ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA
VUA DAVID
Một cung điện cho David
II Samuên 7
Mặc dù quí vị
lúc đầu không để ý khi đọc qua phân đoạn Kinh Thánh nầy, II Samuên 7 là một
trong những phân đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất nói tới cuộc đời của David.
Còn nữa, phân đoạn Kinh Thánh nầy là một trong những phần quan trọng nhất của
toàn bộ Cựu Ước. Nó chứa nhiều điều liên quan đến David, đến con cháu của ông, đến
quốc gia Israel và đến cả thế giới, thậm chí đến chúng ta ngày hôm nay nữa.
Điều gì đã khiến
cho chương nầy ra quan trọng như thế chứ? Nó chứa một lời hứa ra từ Đức Chúa Trời
mà các nhà thần học cùng các học giả Kinh Thánh gọi là Giao Ước David. Theo thuật ngữ
của Kinh thánh một giao ước có ý nói tới một lời hứa của
Đức Chúa Trời không thể hủy bỏ được. Quyển Kinh thánh của quí vị được chia ra
thành hai giao ước. "Testament" (ước) đồng
nghĩa với "covenant" (giao ước). Lịch sử của Đức Chúa Trời
với nhân loại nói chung có thể được chia ra thành hai giao ước. Có Giao Ước Cũ
và Giao Ước Mới. Đặc biệt, Kinh thánh mô tả năm giao ước. Thứ nhứt, có Giao Ước Nôê trong Sáng thế
ký 9.8-17, ở đây Đức Chúa Trời hứa không bao giờ hủy diệt cả đất bằng nước lụt
nữa. Thứ hai là Giao Ước Ápraham trong Sáng thế
ký 12 và 15. Đức Chúa Trời đã hứa với Ápraham rằng Ngài sẽ khiến cho ông thành
một dân lớn. Thứ ba là Giao Ước Lêvi trong Dân số ký
3, ở đây Đức Chúa Trời biệt riêng chi phái Lêvi để phục vụ làm thầy tế lễ cho đến
đời đời. Thứ tư là Giao Ước David từ đây trong II Samuên 7.
Giao ước thứ năm và sau cùng là Giao Ước Mới. Giao ước nầy là sự ứng
nghiệm sau cùng của các giao ước trước. Giao ước nầy đã được công bố trong kỹ
nguyên Cựu Ước, nhưng đã được trọn vẹn chỉ bởi sự chết, sự chôn và sự sống lại
của Đấng Mêsi, là Chúa Jêsus.
Làm thế nào mà Đức
Chúa Trời phải lập giao ước nầy với David? Mọi chuyện đã khởi sự khi David mơ tưởng
tới việc xây một cung đền cho Đức Chúa Trời. Ông đã mường tượng ra một đền thờ
rất nguy nga. Như chúng ta sẽ thấy, Đức Chúa Trời đã tỏ ra rằng Ngài không muốn
David xây một cung đền cho Ngài, thay vì thế Đức Chúa Trời đang xây dựng một
cung đền cho David.
Chúng ta sẽ
chia phân đoạn nầy thành ba tiểu đoạn, TÌNH CẢM của David (các
câu 1-3), LỜI HỨA của Đức Chúa Trời (các câu 4-17) và SỰ NGỢI KHEN của David (các
câu 18-29). Tôi nguyện rằng con mắt hiểu biết của chúng ta sẽ được soi sáng
và chúng ta có thể nhìn vào mọi sự giàu có vinh hiển đang chờ đợi các con cái của
Đức Chúa Trời (Êphêsô 1.18).
I. Tình cảm
của David (các câu 1-3).
Câu 1 chép: "Khi vua đã ngự trong
cung mình, và Đức Giê-hô-va đã giải cứu người khỏi các kẻ thù nghịch chung
quanh". Có hai phần mô tả về thời kỳ nầy trong đời sống của David trong câu nầy.
Thứ nhứt ông đã ổn định gia đình và thứ hai ông đã vui hưởng sự hoà bình của
xứ sở.
David "đã ngự trong cung mình". Hãy nhớ rằng ông đã sống
như một kẻ lánh nạn trong khoảng 14 năm trời. Ông đã sống ở Hếprôn trong 7 năm
rưỡi. Ông đã đánh đuổi dân Giê-bu-sít ra khỏi núi Siôn rồi lập Jerusalem làm thủ đô quốc gia ông. Ở giữa mọi
hành động ấy, David đã xây cất một cung đền.
II Samuên 5.11 chép: "Hi-ram, vua thành Ty-rơ, sai sứ đến Đa-vít,
đem theo gỗ bá hương, thợ mộc, thợ đá đặng xây cất một cái đền cho Đa-vít". Gỗ bá hương là
một thứ gỗ rất đắt tiền và phải nhập khẩu từ Lebanon . David chưa có một cung đền;
ông đã có một lâu đài, và lâu đài nầy rất phức tạp.
Mới đây, trong khi giảng dạy ở nước Nga, tôi có đến tham quan các toà
lâu đài của những Nga hoàng. Nếu có điều chi đó là thực trong các toà lâu đài,
thì đó là chúng rất gây ấn tượng. Có những nhà cửa xây cất để cho người ta sống
trong đó. Các toà lâu đài xây cất lên để cho người ta phải thốt ra "Wow". Không nghi ngờ
chi nữa cung đền của David là một cấu trúc của sự tự hào quốc thể.
David có thể đang tận hưởng việc "ngự trong cung
mình" ngay lúc bấy giờ vì "Đức Giê-hô-va đã giải cứu người khỏi
các kẻ thù nghịch chung quanh". Dân Amaléc không còn đến
xâm lăng từ phía Bắc nữa. Quân Philitin không còn loán đến từ phương Nam nữa. Không
còn có gã khỗng lồ nào cần phải giết bỏ nữa. Không còn có một đồn lũy nào cần
phòng thủ nữa. Không có một làng mạc nào cần giải cứu nữa.
Sự bình an nầy không phù hợp với tài năng của David là một nhà lãnh đạo,
nhưng vì Đức Giêhôva đã chúc phước cho ông với một mùa yên nghỉ. Đức Chúa Trời
dường như đan dệt đời sống chúng ta với các thời kỳ chiến tranh và hoà bình.
Ngài để cho chúng ta chịu đựng các thời kỳ căng thẳng và vui hưởng những thời kỳ
yên nghỉ. Đây là phần nước rong và nước ròng rất tự nhiên trong đời sống chúng
ta. Không có chiến tranh chúng ta sẽ không biết tán thưởng hoà bình và nếu
không có hoà bình chúng ta sẽ không biết mình sẽ chiến đấu cho cái gì nữa!?!
Chúa Jêsus đã tẻ tách các môn đồ của Ngài riêng ra thường trong những
lúc nghỉ ngơi và yên bình. Ngài biết họ không thể làm việc lâu dài ở dưới sự căng
thẳng và trong chuỗi chức vụ mà chẳng có những lúc nghỉ ngơi đều đặn. Cũng một
thể ấy trong đời sống chúng ta hôm nay. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mùa yên
tĩnh và mùa bão tố. Trong một thời gian ngắn, mọi sự dường như thuận buồm xuôi
gió rồi có một lúc chúng ta phải tranh đấu chỉ để được tồn tại mà thôi. Hãy nhớ
Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị trên khắp các vụ mùa trong đời sống của
chúng ta.
Một trong những lý do mà Đức Chúa
Trời ban cho chúng ta sự yên nghỉ là vì trong suốt các thời kỳ hoà bình nầy
chúng ta chỉ có nằm mơ mà thôi. Tôi tưởng tượng David đang ngồi ở trước một lò
sưỡi, mắt đang nhìn chăm vào ngọn lửa. Những âm thanh của con trẻ đang nô đùa
vang dội khắp cả toà lâu đài. Mọi sự dường an bình trong linh hồn của ông. Ông ngợi
khen Đức Chúa Trời vì mọi ơn phước của mình. Có thể ông đã nhìn qua khung cửa sổ
rồi để ý thấy đền tạm và một thắc mắc thoạt hiện ra trong trí: "Làm sao ta
ở trong đền đài đẹp đẽ như thế nầy đang khi sự hiện diện của Đức Giêhôva trên
hòm giao ước lại đang ở trong một túp lều cho được?" Từ kỳ yên nghỉ
nầy một ý niệm đang hình thành trong lý trí của David. Ông sẽ xây một đền thờ
cho Đức Chúa Trời. Nếu cung đền rất gây ấn tượng, thì đền thờ sẽ phải rất ngoạn
mục.
Trong câu 2, David cho đòi "tiên tri Nathan". Đây là lần đầu
tiên chúng ta gặp Nathan nhưng chúng ta sẽ gặp ông nhiều lần trong các chương sắp
tới. Trong phần đời còn lại của David, Nathan sẽ trở nên ảnh hưởng chính. Không
những ông là tiên tri của Đức Chúa Trời cho xứ sở, mà còn là Mục sư riêng của
David để hướng dẫn ông đi theo ý chỉ của Đức Giêhôva. Thực ra, David yêu mến
Nathan nhiều đến nỗi ông đã lấy tên ấy mà đặt cho con trai mình (đối chiếu
5.14).
David nói với vị Mục sư bạn của mình: "Hãy xem,
ta ngự trong cái cung bằng bá hương, còn hòm của Đức Chúa Trời lại ở dưới màn
trướng". Nhà vua chỉ ra tình trạng bất xứng của ông khi sống
trong một cung điện nguy nga trong khi sự hiện diện của Đức Chúa Trời trông thấy
được kia lại ở dưới một túp lều ở ngoài sân.
Một đức tính đánh dấu người nam hay người nữ vừa lòng Đức Chúa Trời, ấy
là người (nam hay nữ) không bao giờ thấy thoả lòng. Những tín đồ trưởng
thành không hề thấy thoả lòng với những gì họ đã làm hay những gì họ nhìn biết
hoặc họ ở đâu với Chúa. Họ có một tình cảm dành cho Đức Chúa Trời không thể dập
tắt được. David đã tiến thật xa và đã hoàn thành nhiều việc, thế nhưng ông còn
thấy phải làm cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời nhiều hơn nữa. Ông không muốn
yên nghỉ trên các vòng nguyệt quế của mình. Ông không muốn lui vào sống an
nhàn.
Tôi yêu mến hạng người nam và nữ sống vừa lòng Đức Chúa Trời, còn quí vị
thì sao? Họ luôn luôn học hỏi điều chi mới mẻ từ Ngôi Lời. Họ luôn luôn nghĩ tới
các tư tưởng mới. Họ mơ thấy những khải thị mới thay vì đi theo những gì nhất thời đã cũ rồi.
David nói cho Nathan biết điều ông muốn làm và vị tiên tri đáp: "Hễ trong
lòng vua có ý làm gì, thì hãy làm, vì Đức Giê-hô-va ở cùng vua". Nghe như thế
giống như loại sự việc mà Đức Chúa Trời đem đặt trong lòng của nhà vua và vị
tiên tri chỉ ký nhận trên sự hiện thấy với sự tán đồng mà thôi.
II. Lời hứa của Đức Chúa Trời (các câu 4-17).
Nathan đã làm những gì các vị Mục sư, các trưởng lão và các cấp lãnh đạo
Hội thánh thường hay làm. Ông đã nghe thấy giấc mơ của David và đã khích lệ vua
về việc ấy. Tuy nhiên, "trong lúc ban đêm" khi vị tiên
tri đang nằm trên giường: "có lời của Đức Giêhôva” phán cùng ông.
Nathan đã nói ra ý kiến của ông với David, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời lại ban
cho Nathan biết ý định của Ngài.
Hội thánh, có một sự khác biệt giữa hai điều: tôi cung ứng cho quí vị ý
kiến của tôi và ý kiến của Đức Chúa Trời. Có một sự khác biệt giữa lời nói của
Mục sư và "Lời của Đức Giêhôva". Còn bây giờ, quí vị và
tôi làm thế nào để nhận lãnh “Lời của Đức Giêhôva” đây? Phải chăng
Lời ấy hành động trong chúng ta giống như Lời ấy đã hành động trong Nathan? Làm
thế nào quí vị biết được tư tưởng thoạt đến trong lý trí quí vị lúc ban đêm là “Lời của Đức
Giêhôva” chứ? Nếu quí vị bật thức giấc lúc nửa đêm rồi đọc Kinh Thánh trên giường,
chỉ khi ấy quí vị mới nhận biết mình đã nhận lãnh một “lời của Đức
Giêhôva” ở trên giường! Chúng ta không tin nơi các cảm xúc hay kinh nghiệm nhưng
tin nơi chính những lời lẽ có thể xác minh được, những lời nói có thể kiểm chứng
được sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh!
Quí vị gán kinh nghiệm ấy cho Nathan. Ông là một tiên tri có lòng can đảm
rất lớn. Ông phải quay trở lại với nhà vua rồi nói: "Tôi trật rồi, vua
không thể xây đền thờ được". Những gì Đức Chúa Trời đã
phán với David qua Nathan tối hôm ấy đã trở thành một tiểu đoạn Kinh Thánh mấu
chốt mà Chúa vẫn còn làm ứng nghiệm cho đến ngày nay. Chúng ta hãy chia tiểu đoạn
ấy ra làm bốn phần:
A.
Cảm xúc của Đức Chúa Trời về ngôi đền (các câu 4-7).
Về lời đề nghị của David, Đức Giêhôva đã đáp cùng Nathan.
“Hãy
đi nói cùng Đa-vít, tôi tớ ta, rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Người há sẽ
xây cho ta một cái đền để ta ngự tại đó sao? Ngươi biết từ ngày ta đưa dân Y-sơ-ra-ên
ra khỏi xứ Ê-díp-tô cho đến ngày nay, ta chẳng có ngự trong đền nào, nhưng hằng
đi đó đây dưới trại và nhà tạm. Khắp nơi nào ta ngự qua với dân Y-sơ-ra-ên, ta
há có phán lời gì cùng một trưởng nào trong các chi phái Y-sơ-ra-ên, là kẻ ta dặn
chăn dân sự ta, sao? Ta há có phán cùng chúng nó rằng: Cớ sao các ngươi không dựng
cho ta một đền thờ bằng gỗ bá hương?”
Tôi chú ý hai câu hỏi. Thứ nhứt trong câu 5: "Người há sẽ xây
cho ta một cái đền để ta ngự tại đó sao?" và thứ hai trong câu 7: "… ta
há có phán lời gì cùng một trưởng nào trong các chi phái Y-sơ-ra-ên, là kẻ ta dặn
chăn dân sự ta, sao? Ta há có phán cùng chúng nó rằng: Cớ sao các ngươi không dựng
cho ta một đền thờ bằng gỗ bá hương?” Trong I Sử ký 17.4, Đức
Giêhôva phán: "Ngươi chớ cất đền cho ta ở". Mặc dù Đức Giêhôva đã phán
với David: "David ơi, ta biết tình cảm ngươi và suy tưởng ngươi đối cùng
ta, nhưng ngươi là ai mà xây nhà cho ta chứ? Ta có bao giờ xin ngươi hay ai
khác trong Israel xây cho ta một ngôi nhà chưa?"
Khi Môise còn ở trên núi, Đức Chúa Trời đã ban ra các huấn thị rất đặc
biệt, rõ ràng cho Israel về đền tạm có thể dở đi dùng cho sự nhóm lại. Ngài chưa
từng nói với bất kỳ một nhà lãnh đạo nào trong Israel phải xây cất một đền thờ
thường trực cả. Tại sao vậy? Tại sao Đức Giêhôva khi Ngài phán trong câu 6: "nhưng hằng
đi đó đây dưới trại và nhà tạm?" Câu trả lời nằm trong câu
7. Ngài phán: "Khắp nơi ta ngự qua với dân Israel". Nói cách khác,
Đức
Chúa Trời không thể ở một chỗ vì dân Israel chưa ở một chỗ được! Israel phải di
động luôn cho nên Đức Chúa Trời cũng phải di động. Ngài không muốn dân sự Ngài
phải nghĩ tới Ngài là một Đức Chúa Trời chỉ ngự ở một chỗ. Ngài muốn nhấn mạnh
sự toàn năng của Ngài, nghĩa là bất cứ đâu họ đi, Ngài cùng đi với họ. Môise đã
nói trong Phục truyền luật lệ ký 31.6:
“Hãy
vững lòng bền chí; chớ sợ chi và chớ kinh khủng trước mặt các dân đó; vì Giê-hô-va
Đức Chúa Trời ngươi đi cùng ngươi; Ngài chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ bỏ ngươi
đâu”.
B.
Sự Đức Chúa Trời tôn cao David (các câu 8-9).
Trong các câu 8 và 9, Đức Chúa Trời nhắc lại cho David nhớ thể nào Ngài đã
chọn ông và tôn cao ông. Đức Giêhôva phán: "Ta đã gọi ngươi từ giữa
đồng cỏ, từ nơi ngươi chăn chiên, đặng lập ngươi làm kẻ dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên
của ta". Khi David nghe thấy lời lẽ của Đức Chúa Trời qua
Nathan, mọi ký ức sống động đã loé lên trong trí ông. Một lần nữa ông nhìn thấy
bầy chiên của cha mình, đã cảm nhận dầu xức của Samuên đang chảy xuống cổ mình,
đã nghe giọng nói vang rền của Gôliát, đã nhìn thấy Saulơ trong hang đá Ên Ghêđi
và nhớ lại cái ngày mà ông đã lên ngôi vua cai trị khắp xứ Israel. Đây là phần
rất khó ký thuật lại lắm. Lời giải thích duy nhứt, ấy là bàn tay của Đức Chúa
Trời đã thực sự ở trên David.
Thêm nữa, Đức Giêhôva phán: "Ta đã ở cùng ngươi
trong mọi công việc ngươi làm, tuyệt diệt các kẻ thù nghịch ngươi khỏi trước mặt
ngươi". Qua từng nỗi gian truân, qua từng chiến trận Đức Chúa Trời đã bảo hộ và
chúc phước liên tục cho David. Ngài nhắc cho ông nhớ: "Ta khiến
cho ngươi được danh lớn". Đức Chúa Trời bắt lấy một thiếu niên chăn
chiên, danh tánh gã chẳng ai biết tới, một đứa con mà bố ruột nó thậm chí còn
quên phứt đi, rồi ban cho người một “danh lớn”, một danh đã ở
trên đầu lưỡi của mọi người.
Giống như David, chúng ta cần phải được nhắc nhớ về bàn tay của Đức Chúa
Trời đang ở trên đời sống chúng ta. Chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta còn tồn
tại trong những lúc gian nan vì Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta. Chúng ta cần
phải nhớ rằng chúng ta đang ở nơi chúng ta đang sinh sống đây và có những gì
chúng ta đang có chỉ vì Đức Chúa Trời đã chúc phước cho chúng ta mà thôi. Chúng
ta cần phải đem sự kiêu ngạo của mình mà hàng phục, nên sấp mặt mình xuống đất
mà dâng sự vinh hiển cho Chúa. Mọi điều chúng ta sinh sống, mọi sự chúng ta đang
có đây đều đến từ Đức Chúa Trời, là Đấng
theo sự khôn ngoan của Ngài mà bố trí đời sống chúng ta. Như Phaolô đã nói
trong Công Vụ các Sứ Đồ 17.28: "Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động,
và có".
C.
Sự Đức Chúa Trời tiếp trợ cho Israel (các câu 10-11a).
Sứ điệp nầy không những dành riêng cho một mình David đâu, Đức Chúa Trời
còn có một lời cho cả nước Israel nữa:
“Ta
đã sắm sẵn một chỗ cho dân Y-sơ-ra-ên ta, LÀM CHO NÓ CHÂM RỄ tại đó, và nó sẽ ở
nơi mình, chẳng còn bị quấy rối nữa; các con loài ác sẽ chẳng hà hiếp nó nữa như
ngày xưa, tức là như lúc lúc ta lập quan xét trị dân Y-sơ-ra-ên ta. Ta đã giải
cứu ngươi khỏi các thù nghịch ngươi mà ban bình an cho ngươi”.
Israel sẽ không còn là một dân lưu lạc nữa. Ngài sẽ làm ứng nghiệm giao ước
của Ngài với Ápraham và "làm cho họ châm rễ" tại đó trong xứ.
Lời hứa nầy chỉ được ứng nghiệm từng phần trong lịch sử mà thôi. Thậm chí cho đến
ngày hôm nay, ngay giờ phút nầy "các con loài ác" cứ tiếp tục lấn
lướt dân Israel. Tuy nhiên, lời hứa của Đức Chúa Trời hoàn toàn được gìn giữ.
Người nào chúc phước cho Israel Đức Chúa Trời sẽ chúc phước lại. Người nào rủa
sả Israel Đức Chúa Trời sẽ rủa sả lại.
D.
Giao ước của Đức Chúa Trời với David (các câu 11b-17).
Hãy nhớ, David muốn cất một cái đền cho Đức Chúa Trời. Hãy chú ý mệnh đề
cuối trong câu 11: "Rốt lại, Đức Giêhôva hứa rằng Ngài sẽ dựng
cho ngươi một cái nhà". Đây không phải là một giao ước nhất thời,
riêng lẽ chỉ áp dụng cho David suốt cuộc đời ông đâu. Đức Chúa Trời phán với
David rằng sau khi ông qua đời: "ta sẽ lập dòng giống
ngươi kế vị ngươi, là dòng giống do ngươi sanh ra, và ta sẽ khiến cho nước nó bền
vững". Con trai của David, hậu thế của ông sẽ được phước của Đức Chúa Trời và
giữ vững ngai vàng của Israel.
Thêm nữa, theo câu 13, Đức Chúa Trời phán rằng con trai nầy của David "sẽ xây một
đền thờ cho danh ta". David sẽ không xây cho Đức Chúa Trời một đền thờ,
mà con trai ông sẽ xây. Về sau trong I Sử ký 28.3 David nói:
“Nhưng
Đức Chúa Trời phán với ta rằng: Ngươi chớ cất đền cho danh ta, vì người là một
tay chiến sĩ, đã đổ huyết ra nhiều".
Còn gì nữa, Đức Chúa Trời phán về con trai của David: "ta sẽ khiến
cho ngôi cùng nước nó bền đổ đời đời. Ta sẽ làm cha nó, nó sẽ làm con ta". Đức Chúa Trời
hứa với David rằng nước của ông sẽ tiếp diễn cho tới đời đời, rằng Ngài sẽ có mối
quan hệ cha con với con trai của David. Mối quan hệ ấy sẽ gồm có phần kỷ luật: "Nếu
nó phạm tội ác, tất ta sẽ sửa phạt nó bằng roi và thương vít loài người".
David muốn xây cho Đức Chúa Trời một ngôi đền thuộc thể, một đền thờ.
Còn Đức Chúa Trời hứa với David rằng Ngài sẽ xây dựng qua ông một ngôi nhà, một
gia đình, một triều đại để cai trị cho đến đời đời. Một lần nữa, hãy chú ý các
câu 15-16.
“nhưng
ta sẽ không rút ân điển ta khỏi nó như ta rút khỏi Sau-lơ, là kẻ ta đã trừ diệt
khỏi trước mặt ngươi. Như vậy, nhà ngươi và nước ngươi được bền đỗ trước mặt ngươi
đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi”.
Giống như nhiều lời tiên tri của Chúa, lời tiên tri nầy có sự ứng nghiệm
cả gần và xa, cả tức thì và trọn vẹn. Chúng ta hãy xem xét trước tiên PHẦN ỨNG NGHIỆM
TỨC THÌ.
Tất nhiên Đức Chúa Trời đang nói trước tiên về Solomon con trai của
David. Solomon là con trai thứ hai sanh cho David và Bátsêba. Trong tất cả các
con trai của David, Đức Chúa Trời đã chọn Solomon nối ngôi cha của mình. Đức
Chúa Trời sẽ ban cho Solomon một ân tứ đặc biệt về sự khôn ngoan để trị vì trên
cả vương quốc rộng lớn.
Thực thế, Đức Chúa Trời sẽ "dựng lên nước của người". Solomon sẽ tiếp
lấy nước của David và xây dựng trên nước ấy. Israel sẽ đạt tới đỉnh cao của sự
giàu có và vinh hiển trong lịch sử của Nước ấy dưới quyền của Solomon.
Thêm nữa, Solomon quả thực sẽ "xây một ngôi đền” cho Đức
Giêhôva. Mặc dù David đã đề ra phương án cùng các thứ vật liệu xây dựng. Còn
xây dựng đền thờ nguy nga nầy sẽ là phần việc của Solomon.
Đức Chúa Trời sẽ có một mối quan hệ cha con với Solomon. Khi Solomon phạm
tội, Đức Chúa Trời đã "sửa phạt nó bằng roi và thương vít loài
người". Và thậm chí khi Solomon đã lưu lạc xa cách Chúa, Đức Chúa Trời đã
không cất bỏ "ân điển" của Ngài như Ngài đã làm với Saulơ.
Sự ứng nghiệm tức thì của giao ước nầy nơi Solomon là rất rõ ràng. Tuy
nhiên, nếu chúng ta quan sát kỹ càng hơn, chúng ta thấy rằng SỰ ỨNG NGHIỆM TRỌN
VẸN của Giao Ước David là Giao Ước Mới trong Đức Chúa
Giêxu Christ. Chúng ta hãy xét qua vài lý do mà chúng ta biết rõ giao ước nầy
chỉ về Chúa Jêsus.
Thứ
nhứt, Chúa Jêsus đã xuất thân từ dòng dõi của David. Đức Chúa Trời đã phán với
David: "Ta sẽ lập dòng giống ngươi kế vị ngươi". Ngài phán về
vua sẽ là "dòng giống do ngươi sanh ra". Đấng Mêsi sẽ đến từ gia
phổ của David. Êsai đã nói:
“Vì
có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền
cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận,
là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và
sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước
Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình,
từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ làm
nên sự ấy!” (Êsai 9.6-7).
Vì cớ người Do thái hiểu rằng Đấng Mêsi sẽ xuất thân từ dòng dõi của
David, họ đã giữ các bản gia phổ rất kỹ càng. Mathiơ 1 ghi lại gia phổ chính thức
của Chúa Jêsus qua Giôsép, Giôsép là một dòng dõi của David qua con trai ông là
Solomon. Luca 3 ghi lại dòng dõi huyết thống của Chúa Jêsus qua người mẹ đồng
trinh của Ngài, là Mary, Mary là một dòng dõi của David qua Nathan là con trai
của ông. Kinh thánh nói về Chúa Jêsus là "dòng dõi David" (Giăng
7.42; Rôma 1.3; II Timôthê 2.8). Tước hiệu được sử dụng rộng rãi dành cho
Chúa Jêsus trong các sách Tin lành là "Con Vua David", tước hiệu nầy công bố Ngài là Đấng Mêsi.
Thứ
hai, Chúa Jêsus đã đến để xây một đền thờ cho Đức Chúa Trời. Solomon sẽ
xây cho Đức Chúa Trời một ngôi đền, một đền thờ lộng lẫy, đền nầy sẽ trở thành
một trong những kỳ quan của thế giới thời xa xưa. Đền thờ nầy về sau đã bị hủy
diệt và một ngôi đền khác đã được dựng lên ngay vị trí của nó. Đây là đền thờ
mà Chúa Jêsus đã dạy dỗ trong suốt chức vụ trên đất của Ngài. Ngôi đền nầy cũng
bị hủy diệt vào năm 70SC bởi Rôma. "Ngôi nhà cho danh
ta" mà Đức Chúa Trời nói tới hoàn toàn không có ý đề cập đến một toà nhà,
mà đề cập đến một dân. Chúa Jêsus đã đến để xây một ngôi nhà gồm toàn những con
người để làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
Trong Êphêsô 2, nội dung nói tới việc Chúa Jêsus thể nào đã đưa cả người
Do thái lẫn dân Ngoại cùng nhau vào chung một thân thể, là Hội thánh. Hãy lắng
nghe phân đoạn Kinh Thánh xinh đẹp nầy từ câu 14-18:
“Vì,
ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai [cả người
Do thái lẫn dân Ngoại] làm một, phá đổ bức tường ngăn cách, là sự thù nghịch đã
phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn
chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên
một người mới ở trong Ngài, và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù
nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai [cả người Do
thái lẫn dân Ngoại] hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời.
Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em [dân Ngoại] là kẻ ở xa,
và sự hòa bình cho kẻ ở gần [người Do thái]. Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả
hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh”.
Tiếp đến Phaolô giải thích thể nào dân sự của Đức Chúa Trời, là thân thể
của Đấng Christ, là Hội thánh đã được mô tả như một ngôi nhà. Đức Chúa Trời nói
cho David biết Con của ông sẽ xây "một ngôi nhà cho danh
ta". Ở đây trong Êphêsô 2.19, chúng ta được gọi là "người nhà
của Đức Chúa Trời". Chúng ta hãy đọc các câu 19-22.
“Dường
ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là
người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời. Anh
em đã được dựng nên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính
Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó,
sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa. Ấy, anh
em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa
Trời trong Thánh Linh”.
Chúa Jêsus đã đến không phải để xây cho Đức Chúa Trời một ngôi nhà bằng đá,
mà là một ngôi nhà bằng những người được chuộc, thánh khiết. Ngài vẫn còn đang
xây dựng ngôi nhà nầy! Đây là những gì Ngài muốn nói trong Mathiơ 16.18 khi
Ngài phán: "Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được
hội đó". Chúa Jêsus là “hòn đá góc” của ngôi nhà. Sự dạy của
các sứ đồ trong Tân Ước, lẽ đạo chính của chúng ta là "cái nền". Là hạng tội
nhân đã được biến đổi thành thánh đồ, họ trở thành những hòn đá mà Đức Chúa Trời
chọn lọc và "trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh".
Vì Đức Thánh Linh đang ngự bên trong chúng ta, mỗi tín đồ là một "đền thờ của
Đức Chúa Trời" (I Côrinhtô 3.16). Tuy nhiên, như Êphêsô 2
chỉ ra, hết thảy các tín đồ được kết lại với nhau thành "một đền thờ
thánh trong Chúa".
Chúng ta hãy xét qua một tiểu đoạn quan trọng rồi kế đó chúng ta sẽ đi
tiếp. Hãy mở ra I Phierơ 2. Phierơ tiếp tục lời nói ám chỉ nầy về người được
chuộc họ kết lại với nhau thành một đền thờ thuộc linh cho Chúa. Chúng ta hãy đọc
các câu 4-6.
“hãy
đến gần Ngài, là hòn đá sống [Chúa Jêsus không phải là hòn đá chết, mà là hòn đá
sống], bị người ta loại ra, song được chọn và quí trước mặt Đức Chúa Trời, và
anh em cũng như đã sống [chúng ta được làm cho sống trong Đấng Christ], được
xây nên nhà thiêng liêng [chúng ta được dựng lên thành một đền thờ thuộc linh
cho Chúa], làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa
Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời. Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, ta đặt
tại Si-ôn hòn đã góc nhà [một lần nữa, Chúa Jêsus là hòn đá góc] đã chọn lựa và
quí báu; Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ”.
Mặc dù có rất nhiều điều để nói trong tiểu đoạn quan trọng nầy, chúng ta
đừng bỏ qua mà không đọc câu 9.
“Nhưng
anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là
dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi
anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài”.
Thứ
ba, Chúa Jêsus đã đến với đất làm Con của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời
phán với David trong giao ước: "Ta sẽ làm Cha nó, và nó sẽ làm Con
ta". Trong khi sự thật Solomon là con của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus lại là Đấng
mang lấy tước hiệu nầy. Theo thuật ngữ của Kinh Thánh, là một người "con" có nghĩa là phải
trị vì trong chỗ của cha mình. Thí dụ, Ađam được gọi là "con của Đức
Chúa Trời" trong đó ông có quyền cai trị trên loài thọ tạo của
Đức Chúa Trời (Luca 3.38). Solomon sẽ là con của Đức Chúa Trời theo ý
nghĩa ông sẽ trị vì. Với ý nghĩa nầy, một người không thực sự trở thành một người
con cho tới khi nào người bắt đầu trị vì. Thi thiên 2.6-9 chỉ ra mối quan hệ của
Đức Chúa Cha với Đức Chúa Con, Ngài cũng là Con Vua David nữa.
“Dầu
vậy, ta đã lập Vua ta Trên Si-ôn là núi thánh ta. Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức
Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; Ngày nay ta đã sanh Ngươi.
Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất
làm của cải. Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ-nát
chúng nó khác nào bình gốm”.
Chúng ta thấy Chúa Jêsus đang nắm lấy vai chính là Con của Đức Chúa Trời
khi chịu phép báptêm, khi ấy Đức Giêhôva phán từ trên trời: "Nầy là
Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng" (Mathiơ 3.17;
Mác 1.11; Luca 3.22).
Hai câu trong sách Hêbơrơ đặc biệt chỉ ra sự thật Chúa Jêsus là sự ứng
nghiệm hoàn toàn giao ước của Đức Chúa Trời với David. Hêbơrơ 1.5 (cũng xem
5.5) trưng dẫn cả hai câu ở Thi thiên 2.7 và II Samuên 7.14.
“Vả,
Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ rằng: Ngươi là Con ta, Ngày nay
ta đã sanh ngươi? Lại há có khi nào phán: Ta sẽ làm Cha người, Người sẽ làm Con
ta?"
Cũng một ý nghĩa đó, Chúa Jêsus đã trở thành Con của Đức
Chúa Trời bằng cách tiếp lấy trách nhiệm cai trị Vương quốc của Đức Chúa Cha,
cho nên chúng ta cũng trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Hêbơrơ 2.10 chép: "Thật, Đấng
mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển…". Chúng ta là
con cái không những theo ý nghĩa chúng ta đã được cứu và là chi thể trong gia đình
của Đức Chúa Trời, mà còn theo ý nghĩa chúng ta sẽ trị vì với Đấng Christ nữa.
Chúng ta hãy đọc Roma 8.18-23.
“Vả,
tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu
đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta. Thật thế, muôn vật ước ao, nóng nảy
mà trông đợi con cái Đức Chúa Trời được tỏ ra. Vì muôn vật đã bị bắt phục
sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục. Muôn vật mong rằng
mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do
vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở
và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là
kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi
trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy”.
Thứ
tư, Chúa Jêsus vẫn ngồi trên ngôi của David cho đến đời đời. Chúng ta hãy lưu
ý một lý do cuối cùng cho rằng Chúa Jêsus là sự ứng nghiệm trọn vẹn Giao Ước David. Đức Giêhôva đã
phán về Con Vua David: "Ta sẽ khiến ngôi cùng nước nó bền đỗ đời đời" (II Samuên
7.13). Ngài phán: "Như vậy, nhà ngươi và
nước ngươi được bền đỗ trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến
mãi mãi" (câu 16). Solomon đã không làm phỉ lời hứa đó.
Sự trị vì của ông rất vinh hiển, nó chỉ kéo dài có bốn mươi năm (I Các Vua
11.42; II Sử ký 9.30). Vương quốc của Chúa Jêsus sẽ thực sự kéo dài cho đến
đời đời. Một lần nữa, Êsai 9.7 chép:
“Quyền
cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít
và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực
công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn
quân sẽ làm nên sự ấy!”
Khi thiên sứ Gápriên đến với Mary để công bố các tin tức kỳ diệu, thiên
sứ nói: "Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng" (Luca 1.33).
III. Lời ngợi khen của David (các câu 18-29).
Chúng ta đã để ra nhiều thì giờ nhắm vào hai tiểu đoạn đầu tiên của chương
nầy, vì vậy chúng ta hãy mau mau đi qua 12 câu cuối cùng.
Câu 17 chép: "Na-than đến thuật lại cho Đa-vít mọi lời nầy
và sự mặc thị nầy". Tôi dám chắc David với tri thức có hạn, ông sẽ
không nhìn thấy trong giao ước nầy mọi sự mà chúng ta có thể nhìn thấy hôm nay.
Tuy nhiên, tôi nghĩ ông đã hiểu rõ ý nghĩa của giao ước ấy. Ông vốn hiểu rõ đôi
điều quan trọng trong lời hứa mà Đức Chúa Trời đã lập với ông. Ông biết rõ có điều
chi đó sâu xa hơn là đứa con sẽ kế vị sau ông.
David đáp ứng như thế nào? Ông đã thờ lạy. Ông đã cao rao tình trạng ưu
việt của Đức Chúa Trời. Câu 18 chép: "Vua David bèn đi đến
hầu trước mặt Đức Giêhôva". Ông đã tìm một nơi vắng vẻ
rồi bắt đầu thốt ra lời khen ngợi của ông dành cho Đức Chúa Trời. Khi chúng ta
xem xét ngắn gọn lời cầu nguyện của David, chúng ta hãy chia lời cầu nguyện đó
ra làm hai phần. David tự hạ mình xuống và David đã ca tụng Đức Chúa Trời.
A.
David tự hạ mình xuống (các câu 18-21).
Hãy lắng nghe những điều David đã cầu nguyện
“Vua
Đa-vít bèn đi đến hầu trước mặt Đức Giê-hô-va, mà nói rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va,
tôi là ai, họ hàng tôi là gì, mà Chúa đã đem tôi đến nơi nầy? Lạy Chúa
Giê-hô-va, điều đó Chúa há còn cho là nhỏ mọn sao, nên Chúa lại nói về nhà của
tôi tớ Chúa trong buổi lâu về sau? Lạy Chúa Giê-hô-va, điều nầy há theo cách thường
của loài người sao? Đa-vít còn nói thêm được lời chi nữa? Ôi Chúa Giê-hô-va!
Chúa biết kẻ tôi tớ Chúa. Ấy vì lời Chúa và tùy theo lòng Ngài mà Chúa đã làm
những việc lớn nầy, và tỏ cho kẻ tôi tớ Chúa biết”.
Sự thờ phượng chân chính luôn luôn bắt đầu với "Lạy Chúa
Giê-hô-va, tôi là ai?" David đã công nhận ông chẳng là gì hết. Ông
chỉ là một gã chăn chiên, nhưng Đức Chúa Trời đã lập ông làm Vua. Ông chẳng ra
chi hết, nhưng Đức Chúa Trời hứa dựng nước của ông cho đến đời đời.
Nan đề của chúng ta, ấy là thường tôn cao chính bản thân mình. Sự thờ phượng
đến khi chúng ta nhìn biết rằng chúng ta chẳng xứng đáng chi hết. Chúng ta dâng
lên lời ngợi khen khi chúng ta thấy bản thân mình cách thực sự như chúng vốn có
vậy. Sự thờ phượng kết quả từ chỗ công nhận ân điển của Đức Chúa Trời trong
chính đời sống của chúng ta.
B.
David ca tụng Đức Giêhôva (các câu 22-29).
John Piper mô tả thờ phượng là "cao rao tính ưu việt
của Đức Chúa Trời qua những lời ngợi khen của dân sự Ngài". Đấy là những
gì David đã làm trong sự đáp ứng với giao ước của Đức Chúa Trời. Trong câu 22
ông nói: "Vì vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ôi! Ngài là rất
lớn, chẳng có ai giống như Ngài, và chẳng có Đức Chúa Trời nào khác hơn Ngài,
như lỗ tai chúng tôi đã nghe".
Trong các câu 23-24, David nhắc lại sự cả thể của Đức Chúa Trời có thể
nhìn thấy được qua tuyển dân của Ngài. Trong các câu 25-29, David cầu nguyện
xin Đức Chúa Trời làm theo ý muốn Ngài và danh Ngài sẽ được “tôn cao” trong đó.
Còn gì nữa không? Hết thảy mọi điều nầy có ý nghĩa như thế nào đối với
chúng ta? Cho phép tôi kết luận với một vài ứng dụng từ phân đoạn đầy quyền lực
nầy:
1.
Khi Đức Chúa Trời phán "không" đối với
các giấc chiêm bao của chúng ta, Ngài có một chương trình tốt hơn.
2.
Đức Chúa Trời không chú tâm nhiều đến loại đền thờ
thuộc thể cho bằng Ngài chú trọng vào đền thờ thuộc linh.
3.
Chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời sẽ hạ
chúng ta xuống rồi đưa chúng ta đến với sự thờ phượng chân chính.
4.
Hết thảy chúng ta đều cần Con Vua David ngự trên
ngôi của đời sống chúng ta.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét