Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Bài 28: II Samuên 17:1 - 19:8: "Cái Chết Của Kẻ Nổi Loạn"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Cái chết của kẻ nổi loạn
II Samuên 17.1 - 19.8

Chúng ta đang tiến nhanh tới phần cuối của loạt nghiên cứu về đời sống và thời thế của Vua David và chúng ta phải lướt qua nhiều điều sáng nay để chúng ta không bị mất thì giờ trong phần giới thiệu nội dung cho một số người trong quí vị đã không có mặt vào tuần qua.
Vua David đã thèm khát Bátsêba, muốn lấy nàng làm của riêng mình, đã giết Uri chồng nàng và đã tìm cách che đậy toàn bộ vụ việc bẩn thỉu đó. Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Nathan đến công bố sự phán xét giáng trên David và nói:  "Vua là người đó" (12.7). Đức Chúa Trời phán: "gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi, bởi vì ngươi đã khinh taTa sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi; ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch nhựt".
David đã ăn năn và Đức Chúa Trời "bỏ qua" hay tha thứ tội lỗi của ông. Tuy nhiên, sự phán xét của Đức Chúa Trời vẫn sẽ đến. Đức Chúa Trời có thể tha thứ tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài để cho chúng ta gặt lấy mọi hậu quả của tội lỗi chúng ta. Vì tội lỗi của David rất kinh khủng, mọi hậu quả ông đã đối mặt với cũng rất là khủng khiếp nữa. Đứa con sanh ra từ mối quan hệ của ông với Bátsêba đã chết. Con trưởng nam của ông là Amnôn lại thèm khát em gái cùng cha khác mẹ với mình là Tama và hiển nhiên đã cưỡng hiếp nàng. Anh của Tama, là Ápsalôm, con trai thứ ba của David khi ấy mới giết Amnôn để báo thù. Ápsalôm trốn sang nhà ông ngoại của mình ở Ghêsurơ và đã trốn tránh ở đó trong ba năm trời. Tiếp đến David đã cho phép chàng trở về lại Israel song chàng bị nhốt hẳn ở nhà trong hai năm trời. Sau cùng, khi chàng được thong thả rồi, chàng bắt đầu dựng lên một cổ máy chính trị hầu lật đổ ngôi vị của cha mình. Chàng đã làm rất có hiệu quả, 15.6 chép: "Áp-sa-lôm dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên vậy". Sau bốn năm mưu tính, cuộc nổi loạn đã bắt đầu. Tiếng kêu la vang dội: "Ápsalôm làm vua!" (15.10). Tin tức đã đến tai David: "Lòng của dân Y-sơ-ra-ên nghiêng về Áp-sa-lôm" (15.13).
David biết rõ Ápsalôm thù ghét ông. Ông biết rõ Ápsalôm sẽ giết ông nếu có thể. Tuy nhiên, ông yêu thương Ápsalôm và không muốn để cho Ápsalôm giết ông. Ông chọn trốn chạy thay vì chiến đấu. Ông đã nhóm các tôi tớ, các chiến sĩ và các cấp lãnh đạo chính phủ trung thành của mình lại, cũng như gia đình ông rồi sửa soạn ra đi. Ông chỉ để lại đàng sau mười nàng hầu để "giữ đền" và duy trì sự hiện diện của ông trong cung điện.
David đã khóc khi chạy trốn. Tấm lòng của ông đã tan vỡ. Ông đã bước đi trên những làn nước mắt khi ông và hàng ngàn người trung thành nhất đi theo ông, họ đã ra tới con đường hướng vào đồng vắng của Sông Giôđanh. Dọc đường, đã có những người bạn đã tỏ ra lòng trung thành không đổi đối cùng nhà Vua. Cũng có những kẻ phỉ báng như Simêi, hắn ta đã rủa sả David và ném đá vào ông dọc đường đi. Suốt chuyến đi nầy, David đã tỏ ra lòng tin cậy đáng kinh ngạc nơi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và tuyệt đối tin cậy nơi sự công bình của Đức Chúa Trời.
Khi David cứ đi tới, ông đã nhận được sứ điệp: "A-hi-tô-phe cũng hiệp đảng phản nghịch với Áp-sa-lôm" (15.31). Nỗi kinh hãi nầy đánh mạnh vào tấm lòng của David vì Ahitôphe là con người khôn ngoan nhất mà David vốn biết rõ. Thực ra, Kinh Thánh chép: "Vả, trong lúc đó, người ta coi mưu của A-hi-tô-phe như lời phán của chính Đức Chúa Trời". Khi ấy David mới cầu nguyện với lòng tin cậy hoàn toàn: "Ôi, Đức GIÊHÔVA! xin làm cho những mưu chước của A-hi-tô-phe ra ngu dại".
Trong lúc đó David cũng nói với "bạn hữu" mình là vị tư vấn Husai rồi khuyên ông nên trở về thành Jerusalem. Ông nói với Husai: "Nhưng nếu ngươi trở về thành, và nói cùng Áp-sa-lôm rằng: Ôi vua! tôi là kẻ tôi tớ vua. Thuở trước tôi đã phục sự vua cha thể nào, bây giờ tôi sẽ phục sự vua thể ấy, vậy ngươi sẽ vì ta làm bại mưu chước của A-hi-tô-phe" (15.34).
Khi quí vị nắm bắt được câu chuyện ngày hôm nay, David cùng những người ủng hộ ông đã ra tới "đồng bằng của sa mạc" (15.28), gần sông Giôđanh để đợi tin từ thành Jerusalem. Husai đã trở về thành Jerusalem. Ápsalôm và những kẻ ủng hộ chàng ta cùng với Ahitôphe đã chiếm lấy thành phố một cách êm xuôi. Giờ đây bối cảnh đề ra cho cuộc tranh chấp giữa cha và con.
Chúng ta sẽ chia phân đoạn Kinh Thánh nầy thành 5 tiểu đoạn và hãy xem xét câu chuyện theo chi tiết rồi kết luận bằng cách rút ra một số bài học quan trọng để sống theo.
I. Mưu định đối kháng nhau (17.1-14).
Husai đã tỏ mình ra với Ápsalôm như một tôi tớ. Khi Ápsalôm thắc mắc về lòng trung thành của ông, ông đáp: "Tôi sẽ làm tôi tớ ông như đã làm tôi tớ của thân phụ ông vậy". Ápsalôm dường như đã chịu tiếp nhận ông, có lẽ với một số hạn chế. Thế rồi diễn ra một cuộc chiến giữa những vị cố vấn với mưu định đối kháng nhau đưa ra cho vị vua tự phong nầy.
· Kế hoạch của Ahitôphe (các câu 1-4).
Kế hoạch của Ahitôphe nằm trong hai phần. Chúng ta đã xem qua phần thứ nhứt trong bài nghiên cứu trước rồi, nhưng tôi muốn tóm lược lại phần đó ở đây. Ông ta nói với Ápsalôm: "Hãy đi đến cùng các cung phi của thân phụ ông đã để lại đặng giữ đền. Khi cả Y-sơ-ra-ên hay rằng ông đã sỉ nhục thân phụ ông như vậy, thì hết thảy những người ở cùng ông lại sẽ càng mạnh mẽ hơn" (16.21). Tất nhiên điều nầy phù hợp hoàn toàn lời tiên tri do Nathan nói ra. Ahitôphe vốn biết rõ Ápsalôm không thể làm một sự sĩ nhục nào lớn lao hơn cho cha mình bằng cách lấy những người đờn bà nầy làm hậu cung riêng của chàng và ngủ với họ.
Phần thứ hai trong kế hoạch của Ahitôphe được tóm tắt trong bốn câu đầu của chương 17. Ông đã xin một đội "mười hai ngàn quân" và chính ông sẽ đuổi theo David. Ông nói rằng ông sẽ: "xông vào người trong lúc người mệt mỏi, ngã lòng, và làm cho người kinh khiếp". Kế đó những kẻ ủng hộ vua sẽ chạy tháo vì mạng sống họ và Ahitôphe sẽ để cho họ đi. Ông ta nói: "Tôi sẽ giết một mình vua". Dân chúng khi ấy sẽ quay về lại thành Jerusalem và dành sự ủng hộ của họ cho Ápsalôm và: "cả dân chúng sẽ được bình yên".
Đây là mưu định rất khôn khéo. Thực ra: "các trưởng lão Israel đều nhận lời ấy là phải" (câu 4). Phần của Ápsalôm là phá phách các cung phi của David. Phần của Ahitôphe là ngay tức khắc truy đuổi David và bắt lấy vua khi chưa được ổn định và không có phòng ngự.
· Kế hoạch của Husai  (các câu 5-14).
Trước khi hành động, Ápsalôm cũng quyết định lắng nghe từ Husai nữa. Hãy nói về một thợ xào nấu áp lực, Husai đang ở dưới áp lực rất nặng. Ông không có thì giờ để dựng lên một trường hợp nhưng ông nói "từ chót đầu mình" với sự hiểu biết đầy đủ rằng những điều ông nói ra sẽ có nghĩa là sống hay chết cho David là bạn thân của mình. Ông biết rõ mưu của Ahitôphe là khôn khéo rồi, vì vậy ông phải nói với Ápsalôm cần phải theo một kế hoạch khác.
Ông bắt đầu bằng cách nói: "Lần nầy, lời bàn của A-hi-tô-phe không được tốt lành" (câu 7). Nói cách khác, "Ahitôphe là một người cực kỳ khôn ngoan thường đưa ra mưu tính lớn lao, song lần nầy ông ta sai rồi. Có một kế hoạch tốt hơn". Ông nhắc cho Ápsalôm nhớ rằng cha chàng cùng những chiến binh, những kẻ ở với vua đều là những tay "dõng sĩ". Còn nữa, họ "có lòng nóng giận khác nào gấu cái trên rừng bị người ta bắt con nó". Ông cảnh giác Ápsalôm đừng quên rằng cha chàng là "người thạo việc chiến trận",  vua rất chịu khó bởi nhiều trận mạc và khôn ngoan đủ để "chẳng ở đêm cùng đạo binh". Thay vì thế, vua sẽ ẩn đi và bố trí các đạo quân để bảo hộ mình. David và người của ông đều là những chuyên gia trong trận chiến du kích. Họ luôn sẵn sàng và chờ đợi. Họ sẽ "đánh bại" trận đầu những kẻ ủng hộ Ápsalôm và những người khác sẽ bỏ trốn. Lời bàn có sức cản hiệu quả ngay. Husai thêm thắt: "Bây giờ, kẻ mạnh bạo hơn hết, dầu có lòng như sư tử, cũng phải nát gan; vì cả Y-sơ-ra-ên biết rằng vua cha là một tay anh hùng, và những kẻ theo người đều là can đảm" (câu 10).
Ngược lại, Husai bàn với Ápsalôm hãy dành thì giờ: "hiệp lại hết thảy dân Israel chung quanh Ápsalôm". Ông khuyên Ápsalôm nên tập trung một lực lượng đông đảo như "cát trên bờ biển" và Ápsalôm phải "thân hành ra trận". Một quân đội giống như thế sẽ cần một cấp lãnh đạo có ấn tượng. Họ sẽ đông đảo và đầy uy lực đến nỗi khi họ tìm gặp David cùng lực lượng nhỏ nhoi của ông họ "sẽ đáp trên người như sương sa trên đất". Không những họ sẽ giết David mà còn giết hết thảy những kẻ phản nghịch mù quáng đi theo ông. Nếu David hèn nhát rút vào trong thành phố nào đó, họ sẽ "kéo thành đó xuống đáy khe, đến đỗi người ta không thấy một cục đá nào còn lại".
Khi ấy Ápsalôm mới xem xét đôi điều của cả hai kế hoạch nầy. Chàng là một con người của tư dục, thù ghét cha mình nhiều đến nỗi quả thực chàng "đã dựng một cái trại" trên mái cung điện, ngay tại chỗ mà từ đó David đã thèm khát Bátsêba và đến với cung phi của David. Tuy nhiên, ông quyết định không để cho Ahitôphe đem lực lượng nhỏ, di động nhanh ngay lập tức đuổi theo David. Chàng chịu nghe theo Husai.
Lời bàn của Husai không những là kết quả của lời lẽ khéo léo, mà Đức Chúa Trời đã tác động trong việc đáp lời cầu nguyện của David. Câu 14 cung ứng cho chúng ta phần đáp ứng của Ápsalôm: "Mưu của Hu-sai, người Ạt-kít, hay hơn mưu của A-hi-tô-phe". Câu nầy còn nói thêm: "Vả, Đức Giê-hô-va đã định làm bại mưu khôn ngoan của A-hi-tô-phe, hầu giáng sự tai họa trên Áp-sa-lôm vậy".
II. Sự bảo hộ theo ý Đức Chúa Trời (17.15-29).
· Sự tránh thoát của David (các câu 15-22).
Theo kế hoạch đã được sắp xếp từ trước, Husai báo tin cho Xađốc và Abiatha, hai thầy tế lễ biết về quyết định của Ápsalôm. Đổi lại, họ sửa soạn sai hai con trai của họ là Ahimát và Giônathan thông báo cho David biết để một mạng lưới phòng ngự được dựng lên. Sứ điệp họ mang đi là: "Chớ ở đêm ngoài đồng bằng của sa mạc; hãy đi tới xa hơn [sông Giôđanh], kẻo vua và các người đi theo phải bị tai vạ chăng".
Dường như là Giônathan và Ahimát đã ở lại trong "Ên Rôghên" một ngôi làng nhỏ gần thành Jerusalem. Họ "không dám vào trong thành". Dường như Ên Rôghên có một con suối hay nguồn nước mà các người đờn bà mỗi ngày ra đó để lấy nước. Sứ điệp kín mật kia được gửi đến cho họ bởi "một con đòi". Tuy nhiên, "một người trai trẻ" đã phát hiện ra họ và nơi ẩn trú của họ được báo cho Ápsalôm hay, chàng đang mở buổi dạ tiệc thật lớn.
Giônathan và Ahimát đã mau chóng thoát ra khỏi Bahurim (nơi mà David bị Simêi rủa sả) và tìm nơi nương náu tại nhà của một người trung thành ở đó. Họ leo xuống một cái giếng và người đờn bà chủ nhà "lấy cái mền trải trên miệng giếng, trên đó người trải phơi lúc mạch" và nhơn đó giấu hai người bằng cách đậy cái giếng lại. Khi các toán quân Ápsalôm như giông bão đến nơi, bà nói cho họ vài tin giả và họ không thể tìm được hai người được che giấu, vì vậy họ đã quay trở về lại thành Jerusalem. Giônathan và Ahimát khi ấy mới tiếp tục đi gặp David và trung tín tường trình lại các tin quan trọng. Tiếp đến David đem hết thảy người của mình vào các vị trí được phòng thủ bên bờ phía đông sông Giôđanh trước khi trời sáng.
· Ahitôphe tự tử (câu 23).
Câu 23 là câu nói gỡ. Câu nầy chép như sau: "A-hi-tô-phe thấy người ta không theo mưu của mình, bèn thắng lừa, trở về thành mình, và vào trong nhà người. Sau khi người đã sắp đặt việc mình rồi, thì tự thắt cổ mà chết. Người ta chôn người trong mộ của cha người".
Hãy nhớ rằng chúng ta đã biết trước Ahitôphe là ông Nội của Bátsêba. Mặc dù ông ta là một người tin kính và là một con người cực kỳ khôn ngoan, ông ta không thể vượt quá những điều David đã làm. Ông ta cảm thấy gia đình mình hoàn toàn mất danh dự. Ông ta đã làm mọi sự ông ta có thể để thực thi sự báo thù trên David. Ông ta đề nghị Ápsalôm làm đúng sự việc mà David đã làm với cháu nội của ông ta đối với các cung phi của David. Ông ta đã tình nguyện đích thân dẫn một đội quân đi giết David. Khi ông ta "thấy người ta không theo mưu của mình", ông ta biết ngay việc đã không thành rồi. Ông ta có thể nhìn thấy Husai đang làm việc cho David và Ápsalôm sẽ rơi vào tay của David một cách dại dột. Ông ta biết rõ mọi chuyện đã xong rồi.
Quyết định của ông ta đã được thực hiện. Ông ta: "bèn thắng lừa, … trở về thành mình, và vào trong nhà người… sắp đặt việc mình rồi, thì tự thắt cổ mà chết". Khi có người đe doạ tự tử, người ta phải tri hô cầu cứu. Còn người nào tỉnh táo đưa ra quyết định, rồi với một ý thức bình an, họ sắp đặt mọi việc rồi kết liễu mạng sống mình. Ahitôphe đã mất mặt. Ông ta không thể báo thù David được, vì vậy ông ta đau buồn, tự kết liễu mạng sống mình. Tự tử luôn luôn kết quả bằng cách treo cổ khi kiêu ngạo bị tổn thương.
· Tiếp trợ của Đức Chúa Trời (các câu 24-29).
Khi ấy David mới dẫn dân sự mình đến thành phố Mahanaim ngang sông Giôđanh. Ở đây các thiên sứ đã gặp Giacốp khi quay trở về gặp Êsau, anh mình (Sáng thế ký 32). Các thiên sứ cũng đã ở với David nữa. Khi Ápsalôm và các toán quân của chàng áp sát hơn, những người bạn ủng hộ có ơn cứu giúp vây chung quanh David. "Sôbi" một cừu thù đã đến, cũng như "Maki" là người chăm sóc cho Mêphibôsết ở Lô Đêba. Cũng có "Bátxilai" một cụ già giàu có lại xuất hiện trong câu chuyện ở chương 19. Các câu 28-29 cung ứng một danh mục trong cửa hàng tạp hoá gồm các thứ đồ ăn và tiếp trợ họ đã mang tới cho David và người của ông.
Đức Chúa Trời trong sự khôn ngoan của Ngài đã vận hành trong nhiều phương thức để giữ an toàn cho David  trong suốt thời kỳ nguy hiểm nầy. Ngài đã ban cho Husai sự khôn ngoan để đánh bại Ahitôphe. Ngài đã bảo hộ cho các sứ giả tránh khỏi người của Ápsalôm để cho David vội vã băng ngang qua sông Giôđanh mà không bị bắt ở vùng đồng bằng rộng mở kia.  Còn bây giờ Ngài đã sai phái các người bạn tốt đến với ơn cứu giúp trong lúc có cần.
III. Đắc thắng trong kinh khủng (18.1-18).
· Yêu cầu của David  (các câu 1-5).
Ở đàng sau các bức tường thành Mahanaim, David đã tập trung các lực lượng chiến đấu của mình cho trận đánh sắp tới. Chúng ta không biết ông có bao nhiêu người, nhưng câu 1 cho chúng ta biết ông "đặt những trưởng của ngàn người, trưởng của trăm người ở trước dân sự". Vì lẽ đó chúng ta kết luận rằng ông đã có vài ngàn người ở với ông. Hơn nữa, David đã chia các lực lượng của mình đặt dưới quyền ba người, một phần ba dưới quyền Giôáp, một phần ba dưới quyền "Abisai", người là "em của Giôáp" và một phần ba dưới quyền "Y-tai, người Ghitít", người ngoại bang trung thành, là người đã từ chối không chịu bỏ David trên chuyến đi của những làn nước mắt (15.19-22).
Rõ ràng David đã hoạch định đích thân nắm giữ quyền chỉ huy tối cao. Ông khoác lấy bộ đồ tác chiến cũ kỹ của mình rồi nói: "Hẳn ta cũng sẽ đi ra với các ngươi". Tuy nhiên, các chiến binh chẳng ai đồng ý như thế. Họ nói trong câu 3: "Vua chớ đến, vì nếu chúng tôi chạy trốn, thù nghịch sẽ không lấy làm hệ trọng gì, và dẫu đến đỗi phân nửa chúng tôi có chết đi, thì chúng nó cũng không chú ý đến; còn vua, vua bằng một vạn chúng tôi. Vậy thà vua ở trong thành chực sẵn tiếp cứu chúng tôi thì hơn".
David bằng lòng ở lại theo mong ước của họ nhưng ông có một yêu cầu riêng. Ông ra đứng tại cửa thành, cổ vũ những binh sĩ đi ngang qua mặt ông hàng trăm, hàng ngàn. Tuy nhiên, ông đem ba vị chỉ huy ra một bên rồi dặn dò: "Hãy vì cớ ta dong thứ cho Ápsalôm trai trẻ".
Trước khi xung trận các vị vua thường ban lịnh lạc cho các đạo quân của mình giống như các huấn luyện viên ban lịnh dẫn dắt một trận đấu bóng đá vậy. Tôi nghĩ mấy vị tướng lãnh nầy mong mỏi David đến khích lệ họ phải nên mạnh mẽ và can đảm, và tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Họ mong ông nói đôi điều với họ giống như Stonewall Jackson luôn luôn nói với binh sĩ của mình: "Chiến trận thuộc về chúng ta nhưng phần thắng thuộc về Đức Giêhôva". David không nói một câu nào giống như thế. Ông chỉ bảo họ đừng làm cho Ápsalôm bị thương.
Hãy chú ý phần cuối của câu 5: "Cả dân đều nghe lời vua căn dặn cho các trưởng vì Áp-sa-lôm". Đúng là một mối ngăn trở cho nhuệ khí của họ khi phải giết đồng bào của mình, nhưng dưới bất kỳ hoàn cảnh nào họ không được gây hại cho đứa con nổi loạn ấy, nó đã tạo ra cuộc chiến đổ máu nầy. Họ phải liều mạng sống của mình trong trận đánh nầy song không được đánh thắng.
· Ápsalôm bị bắt  (các câu 6-9).
Như tôi đã nói, David và người của ông là hạng chiến binh du kích rất giỏi. Họ biết rõ phải chọn địa hình nào cho trận chiến rồi sử dụng địa hình đó để chiếm lợi thế. Câu 6 chép: "Trận đánh đã diễn ra trong rừng Épraim". Rõ ràng, địa điểm nầy dày đặc với tầng cây thấp. Một nơi như thế sẽ ngăn trở bất kỳ một sự bố trí nào dành cho một lực lượng quân đội đông đảo. Quí vị không thể nhìn xa được và di chuyển đồ trang bị và động vật rất là khó. Tướng Lee đánh nhau với Tướng Grant ở một địa điểm giống như thế ở Virginia vào tháng 5 năm 1864 gần cuối cuộc Nội Chiến ở Mỹ. Trận chiến nầy được gọi là "Chiến trận trong đồng vắng". Các câu 7-8 cho biết hậu quả của trận đánh trong cuộc Nội Chiến giữa người Do thái với nhau.
“Đạo quân Y-sơ-ra-ên bị các tôi tớ của Đa-vít đánh bại; thật ấy là một trận thua lớn, trong ngày đó chết mất hai vạn người. Chiến tranh lan khắp miền, và trong ngày đó có nhiều người chết mất trong rừng hơn là chết ở dưới luỡi gươm".
Khi các lực lượng của Ápsalôm bị vây, dường như chàng ta đã cố gắng thoát thân. Chàng ta "gặp tôi tớ của David" "cỡi một con la". Khi chàng ta chạy trốn: "đầu người phải vướng trong nhành". Sử gia Do thái Josephus nói mái tóc dài của chàng ta (đối chiếu 14.26) đã bị vướng trên cây. Đúng ra, chàng ta bị treo ở đó "giữa khoảng trời và đất" (câu 9).
· Giôáp báo thù (các câu 10-18).
Một trong các chiến binh đã nhìn thấy Ápsalôm bị treo ở đó bèn cho Giôáp hay. Giôáp đáp trong nỗi kinh ngạc: "Chi! ngươi có thấy hắn ư? Vậy sao chẳng giết hắn tại chỗ đi?" Thậm chí Giôáp còn nói ông ta sẽ thưởng cho người ấy "mười miếng bạc và một cái đai lưng" nữa. Người lính khôn ngoan nầy vốn biết rõ lịnh lạc của nhà vua. Anh ta nói anh ta sẽ không giết Ápsalôm vì "mười miếng bạc và một cái đai lưng" đâu. Anh ta chỉ ra rằng nếu anh ta giết con trai của vua thì Giôáp sẽ nhắm vào anh ta mà đổ thừa ngay.
Tướng Giôáp không muốn nghe điều nầy. Ông ta nói: "Ta chẳng thèm nán ở đây mà nghe ngươi". Ông lấy "ba mũi giáo" rồi bước ra tìm Ápsalôm. Ápsalôm đang bị treo ở đó hãy còn sống. Giôáp đâm ba mũi giáo qua trái tim người. Những kẻ mang binh khí người khi ấy đứng quanh Ápsalôm trong tình trạng bất lực và giết người đi.
Kèn trỗi lên và trận chiến đà kết thúc. Họ chôn Ápsalôm "trong một cái hố lớn giữa rừng" rồi chất "một đống đá lên mộ người". Đây là nấm mồ của một tội phạm chớ không phải của một vị vương tử. Vì chàng ta không có  con trai mang theo danh của mình, Ápsalôm đã dựng "một cái bia trong trũng Vua" cho mình. Chàng ta đã cho dựng một bia kỹ niệm cho chính mình, nhưng chàng ta đã bị chôn như một tội phạm trong một khu rừng dày kia.
IV. Những kẻ đem tin (18.19-32).
· Yêu cầu của Ahimát (các câu 19-23).
Với kết quả của trận chiến, Ahimát xin Giôáp cho phép đem tin tốt lành về cho Vua David, đặc biệt "Đức Giêhôva đã xử công bình và giải cứu  người khỏi kẻ thù nghịch mình". Giôáp tìm cách cản trở Ahimát vì ông ta nhớ thể nào David đã phản ứng trong quá khứ với các sứ giả đem tin xấu về. Thay vì thế, Giôáp sai "Cusi", một tôi tớ bình thường đến gặp David. Với Cusi đang trên đường đi, Ahimát nài xin Giôáp để cho anh ta đi và sau cùng vị tướng lãnh bớt nghiêm khắc đi. Ahimát bắt con đường khác và "bươn tới trước Cusi".
· David biết trước (các câu 24-32).
David đang ngồi tại cỗng thành Mahanaim chờ đợi tin tức gửi từ chiến trường về. Mặc dù Ahimát về tới trước, Cusi về đến ngay sau lưng người. Ahimát vừa thở dốc vừa nói với sự phấn khích lắm: "Mọi sự may mắn!" rồi sấp mình trước mặt vua. Anh ta nói tiếp: "Ngợi khen Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời của vua, vì Ngài đã giải cứu vua khỏi những kẻ đã phản nghịch cùng vua chúa tôi!" "Được, được lắm", David dường như mất kiên nhẩn khi hỏi: "Chàng Ápsalôm trai trẻ được bình an vô sự chăng? Điều chi đã xảy ra cho Ápsalôm con trai ta?" Có lẽ Ahimát đang nghĩ tới sự khôn khéo của kẻ đem tin xấu về. Anh ta nói: "Khi Giô-áp sai kẻ tôi tớ vua và chính tôi đi, thì tôi thấy có sự ồn ào dữ dội dấy lên; nhưng tôi chẳng biết là chi".
Cùng lúc đó Cusi trờ tới. Khi David hỏi anh ta về các tin tức của Ápsalôm, kẻ tôi tớ nầy bèn đáp: "Nguyện hết thảy những người nào phản nghịch đặng hại vua, bị đồng số phận với người trai trẻ ấy!"
V. Sự than khóc của nhà Vua (18.33-19.8).
· Nỗi buồn đau của David (18.33-19.4).
Câu 33 chép rằng David rất "cảm thương". Một nỗi buồn xé tâm can đã đến trên ông. Ông "bèn lên lầu cửa thành và khóc". Khi ông trèo lên các nấc thang, mọi người ở chung quanh ông đều nghe thấy ông kêu khóc: "Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!"
Nhiều người đang từ từ trở về từ chiến trường. Họ đang hân hoan vui sướng! Đây là một ngày chiến thắng! Họ đã đánh hạ được kẻ phản nghịch và bảo toàn được xứ sở! Đức Chúa Trời đã mĩm cười trên sự can đảm của họ! Họ trở về mong đợi những lời chào hoan nghênh và tiệc tùng say sưa. Họ mong được chiêu đãi, nhảy múa, lời khen ngợi cao cả dành cho hành động anh dũng của họ. Thay vì thế, họ thấy cả thành đều trầm mặc hẳn đi. Họ nghe tin tức nói rằng "Kìa, vua khóc và than tiếc Ápsalôm". Hãy lắng nghe câu nầy: "chính trong ngày đó sự thắng trận bèn đổi ra sự thảm sầu". Câu 3 chép: "Nên nỗi, trong ngày đó, dân sự lén trở vào thành dường như một đạo binh mắc cỡ vì đã trốn khỏi chiến trận". Đáp ứng của David đã khiến cho họ phải xấu hổ về chiến thắng của họ.
· Lời quở trách của Giôáp  (19.5-7).
Giôáp đã có đủ. Ông ta đi thẳng đến gặp Vua David trong phòng riêng rồi nói: "Ngày nay vua làm hổ mặt các kẻ tôi tớ vua, là những người chính ngày nay đã cứu mạng sống của vua, của các con trai và các con gái vua, luôn đến cứu mạng sống của các vợ và hầu vua nữa". Ông tố cáo David về việc yêu thương kẻ thù mình hơn là ông yêu thương bạn hữu của ông. Hãy lắng nghe câu nầy, ông nói: "Rày tôi biết rõ ràng nếu Áp-sa-lôm còn sống, và chúng tôi chết hết thảy, thì vừa ý vua".
Theo một ý nghĩa Giôáp đang đá nơi mông David rồi bảo vua hãy đi ra và gặp gỡ những chiến binh vừa quay trở về, chúc mừng chiến thắng của họ rồi cảm ơn họ vì lòng trung thành của họ. Ông cảnh cáo rằng nếu vua không chường ra "thì đêm nay sẽ không còn một người nào ở bên vua". Vấn đề sẽ "còn trọng hơn các tai nạn khác đã xảy đến cho vua từ khi thơ ấu tới ngày nay".
· Sự tái bảo đảm của Israel (các câu 24-29).
Không cứ cách nào đó David đã gạt qua một bên nỗi đau buồn của mình về Ápsalôm, ông "chỗi dậy, ngồi tại cửa thành". Dân sự nhìn thấy ông ở đó, họ đến để tỏ ra cho ông lòng kính trọng của họ. Đồng thời những kẻ có dính dáng vào cuộc phản nghịch, những người còn sống sót từ chiến trường về, họ đã "chạy trốn".
VI. Các bài học cần phải sống theo.
· Sự báo thù thuộc về Đức Giêhôva.
Tôi chỉ suy nghĩ tới sự oan uổng kinh khủng về mạng sống của Ahitôphe. Đức Chúa Trời đã ban cho ông ta sự khôn ngoan và thông minh hơn ai hết. Tuy nhiên, ông ta lại không thể tha thứ cho David vì tội cướp lấy cháu nội mình là Bátsêba. Thái độ kiêu ngạo của ông ta đã bị sĩ nhục. Từ điểm đó trở đi, ông đã chờ đợi một cơ hội để báo phục thù. Ông đã sống để trừng phạt David. Khi ông ta hiểu rõ mục tiêu nầy sẽ không bao giờ đạt được, ông đã cất lấy mạng sống của mình. Tôi tin thái độ kiêu ngạo của ông ta đã giết ông ta.
Điều chi đã xảy ra? Ahitôphe đã tỏ ra rất giận dữ. Ông ta đã đối mặt với David bằng Lời của Đức Chúa Trời. Ông ta hiểu rõ lẽ thật đang vang dội trong cả Cựu và Tân Ước, rằng Đức Chúa Trời mới  là Đấng thực hiện sự báo thù. Roma 12.19 chép: "Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng".
· Đức Chúa Trời hành động ở đàng sau Bối cảnh để đáp trả những lời cầu nguyện của dân sự Ngài.
David đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời làm cho mưu của Ahitôphe ra ngu dại. Đức Chúa Trời đã sử dụng Husai làm chính công việc đó. Husai đã nghĩ rằng chính sự thông sáng của ông ta đã cứu được thời thế, song không phải như vậy đâu. Chính Đức Chúa Trời đang hành động để đáp lại lời cầu nguyện của David. Bài học là CẦU NGUYỆN, CẦU NGUYỆN, CẦU NGUYỆN! Giacơ 5.16 chép: "người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều".
· Nếu chúng ta không sửa sai con cái mình, Đức Chúa Trời sẽ làm việc đó.
Có phải quí vị lấy làm lạ, tại sao David lại đau buồn như thế chứ? Tại sao ông phải cưu mang như vậy? Tại sao ông đã làm cho các chiến binh của mình cảm thấy xấu hổ như thế chứ? Tôi nghĩ, chính là TỘI LỖI. Cuối cùng đau thương của Ápsalôm chính là tội lỗi của chàng ta. Ông không hề kỹ luật con cái mình. Chúng lớn lên gần ông, song không cùng với ông. Ông chưa bao giờ dạy Ápsalôm biết cái đúng từ cái sai. Em của Ápsalôm, Solomon một ngày kia đã viết: "Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ" (Châm ngôn 23.13-14).
Không những David đã chịu mất con mình, nhưng ông còn biết rõ con trai mình thực sự đã hư mất … HƯ MẤT CHO ĐẾN ĐỜI ĐỜI. Amnôn đã sống hai năm sau khi cưỡng hiếp Tama. Sự thể giống như ông đã tuyên xưng tội lỗi của mình và dâng của lễ cầu xin sự tha thứ của Đức Giêhôva vậy. Kilêáp, đứa con trai thứ hai dường như đã chết trận. Đức con nhỏ sanh ra với Bátsêba đã chết mất và David đã chỗi dậy từ sự cầu nguyện vì ông nói một ngày kia ông sẽ đi gặp nó. Tuy nhiên, khi Ápsalôm ngã chết, David chỉ có khóc, khóc và khóc. Tại sao chứ? Vì ông biết rõ Ápsalôm đã nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời và sẽ đứng trong sự phán xét của Đức Chúa Trời cho đến đời đời. Mẹ của chàng ta xuất thân từ những người thờ lạy Baanh tà giáo ở xứ Ghêsurơ. Ápsalôm chẳng có day dứt gì về việc giết Đấng chịu xức dầu của Đức Giêhôva. Vì  David không hề làm một điều gì về đứa con hoang đàng nầy, Đức Chúa Trời phải hành động thôi.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét