Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 8: I Samuên 21:1 - 22:5: "Hình Ảnh - Địa Điểm - Và Các Thi Thiên"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA DAVID

Hình ảnh, Địa điểm và các Thi thiên

I Samuên 21.1 – 22.5
Trong dịp Lễ Giáng Sinh năm nay, chúng tôi đã mua sắm một máy quay phim. Đây là một trong những thứ kỳ diệu rất hiện đại giúp cho quí vị thu lấy nhiều hình ảnh, xem chúng trên màn hình ngay sau khi quí vị vừa thu chúng, tải chúng xuống máy tính của quí vị, lưu lại rồi in chúng, gửi chúng trên email và còn nhiều việc khác nữa. Trong mấy tuần lễ, màn hình máy tính của tôi đã ghi lại hình ảnh rất vui của mấy đứa nhỏ đang mở ra các gói quà, ngôi nhà với nhiều ngọn đèn và tuyết, mấy đứa cháu, dì, cậu và ông bà. Những bức ảnh thật là đẹp. Các hình ảnh thuật lại một câu chuyện. Những hình ảnh đưa ký ức trở lại thật là đẹp. Cách đây nhiều năm, tôi thường nghe Paul Simon khi ông hát trong phần quảng cáo: "Máy hình kodak, chúng cung ứng những màu sắc tuyệt đẹp, chúng cung ứng màu xanh của mùa hè và khiến quí vị nghĩ tới cả thế giới trong một ngày nắng đẹp…". Tiếp đến, ông đã hát. "Mẹ không cất máy hình kodak của tôi đi!"
Hôm nay chúng ta không nhìn vào các hình ảnh ghi lại bằng máy quay phim, mà nhìn vào các hình ảnh của Kinh Thánh. Khi chúng ta lật quyển album bằng hình của Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy bốn hình ảnh nói tới David tại bốn địa điểm. Chàng đang ở trong tình trạng lấp lửng. Đức Chúa Trời đang bảo hộ chàng khỏi chết, nhưng chàng chưa thể lên ngôi được. Chàng không thể bị giết, thế nhưng chàng không thể lên ngôi vua. Trong bốn bức tranh nầy nói tới bốn địa điểm mà chúng ta nhìn thấy cả mặt sáng láng lẫn mặt mờ tối của David. Chúng ta thấy chàng nói dối và lừa lọc, nhưng chúng ta sẽ thấy chàng tiếp trợ và bảo hộ. Ở phần cuối, chúng ta sẽ nhìn vào đàng sau các bối cảnh rồi thấy, mặc dù là con người, người vừa lòng Đức Chúa Trời luôn luôn quay trở lại một địa điểm, một nơi quan trọng nhất trong đời sống của chàng ... ấy là nơi chốn của sự thờ phượng.

I. Tại xứ Nốp. Ăn bánh mượn (21.1-9).

A. Sự tiếp đón của Ahimêléc (các câu 1-2).
Sau lần chia tay rất đau đớn của chàng với Giônathan ở chương 20: "David đến Nốp". "Nốp" nằm cách phía đông bắc thành Jerusalem chừng vài dặm. Ai cũng biết đây là "thành của các thầy tế lễ". Ở đó thầy tế lễ thượng phẩm của Israel, Ahimêléc sống với ít nhất 85 thầy tế lễ khác. Có lẽ đây là nơi Hòm Giao Ước được lưu giữ trước khi Hòm ấy được dời vào thành Jerusalem trong đời trị vì của David.
Hãy chú ý trong câu 1, David không những "đã đến Nốp" mà đặc biệt chàng còn "gặp thầy tế lễ Ahimêléc" nữa. Không những chàng đã đến với một địa điểm, mà còn đến với một nhân vật nữa. Chàng không thể trở lại với Giônathan, bạn của chàng. Chàng không thể trở lại với Micanh, vợ của chàng. Chàng không thể trở lại với Samuên, nhà tư vấn của chàng. Chàng không thể trở lại với đồn luỹ có cả ngàn người đương ở dưới quyền chỉ huy của chàng. Vì lẽ đó chàng đi thẳng tới thầy tế lễ thượng phẩm của Israel, với hy vọng Ahimêléc sẽ giúp đỡ chàng.
Ahimêléc đã "run sợ" khi David đến với ông. Chắc chắn báo chí đã cho loan tin ấy ra. Mọi người đều nghe nói thể nào Saulơ đã tìm cách bắt sống David nhưng Micanh đã giúp cho chàng trốn thoát. Cả nước đang nói về Đức Thánh Linh thể nào đã giáng xuống các binh lính của Saulơ tại Nagiốt rồi khiến cho họ phải nói tiên tri thay vì tìm bắt chàng. Còn nữa, họ đã nghe nói thể nào chính mình Saulơ đã đi tới Nagiốt và ông ta đã ngã xuống đất cởi trần mà nói tiên tri. Mọi người đều thắc mắc: "Saulơ há cũng vào hàng các tiên tri sao?" (19.24). Ahimêléc không phải run sợ khi gặp Saulơ tại Nốp và vì vậy ông đã "run sợ" khi David đến đó.
Ông hỏi: "Nhân sao ông có một mình, chẳng ai theo hết vậy?" Ai nấy đều biết David là trưởng một ngàn người (18.13). David đã xuất hiện có một mình, không có vũ khí và đang thở hắt, không làm dịu nỗi lo sợ của Ahimêléc về sự hiện diện của chàng. Đã có chuyện gì đây rồi, và thầy tế lễ già nua kia vốn biết rõ chuyện ấy.
Tuần rồi, chúng ta đã thấy thể nào David đã bịa ra một lời nói dối cho Giônathan đến nói với Saulơ. Giờ đây chúng ta thấy chàng đã có sẵn một lời nói dối với Ahimêléc. "Vua có sai tôi một việc, và dặn rằng: Chớ cho ai biết gì hết về việc ta sai ngươi làm, cũng đừng cho ai biết lịnh ta truyền cho ngươi". Chúng ta hãy đưa câu nói nầy ra theo thuật ngữ hiện đại: "Hỡi Ahimêléc, ngươi thấy đấy, Vua Saulơ đã phái ta tới đây trong một sứ mệnh bí mật. Vì sứ mệnh ấy là bí mật, ta không thể nói cho ngươi biết một điều gì về sứ mệnh đó hay thậm chí nói cho ngươi biết một lời gợi ý nữa. Vì vậy đừng hỏi ta thêm một câu nào nữa".
Thay vì tin cậy Đức Chúa Trời làm thoả mãn mọi nhu cần của chàng, một lần nữa chàng lại thực thi tiểu xảo lừa gạt. Tôi không dám chắc lý do tại sao David lại thốt ra lời nói dối nầy. Thực sự chàng đang cần thức ăn, nơi ẩn náu và các thứ vũ khí. Có thể David đã nghĩ nếu chàng nói ra sự thực Ahimêléc sẽ không giúp đỡ chàng. Có thể chàng đã nghĩ Ahimêléc sẽ tâu báo với Vua Saulơ rồi phản bội chàng. Có thể chàng đã nghĩ rằng nếu Ahimêléc không biết sự thực là Saulơ đã tha cho chàng khi chàng đã đến đây. Có thể David muốn nói ra sự thực, nhưng một lời nói dối lại thốt ra khỏi môi miệng của chàng, vì nói ra lời dối trá thì dễ hơn là nói ra sự thực ... Tại sao chàng nói dối là không quan trọng. Cái điều quan trọng, ấy là Đức Chúa Trời không hề chúc phước cho những lời dối trá … vì bất cứ lý do nào!
Để trả lời cho thắc mắc của các thầy tế lễ tại sao chàng đến đó có một mình, David đáp: "Ta đã chỉ định cho các tôi tớ ta một nơi hò hẹn". Bộ quí vị chẳng nghe chàng nói: "Người của ta ư? Ờ … ta đã sai họ đến … ờ … có lẽ các ngươi chưa hề nghe nói tới chỗ … ờ … nói ta cần một ít bánh ăn".
B. Sự tiếp trợ bằng bánh thánh (các câu 3-6).
David đang đói khát. Chàng đang ẩn náu trong đồng vắng ít nhất là ba ngày trước khi chàng thực hiện chuyến hành trình đến Nốp sau khi chia tay với Giônathan. Chàng không cầu kỳ kiểu cách. Chàng chỉ cần một số bánh, một số thức ăn bồi dưỡng. Chàng nói: "Bây giờ, thầy có chi trong tay? Hãy trao cho ta năm ổ bánh hay là vật gì thầy có thế tìm được".
Thầy tế lễ già nua kia mau chóng chỉ ra: "Trong tay ta không có bánh thường, chỉ có bánh thánh mà thôi". Họ không có lò bánh mì ở Nốp để hấp bánh mì, bánh ngọt, bánh rán, bột mì v.v… Họ không có sẵn bánh “thường”. Bánh duy nhất mà họ có là “bánh thánh”.
"Bánh thánh" là bánh trần thiết, là loại bánh được đem đặt ở trước mặt Đức Giêhôva như một của dâng. Mỗi tuần vào ngày Sabát, các thầy tế lễ sẽ mang vào trong đền tạm, vào trong Nơi Thánh 12 ổ bánh tiêu biểu cho 12 chi phái Israel. Các ổ bánh nầy đã được dâng cho Đức Chúa Trời và tiêu biểu thể nào Đức Chúa Trời là Đấng Tiếp Trợ vĩ đại cho từng chi phái. Tuần tới, 12 ổ bánh mới được đem đến và 12 ổ bánh trước đó được đem cất đi. Các thầy tế lễ khi ấy mới có thể ăn mấy ổ bánh đó. Bánh duy nhất mà Ahimêléc có nơi tay là "bánh thánh" có từ tuần lễ trước.
Thầy tế lễ Ahimêléc đặt sự sống trước luật pháp. Ông khôn khéo phân biệt nhu cần tức thời của David về thức ăn có sự ưu tiên hơn luật lệ nghi thức, luật nầy cho rằng chỉ có các thầy tế lễ mới được phép ăn bánh ấy. 22.10 chép rằng ông đã cầu nguyện về quyết định nầy và "cầu vấn Đức Giêhôva".
Trong Mác 2.23-28, các môn đồ của Chúa Giêxu đã bứt một ít bông lúa mì vì họ bị đói dù hôm ấy là ngày Sabát. Người Pharisi nổi giận về việc luật nghi thức bị vi phạm. Khi ấy Chúa Giêxu mới đưa họ trở lại với sự cố nầy trong đời sống của David. Ngài phán: "Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người" (câu 27). Chúa Giêxu không bỏ qua sự dối gạt của David, mà Ngài dạy rằng tính cần kíp của sự sống thế chỗ cho luật nghi thức.
Điều kiện duy nhất Ahimêléc đề ra cho việc David ăn bánh của thầy tế lễ, ấy là chàng và người của mình "miễn là các tôi tớ ông không có đến gần đàn bà" (câu 4). Theo Lêvi ký 15.16, giao tiếp về tình dục chỉ ra một sự bất khiết theo nghi thức. Vì vậy thầy tế lễ muốn có sự bảo đảm là dù họ không phải là thầy tế lễ, ít nhất là họ phải thanh sạch về mặt nghi thức.
Vì vậy Ahimêléc đã trao cho David: "bánh thánh…mà người ta đã cất khỏi trước mặt Đức Giê-hô-va, đặng thế bánh mới cùng trong một lúc ấy" (câu 6).
C. Sự theo dõi của Đôe (câu 7).
Câu 7 cho chúng ta biết tại thành của các thầy tế lễ, "Đôe, dân Êđôm" cũng có mặt ở  tại Nốp. Đôe là một tôi tớ của Vua Saulơ. Thực ra, hắn ta là "đầu các kẻ chăn chiên". Hắn là người chăn số 1 của Saulơ. Hắn không phải là dòng dõi Do thái mà là một người đã nhập tịch Do thái, một người mới cải đạo, một người mới chuyển sang tôn giáo khác. Hắn đã trở lại đạo sau khi quân đội của Saulơ thôn tính xứ sở của hắn. Triết lý của hắn là "nếu anh không thể đánh họ, hãy hiệp tác với họ". Chúng ta sẽ thấy hắn là một con người bạo lực, đáng kinh tởm, chẳng trung thành với ai hết trừ ra với chính mình hắn. Hắn không có mặt tại Nốp để thờ phượng, mà vì hắn bị "cầm lại tại trước mặt Đức Giêhôva" và không thể đi đâu được trong ngày Sabát. Chương 22 tỏ ra hắn rất sốt sắng báo cáo mọi việc lại cho Saulơ rồi đem đến cái chết cho Ahimêléc cùng tất cả các thầy tế lễ.
Tuần tới chúng ta sẽ học biết Saulơ đã giết hết thảy các thầy tế lễ và thành Nốp bị đặt dưới lưỡi gươm. Khi David hay được các tin tức, chàng nói trong 22.22 với con trai của Ahimêléc: "Trong ngày ấy, ta hiểu rõ Đô-e, người Ê-đôm, có mặt tại đó, chắc sẽ học lại cho Sau-lơ. Ấy tại cớ ta mà cả nhà của cha ngươi bị chết".
David không hề nghĩ tới sự an ninh của Ahimêléc hay sự an ninh của các thầy tế lễ. Chàng đã không nghĩ tới ai khác. Khi quí vị chỉ biết nhắm vào bản thân mình, quí vị không nghĩ tới thể nào mọi hành động của quí vị sẽ ảnh hưởng tới nhiều người khác. Mọi nhu cần của quí vị đến trước tiên. Mọi nan đề của quí vị là hết thảy những gì đang có cần.
D. Tình cần thiết của một thứ vũ khí (các câu 8-9).
Giờ đây David đã có đồ ăn, nhưng chàng cũng cần một thứ vũ khí. Chàng hỏi thầy tế lễ: "Dưới tay thầy đây, há chẳng có một cây giáo hay là một cây gươm sao?" Một lần nữa, chàng đã nói dối: "Ta không có đem theo gươm hay là binh khí gì, vì lịnh vua lấy làm gấp rút".
Ahimêléc vuốt hàm râu của mình rồi đáp: "Đây có cây gươm của Gô-li-át, người Phi-li-tin mà ông đã giết trong trũng Ê-la; nó bọc trong một miếng nỉ, để sau Ê-phót; nếu ông muốn lấy, thì hãy lấy đi". Thanh gươm được coi là một chiến lợi phẩm và rõ ràng đã được dâng cho Đức Chúa Trời và đặt trong Nơi Thánh ở đàng sau cái êphót của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. David đã giữ vũ khí của Gôliát, song dường như đã dâng cho Đức Giêhôva rồi. Bây giờ chàng muốn lấy lại thanh gươm đó. Chàng đã nhận lấy bánh đã được dâng cho Đức Chúa Trời và cũng lấy lại thanh gươm đã được dâng cho Đức Chúa Trời.
David đáp cùng thầy tế lễ: "Chẳng có gươm nào bằng, hãy trao cho ta". Tất nhiên là chẳng có gươm nào bằng rồi. Sau khi David ném một hòn đá trúng nơi đâu giáp của Gôliát, chàng đã dùng thanh gươm đó chặt lấy đầu của gã giềnh giàng ấy. Thanh gươm ấy đã được chế tạo cho một gã cao 9 feet! Hắn phải cầm thanh gươm ấy bằng cả hai tay. Hãy tưởng tượng sự huỷ diệt mà hắn có thể gây ra với thanh gươm ấy ở giữa chiến trường xem. Còn nữa, thanh gươm ấy là thanh gươm rất nổi tiếng. Khi mang thanh gươm đó, David đã buộc một tấm vải thêu ghi rằng: "Ta đã giết Gôliát". Như chúng ta sẽ nhìn thấy trong một phút, điều nầy sẽ dẫn chàng vào chỗ rối rắm.

II. Ở xứ Gát. Giả đò điên cuồng và dại khờ (21.10-15).

A. Cuộc tháo chạy của David (câu 10).
Ngay sau khi ngày Sabát qua rồi, giờ đây mạnh khoẻ lại bằng bánh của thầy tế lễ rồi được vũ trang bằng thanh gươm của Gôliát, David ra khỏi xứ băng ngang qua biên giới vào trong đất của dân Philitin, đến thành đầu tiên trong khu vực đó, là thành Gát. David đã đến ở tại Gát trước đây, chàng biết rõ gần hết xứ Gát. Gát là thành phố quê hương của gã giềnh giàng Gôliát. Khi David giết hắn trong trũng Êla, Kinh Thánh chép: "Bấy giờ, người Y-sơ-ra-ên và Giu-đa dấy lên, hò hét, đuổi theo dân Phi-li-tin cho đến cửa thành Gát và Éc-rôn; người Phi-li-tin bị thương ngã chết đầy đường Sa-ra-gim cho đến Gát và Éc-rôn" (17.52).
David sẽ nghĩ sao đây? Tại sao có cả thế giới cho chàng đi, chàng lại đi vào xứ của kẻ thù rồi tiến thẳng vào thành phố quê hương của Gôliát, lại còn mang theo thanh gươm của gã giềnh giàng ấy nữa? Trong thời buổi xa xưa, những kẻ đánh thuê được đánh giá rất cao. Có một vinh dự cho chiến binh quay sang hai phía trong chiến trận. Có lẽ David nghĩ rằng "Akích, vua xứ Gát" sẽ vui lòng tiếp đón chàng.
B. Nỗi sợ hãi của David (các câu 11-12).
David đến tại Gát chẳng gây ra một xáo trộn nhỏ nào. Ngay lập tức người ta nhận ra chàng. Hãy nhớ rằng dáng vẽ bề ngoài của David là "hồng hồng" (16.12) có lẽ điều nầy muốn nói tới màu hung đỏ bất thường trên mái tóc của chàng. Quan trọng hơn nữa, chàng đang đeo thanh gươm của Gôliát. Chỉ có một mái đầu màu hung hung đỏ đang đeo thanh gươm khỗng lồ trong phần đất đó của thế giới. Mọi người đều nhận ra chàng.
Các tôi tớ của nhà vua đã báo cáo về sự hiện diện của David rồi hỏi: "Có phải đó là David vua của xứ ấy chăng?" Hãy chờ một phút xem! David chưa phải là vua mà. Đối với tôi dường như có một sự tranh cạnh đang diễn ra trong xứ Israel và có nhiều bài hát đã được người ta hát lên, và nhiều lời tiên tri đã được đưa ra cho rằng chẳng bao lâu nữa David sẽ đoạt lấy ngai vàng của Saulơ khỏi ông ta. Các tôi tớ cũng nhắc cho Akích nhớ tới các bài hát nổi tiếng về David còn vẳng xa đến tận xứ Philitin: "Saulơ giết hàng ngàn, còn David giết hàng vạn".
Sau khi để ra chút ít thì giờ tại cổng thành và nghe được những tiếng đồn xây quanh chàng, "David để các lời nầy vào trong lòng mình". Chàng nhận biết rằng có nhiều người trong số "hàng ngàn" chàng đã giết đều xuất thân từ xứ Gát. Huyết của các gia đình người Philitin nầy đều ở trên hai bàn tay của chàng. Có nhiều người trở thành mẹ không con, và có nhiều người con mất cha trong xứ Gát đang cảm ơn David. Vì vậy, chàng “rất sợ Akích, vua xứ Gát". Chàng sợ rằng thay vì tiếp đón chàng như một chiến binh đánh thuê, thực ra nhà vua sẽ giết chàng như một hành động mang tính cách thủ đoạn chính trị.
C. Bề ngoài của David (các câu 12-13).
David rất lanh trí và tiểu xảo. Chàng sử dụng một chiến thuật làm cho mình ra hèn hạ nhưng lại rất thành công. Chàng "giả đò điên cuồng""làm bộ khờ dại" trước mặt họ. Tôi cho rằng chàng đã "ở trong tay họ" nghĩa là chàng đã bị bắt. Là một tù nhân, chàng đã "vẽ vạch dấu trên cửa". Chữ Hy bá lai ở đàng sau "vẽ vạch" nói tới nhiều việc lắm. Chữ nầy có thể được dịch là "viết nghệch ngoạc", "cào xước" hay ngay cả "nện đập". Tôi nghĩ David sống giống như tù phạm trong một cuốn phim xưa gõ ca uống nước của mình trên các chấn song để làm cho mấy tên cai ngục khó chịu. Thêm nữa, chàng "để nước miếng chảy trên râu mình". Chàng đã để cho nước dãi nước mũi chảy lòng thòng xuống cằm của mình. Quả thực chàng đã tỏ ra điên dại lắm.
Tính tiểu xảo của David được thấy rõ trong sự chàng hiểu biết tâm lý của người Philitin. Giống như nhiều nền văn minh xưa kia, họ đã xem hạng người điên dại đã bị các thần “đụng đến”. Họ e sợ và không bao giờ làm hại loại người ấy. Một trường hợp rõ ràng là Nê-bu-cát-nết-sa, vua của Babylôn, ông ta đang ở trong tình trạng điên dại gầm rống giống như thú vật trong một thời gian. Dân sự của ông ta e sợ và không hề giết hay bỏ tù ông ta. Họ chờ đợi sự tỉnh táo của ông ta trở lại.
Rõ ràng, họ đã đưa David đến gặp nhà vua. Ở đó, người vừa lòng Đức Chúa Trời đã đứng giả đò điên cuồng và dại dột. Akích nói: "Kìa, các ngươi thấy người đó điên cuồng! Cớ sao các ngươi dẫn nó đến ta? Nơi ta há thiếu kẻ điên sao, nên các ngươi phải dẫn kẻ nầy đến ta đặng nó bày sự kỳ cục trước mặt ta? Một người như vậy chẳng nên vào nhà ta". Cho phép tôi đóng ngoặc đơn: "Ta đã có cả khối người điên trong xứ Gát rồi! Chẳng lẽ chúng ta lại cần thêm một người nữa sao? Đuổi nó ra đi".

III. Tại Ađulam. Thiết lập quân đội (22.1-2).

Khi David rời xứ Gát, chàng quay trở lại vào trong xứ Giuđa rồi đến "trốn trong hang đá Ađulam". Hãy nhớ David đã tốn nhiều năm trời chăn chiên tại khu vực nầy. Có lẽ khi còn là một thiếu niên, chàng đã rành rọt hết hang động to lớn nầy gần thành Ađulam của xứ Canaan xưa kia.
F.B. Meyer chỉ ra rằng có bốn điểm tương tự giữa David và Chúa Giêxu ở đây. 1) một nhà vua bị chối bỏ sắp lên ngôi; 2) Nước của David chưa tỏ tường; 3) David cùng những kẻ theo mình bị cách ly; 4) David phải chờ đợi thì thuận tiện của Đức Chúa Trời.
David đã đụng tới tận đáy khó khăn của chàng. Đức Chúa Trời đã nâng chàng lên cao từ chuồng chiên lên tới một địa vị quyền lực cao cả, nổi bật và đầy khí thế. Giờ đây chàng giống như một thú rừng bị săn đuổi, trốn chui trong một hang động chẳng có đồ ăn, chẳng có bè bạn. Tuy nhiên, khi gia đình chàng hay được hoàn cảnh nầy "cả nhà cha người" đã khăn gói đến và "đi xuống cùng người". Toàn bộ thân tộc đã đoàn tụ lại với nhau. Có lẽ họ chỉ muốn được sống với David mà thôi. Có lẽ họ e sợ mọi điều mà Saulơ sẽ làm đối với họ. Thật chẳng nhằm nhò gì nữa hết. Giờ đây David không còn sống một mình nữa.
Tiếng đồn lan rộng và khi ấy có nhiều người bắt đầu đến với David. Câu 2 nhắc tới ba loại người tụ tập lại với David trong đội quân ngày càng tăng ở trong hang động. Trước tiên có những kẻ "bị CÙNG KHỐN". Từ ngữ Hy bá lai có nghĩa là "bị đè nén". Chúng ta phải nói là số người ấy là hạng người "đã ở trong chỗ căng thẳng". Thứ hai là những kẻ "mắc NỢ". Tôi thấy chữ nầy có ý nói họ đã mắc một số tiền thuế chưa nộp cho Saulơ và có lòng muốn ở theo phe nghịch của Saulơ. Thứ ba là những kẻ có lòng bị "SẦU KHỔ". Theo nghĩa đen, chữ nầy có nghĩa là: "linh hồn cay đắng". Đây là những người làm cách mạng, những người đau khổ vì chứng mất trí của Saulơ và ao ước trông mong chính nhà vua của Đức Chúa Trời mau ngồi lên ngôi.
Khi số người nầy đã đến, David đã "làm đầu họ". Tất cả "có chừng bốn trăm người" cộng thêm phụ nữ và trẻ con. Một lần nữa, hãy chú ý hình ảnh giữa David và Chúa Giêxu "Con Vua David" xem. Dù chưa ngồi lên ngôi, Chúa Giêxu vẫn đang kêu gọi những ai cùng khốn bởi người thế gian, mắc nợ tội lỗi và sầu khổ với cuộc sống trong xác thịt. Ngài đang thiết lập một đội quân riêng của Ngài, đội quân đó sẽ đồng trị với Ngài khi Ngài ngự trên ngôi của David tổ phụ Ngài.

IV. Ở xứ Môáp. Lo bảo hộ cha mẹ (22.3-5).

Một thời gian sau, cùng với mấy trăm người nầy, David rời khỏi "hang đá Ađulam". Tôi nghĩ là đội quân của chàng đã lớn lên đủ để không còn ở nơi đó được nữa. Chàng đã đến tại "Mítbê xứ Môáp". David vốn lo lắng về cha mẹ mình trong lúc tuổi già. Họ không còn được an ninh ở tại thành Bếtlêhem bao lâu Saulơ còn nắm quyền lực. Sức lực ngày càng suy giảm của họ khiến cho họ khó mà sinh hoạt với một đội quân cứ di động rày đây mai đó qua địa hình của vùng núi non hiểm trở. Vì vậy David nói với vua xứ Môáp: "Xin cho phép cha mẹ tôi đến ở với vua cho đến chừng tôi biết điều Đức Chúa Trời sẽ làm cho tôi".
Một số người trong quí vị lập tức nhớ ra Rutơ, tổ mẫu của David là một người đờn bà Môáp (Rutơ 1.4). Bà đã lấy Bôô và trở thành mẹ của Ôbết, ông nầy là cha của Giesê, Giesê là cha của David (Rutơ 4.13-17). Có thể đây là một phần trong lý do Giesê và vợ ông được phép ở lại với vua xứ Môáp trong "đồn" (từ chữ mesudah, có ý nói tới đồn luỹ trên núi Masada trên Biển Chết).
Trong khi ở lại xứ Môáp, "đấng tiên tri Gát" đã tìm gặp chàng rồi thốt một lời ra từ Đức Giêhôva. Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp tiên tri Gát. Tôi hình dung ông ta đã xuất thân từ trường đào tạo tiên tri của Samuên. Ông ta đã đến với David thêm vài lần nữa trong tương lai. Tuy nhiên, sứ điệp của ông ta là: "Chớ ở trong đồn nầy; hãy đi đến xứ Giuđa".
David đã làm theo lời tiên tri nầy và trở về lại xứ Giuđa. Chàng dẫn người của mình và các gia đình vào trong "rừng Hêrết", một khu vực cây cối rậm rạp thuộc vùng núi ở miền Nam xứ Giuđê. Chúng ta phải hình dung David giống như một Robin Hood trong Kinh Thánh, đang làm lành song lại ẩn náu trốn tránh nhà vua gian ác.

V. Trong sự thờ phượng. Hình thành các Thi thiên.

Sau khi xem xét bốn bức tranh nầy về bốn địa điểm trong đời sống David, chúng ta đã thấy chàng đang trốn chạy bàn tay sắt tình thế của con người. Chàng đã nói dối với Ahimêléc và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái chết của ông ta. Chàng đã tự hạ thấp mình xuống qua việc lừa dối Akích Vua xứ Gát qua hình ảnh điên dại của chàng. Mặt khác, David là một nhà tài trợ vô kỷ. Chàng đang lo liệu cho tất cả số người cùng khốn, mắc nợ nần, và sầu khổ. Chàng cung ứng cho họ nơi nương thân và sự tiếp trợ. Chàng đã nắn đúc nhiều người trong số họ thành một lực lượng chiến đấu không hề biết sợ hãi. Trong một hành động bảo hộ từ ái, David dời cha mẹ mình ra khỏi con đường dễ bị hãm hại rồi đặt họ vào trong sự chăm sóc của mấy người bà con xa ở xứ Môáp.
Trong khi mọi điều nầy đang tiếp diễn, có lẽ vào cuối những buổi chiều khi ông chơi đàn lia bên ngọn lửa trại, David đã sáng tác các Thi thiên. Như trong sách I Samuên, ở đó cung ứng cho chúng ta thấy nhiều hình ảnh nói tới các biến cố trong đời sống David suốt khoảng thời gian nầy, các Thi thiên đặc biệt nầy cung ứng cho chúng ta một cánh cửa sổ nhìn vào linh hồn của David. Đồng thời, chúng cũng là những bài hát thờ phượng và là những lời cầu nguyện xin tiếp trợ. Chúng cho chúng ta thấy ngay cả khi David nói dối và thất bại không tin cậy nơi Đức Chúa Trời, thì Đức Thánh Linh vẫn cứ vận hành ở trong tấm lòng của chàng.
Trước tiên hãy nhìn vào Thi thiên 56. Dòng đề tựa của Thi thiên nầy ghi như sau: "Cho thầy nhạc chánh, theo điếu ‘bồ câu của cây thông phương xa’ [danh xưng nầy không nghi ngờ chi nữa là một bài ca than khóc đã được viết ra ở trong tù]. Thơ David làm, khi dân Philitin bắt người trong thành Gát". Hãy cùng tôi đọc mấy dòng của Thi thiên nầy. Hãy tưởng tượng David đang ở trong xà lim thuộc thành phố của kẻ thù mình.
"Đức Chúa Trời ôi! xin thương xót tôi; vì người ta muốn ăn nuốt tôi; Hằng ngày họ đánh giặc cùng tôi, và hà hiếp tôi" (câu 1).
"Hằng ngày chúng nó trái ý lời tôi, các tư tưởng chúng nó đều toan hại tôi. Chúng nó nhóm nhau lại, rình rập, nom dòm các bước tôi, Bởi vì chúng nó muốn hại mạng sống tôi" (các câu 5-6).
Hãy xem lại các câu 3-4: "Trong ngày sợ hãi, tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa. Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài; Tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì; Người xác thịt sẽ làm chi tôi?"
Câu 8 rất là dịu dàng: "Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi: Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?"
"Vì Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết: Chúa há chẳng giữ chân tôi khỏi vấp ngã, hầu cho tôi đi trước mặt Đức Chúa Trời trong sự sáng của sự sống?" (câu 13).
Khi chúng ta quay sang Thi thiên 34, chúng ta thấy đề tựa ghi như sau: "Thơ David làm, khi người giả bộ điên dại trước mặt Abimêléc, và bị người đuổi đi".
Chẳng lẽ quí vị không nhìn thấy khi chàng bước qua hai cánh cổng thành và chúng đã đóng lại sau lưng chàng sao? Chàng đã được tự do! Chàng kêu lên: "Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn, sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi". Hãy cùng tôi đọc một vài câu chọn lọc.
"Tôi đã tìm cầu Đức Giê-hô-va, Ngài đáp lại tôi, giải cứu tôi khỏi các đều sợ hãi" (câu 4).
"Thiên sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài, và giải cứu họ. Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!" (các câu 7-8).
"Mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người công bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu cầu của họ" (câu 15).
"Người công bình kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nghe, và giải cứu người khỏi các sự gian truân. Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương, và cứu kẻ nào có tâm hồn thống-hối" (các câu 17-18).
Giờ đây hãy quay sang Thi thiên 142. Thi thiên nầy là "Thơ dạy dỗ David làm, khi ở trong hang đá. Bài cầu nguyện". Tôi tưởng tượng David đang viết ra Thi thiên nầy bên ngọn lửa trong suốt thời gian sống cô độc trong hang đá Ađulam. Chàng rất ngã lòng. Chàng lấy làm lạ không biết Đức Chúa Trời có lắng nghe và không biết Ngài có chăm sóc hay không nữa.
"Tôi cất tiếng kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va; Tôi cất tiếng cầu khẩn Đức Giê-hô-va. Ở trước mặt Ngài tôi tuôn đổ sự than thở tôi, bày tỏ sự gian nan tôi" (các câu 1-2).
"Xin Chúa nhìn phía hữu tôi, coi; Chẳng có ai nhận biết tôi; Tôi cũng không có nơi nào để nương náu mình; Chẳng người nào hỏi thăm linh hồn tôi" (câu 4).
Dù đang thất vọng, David vẫn nhơn đức tin trông mong Đức Chúa Trời: "Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi kêu cầu cùng Ngài, mà rằng: Ngài là nơi nương náu của tôi, phần tôi trong đất kẻ sống. Xin Chúa lắng nghe tiếng tôi, vì tôi bị khốn khổ vô cùng; Xin hãy cứu tôi khỏi kẻ bắt bớ tôi, vì chúng nó mạnh hơn tôi. Xin hãy rút linh hồn tôi khỏi ngục khám, để tôi cảm tạ danh Chúa. Những người công bình sẽ vây quanh tôi, bởi vì Chúa làm ơn cho tôi" (các câu 5-7).
Sau cùng, hãy mở ra Thi thiên 57. Đề tựa ghi như sau: "Cho thầy nhạc chánh, theo điếu ‘Chớ phá hủy’. Thơ David làm, khi người chạy trốn trong hang đá, khỏi Saulơ". Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của David. Tôi tin lúc bấy giờ Thi thiên nầy đã được viết ra khi gia đình David và bạn bè nhóm lại chung quanh chàng.
"Đức Chúa Trời ôi! xin thương xót tôi, xin thương xót tôi, vì linh hồn tôi nương náu nơi Chúa! Phải, tôi nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa, cho đến chừng tai họa đã qua" (câu 1).
Hãy tưởng tượng chàng đang viết Thi thiên nầy khi chàng nhìn vào các chiến binh trẻ tuổi nhóm lại cùng chàng trong hang đá. "Linh hồn tôi ở giữa các sư tử; tôi nằm giữa những kẻ thổi lửa ra, tức là các con loài người có răng giống như giáo và tên, và lưỡi chúng nó khác nào gươm nhọn bén. Hỡi Đức Chúa Trời, nguyện Chúa được tôn cao hơn các từng trời; Nguyện sự vinh hiển Chúa trổi cao hơn cả trái đất!" (các câu 4-5).
David dấy lên lời khen ngợi rất thuộc linh dù khi về phần xác chàng đang lẫn trốn trong hang đá: "Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững chắc, lòng tôi vững chắc; Tôi sẽ hát, phải, tôi sẽ hát ngợi khen. Hỡi sự vinh hiển ta, hãy tỉnh thức! Hỡi cầm sắt, hãy tỉnh thức! Chính mình tôi sẽ tỉnh thức thật sớm. Hỡi Chúa, tôi sẽ cảm tạ Chúa giữa các dân, hát ngợi khen Chúa trong các nước. Vì sự nhân từ Chúa lớn đến tận trời, sự chân thật Chúa cao đến các từng mây. Hỡi Đức Chúa Trời, nguyện Chúa được tôn cao hơn các từng trời. Nguyện sự vinh hiển Chúa trổi cao hơn cả trái đất!" (các câu 7-11).
Sáng nay tôi muốn trình bày cho quí vị thấy các hình ảnh đậm nét về gia đình của tôi. Thay vì thế, tôi đã trình bày cho quí vị thấy các hình ảnh của David trong Kinh Thánh. Các Thi thiên của ông còn mở ra thêm cánh cửa lòng của ông. Cánh cửa nào vậy? Điều nầy có ý nghĩa gì với chúng ta? Nó có nghĩa là dù chúng ta thất bại, dù khi chúng ta sa ngã trong tội lỗi, dù khi chúng ta nói dối và lừa gạt, dù khi chúng ta cảm thấy cô độc, dù khi chúng ta cảm thấy Đức Chúa Trời không lắng nghe, chúng ta cần phải GIỮ LUÔN SỰ CẦU NGUYỆN VÀ CỨ GIỮ SỰ THỜ PHƯỢNG vì Ngài đang nắm giữ từng con cái của Ngài dưới bóng cánh của Ngài!
Tuần rồi, một trong những nhà truyền đạo lỗi lạc nhất của lịch sử đã qua đời. Tên của ông là W.A. Criswell, bấy lâu nay ông là Mục sư Chủ toạ của Hội Thánh Báptít Đầu Tiên của Dallas. Mục sư Criswell luôn luôn được ghi nhớ là một nhà chú giải Kinh Thánh rất lỗi lạc. Tôi đã nghe ông giảng mấy lần và thường nghe ông giảng trên đài phát thanh mỗi sáng Chúa nhựt. Ông đã sống đến 92 tuổi và đã phục vụ Hội Thánh lớn đó trong 58 năm, 48 năm làm Mục sư Chủ Toạ. Tuần nầy tôi có đọc bài phỏng vấn sau cùng Mục sư Criswell do tờ Dallas Morning News đăng. Thời điểm năm 1994. Ở thời điểm nầy phóng viên hỏi: "Ông có chút nghi ngờ nào không?"
Mục sư Criswell đáp: "Ồ, cậu bé ơi. Dọc theo chuyến lữ hành nầy có đôi khi tôi nghĩ mình là kẻ vô đạo".
Phóng viên hỏi: "Sao ông lại nghĩ thế?"
Ông đáp: "Tôi không biết, chỉ đôi khi thôi mà, tôi có một thời gian rất khó mà tin theo được. Tôi mới tin đây mà thôi. Những việc đang xảy ra trong cuộc sống, những việc mà tôi đang nhìn thấy và những việc mà tôi canh chừng. Ôi, tôi đã phấn đấu với nó. Tôi phấn đấu với điều ác trong thế gian nầy. Tại sao Đức Chúa Trời không làm một việc gì đó chứ? Và tôi phấn đấu với điều ấy. Và tôi phấn đấu với sự hiện diện của sự chết. Chỉ có cậu và tôi đang trao đổi ở đây và chúng ta đang đối diện với cái ngày không thể tránh được đó. Ồ, đôi khi tôi phấn đấu. Tôi đã đánh trận qua những thời điểm khó nhọc đó.
“Lý do rất rõ ràng. Một là tôi không có một chỗ nào để đi hết. Nếu tôi muốn xây qua bên nầy hay bên kia, tôi không có chút sức nào để xây cả. Chỉ có thất vọng hoàn toàn mà thôi. Và thứ hai, tôi không lo gì hết, kính sợ Chúa và tin cậy Chúa là một ơn phước và dù khi chúng ta không hiểu, chúng ta tin rằng Ngài sẽ ban bằng hết mọi sự. Vì vậy chúng ta chỉ tin nơi Ngài mà thôi".
Cả Mục sư Criswell và Vua David đều học biết tin cậy Chúa dầu khi họ không hiểu. Họ đã bám vào một thứ đức tin nói rằng Đức Chúa Trời sẽ ban bằng mọi sự một ngày kia. Và chúng ta cũng phải sống giống như thế.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét