ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA
VUA DAVID
Bị
thử thách
và
tỏ ra sự chơn thật
I Samuên 23.14 – 24.22
Cách đây một thời
gian, trong tờ Reader’s Digest, tôi có đọc về một người kia thức dậy vào buổi
sáng thấy một vũng nước nhỏ ngay giữa tấm đệm nước của mình. Ông ta rút tấm ra
giường ra rồi nhìn kỹ để kiếm lỗ thủng song không thấy chi hết. Ông ta quyết định
đem tấm đệm ra ngoài sân bơm thêm nước vào để tìm chỗ rò rỉ cho dễ dàng hơn.
Cái túi nước to lớn ấy khó mà giữ thăng bằng cho được, đặc biệt trên địa thế dốc
của cái sân. Ông ta cố gắng giữ nó lại, nhưng nó bổ nhào vào lùm gai kia làm
cho nó bị thủng nhiều lỗ. Bực bội khi tấm đệm bị thủng hư như thế, ông ta liệng
nó lên khung giường rồi lái xe ngay tới cửa hàng mua một cái nệm thường, đem về
phòng ngay buổi trưa hôm ấy. Hãy tưởng tượng nỗi kinh ngạc của ông ta khi thức
dậy sáng hôm sau lại thấy có một vũng nước nhỏ ngay giữa giường của ông ta. Chỉ
lúc đó ông ta mới khám phá ra hệ thống ống nước trên trần nhà có một lỗ rỉ.
Cuộc sống đầy dẫy
những thử thách. Booker T. Washington từng nói: "Thành công được đánh
giá không phải bởi địa vị mà một người đạt được trong cuộc sống, mà bởi những
ngăn trở mà một người đã vượt qua trong khi tìm tới sự thành công". Nhà truyền đạo
lỗi lạc Charles Haddon Spurgeon từng lưu ý: "Nhiều người
có được những nét huy hoàng trong cuộc sống là nhờ những lúc khốn khó ghê gớm của
họ".
Đức Chúa Trời
cho phép mỗi một người chúng ta đối diện với sự thử thách. Một số thử thách làm
cho chúng ta được mạnh mẽ thêm. Một số thử thách dạy dỗ chúng ta. Một số thử
thách thử nghiệm chúng ta. Chúng ta hãy xét qua thể nào Đức Chúa Trời đã thử
David rồi thấy chàng sống rất chơn thật.
I. Một cuộc thăm
viếng đáng khích lệ (23.14-18).
A. Đời sống
trên đường trốn chạy (các câu 14-15).
Trong nửa chương
đầu tiên nầy, sau khi tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời, David cùng nhóm của
chàng sáu trăm người đã giải phóng thành Kêila xứ Giuđê khỏi bị quân Philitin tấn
công. Khi Vua Saulơ nghe nói về sự thể nầy, ông ta đã vạch ra một chiến lược đặng
bắt cho kỳ được David ở đó. David đã tìm kiếm Chúa một lần nữa theo cách của
Abiatha và cái “êphót” của thầy tế lễ thượng phẩm. Đức Chúa Trời đã tỏ ra
cho David biết rằng nếu chàng còn ở tại đó, Saulơ chắc chắn sẽ đến vây thành phố
và mọi cư dân của Kêila chắc thật sẽ nộp chàng vào tay của Saulơ. David và người
của chàng "đều đứng dậy đi ra khỏi Kêila, và rút ở nơi nào ở được thì ở".
Phần cuối của
câu 13 nói rằng khi Saulơ hay được David đã ra khỏi Kêila: "thì bỏ
không kéo binh đi". Nhà vua đã rút lại chiến dịch đó, song ông ta
không thôi tìm kiếm David. Câu 14 chép: "Đa-vít ở trong đồng vắng,
trên nơi cao hiểm hóc, tức là ở trên núi tại đồng vắng Xíp. Sau-lơ tìm kiếm người
không ngớt; nhưng Đức Chúa Trời chẳng phó người vào tay Sau-lơ". Saulơ và một số
tôi tớ của ông ta đã không bắt được David. Hãy xem lại câu 8: "Vậy, Sau-lơ
CHIÊU HẾT THẢY QUÂN LÍNH đặng đi xuống Kê-i-la, vây phủ Đa-vít và những kẻ theo
người" (những chữ viết hoa là theo
ý của tôi).
Câu 15 nói rằng
David "thấy" hay nhận biết được sự thật "Saulơ đã
kéo ra đặng hại mạng sống mình". Có thể chàng đã nhìn thấy
các đội tuần tra của quân đội Saulơ đang lùng sục trong "rừng" [hay Hêrết
có nghĩa là ‘rừng’] nơi mà chàng và người của chàng trốn tránh ở đó. Có lẽ
các thám tử riêng của chàng đã đem về tin tình báo nói tới sức mạnh và vị trí của
Saulơ. Dù David có "thấy" gì đi nữa, chàng biết rõ mạng
sống mình đang nằm trong tầm nguy hiểm. Chàng biết rõ rằng trừ phi Đức Chúa Trời
can thiệp một lần nữa, thì chỉ còn là vấn đề của thời gian cho tới lúc quân đội
của triều đình bắt kịp chàng.
B. Sức lực
đến từ một người bạn (các câu 16-17).
Trong lúc đó,
"Giô-na-than, con trai của Sau-lơ đứng dậy, đi đến cùng Đa-vít ở trong
rừng, làm cho người vững lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời". Chẳng có điều
gì giống với một người bạn đến nâng đỡ tâm linh của quí vị lên khi quí vị đang ở
chỗ sa sút nhất. Tôi thích cụm từ: "làm cho người vững
lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời". Câu nầy cho thấy
Giônathan đã đến khích lệ David. Một người khích lệ nhắm vào mọi nỗi lo sợ của
chúng ta rồi gây dựng lòng can đảm của chúng ta để đối diện với tương lai bằng
cách xây đức tin chúng ta hướng về Chúa.
Giônathan nói: "Chớ sợ
chi, vì tay của Sau-lơ, cha tôi, sẽ chẳng đụng đến anh đâu. Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên,
còn tôi sẽ làm tể tướng anh; Sau-lơ, cha tôi, cũng biết rõ đều đó" (câu 17).
Rõ ràng là Giônathan đã rời trại quân của Saulơ rồi qua những lần tiếp xúc đã
lên tới chỗ David đang ẩn náu. Có thể là người của David đã bịt mắt Giônathan lại.
Chính dân sự mà chàng mới vừa giải cứu đã tính bán đứng David tại Kêila. Chàng đã
ở trong tầm nguy hiểm vì kiệt sức, hoài nghi và chẳng tin cậy một ai hết. Vì vậy
Đức Chúa Trời bèn sai Giônathan đến gặp chàng để nhắc cho chàng nhớ tới sự
thành tín và để khích lệ chàng.
Trong Tân Ước,
Banaba được gọi là "con trai của sự yên ủi". Chắc chắn ông đã
sống y như danh xưng của mình. Giônathan là Banaba trong Cựu Ước. Những gì
Banaba đã làm cho Phaolô, Giônathan đã làm cho David. Banaba đã kèm Phaolô dưới
cánh của mình ngay từ lúc đầu. Thì rõ ràng là chính Phaolô, chớ không phải
Banaba đã trở thành vị sứ đồ kiệt xuất nhất. Banaba bằng lòng nắm lấy vị thế thứ
nhì và đã trở thành người yễm trợ quan trọng nhất của Phaolô. Cũng một thể ấy,
Giônathan là kẻ kế tự ngai vàng. Chàng chẳng có gì để mất và mọi sự đều kiếm được
bởi sự chết của David, thế nhưng chàng biết rõ Đức Chúa Trời đã chọn David lên
làm vua rồi. Chàng nói: "Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ
làm tể tướng anh". Chàng bằng lòng gác cung mình để nắm lấy vai phụ.
C. Một
giao ước được làm mới lại (câu 18).
Câu 18 chép: "Hai người
cùng lập giao ước tại trước mặt Đức Giê-hô-va". Tôi nghĩ điều
nầy có nghĩa là họ thực sự tái khẳng định lại khế ước mà họ đã lập rồi trước đây.
Đây là một lời thề đời đời về tình bạn và là một lời hứa lo chăm sóc gia đình của
nhau.
Đôi khi nhằm
lúc quí vị đang ngã lòng, chỉ bỏ ra một thời gian nói chuyện với một người bạn
tốt, thậm chí nếu là qua điện thoại, điều nầy có thể vực quí vị chổi dậy. Tôi
hình dung họ đã để ra mấy giờ đồng hồ liền với nhau, rút tỉa sức lực của nhau.
Sau cùng, chẳng có gì phải nghi ngờ nữa, họ đã chia tay trong nước mắt. "Đoạn, Đa-vít
ở lại trong rừng, còn Giô-na-than trở về nhà mình".
D. Một
nguyên tắc rất hữu hiệu: Đức Chúa Trời làm cho tôi vững vàng trước mọi thử
thách.
Đời sống Cơ đốc
không phải là đời sống ổn định đâu. Đời sống ấy đầy dẫy với những thăng trầm, đầy
dẫy với núi non và đồng bằng, đắc thắng và thất bại. Kinh Thánh hứa rằng chúng
ta sẽ đối diện với nhiều thử thách và cám dỗ. Đức Chúa Trời sử dụng những thời điểm
khó khăn nầy để dạy dỗ chúng ta và biến chúng ta ra giống theo ảnh tượng của
Con Ngài (Roma 8.28-29). Chúng ta không nên kinh ngạc khi chúng ta đối
diện với nan đề và sự bắt bớ. I Phierơ 4.12 chép: "Hỡi kẻ rất
yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một
việc khác thường". I Côrinhtô 10.13 chép: "Những sự
cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là
thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự
cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được".
Đức Chúa Trời để
cho chúng ta đối diện với thử thách và sự cám dỗ. Tuy nhiên, Ngài không để cho
chúng ta phải một mình giữa mọi sự ấy. Ngài sai những người biết yên ủi, khích
lệ giống như Giônathan và Banaba, họ đến "làm cho người vững
lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời". Tất cả các vị Mục sư đều đối
diện với vô số thách thức và đời sống tôi cũng không được miễn trừ. Dù vậy,
trong mỗi lần thử thách Đức Chúa Trời đều cho phép tôi chịu được, dường như
Ngài cung ứng cho tôi những người bạn, họ sẽ quan phòng tôi. Ngài đặt dân sự ở
chung quanh tôi với sự thành thạo và kinh nghiệm. Ngài đã sai nhiều Giônathan đến
trong đời sống của tôi.
Cho nên, nếu mọi
việc đang trôi chảy cách dễ dàng trong đời sống quí vị ngay lúc bây giờ, hãy giữ
vững lấy, các thử thách chắc chắn xảy đến trong đường lối của quí vị. Nhưng khi
chúng đến, hãy trông một Giônathan đến yên ủi quí vị trên đường.
II. Một lối
thoát hẹp (23.19-29).
A. Dân Xíp
bán đứng (các câu 19-23).
Câu 19 nói rằng
dân "Xíp" đi từ xứ của họ “lên cùng Saulơ tại
Ghibêa" với tin tức cho rằng David đang "ẩn giữa
chúng tôi, tại nơi đồn trong rừng, trên gò Hakila, ở về phía Nam của đồng vắng". Dân Xíp sinh
sống trong một khu vực ở phía Nam xứ Giuđê, ở phía Đông của Biển Chết. Đây là một
khu vực núi non, rừng rậm rất tốt cho việc ẩn náu của quân đội David. Dân Xíp
ra từ chi phái Giuđa, cùng một chi phái như David. Nhưng giống như các cư dân của
Kêila, họ sẵn sàng bán đứng chàng cho Vua Saulơ. Họ đã tìm kiếm sự ưu đãi về mặt
chính trị cùng các sự ban thưởng của hoàng gia cho lòng trung thành của họ đối
với nhà Vua.
Sau khi lên đường
đến tại nhà riêng của Saulơ tại Ghibêa, họ nói: "Vậy, hỡi
vua, hãy xuống, y theo lòng sở ước của vua; chúng tôi chịu lo nộp hắn vào tay
vua" (câu 20). Nói cách khác: "Hỡi Vua Saulơ, chỉ cần
đem quân đội Ngài xuống đất chúng tôi tại Xíp.
Chúng tôi biết đúng chỗ David đang ẩn náu. Chúng tôi sẽ dẫn Ngài đến bắt
hắn".
Tất nhiên là
Saulơ quá đỗi vui mừng. Ông ta nói: "Nguyện Đức
Giê-hô-va ban phước cho các ngươi, vì các ngươi có lòng thương xót ta!" Tuy vậy, ông
ta còn hơn là kẻ chuyên "săn ngỗng hoang" trong khi tìm
kiếm David, vì vậy ông ta nói: "Hãy đi hỏi thăm cho chắc hơn nữa đặng
biết và xem xét chỗ hắn trú, và ai đã thấy hắn ở đó; vì người ta có nói rằng hắn
rất khôn-quỉ" (câu 22). Trong câu 23 ông ta nói thêm: "Vậy, hãy
xem xét và biết mọi nơi hắn ẩn, đoạn trở về nói lại cùng ta cho chắc, thì ta sẽ
đi cùng các ngươi". Saulơ muốn cho chắc chắn.
Ông ta không đi liền sau khi nghe được các tin tức. Ông ta muốn điểm chính xác
nơi David ở trước khi ông ta cho triệu tập quân đội.
B. Vây phủ
con mồi (các câu 24-26).
Thật là thú vị
khi thấy Saulơ mô tả David là "khôn quỉ" hay tiểu xảo.
Tôi nghĩ David sẽ nhất trí với ông ta. Một thời gian sau, khi chàng tự mình đến
"hang
đá Ađulam" (22.1). Khi ấy dân sự bắt đầu đến cùng
chàng. Đến với chàng trước hết là gia đình của chàng. Tiếp đến là những kẻ cùng
khốn về mặt chính trị. Không bao lâu sau đó chàng đã có “bốn trăm người" gồm cả vợ con
của họ (22.2). Cận lúc giải phóng Kêila, con số đã lên tới "sáu trăm" người (23.13).
David đã thành công dẫn dắt hết thảy những ai chạy đến với chàng bất cứ thời điểm
nào. Mọi việc đều được xuông xẻ hết. Khi lòng tin nơi người của chàng lớn lên,
lòng tin của David cũng lớn lên. Chàng rất "khôn quỉ" nhưng ở đâu đó
trên đường David càng tin cậy vào tài năng của mình thay vì tin cậy nơi Đức
Chúa Trời.
Tôi có thể kể lại.
Tôi thích rao giảng. Khi tôi đứng lên rao giảng Ngôi Lời, tôi làm tròn mục đích
của tôi trong cuộc sống. Nói thực, có nhiều lúc khi buổi thờ phượng xong rồi và
dân sự nói: "Wow, thưa Mục sư, đúng là một bài giảng hay" tôi chỉ muốn
nói: "Ông có đánh cuộc bài giảng ấy hay không!?!" Giống như nhiều
người khác, đôi khi tôi suy nghĩ nhiều về bản thân mình hơn. Có khi tôi nghĩ
tôi là một giáo sư Kinh Thánh lỗi lạc. Tuy nhiên, ngày Thứ Hai luôn luôn đem
tôi trở lại với thực tại. Quí vị có bao giờ thử giảng dạy qua I Samuên và làm cho
dân sự thấy thú vị chưa? Sẽ ra sao nếu quí vị biết quí vị phải đứng ở đây vào
Chúa nhật tới rồi dạy I Samuên 25? Kinh Thánh nói, David đi tới đây và làm như
vậy đấy. Saulơ theo sau chàng. David nói dối hay David cầu nguyện hoặc David thắng
một trận đánh. Mỗi Thứ Hai khi tôi đọc qua phân đoạn kế, tôi liền nghĩ: "Ôi lạy
Chúa, con sẽ giảng phân đoạn nầy như thế nào đây? Đây là một câu chuyện mạo hiểm
và con thậm chí không có cảm động chi hết ở đây! Ngài muốn con nói gì với dân sự
của Ngài đây? Con chẳng thấy có bài học nào cả ở chỗ nầy". Vào những
ngày Thứ hai, tôi không nghĩ mình là một Giáo sư Kinh Thánh lỗi lạc như vậy đâu!
Trong những ngày Thứ hai, tôi nài xin Đức Chúa Trời khiến cho Lời Ngài ra sống động
với tôi hầu cho tôi sẽ có nguồn nước sống giảng cho quí vị vào Chúa nhật tới,
chớ không phải chỉ có một thùng nước cho bầu không khí nóng nực đâu.
Tôi nghĩ Đức
Chúa Trời đang dạy dỗ cho David chính bài học đó ở đây. David rất "khôn quỉ" song tài khéo
của chàng sắp sửa đưa chàng vào chỗ rối rắm. Chàng nhận biết rằng trừ phi Đức
Chúa Trời giải cứu chàng, chàng sẽ bị rắc rối.
Câu 24 chép: "Vậy, chúng
[dân Xíp] trổi dậy, đi về Xíp trước Sau-lơ". Kế đó họ đi
xác định nơi David ở. Tuy nhiên, David đã chuyển lực lượng của mình đến "đồng vắng
Maôn" nằm về "phía Nam Giêsimôn". Nói cách đơn
giản, họ chuyển về phía Nam ngoài vùng cao nguyên rừng rậm của Xíp đến xứ hoang
mạc Maôn.
Hãy nhìn kỹ câu
25. "Những kẻ theo người" là dân Xíp. Họ đã đi nước đôi
với David. "Saulơ và những kẻ theo người" đã đi “tìm” David theo lời
của dân Xíp. Tuy nhiên, dân Xíp nói cho David biết về Saulơ rồi giả vờ làm đồng
minh của ông ta. Vì vậy David đem người của mình "xuống hòn đá” ở trong "đồng vắng
Maôn". Giờ đây dân Xíp nói cho Saulơ biết chính xác nơi David đang ẩn náu để
ông ta "đuổi theo David trong đồng vắng Maôn".
Gần "đồng vắng" là một rặng
núi nhỏ mà Kinh Thánh nói là “hòn đá”, có lẽ là một
hòn núi hoang vu hình nón nhô ra từ đồng vắng. David hướng dẫn người của mình băng
ngang qua sa mạc, nhưng thay vì thế họ trèo lên rặng núi, họ đi bên trên rặng
núi đá nầy, ở đây chẳng có nước hay đồ ăn. Họ nghĩ họ có thể ẩn náu ở đây cho tới
chừng quân đội của Saulơ đã đi qua rồi. Điều nầy chưa hề nhập vào tâm trí của họ,
ấy là Saulơ sẽ truy tìm họ trên hòn đá không có nước nầy và ông ta sẽ không … nếu
dân Xíp không nói cho ông ta biết.
Câu 26 chép:
"Sau-lơ đi sườn núi bên nầy, còn Đa-vít và bọn theo người đi sườn
núi bên kia. Đa-vít vội vàng chạy trốn đặng thoát khỏi Sau-lơ. Nhưng lúc Sau-lơ
và các đầy tớ bao phủ Đa-vít và bọn theo người đặng hãm bắt".
Quí vị có thể tưởng
tượng ra cảnh ấy chăng? Khi Saulơ chuyển các lực lượng của ông ta lên một bên sườn
của “hòn đá”, David chuyển sang sườn bên kia. Khi Saulơ chuyển
vòng quanh hòn núi, David cứ giữ việc chuyển sang sườn bên kia giống như trò chơi
vòng quay ngựa gỗ vậy. Sau cùng, Saulơ phải chia người thành hai toán rồi sai họ
đi theo kiểu "vây tròn" hầu cho họ có thể gài được David vào chính
giữa họ. Nếu David ở lại chỗ chàng đang ở, chàng sẽ chết. Nếu chàng tìm cách trốn
vào đồng vắng hoang mạc ở bên dưới, chàng sẽ chết. Chàng không còn tự xem mình
là “khôn quỉ” được nữa.
Hãy đánh dấu vị
trí của quí vị ở đây trong I Samuên 23, rồi mau chóng mở ra ở Thi thiên 54. Theo đề tựa,
Kinh Thánh ghi lại cho chúng ta đây là "Thơ David
làm để dạy dỗ, khi người Xíp đến nói cùng Saulơ rằng: David há chẳng ẩn núp giữa
chúng tôi sao?’" Chúng ta biết chắc Thi thiên nầy đã được viết ra đúng
vào thời điểm nầy. Hãy lắng nghe đôi dòng Thi thiên ấy:
“Đức Chúa Trời
ôi! xin hãy lấy danh Chúa mà cứu tôi, dùng quyền năng Chúa mà xét tôi công
bình. Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy nghe lời cầu nguyện tôi, lắng tai nghe các lời
của miệng tôi, vì người lạ dấy nghịch cùng tôi, người hung bạo tìm hại mạng sống
tôi: Chúng nó không để Đức Chúa Trời đứng trước mặt mình. Nầy, Đức Chúa Trời là
sự tiếp trợ tôi, Chúa là Đấng nâng đỡ linh hồn tôi. Ngài sẽ báo ác cho những kẻ
thù nghịch tôi: xin hãy diệt chúng nó đi, tùy sự chơn thật Chúa” (các câu 1-5).
C. Được cứu
bởi tiếng chuông (các câu 27-29).
Giờ đây chúng
ta hãy trở lại với "chuyện phiêu lưu nhiều tập" ở I Samuên
23.27. Saulơ đang có David. David đang ở trong cảnh vô dụng. Mọi sự chàng có thể
làm bây giờ là cầu nguyện xin cho có một sự giải cứu bằng phép lạ mà thôi! Đức
Chúa Trời thích để cho chúng ta rơi vào chỗ đó, chỗ của sự yếu đuối vì khi
chúng ta yếu đuối, chúng ta phải nương cậy nơi Ngài. Chúa phán với sứ đồ
Phaolô: "Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của
ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối" (II Côrinhtô 12.9).
Phaolô khi ấy đã nói: "Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong
sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là
lúc tôi mạnh mẽ” (câu 10).
Ngay khi các lực
lượng khép vòng vây lại, ngay khi người của David có thể nhìn thấy tròng trắng
của mắt họ, một hồi chuông lớn reo vang. Một sứ giả đã đến. Hắn kêu la với Saulơ
và quân đội của ông ta: "Hãy mau mau trở về, vì dân Phi-li-tin đã
xâm-phạm xứ ta" (câu 27). Hãy nói về sự được cứu bởi tiếng
chuông! Khi David thấy quân đội của Saulơ
rời khỏi đó để đi đánh quân Philitin, chàng không còn thấy mình là “khôn quỉ” nữa. Chàng vốn
biết rõ Đức Chúa Trời đã giải cứu chàng. Chàng đặt tên cho hòn núi trơ trụi ấy
một cái tên thánh "Hòn đá phân rẽ". Vầng đá ấy đã
trở thành một bàn thờ cho sự thờ phượng. Hãy quay lại với hai câu cuối của Thi
thiên 54:
“Hỡi Đức
Giê-hô-va, tôi sẽ dâng cho Ngài của lễ tình nguyện, cũng sẽ cảm tạ danh Ngài,
vì điều đó là tốt lành. Vì Ngài giải cứu tôi khỏi mọi mỗi gian truân; mắt tôi
thấy sự báo trả cho kẻ thù nghịch tôi” (các câu 6-7).
David khi ấy
vui sướng rời khỏi vầng đá trơ trụi đó để tới dòng suối ban sự sống "Ênghêđi".
D. Một
nguyên tắc hữu hiệu: Những cơn thử thách khiến cho tôi biết nương cậy nơi Đức
Chúa Trời.
Giacơ mở đầu
sách của mình với lời khuyên nầy: "Hỡi anh em, hãy coi sự
thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn" (Giacơ 1.2).
Nói cách khác: "Hãy vui mừng khi anh em bị kẹt giữa một vầng đá
và một nơi khô cằn". Nói theo con người, điều đó rất khác lạ. Tại sao
chúng ta phải vui mừng và sung sướng khi chúng ta đang đối diện với một thử
thách đầy khó khăn? Chúng ta kể đấy là vui mừng vì chúng ta biết rằng Đức Chúa
Trời đang vận hành trong đời sống của chúng ta. Khi chúng ta yếu đuối, khi
chúng ta vô dụng, khi hai bàn tay chúng ta bị cột chặt, chúng ta biết nương cậy
nơi Chúa.
Quí vị có phấn đấu
trong công ăn việc làm của quí vị trong lúc bây giờ không? Hãy thôi đừng than
phiền và hãy ngợi khen Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng giải cứu của quí vị đấy! Có
phải quí vị căng thẳng về tiền bạc không? Hãy tôn cao Đức Chúa Trời với tài
chính của quí vị và kể đấy là vui mừng khi thấy Ngài đem quí vị trở lại. Bất luận
quí vị đối diện với sự thử thách nào, dù đấy là sức khoẻ, gia đình, công ăn việc
làm, chức vụ của quí vị, "hãy coi đấy là sự vui mừng" vì Đức Chúa Trời
để cho quí vị gặp gỡ những cơn thử thách để dạy dỗ quí vị biết nương cậy nơi
Ngài.
III. Một thử
nghiệm về sự liêm chính (24.1-22).
A. Một tin
không hay cho Saulơ (các câu 1-3).
Sau khi Saulơ
quay về đánh với dân Philitin xong, ông ta nhận được một tin tình báo cho rằng
David đã đi đến "Ênghêđi". Vì vậy Saulơ bèn đem "ba ngàn người
chọn", họ là quân Biệt Động Do thái rồi truy
tìm chàng ở đó.
"Ênghêđi" có nghĩa là "suối con
dê" và đây là một nơi ngon lành cho David ẩn trốn Saulơ. Một tác giả mô tả địa
điểm nầy như vầy:
Đây là một ốc đảo
trong đồng vắng hoang mạc, ở đó có những dòng suối mát, thác nước, rau xanh, và
vô số hang động trong các rặng núi đá rất dốc ở bên trên Biển Chết. Ênghêđi là
một nơi ẩn náu rất trọn vẹn. Nó cung cấp sự bảo hộ, nước uống và một địa thế
thiên nhiên, ở đấy David có thể nhìn quanh nhiều dặm, canh chừng chống lại sự đột
nhập của bất kỳ quân nghịch nào.
Đối với địa điểm
an bình nầy, Saulơ đem theo ba ngàn người thiện chiến. Họ đông hơn người của
David gấp năm lần. Lần nầy nhà vua sẽ không còn quẫn nữa. Philitin hay không phải
Philitin, Saulơ đã quyết phải săn cho kỳ được David rồi giết chàng như giết một
con chó vậy.
Tại "Ênghêđi" họ đến một nơi
gọi là "hòn đá của dê rừng", ở đây đã có một số "chuồng
chiên" nằm bên cạnh con đường. Tại điểm nầy, Saulơ cảm thấy tiếng gọi của
thiên nhiên. Kinh Thánh là một quyển sách rất thực tế. Tất cả các giới hạn của
con người được thấy có tại đây. Saulơ chú ý tới một hang động rồi "vào đó đặng
đi tiện". Nói sát nghĩa, ông ta "vén quần mình
lên", có ý nói tới tình trạng áo xống của ông ta trong khi ông ta đang đi tiện.
Hãy suy nghĩ về hang động nầy là một loại khu vực nghỉ ngơi đời xưa!
Hãy hình dung bối
cảnh đó xem. Saulơ không thấy đường khi từ chỗ sáng bước vào nơi tối của hang động.
Ông ta bước vào bên trong chừng mấy bước rồi quay trở ra về hướng lối vào trong
khi ông ta sắp sửa đi tiện. Trong một bối cảnh đáng nhớ nhất của Kinh Thánh,
câu 3 cho chúng ta biết rằng "David và bọn theo người ở trong cùng hang". Saulơ đã chọn
một chỗ không đúng!
B. Một cơ
hội cho David (các câu 4-7).
Bây giờ tôi
nghi hết thảy 600 người của David đang ở cùng chàng trong hang động nầy, có lẽ
chỉ vài trăm thôi, có thể chỉ có những cố vấn và quan trưởng của chàng. Họ
không tin nơi mắt của mình! Họ không thể tin nơi sự may mắn của họ. Đây là quân
thù nghịch của họ, là kẻ đã săn đuổi họ. Ông ta đang ngồi chồm hỗm, lưng quay về
phía họ. Một cái lia nhanh của thanh gươm sẽ chặt bay đầu của ông ta và kế đó
David sẽ làm Vua. Họ nói: "Nầy là ngày mà Đức Giê-hô-va có phán cùng
ông: Ta sẽ phó kẻ thù nghịch ngươi vào tay ngươi. Hãy xử người tùy ý ông" (câu 4).
Đây quả là một
cơ hội bằng vàng. Vận may dường như đang mĩm cười trên đường lối của họ. Mọi
hoàn cảnh đều ưu đãi cho riêng họ. Họ tóm tắt như sau: Đây là ý trời dành cho
ông để giết chết Saulơ. Bối cảnh đó không ngừng làm cho tôi phải kinh ngạc về mọi
quyết định mà chúng ta gán cho ý trời. Có người làm mích lòng anh em khác trong
nhà thờ và thay vì vâng theo Kinh Thánh đi tới gặp người anh em đó, họ rời khỏi
nhà thờ rồi cho rằng đó là ý trời. Có bao nhiêu vị Mục sư đã giận một vị chấp sự
già nua hay càu nhàu rồi nhờ Chúa “kêu gọi” họ qua một nhà thờ khác
vài tuần sau đó? Cho nên, tôi không thấy ở chỗ nào trong Kinh Thánh Chúa bảo
David rằng Ngài sẽ phó Saulơ vào tay chàng. Bài học là: “đừng sử dụng
duy chỉ hoàn cảnh mà xét đoán ý chỉ của Đức Chúa Trời”.
David vốn biết
rõ giết Saulơ là sai lầm, nhưng chàng không thể để cho ông ta đi dễ dàng được.
Chàng bước tới trong bóng tối “cắt trộm vạt áo
tơi của Saulơ”. David biết rõ chàng không thể lợi dụng khi ấy mà
giết chết Saulơ, song tôi nghĩ về mặt lý trí chàng đã giết chết ông ta rồi. Cắt
đi một góc vạt áo tơi của Saulơ chỉ là một hành vi có tính cách tượng trưng. David không giết chết Saulơ, nhưng
chàng rõ ràng đã phạm tội.
Hãy lưu ý câu
5, không bao lâu sau khi chàng quay trở lại với người của mình: "lòng người
tự trách mình". Đức Chúa Trời đã đóng đinh chàng ngay lập tức.
Chàng đã sai và chàng vốn biết rõ cái sai đó. Chuck Swindoll viết: "Không có một
điều chi giống như một bước nhỏ trên con đường đến với sự thử thách hay trên
con đường báo thù và trả đủa. Thậm chí một bước nhỏ theo hướng đó cũng là một bước
sai lầm".
David đã ăn năn
trước mặt người của mình. Bằng giọng nói thì thầm, chàng nói: "Nguyện Đức
Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức
Giê-hô-va, mà tra tay trên mình người, vì người là kẻ chịu xức dầu của Đức
Giê-hô-va". Thực ra, câu 7 chép chàng: "nói những
lời ấy quở trách các kẻ theo mình". "Quở
trách" ra từ một chữ Hy bá lai có nghĩa là "đả kích". Chàng đã đả
kích họ vì có ý định giết người và "mà ngăn cản chúng
xông vào mình Saulơ". David không giết Saulơ và không ngồi gần, chàng
không để cho bất kỳ ai trong người của mình giết Saulơ. Đồng thời, hoàn toàn
không biết điều chi mới vừa xảy ra, "Saulơ đưng dậy, ra
khỏi hang đá, và cứ đi đường mình".
C. Lời cầu
xin được bình an (các câu 8-15).
Sau khi Saulơ rời
khỏi hang đá, sau khi David đã xưng tội và ăn năn về tội lỗi ở trong lòng mình,
chàng "trỗi dậy, gọi Saulơ, mà nói rằng: Hỡi vua, chúa tôi!’" Saulơ quay
sang nhìn rồi thấy David như cúi mặt xuống đất mà lạy, David biết nhiều về những
lời nói dối và tiếng đồn đã rải ra. Chàng muốn nói cho Sau lơ biết sự thực. Quí
vị không thể làm cho kẻ thù thay đổi hay làm thể nào cho người ấy đáp ứng, quí
vị có thể cảm xúc, thương cảm hay phản ứng bằng nhiều cách, nhưng quí vị có thể
thuật lại cho họ nghe sự thật. Khi ấy David mới nói cùng Saulơ:
“Nhân sao vua
nghe những lời của kẻ nói rằng: Đa-vít kiếm thế làm hại vua? Kìa, hãy xem,
chính mắt vua có thế thấy được rằng ngày nay, trong hang đá, Đức Giê-hô-va đã
phó vua vào tay tôi. Có người biểu giết vua; nhưng tôi dong-thứ cho vua, mà rằng:
ta không tra tay trên mình chúa ta, vì người là đấng chịu xức dầu của Đức
Giê-hô-va. Vậy, cha ôi! hãy xem cái vạt áo tơi cha mà tôi cầm trong tay; bởi vì
tôi có vạt ái tơi của cha, mà không giết cha, thì nhơn đó khá biết và nhận rằng
nơi tôi chẳng có sự ác, hoặc sự phản nghịch, tôi chẳng có phạm tội gì với cha.
Còn cha, lại săn mạng sống tôi để cất nó đi. Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét cha và
tôi. Đức Giê-hô-va sẽ báo thù cha cho tôi, nhưng tôi không tra tay vào mình
cha. Như câu cổ-ngữ nói: Sự ác do kẻ ác ra, nhưng tay tôi sẽ không đụng đến
mình cha. Vua Y-sơ-ra-ên kéo ra đánh ai? Cha đuổi theo ai? Một con chó chết! Một
con bọ-chét! Thế thì, Đức Giê-hô-va sẽ làm quan xét, sẽ đoán xét cha và tôi;
Ngài sẽ xem xét, binh vực cớ-lý tôi, và xử cách công bình mà giải cứu tôi khỏi
tay cha” (các câu 9-16).
Hãy chú ý David
gọi Saulơ là "cha". Qua sự ăn năn nầy, David không còn thù ghét Saulơ
nữa. Chàng nhìn thấy ông ta là một người đang cần sự cứu giúp. Khi chàng trình
ra mãnh áo tơi, chúng ta biết David thường làm gì đối với tội lỗi mà Đức Chúa
Trời giờ đây sử dụng để đem lại một ơn phước. Rõ ràng là chàng đã nói ra sự thật.
David tự xem mình là một “con chó chết” vô dụng đối với Saulơ và
bàn bạc hợp lý rằng nhà vua chẳng có việc gì phải theo đuổi một con “chó chết” hay một con "bọ
chét" trên mình con chó chết. Chàng cầu xin rằng Đức Chúa Trời "làm quan
xét" giữa họ để rồi sẽ có sự hoà bình.
D. Một sự
nhìn nhận tội lỗi (các câu
16-22).
Saulơ hỏi: "Hỡi
Đa-vít, con ta, có phải tiếng con chăng?" trong các chương đã đọc qua
cho tới bây giờ, Saulơ chỉ đề cập tới David với thái độ xem khinh như "con trai
Ysai". Bây giờ ông ta gọi chàng là "Hỡi David, con
ta". Châm ngôn 16.7 chép: "Khi tánh hạnh của người nào đẹp lòng Đức
Giê-hô-va, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hòa thuận với người".
Thật đáng ngạc
nhiên, "Saulơ cất tiếng khóc". Sự căng thẳng và tội lỗi đã
quá nhiều đối với Saulơ. Trước tấm gương công bình của David, ông ta đã nhìn thấy
tình trạng tội lỗi của mình. Ông ta nói:
“Con thật công
bình hơn cha; vì con có lấy điều thiện mà báo điều ác cha đã làm cho con. Ngày
nay, con đã tỏ ra con lấy điều thiện đối cùng cha; vì Đức Giê-hô-va đã phó cha
vào tay con, song con không có giết cha. Khi người nào gặp kẻ thù nghịch mình,
há để cho nó đi bình yên vô-sự sao? Nguyện Đức Giê-hô-va lấy điều thiện báo cho
con về sự con đã làm cho cha ngày nay!” (các câu 17-19).
Saulơ giờ đây
công khai nhìn nhận sự thật. Ông ta đang đối diện với sự thực. Ông ta nói trong
câu 20: "Quả hẳn ta biết rằng con sẽ làm vua, và nước Y-sơ-ra-ên sẽ bền-lâu
ở trong tay con". Khi ấy Saulơ đưa ra lời
cam kết mà chính Giônathan đã đưa ra, rằng David sẽ không "diệt" dòng dõi của
ông ta. Trong thời buổi ấy, khi một triều đại lên thế triều đại khác, dòng tộc
của vua trước thường bị tiêu diệt để ngăn ngừa một sự nổi dậy lật đổ. Saulơ đang
nài xin sự thương xót cho gia đình của mình.
David đã thề giữ
lời cam kết nầy và khi ấy Saulơ "bèn trở về nhà mình". Tuy nhiên,
David không trở về cùng với ông ta. Chàng không trở về thành Jerusalem mà "trở lên nơi
đồn". Chàng vốn biết Saulơ rõ đến nỗi không nghĩ mọi sự đã được tha thứ và sẽ
quên đi hết đâu.
E. Một
nguyên tắc hữu hiệu: Báo thù không bao giờ là đúng cả.
Báo thù theo
con người luôn luôn thuộc về xác thịt và không bao giờ thuộc về Thánh Linh.
Giacơ 1.20 chép: "vì cơn giận của người ta không làm nên
sự công bình của Đức Chúa Trời". Đối với David
giết Saulơ là điều quá dễ dàng. Gây thương tổn cho ai đó làm tổn thương quí vị
cũng là điều quá dễ dàng. Song đấy chẳng phải là ý muốn của Đức Chúa Trời.
Roma 12.18-21
chép: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người. Hỡi kẻ
rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh
nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta
sẽ báo ứng. Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì
làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người. Đừng để
điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”.
Hãy làm mọi sự
quí vị có thể để hoà thuận với mọi người. Đừng chìa tay ra hoặc thốt ra giọng
nói với ý đồ báo thù. Tại sao vậy? Vì Đức Chúa Trời phán: "Sự báo thù
thuộc về ta. Ta sẽ báo ứng". Báo thù hiện đang ở ngoài
quyền tài phán của quí vị. Nếu quí vị bị xúc phạm, hãy để Chúa báo thù cho quí
vị. Thay vì báo thù, quí vị chúc phước cho kẻ ngược đãi quí vị. Trong khi làm
như vậy, giống như Vua Saulơ, ông ta sẽ bị xấu hổ. Mọi việc lành của quí vị sẽ
trở thành “than lửa đỏ chất trên đầu của họ”.
Điều nầy không
có nghĩa là xứ sở của chúng ta sẽ không tự bảo vệ mình. Đây không phải là một
chương trình phòng thủ quốc gia. Đây không có gì phải làm với cuộc chiến chống
chủ nghĩa khủng bố. Làm vậy không có nghĩa là nằm dài xuống rồi để cho các kẻ
thù tà giáo của Đức Chúa Trời có những toà án, trường học và công nghệ giải
trí. Điều nầy nói về các mối quan hệ cá nhân. Điều nầy chỉ về sự từ chối để nhận
lãnh sự bình an.
Đức Chúa Trời đưa
nhiều cuộc thử thách vào trong đời sống chúng ta. Ngài làm cho chúng ta vững
vàng với những người bạn tốt. Đôi khi Ngài thử chúng ta để dạy dỗ chúng ta biết
nương cậy nơi Ngài. Đôi khi Ngài thử chúng ta để xem xét tính ngay thẳng của
chúng ta. Khi thử thách đến trên đường lối của quí vị, hãy vui mừng đi. Đức
Chúa Trời đang hành động trong đời sống của quí vị đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét