hắn ta mượn con ngựa của mình và gã tôi tớ đó đã phi ngựa chạy thật xa.
Sau đó người lái buôn đi ra chợ, ông trông thấy Thần Chết đứng giữa đám đông. Ông bươn tới gần bà ta rồi hỏi: "Tại sao bà làm cho tôi tớ tôi sợ phát khiếp sáng nay? Tại sao bà tỏ ra vóc dáng đầy đe doạ chi vậy?"
Thần Chết nói: “Đấy không phải là vóc dáng đe doạ đâu, đấy chỉ là một khởi đầu của kinh ngạc mà thôi. Tôi rất ngạc nhiên khi gặp ông ở Baghdad, vì tôi có một ước hẹn với hắn tối nay ở Samarra".
Mỗi một chúng ta đều có một ước hẹn ở Samarra. Nhưng đấy là cái cớ cho sự vui mừng – chớ không phải là cớ để sợ hãi, nó khiến cho chúng ta biết đặt lòng tin cậy nơi Ngài là Đấng một mình nắm giữ các chìa khoá của sự sống và sự chết.
Phần quyết định quan trọng nhất trong cuộc sống là phải sửa soạn cho sự chết. Quí vị có nhìn biết Đấng Christ chưa? Phải chăng đó là sự bảo đảm đời đời của quí vị? Chúa Giêxu phán: "Ta là sự sống lại và sự sống. Kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi" (Giăng 11.25).
B. Sự sống rất quí báu.
Hãy nhìn lại đôi điều mà người Amaléc đã nói trong tường trình của hắn cho David. Trong II Samuên 1.10. Dù nói thật hay nói dối, hắn đã nói về Saulơ: "Vậy, tôi đến gần và giết người đi, vì tôi biết người bại trận, không còn sống được". Động lực của hắn ta cho việc “giết chết vì lòng thương xót” nầy là gì? Hắn ta biết "chắc người không còn sống được". Có bao nhiêu người đã chết vì ai đó quyết định họ không thể sống hay họ không nên sống? Gắn với điều nầy là nhiều vấn đề quan trọng trong xã hội liên quan tới tính bất khả xâm phạm của sự sống con người, các vấn đề như phá thai, tự tử, phụ giúp tự tử và làm cho người mắc bịnh nan y được chết nhẹ nhàng.
Chúng ta là ai dám nói rằng một đứa trẻ chưa chào đời không thể hay không nên sống chứ? Chúng ta là ai dám làm cho sự chết của người nào đó mau thêm dù khi họ yêu cầu như vậy chứ? Chúng ta là ai mà dám quyết định ai sẽ chết và khi nào họ nên chết. Chúng ta, là hữu thể con người không có sự khôn ngoan hay khả năng đạo đức để đưa ra những loại quyết định như thế đó.
Có người đã hỏi: "Thưa Mục sư, từ khi Saulơ sống loạn nghịch và vì ông ấy dính dáng tới việc tự tử, ông có nghĩ là Saulơ sẽ được lên thiên đàng không?" Đây chỉ là ý kiến riêng của tôi thôi, tôi nghĩ là ông ấy được lên thiên đàng đấy. Xuyên suốt Kinh Thánh chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời giữ chặt những ai chạy đến với mối tương giao với Ngài. Thí dụ, Chúa Giêxu đã phán trong Giăng 10.28 như sau: "Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta". Êphêsô 4.30 chép: "Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc". Phaolô viết trong Roma 8.38-39:
“Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta”.
Nếu Saulơ đã có một mối tương giao với Đức Chúa Trời, nếu ông là một con cái của Đức Chúa Trời, như sự trị vì của ông lúc ban đầu cho thấy, thì ông luôn luôn và luôn luôn là con cái của Đức Chúa Trời, thậm chí nếu ông là một người con loạn nghịch. Dựa theo sự thực ấy, tự tử hay không tự tử, tôi tin ông đang ở trên thiên đàng. Chúng ta không thu nhỏ sự tự tử. Đây là một tội trọng. Đó là lấy mạng sống mình đùa giỡn Đức Chúa Trời. Nó nói với Đức Chúa Trời rằng quí vị không tin cậy Ngài chúc phước và giải cứu quí vị nữa. Tuy nhiên, tội lỗi duy nhất không đáng được tha thứ là tội vô tín (Mathiơ 12.31).
C. Bạn bè và vĩnh viễn.
Ồ David đã than khóc Giônathan. Thật khó chịu khi mất một người bạn, một người anh em dường bao. Chúng ta mang lấy ký ức của họ ở trong lòng chúng ta luôn luôn. Châm ngôn 17.17 chép: "Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn". Chúng ta yêu thương họ "luôn luôn" dầu khi họ đã qua đi rồi. Niềm vui mừng lớn lao trong tình bạn giống như tình bạn của David và Giônathan ấy là vĩnh viễn, tình thương ấy là đời đời. Ở phần cuối đời sống thật thọ của David, đã có một tái hội hiệp ở thiên đàng giữa hai người bạn nầy. Họ đã ở đó với nhau hôm nay đang chờ đợi đỉnh cao sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nếu quí vị nhận biết Đấng Christ và bạn hữu của quí vị nhận biết Đấng Christ, sự chết chỉ là một sự phân rẻ ngắn ngủi đối với tình bạn tin kính vĩnh viễn kia.
Một câu cuối cùng chúng ta phải xem qua. Châm ngôn 18.24 chép: "Người nào được nhiều bằng hữu sẽ làm hại cho mình; Nhưng có một bạn tríu mến hơn anh em ruột". Chúa Giêxu là người bạn "tríu mến hơn anh em ruột” đó. Ngài là người bạn thân tín nhất vì Ngài bằng lòng, tình nguyện phó mạng sống Ngài vì chúng ta (Giăng 15.13). Nếu quí vị chưa bao giờ bước vào mối tương giao với Ngài, nếu quí vị chưa bao giờ được sanh lại, Ngài đang muốn trở thành Thiết Hữu của quí vị ngay hôm nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét