ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
TỪ TẦM THƯỜNG ĐẾN PHI THƯỜNG
I Samuên 16.1-13
Hết thảy chúng ta đều đã kinh nghiệm những ngày đời sống được thay đổi, những ngày mà chúng ta sẽ không bao giờ quên, những ngày đã làm thay đổi và nắn đúc đời sống của chúng ta. Một số trong những ngày ấy là những ngày rất phước hạnh. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày ấy vào cuối tháng Tám năm 1976, khi tôi ngồi trên một khúc gỗ bị đốn hạ bắc ngang qua một thung lũng trong khu rừng phía sau nhà tôi và tôi đã dâng đời sống tôi cho Đấng Christ. Ngày ấy đã làm tôi thay đổi cho đến đời đời. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày tôi đứng trước Hội thánh đầy ắp người rồi nói "tôi bằng lòng" với cô dâu của tôi. Ngày kỷ niệm năm 1990 thực sự là một ngày đáng nhớ đối với tôi, vì đó là ngày đứa con đầu lòng của tôi hít lấy hơi thở đầu tiên của nó và tôi trở thành một người cha. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày ấy vào tháng Giêng năm 1993 khi chúng tôi chọn ngày sinh nhật cho đứa con gái thứ hai bằng phẫu thuật sản khoa. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày Chúa nhật sau cùng ấy vào tháng Chạp năm 1991, tháng tới là đúng 10 năm, khi tôi giảng bài đầu tiên cho Hội thánh nầy.
Một số trong những ngày đời sống được thay đổi ấy là những ngày không được tốt. Tôi không bao giờ quên cái ngày mà vợ tôi bị đột biến tim và cả đêm sau đó khi tôi không dám chắc là nàng sẽ còn sống. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày mà nàng chịu giải phẫu 6 tiếng đồng hồ liền để chỉnh lại quả tim. Tôi sẽ không bao giờ quên đêm cuối cùng mà tôi thức suốt với mẹ tôi và lúc bà trở về quê hương với Chúa.
Một số những ngày mà đời sống được thay đổi đã khiến cho chúng tôi phải lấy làm kinh ngạc. Chúng khởi sự rất bình thường song lại trở nên rất phi thường. Chúng bắt đầu với những nhịp điệu bình thường, nhưng lại kết thúc khiến cho chúng tôi không làm sao quên được chúng. Có thể đó là cái ngày của một tai nạn lớn? Có thể đó là cái ngày mà quí vị nhận được một sự đề bạt? Tôi không nghĩ là ai trong chúng ta sẽ quên được buổi sáng bình thường đó vào ngày 11 tháng Chín, khi chúng ta nghe thấy tin tức nói tới những kẻ khủng bố đã lái máy bay đâm vào toà nhà thương mại thế giới và Ngũ Giác Đài. Chắc chắn cái ngày bình thường đó đã trở thành phi thường và đã đánh dấu quốc gia chúng ta cho đến đời đời.
Trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta ở I Samuên 16, chúng ta sẽ xét qua một ngày bình thường đã trở thành phi thường dành cho một gã chăn chiên ở thành Bếtlêhem. Cái ngày mà David được xức dầu làm Vua trên Israel đã khởi sự là bình thường dành cho ông. F.B. Meyer viết:
Không một tiếng kèn báo trước của thiên sứ trong ngày đó. Không một gương mặt nào ngước lên trời. Mặt trời mọc lên sáng hôm ấy theo thông lệ của nó trên các bức tường màu tía của vùng đồi núi xứ Môáp, biến đám mây ra giống như những tấm màn có màu vàng nghệ. Với ánh sáng lờ mờ đầu tiên của ban ngày, gã chăn chiên đã trên đường dẫn bầy của mình tới những đồng cỏ còn nặng mùi sương. Khi buổi sáng mau qua, nhiều bổn phận về bầy chiên đã chiếm hết tâm trí lúc nào cũng lo toan canh cánh của chàng – làm cho con yếu được mạnh, chữa lành cho con bị đau, bó rịt cho con bị gãy chân, và tìm kiếm con bị lạc mất. Nếu gã không bận rộn, nhạc điệu của bài ca gã sáng tác sẽ làm rung động bầu không gian đang lắng nghe "một tay gãy đàn điệu nghệ như gã".
Đây là phần khởi sự bình thường cho một ngày phi thường. Tiên tri Samuên đã đến tại nhà của cha David, dưới sự dẫn dắt của Đức Giêhôva, để xức dầu cho nhà vua hầu đến của Israel. Không một ai, không phải Samuên, không phải Saulơ, không phải Giesê, không phải 7 người anh và chắc chắn không phải David, dám đoán rằng Đức Chúa Trời đã chọn gã chăn chiên đơn sơ nầy để trị vì trên dân sự của Ngài. Tuy nhiên, trong chương trình cao cả của Đức Chúa Trời, David là người của Ngài. Thi thiên 78.70-71 chép: "Ngài cũng chọn Đa-vít là tôi tớ Ngài, bắt người từ các chuồng chiên: Ngài đem người khỏi bên các chiên cho bú, đặng người chăn giữ Gia-cốp, là dân sự Ngài, và Y-sơ-ra-ên, là cơ nghiệp Ngài".
Đức Chúa Trời phán trong Êsai 55.9: "Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu". Từ phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta hãy tiếp thu ba bài học về phương thức Đức Chúa Trời bắt lấy người tầm thường và biến người thành phi thường.
I. Chương trình của chúng ta là tầm thường, chương trình của Đức Chúa Trời là phi thường (các câu 1-5).
A. Samuên thắc mắc chương trình của Đức Chúa Trời (các câu 1-3).
Chương 15 kết thúc bởi sự Đức Chúa Trời gạt bỏ Saulơ không cho làm vua trên Israel. Câu 35 chép: "Sa-mu-ên chẳng còn thấy Sau-lơ nữa cho đến ngày mình thác; vì người buồn bực về việc Sau-lơ; còn Đức Giê-hô-va ăn năn đã lập Sau-lơ làm vua của Y-sơ-ra-ên". Samuên bèn trở về nhà tại Rama. Saulơ trở về nhà mình tại Ghibêa. Họ chỉ ở cách nhau một vài dặm đường, song lại xa cách nhau về mặt thuộc linh không sao tính được.
Quí vị có nhớ thể nào Samuên ghét bỏ ý niệm có một vị vua trên Israel không? Ông đã tìm cách thuyết phục dân sự đừng nên có ý niệm đó. Ông nói tới những khó nhọc mà một vị vua sẽ mang lại cho họ. Tuy nhiên, Đức Giêhôva phán: "Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng cùng ngươi; ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa" (8.7). Samuên đã ngần ngại làm theo lời dạy của Đức Chúa Trời và xức dầu cho Saulơ làm vua trên cả Israel.
Saulơ lúc đầu đã có một vài sự thành công. Về mặt quân sự ông đã đẩy lùi một số kẻ thù của Israel và đã chiếm lại vùng lãnh thổ bị mất. Tuy nhiên, ông đã bị lận đận với tánh kiêu ngạo của mình. Ông đã bất tuân mọi huấn thị trực tiếp của Đức Chúa Trời. Ông đã ngạo mạn dám dâng của lễ giống như Samuên vậy. Khi tôi đọc qua cuộc gặp gỡ của Samuên với Saulơ trong mấy chương đầu tiên của quyển sách, tôi hình dung người của Đức Chúa Trời đang lắc đầu lộ vẻ kinh ngạc nơi tánh kiêu ngạo cứng lòng của Saulơ. Sau cùng, Đức Chúa Trời đã có đủ. Ngài đã cất bỏ bàn tay phước hạnh của Ngài ra khỏi Saulơ. Ngài chối bỏ không cho ông ta làm vua nữa. Mặc dù Saulơ vẫn còn nắm lấy chức vụ trong vài năm kế đó, ông ngồi trên ngai vàng chỉ có một mình; Đức Chúa Trời không còn ở với ông nữa. Trong 13.14, Samuên nói tiên tri: "nhưng bây giờ, nước ngươi sẽ không bền-lâu. Đức Giê-hô-va đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài, đặt người ấy làm trưởng của dân sự Ngài, bởi vì ngươi không giữ theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va".
Khi chúng ta đến với phần cuối của chương 15, chúng ta thấy Samuên "buồn bực về việc Saulơ". Tại sao vậy?
Thứ nhất, có một lý do RIÊNG. Là một mục sư, tôi hiểu rõ điều nầy. Samuên liên tục không thấy hy vọng gì về Saulơ. Ông nghĩ Saulơ đã học được bài học của mình rồi, đã biết cầm giữ sự kiêu ngạo và đã trở thành vị vua mà Đức Chúa Trời muốn ông phải trở thành. Các nhà lãnh đạo thuộc linh phải sống giống như thế. Chúng ta là những người lạc quan cho đến đời đời. Chúng ta cứ nghĩ rằng dân sự của chúng ta sẽ tấn tới về mặt thuộc linh. Chúng ta cứ cầu nguyện xin cho họ biết đoạn tuyệt với tội lỗi và biết vâng theo Chúa, để họ sẽ tỉnh thức mà ra khỏi giấc ngủ vùi thuộc linh rồi sống động với tình cảm dành cho Đức Chúa Trời. Chúng ta không thích nhượng bộ đối với họ. Khi sự việc cho thấy rõ ràng là dân sự của chúng ta sẽ không nghe theo lời của Đức Chúa Trời và họ quyết định làm theo những gì họ muốn, bất chấp mọi điều Đức Chúa Trời đã phán dạy, chúng ta buồn bực vì cớ họ. Chúng ta đã đầu tư thì giờ, sức lực và sự cầu nguyện, nhưng họ lại chối bỏ Chúa. Sự chối bỏ này gây tổn thương. Chúng ta lấy làm buồn bực. Chúng ta buồn bực vì chúng ta biết điều chi đang chờ đợi họ một khi họ cố ý xây khỏi Đức Chúa Trời.
Thứ hai, Samuên đã buồn bực vì lý do CHÍNH TRỊ. Samuên nhìn biết những cảnh ngộ khó khăn ghê gớm mà xứ sở ông đã lâm vào một khi Đức Chúa Trời từ chối vị vua mà họ đã chọn. Saulơ vẫn còn làm vua song ông không còn có tư cách nữa. Người Philitin đã xâm lược từ phía Nam. Người Amaléc tìm cách phục thù từ phía Bắc. Israel bị kẹp giữa hai sắc dân đó và Đức Chúa Trời đã lìa khỏi nhà vua. Còn nữa, dân sự muốn kết Samuên với Saulơ, song ông cũng đã mất đi thế lực về chính trị. Israel đã bị cuốn đi xa khỏi Đức Chúa Trời và bị cuốn vào sự gian truân khôn xiết.
Trong khi Samuên đang ở trong chỗ rối rắm trước mọi nan đề thực sự nầy, thì Đức Chúa Trời phán cùng ông. Tôi thấy điều nầy cũng rất thực trong đời sống của tôi. Có lúc tôi phải lọt xuống đến tận đáy hoàn cảnh trước khi tôi có thể ngước mặt lên mà lắng nghe từ nơi Chúa. Đức Chúa Trời hỏi: "Ngươi buồn rầu về việc Sau-lơ cho đến chừng nào? Ta đã từ bỏ nó, hầu cho nó không còn làm vua trên Y-sơ-ra-ên nữa”. Nói cách khác: "Hỡi Samuên, sao ngươi lo lắng vậy? Sao ngươi lại ngã lòng? Bộ ngươi không biết ta có một chương trình sao? Ngươi có nghĩ là ta sẽ phá vỡ giao ước rồi làm tản lạc dân sự ta sao?" Đức Chúa Trời có một chương trình và giờ đây Ngài để cho Samuên bước vào trong chương trình đó. "Hãy đổ dầu đầy sừng của ngươi và đi. Ta sẽ sai ngươi đến Y-sai, người Bết-lê-hêm. Vì trong vòng các con trai người, ta đã chọn một người làm vua" (câu 1).
Không bao lâu sau khi Samuên nghe được chương trình của Đức Chúa Trời, ông bắt đầu thắc mắc chương trình đó. Sa-mu-ên thưa rằng: “Làm sao tôi đi đó được? Nếu Sau-lơ hay, thì sẽ giết tôi đi". Đây là một mối nguy hiểm thực sự. Saulơ gần như muốn giết Giônathan con trai mình do đã ăn mật ong. Ông ta sẽ không ngần ngại giết đi vị tiên tri già nếu ông là một phần trong bất kỳ một âm mưu nào muốn lập một vị vua khác.
Hãy suy nghĩ về điều đó. Samuên đang trông mong ai? Đôi mắt của ông đang đặt ở đâu chứ? Chúng đang nhắm thẳng vào Saulơ. Ông đã nhắm vào Saulơ đến nỗi ông không còn nhìn xem Chúa nữa. Phải chăng quí vị có ai đó giống như thế trong đời sống của quí vị? Có phải quí vị đang có một Saulơ không? Có phải quí vị có ai đó làm cho quí vị phải sao lãng, làm cho quí vị phải vỡ mộng, làm cho quí vị giận dữ hay làm cho quí vị phải tức tối? Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời vốn biết rõ mọi sự về họ rồi. Ngài đã cho phép họ trở làm một phần trong đời sống của quí vị và Ngài đang sử dụng họ để nắn đúc quí vị đấy.
Quí vị đã từng nghe câu nói: "ma quỉ có mặt trong từng chi tiết". Nói như thế là sai. Đức Chúa Trời có mặt trong từng chi tiết mới phải. Ngài đã loại bỏ Saulơ. Ngài phán: "Hãy đem theo ngươi một con bò cái tơ, và nói rằng: Tôi đến để dâng của tế lễ cho Đức Giê-hô-va". Trong thời buổi ấy ở Israel, không có đền thờ nào hết, không có một đền tạm trung tâm nào cả. Thậm chí dù dân Philitin đã trả lại Hòm Giao Ước, chẳng có một trung tâm thờ phượng nào hết. Samuên thường đi hết chỗ nầy đến chỗ khác giống như một "kỵ mã tuần hoàn" dâng của lễ cho dân sự và dẫn dắt họ vào sự thờ phượng. Đức Chúa Trời đã bảo ông như thế khi ông đến tại thành Bếtlêhem, ông phải "mời Y-sai dự tế. Ta sẽ tỏ cho ngươi biết đều ngươi phải làm; rồi ngươi sẽ nhơn danh ta xức dầu kẻ ta chỉ cho ngươi" (câu 3).
B. Samuên vâng theo chương trình của Đức Chúa Trời (các câu 4-5).
Hãy chú ý từ câu 4: "Sa-mu-ên làm theo đều Đức Giê-hô-va đã phán cùng mình". Đó là một câu nói rất có giá trị phải gạch dưới. Khi quí vị có những huấn thị rõ ràng đến từ nơi Chúa, thì chỉ có một đáp ứng sao cho thích đáng. Ông đi xuống Bếtlêhem với một con bò cái tơ để phục vụ cho cộng đồng ở đấy rồi dâng một của lễ.
Tuy nhiên, khi "những trưởng lão của thành ấy" nhìn thấy ông đang đi xuống đó, họ đều "lấy làm bối rối". Họ hỏi rằng: "Có phải ông đến đến đem bình an chăng?" Vì cớ gì họ phải đâm lo đến thế chứ? Người của Đức Chúa Trời luôn luôn nói ra sự phán xét của Đức Chúa Trời. Không nghi ngờ chi nữa, họ đã nghe nói thể nào cụ tiên tri đã "giết Aga [vua dân Amaléc] trước mặt Đức Giêhôva" (15.33). Có lẽ họ sợ Samuên sẽ thốt ra lời phán xét nghịch cùng họ sau khi họ biết sự thật Đức Giêhôva đã chối bỏ vua của họ.
Samuên quả quyết với họ rằng ông đã đến với sự "bình an". Ông đáp: "Ta đến để dâng của tế lễ cho Đức Giê-hô-va". Ông đến đó để thi hành chức vụ, chớ không phải để phán xét. Ông đáp: "hãy dọn mình cho thanh sạch và đến ăn thịt tế lễ với ta". Hãy đặc biệt lưu ý rằng ông "cũng dọn Y-sai và các con trai người cho thanh sạch và mời đến dự tế". Thực sự chúng ta không biết hết thảy những ai đã dự phần trong việc dọn mình cho thanh sạch và làm nên thánh những người nầy. Rõ ràng là họ đã tắm rửa, giặt áo xống và biệt riêng thì giờ trong sự cầu nguyện xưng ra mọi tội lỗi của họ (Xuất Êdíptô ký 19.10, 14; 1 Giăng 1.9).
C. Chúng ta không sao hiểu nổi mọi chương trình của Đức Chúa Trời.
Mọi chương trình của Đức Chúa Trời hiếm khi chúng ta hiểu nổi. Samuên, người của Đức Chúa Trời đã có tuổi, nhiều kinh nghiệm cũng không được miễn trừ. Ông không thể tạo ra đoạn đầu hay đoạn cuối của tình thế khó xử mà Israel đang đối diện với. Ông đã quá chán nản và ngã lòng. Ông cảm thấy thất bại và lầm lẫn. Thậm chí khi Đức Chúa Trời phán rõ ràng với ông, ông đã không nhứt trí mà còn đưa ra lời cáo lỗi nữa. Dù vậy, như câu chuyện cho thấy rõ ràng, chương trình của Đức Chúa Trời luôn luôn là đúng đắn.
Samuên không nhận định rõ sự việc, tại sao Saulơ đã làm vua rồi mà Đức Chúa Trời lại chối bỏ Saulơ. Cũng không thể hiểu nổi sao Đức Chúa Trời đi chọn một vì vua xuất thân từ một gia đình không có gì nổi tiếng từ một thị trấn nhỏ bé giống như thị trấn Bếtlêhem. Thật là không thể hiểu nổi sao Ápraham ở tuổi 75, lại lìa xứ Urơ, nơi sinh sống của mình rồi đi theo tiếng phán của Đức Chúa Trời, băng qua đồng vắng mà không biết mình đi đâu. Thật không thể hiểu được, khi Đức Chúa Trời hứa ông và vợ ông lúc tuổi đã già sẽ có một con trai. Không thể hiểu nổi khi Môise được Đức Chúa Trời kêu gọi, Ngài bảo ông sẽ lãnh đạo dân Israel ra khỏi vòng nô lệ. Thật không hiểu nổi về Giôsuê và Calép, khi Israel chinh phục đất đai xứ Canaan. Đúng là không thể hiểu nổi về Ghêđêôn, chỉ có 300 người vũ trang bằng kèn và đuốc lại có thể đánh bại cả một đạo quân Mađian người đông vô số. Thật không sao hiểu nổi, các môn đồ yếu đuối như thế kia lại có thể làm đảo lộn cả thế giới với sứ điệp nói tới sự sống lại của Chúa Giêxu. Thật là không sao hiểu nổi, một kẻ bắt bớ tồi tệ Hội thánh như Saulơ lại trở thành một nhà kiến tạo đầy năng quyền của Hội thánh, là Phaolô. Mọi chương trình của Đức Chúa Trời hiếm khi chúng ta có thể hiểu nổi.
Giống như Samuên, giống như hết thảy những người có đức tin như vầy, khi chúng ta nhận biết Lời của Đức Chúa Trời, khi chúng ta nghe theo tiếng Đức Thánh Linh phán cùng tấm lòng chúng ta, thái độ cần phải có là làm theo những điều Chúa phán dạy và tin cậy rằng chương trình của Ngài là chương trình tốt đẹp nhứt. Bằng không, chúng ta sẽ mất đi những ơn phước không thể nói được.
Êsai 65.24 chép: "Ta sẽ nhậm lời họ trước khi kêu cầu ta; họ còn nói, ta đã nghe rồi". Đức Chúa Trời luôn luôn có một chương trình. Khi quí vị không nhìn biết, hãy tìm kiếm nó. Khi quí vị nhìn biết chương trình đó rồi, hãy vâng theo, thậm chí nếu quí vị không hiểu hết chương trình đó.
II. Những sự lựa chọn của chúng ta là tầm thường, những sự lựa chọn của Đức Chúa Trời là phi thường (các câu 6-12).
A. Samuên nhìn xem bề ngoài, còn Đức Chúa Trời nhìn thấy ở trong lòng.
Dường như là Giesê cùng mấy người con trai đã kinh qua nghi thức tẩy rửa trước khi dâng của lễ, Samuên bắt đầu quan sát họ. Kinh Thánh chỉ ra rằng Samuên đã tỏ cho Giesê biết lý do ông đến tại đấy rồi. Giesê là một người cha rất tự hào khi trình diện mấy người con trai cho người của Đức Chúa Trời.
Êliáp là người con cả. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ học biết Êliáp là một chiến binh trong quân đội của Saulơ. Có lẽ Êliáp đã dự phần trong cuộc chinh phạt dân Amaléc mới đây. Có thể là Êliáp đang mặc đồng phục với dây biểu chương và nhiều huân chương được tưởng thưởng tại chiến trường. Samuên đánh giá chàng trai rất có ấn tượng nầy và nhũ lòng: "Quả hẳn, kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va đương ở trước mặt Ngài!" (câu 6). Theo lý trí của vị tiên tri, Êliáp chính là người đáng được xức dầu rồi. Có thể ông nhớ tới Saulơ cách đó mấy năm. Câu 7 nói rất rõ rằng Êliáp không phải là sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh thì thào: "Chớ xem bộ dạng và hình-vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó".
Chúng ta đọc tiếp ở câu 8 thì thấy rằng "Ysai bèn gọi Aminađáp", người còn trai thứ nhì của ông và "biểu người đi qua trước mặt Samuên". Abinađáp cũng là một chiến binh và không nghi ngờ chi nữa một người đẹp trai trong bộ quân phục. Thánh Linh của Đức Chúa Trời thì thầm với Samuên: "Đức Giêhôva cũng chẳng chọn người nầy". Không, người con nầy cũng không được chọn.
Câu 9 nhắc tới người con trai thứ ba, "Samma" cũng được đưa ra trình diện Samuên. Chàng trai nầy cùng với hai anh của mình cùng phục vụ trong quân đội. Một lần nữa Samuên nghe thấy sứ điệp: "Đức Giêhôva cũng không chọn người nầy nữa".
Cũng một thể ấy: "Y-sai biểu bảy con trai mình đi qua trước mặt Sa-mu-ên như vậy", nhưng Đức Chúa Trời nói rõ rằng Ngài không chọn bất kỳ ai trong số nầy. Bảy người con trai đã đi ngang qua. Chẳng một ai trong số họ là người được Đức Chúa Trời chọn.
Giữa những lần bảy người con trai đi nối tiếp nhau qua mặt Samuên, Đức Chúa Trời ban cho Samuên và chúng ta hôm nay một nguyên tắc rất là quan trọng. Hãy chú ý vào câu 7: "Đức Giê-hô-va chẳng xem đều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng". Khi tôi nhìn xem quí vị, tôi thấy một là quí vị cao hay quí vị thấp, mập hay ốm, già hay trẻ. Tôi nhìn thấy màu da của quí vị, mái tóc dài hay ngắn và áo quần quí vị mặc. Nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta sẽ “lầm” người ta, dựa theo bề ngoài của họ. Chúng ta có khuynh hướng bất công khi đưa ra xét đoán về con người từ vẻ bề ngoài của họ.
Đức Chúa Trời nhìn xa hơn "vẻ bề ngoài" và thấy tận "trong lòng". Ngài nhìn thấy bản chất của một người. Ngài nhìn thấy chúng ta thực sự là ai khi chẳng có ai khác nhìn thấy. Dường như Đức Chúa Trời phán với Samuên rằng: "Ngươi đang nhìn thấy phần xác thịt, còn ta đang kiểm tra tận trong lòng. Không một ai trong mấy gã nầy xứng đáng vì ta đã chọn một người với tấm lòng giống như tấm lòng của ta vậy".
Tôi không biết rõ về quí vị, nhưng tôi đã đưa ra một số nhận định cho là đúng dựa theo dáng dấp bên ngoài. Tôi ao ước tôi có thể nhìn thấy tấm lòng của người ta và biết rõ bản chất của họ, nhưng không thể được. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể thấy được như thế thôi. Đấy là lý do tại sao chúng ta xây sang Đức Chúa Trời để biết phân biệt và xem xét nhiều đời sống bằng Ngôi Lời.
Samuên đã nhầm. Có việc chi đó không đúng rồi. Ông đã làm theo những gì Đức Chúa Trời bảo ông làm. Ông đã đến tại thành Bếtlêhem với một con bò cái tơ để dâng của lễ. Ông đã đến tận nhà của Ysai. Ông đã quan sát từng đứa con Ysai tại nhà và Đức Chúa Trời đã nói “không” với từng người con ấy. Với sự bực bội, ông nói với Ysai: "Đức Giê-hô-va chẳng chọn một ai trong chúng nó...Hết thảy con trai ngươi là đó sao?" Nói cách khác: "Đức Chúa Trời phán một trong các con trai ngươi sẽ làm vua, nhưng chẳng một ai trong số nầy là người ấy. Ngươi chẳng còn một đứa con nào nữa sao?”
Chỉ khi ấy Y sai mới nhớ. Chỉ khi ấy Ysai mới nhớ tới đứa con với bầy chiên kia. Ông đáp: "Hãy còn đứa con út, nhưng nó đi chăn chiên". Có lẽ quí vị nhìn thấy sự vô tín trên gương mặt Ysai. Ông đang thầm nghĩ: "Chắc chắn không phải là David đâu. Nó là một đứa chăn chiên, chớ phải đâu là vua!?!" Tuy nhiên, Samuên nói: "Hãy gọi nó; chúng ta không ngồi ăn [hay ra về] trước khi nó đến". Swindoll bình luận như sau:
Đối với tôi, cái điều quan trọng, ấy là Ysai không có đứa con út ở tại nhà. Ở đây, chúng ta thấy Ysai đã phạm phải hai điểm sai lầm mà bậc cha mẹ hay phạm phải. Một là, ông đã không xem con cái của mình ngang nhau. Và hai là, ông đã thất bại không gieo ra một thái độ tự trọng giữa vòng chúng. Ysai đã xem con út của mình chẳng hơn gì một gã chỉ biết có chăn bầy chiên thôi.
Thường thì tội lỗi của người cha bị chuyển qua cho người con. Có lẽ thất bại sau nầy của David trong vai trò một người cha có thể là hồi báo lại tấm gương không được tốt mà ông đã có nơi Ysai. Tuy nhiên, đó là bài giảng khác cho một ngày khác! David hiện đang ở trong vùng đồi núi với bầy chiên. Một sứ giả đã được sai đi để tìm chàng và ở lại với bầy chiên. Công việc nầy đòi hỏi một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng rồi đứa con út của Ysai cũng đã đến trước mặt vị tiên tri.
Kinh Thánh nói chàng là "hồng hồng". Từ ngữ nầy ra từ một chữ Hy bá lai có nghĩa là "hung đỏ" và có ý nói tới mái tóc và nước da. Hầu hết dân sự ở vùng Trung đông đều có mái tóc màu hung hung, mắt huyền và da ngăm đen. Mái tóc của David có thể thoáng một màu đỏ. Da của chàng bị rám nắng do ở ngoài trời nhiều. Quyển The New Century Verse bàn như sau: "Chàng là một thiếu niên đẹp trai, có làn da rám nắng". Chàng có "con mắt xinh lịch" đúng nghĩa là "đôi mắt đẹp" và chàng rất “đẹp trai”. Không nghi ngờ chi nữa, nhóm thanh nữ của chúng ta sẽ ngất đi nếu họ trông thấy chàng hôm nay theo phong cách của chàng trong thời ấy.
Tuy nhiên, Samuên giờ đây đã có một nhận thức đúng đắn hơn. Đẹp hay xấu giống như một tấm chắn bùn thì không thành vấn đề. Đức Chúa Trời đang nhìn thấu tấm lòng của chàng, điều đó mới là vấn đề. Đức Giêhôva thì thầm với Samuên: "Ấy là nó; hãy đứng dậy xức dầu cho nó!"
B. Đôi khi sự lựa chọn của Đức Chúa Trời rất khó hiểu.
Những sự lựa chọn của Đức Chúa Trời không giống như những sự chúng ta chọn lựa. Trong sự khôn ngoan vô hạn và tùy theo ý chỉ tối cao của Ngài, Đức Chúa Trời thường chọn những người mà chúng ta cho qua để làm công việc của Ngài. Chúng ta nhìn thấy dáng dấp bề ngoài và cho qua những kẻ bị cho là tầm thường. Đức Chúa Trời nhìn thấy ở trong lòng và tuyên bố họ là phi thường.
Xã hội Hy lạp thời Tân Ước rất giống với xã hội chúng ta thời nay. Họ chỉ đánh giá con người bằng vẻ đẹp và bộ não. Nếu quí vị không to con, không gọn gàng và không phải là đấu sĩ, nếu quí vị không có một học vị từ một trường đại học nổi tiếng, quí vị chẳng là gì cả, một kẻ không ra gì hết. Sứ đồ Phaolô đã quở trách triết lý ấy. Thực ra, tôi muốn quí vị mở ra ở I Côrinhtô 1.26-29. Phân đoạn nầy giải thích những sự khôn khéo trong mọi lựa chọn đặc biệt của Đức Chúa Trời. “Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời".
Ở đầu chương kế đó, Phaolô nói tới chỗ lần đầu tiên ông đến với Hội thánh Côrinhtô: "Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời". Thực ra, ông muốn nói: "Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép".
Hãy nhìn quanh phòng nhóm xem. Quí vị đang nhìn thấy hạng người nào? Không có nhiều người có bề ngoài rất ấn tượng ở đây. Thế mà Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta để làm con cái của Ngài và đem Lời Ngài đến cho người thế gian. Giống như Chúa Giêxu đã chọn một nhóm ngư phủ thất học cùng những tay thu thuế để làm môn đồ của Ngài, Ngài đã chọn chúng ta. Chúng ta là hạng người tầm thường mà Đức Chúa Trời đã tuyên bố là phi thường, không phải vì chúng ta là ai mà vì những gì Ngài đang làm trong chúng ta.
II Côrinhtô 4.7 chép: "Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi". Trong các thời kỳ Kinh Thánh, không có một ngân hàng nào hết. Người ta giấu đút tiền bạc, nữ trang cùng những thứ có giá trị khác của họ trong loại bình bằng đất thường. Cũng theo ý nghĩa đó, chúng ta là những mẫu đất sét tầm thường mà trong đó Đức Chúa Trời đã đặt Thánh Linh quí giá của Ngài vào.
Nếu quí vị quen biết tôi ở trường đại học, quí vị sẽ biết rằng tôi là người sau cùng mà ai cũng ngờ sẽ trở thành một vị mục sư! Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không sai sót đã chọn tôi vì mục tiêu ấy. Amarillo không phải là nơi mà tôi chọn để đầu tư chức vụ mình tại đó. Thế mà Đức Chúa Trời rõ ràng lại chọn địa điểm nầy cho tôi. Tôi luôn luôn nghĩ tôi sẽ có nhiều con trai, nhưng trong sự khôn ngoan của Ngài, Đức Chúa Trời vốn biết rõ tôi cần những đứa con gái! Tôi đang tính về việc có một vài người con rễ ngoan một ngày kia!
Đức Chúa Trời luôn ao ước điều tốt lành cho bất kỳ ai trong chúng ta, thế nhưng trong ân điển của Ngài: "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta" (Êphêsô 1.4). Chúng ta là hạng người tầm thường không ra gì hết mà Đức Chúa Trời lại tuyên bố là hạng người ra gì, phi thường! Tôi thường nhắc đi nhắc lại câu Jim Elliot từng nói: "Chúng ta là hạng người không ra chi hết đang làm chứng cho người ta biết về Đấng có thể cứu rỗi bất cứ ai".
III. Sức lực của chúng ta là tầm thường, còn quyền phép của Đức Chúa Trời là phi thường (câu 13).
A. David được xức dầu với quyền phép.
Sau khi Đức Chúa Trời phán: "Ấy là nó; hãy đứng dậy xức dầu cho nó!", Samuên "lấy sừng dầu" mà ông đã mang theo suốt hành trình rồi "xức cho người ở giữa các anh người". Mùi thơm của loại dầu ấy toả ra khắp gian phòng khi dầu xức trên mái tóc màu hung đỏ của David chảy dài trên gương mặt và cổ của chàng. Điều nầy đã ghi sâu vào ký ức của David khi về sau ông viết: "Chúa xức dầu cho đầu tôi; chén tôi đầy tràn" (Thi thiên 23.5).
Chúng ta không biết hết các chi tiết. Rõ ràng là từ câu 10, Ysai đã hiểu rõ những gì đã diễn ra. Vì những lý cớ tôi sẽ đưa ra sau nầy, tôi không nghĩ các người anh khác đã nhìn biết ý nghĩa của sự cố. Thậm chí chúng ta không biết chắc là David đã hiểu rõ hay chưa nữa!?! Dù vậy sử gia Do thái là Josephus dám chắc rằng Samuên đã thì thầm bên tai David: "Ngươi sẽ là vua kế vị".
Những điều chúng ta biết từ câu 13 còn quan trọng hơn nhiều: "Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giêhôva cảm động David". David đã được xức với loại dầu còn nhiều hơn là dầu nữa. Dầu chỉ là biểu tượng cho sự thật Thánh Linh Đức Chúa Trời đã giáng trên David theo một cung cách rất mạnh mẽ.
Cho tới thời điểm nầy, David là một gã thiếu niên chăn chiên. Đấy là những gì mà chàng đã được trang bị cho. Tuy nhiên, khi "Thần Đức Giêhôva cảm động" chàng, chàng đã có đủ năng lực và quyền bính mà chàng sẽ có cần để trị vì như nhà vua trên dân sự của Đức Chúa Trời.
Dù có những ý kiến khác biệt về sự việc nầy, tôi tin Kinh Thánh dạy rằng Đức Thánh Linh không ngự trong những tín đồ Cựu Ước như Ngài đã ngự trong các tín đồ Tân Ước. Ngài đã đầy dẫy họ. Ngài ngự trên họ. Ngài mặc lấy quyền phép cho họ. Ngài ở VỚI họ, song không ở TRONG họ. Đấy là lý do tại sao ngay câu kế đó chúng ta đọc: "Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ". Đấy là lý do tại sao sau khi tội lỗi của ông với Bátsêba, David đã cầu nguyện trong Thi thiên 51.11: "Xin chớ từ bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa". Trong Cựu Ước, Đức Thánh Linh đã giáng trên dân sự trong sự hầu việc Đức Chúa Trời của họ. Đó là một cái chạm đặc biệt cho một phần việc đặc biệt. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã có một chương trình khác cho Tân Ước và kỷ nguyên mà chúng ta đang sinh sống trong đó.
B. Chúng ta được mặc lấy quyền phép.
David đã được xức dầu bằng Đức Thánh Linh song giống như các tín đồ ngày hôm nay chúng ta được Đức Thánh Linh ngự vào. Chúa Giêxu đã dạy dỗ vấn đề ấy. Ngài đã phán trong Giăng 7.37-38: "Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy". Câu 39 chép: "Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển". Trrong Giăng 14.16-17, Chúa Giêxu phán với các môn đồ Ngài: "Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi".
Đó là sứ điệp của Lễ Ngũ Tuần. Ngày nay chúng ta sống trong ánh sáng đầy đủ của lời hứa ấy. David đã nếm trải sự sống có trong từng tín đồ chân chính ngay trong lúc nầy. II Côrinhtô 1.22 nói Đức Chúa Trời đã "lấy ấn mình mà đóng cho chúng tôi và ban của tin Đức Thánh Linh trong lòng chúng tôi". Êphêsô 1.13 chép: "ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa". Êphêsô 4.30 chép như sau: "Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc".
Không những chúng ta là những cái bình chứa đựng Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà còn là những con người phi thường lo chuyển giao quyền phép của Ngài. Đấy là lý do tại sao Phaolô đã cầu nguyện trong Êphêsô 3.20: "Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét