Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 14: I Samuên 28:3-25: "Cái Giá Của Sự Loạn Nghịch"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID

Cái giá của sự loạn nghịch

I Samuên 28.3 - 25
Harry Houdini đã làm cho thế giới phải kinh ngạc trong thế kỷ thứ 20 với các khả năng thần bí của ông ta trong vai trò một nghệ sĩ trốn thoát. Ông ta có thể thoát ra khỏi xiềng xích nơi tay, cùm ở chân, cũng như thoát ra khỏi xà lim hay ngục tù. Ông ta cũng có thể tự mình thoát ra khỏi cái túi đựng thư, thùng đóng kín, một cái nồi sắt, thùng sửa,  quan tài, và xà lim Water Torture nổi tiếng. Trong hầu hết những lần thoát thân nầy, theo tra xét sau đó, không hề có một dấu hiệu nào cho thấy cách thức Houdini hoàn tất cuộc thoát khỏi như thế. Một số lần thoát thân của Houdini, tỉ như ở Straight Jacket bị cột bằng cả trăm mét dây, Houdini đã thoát ra trước sự quan sát của khán thính giả. Để giúp lôi cuốn nhiều người và bán thật nhiều vé, Houdini sẽ thoát thân với nhiều cuộc thách thức, thường ở các đồn cảnh sát với nhiều phóng viên báo chí hiện diện, bảo đảm cho một câu chuyện làm đề tựa thật kêu trên báo chí. Ông ta đã tạo ra một ấn tượng cả trong nước Mỹ lẫn Âu châu.
Houdini không những được nhớ tới như một nghệ sĩ chuyên thoát thân, mà ông cũng còn là một kẻ chuyên lật tẩy đồng cốt, ma thuật và cầu hồn nữa. Chào đời ở Ehrich Weiss tại Budapest, Hungary vào năm 1874, Houdini định cư với bố mẹ vào nước Mỹ lúc 4 tuổi. Bố của ông là một rabi người Đức gốc Do thái. Mặc dù bố ông đã qua đời khi ông ở tuổi còn thơ ấu, Harry đã sống với mẹ của mình. Cái chết của bà là một cú sốc rất đau đối với ông. Đồng cốt và ma thuật rất thịnh hành trong kỷ nguyên nầy và ông đã sử dụng chúng để tiếp xúc với người mẹ quá cố của mình. Houdini nhận biết rằng chúng chỉ là bịa đặt, lang băm, ông đã sử dụng sự giàu có kếch xù và lý trí thuật sĩ của mình để bày tỏ ra chúng cách công khai giống như những sự lừa gạt vậy.
Harry Houdini đã mê hoặc tôi khi tôi còn là một thiếu niên. Tôi đã đọc bất kỳ một quyển sách hay ký thuật nào nói về đời sống của ông mà tôi có thể có trên tay. Hôm nay, tôi không thể đọc chương 28 của I Samuên mà không nghĩ tới Houdini. Thậm chí khi chúng ta nghiên cứu đời sống và thời thế của Vua David, chương 28 là một tiểu đoạn nằm trong dấu ngoặc đơn xử lý đặc biệt với Vua Saulơ. Chúng ta đã học trước đây về Saulơ, ông ta cứ liên tục chống lại Đức Giêhôva. Ở đây, sự loạn nghịch của Saulơ đã lên tới điểm thấp kém nhất. Ông ta ngang bướng chống nghịch Đức Chúa Trời đến nỗi ông ta đi cầu vấn một đồng cốt thay vì ăn năn và trở lại với Đức Giêhôva.
Bốn mươi năm trước, Saulơ đã bắt đầu sự trị vì của mình như một vì vua đầy hứa hẹn và một con người mẫu mực khó quên. Kinh Thánh chép về ông ta: "có một con trai, tên là Sau-lơ, còn trẻ và lịch sự. Trong dân Y-sơ-ra-ên chẳng ai lịch sự bằng người; người cao hơn cả dân sự từ vai trở lên" (9.2). Thưa quí bà, ông ta là một thanh niên "cừ khôi nhất" trong cả  Israel. Nữ giới ngây ngất ở trước mặt ông ta. Không những thế, ông ta còn là một lãnh tụ quân sự tài ba nữa. Chương 11 mô tả chiến thắng to lớn của ông ta trong việc giải cứu Giabe-Galaát khỏi tay quân Ammôn khát máu. Đức Chúa Trời đã chọn  Saulơ làm vua. Saulơ bắt đầu sự trị vì của mình với lòng nương cậy nơi Chúa. Sau khi đánh bại quân Ammôn, ông tuyên bố: "Vì ngày nay Đức Giêhôva đã làm sự giải cứu trong Israel". Tuy nhiên, câu nói ấy không tồn tại lâu dài, vì Saulơ loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời.
Thứ nhứt, Saulơ vốn biết rằng trước khi ra chiến trận, phải có dâng một của lễ, một buổi thờ phượng tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời. Trong chương 13, ông mất kiên nhẫn khi chờ đợi Samuên, vị tiên tri phải đến để điều khiển buổi thờ phượng nầy. Sau cùng, Saulơ đã quyết định, chính ông ta sẽ dâng của lễ. Ông ta vốn biết rõ đây không phải là chỗ của ông ta. Ông ta vốn biết rõ những gì ông ta đang thực thi đều là sai cả. Thế nhưng ông ta cứ cố quyết làm công việc ấy theo ý của mình. Khi Samuên đến, ông đã nổi giận dữ lên. Cụ tiên tri đã loan báo sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với sự loạn nghịch của Saulơ:
"Sa-mu-ên nói cùng Sau-lơ rằng: Ngươi thật có làm ngu dại, không vâng theo mạng lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã truyền cho. Ví bằng có vâng theo, thì Đức Giê-hô-va ắt đã lập nước ngươi vững đời đời nơi Y-sơ-ra-ên; nhưng bây giờ, nước ngươi sẽ không bền lâu. Đức Giê-hô-va đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài, đặt người ấy làm trưởng của dân sự Ngài, bởi vì ngươi không giữ theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va" (I Samuên 13.13-14).
Thứ hai, một thời gian ngắn sau đó, Đức Chúa Trời đã ban cho Saulơ các huấn thị đặc biệt qua Samuên về những gì cần phải làm đối với cừu thù của họ là dân Amaléc. Trong chương 15 chúng ta đọc thấy thể nào Samuên rõ ràng bảo Saulơ phải tiêu diệt những kẻ cừu thù vì cách họ đã ngược đãi dân Israel trong lúc ra khỏi Ai cập. Quân đội của Saulơ phải "hoàn toàn tiêu diệt" hết thảy chúng và mọi sự chúng có. Từng người Amaléc phải ngã chết. Bầy gia súc cũng phải bị giết sạch. Không một thứ gì được buông tha.
Một lần nữa, Saulơ đã loạn nghịch với mạng lịnh trực tiếp của Đức Chúa Trời. Ông ta đã giữ lại con tốt nhứt trong bầy và tha mạng cho Aga vua dân Amaléc. Khi Samuên đến thấy kết quả của trận đánh, ông đối diện với Saulơ rồi hỏi: "Vậy thì tiếng chiên kêu vang đến tai ta, cùng tiếng bò rống ta nghe kia, là làm sao?" (15.14). Saulơ bắt đầu đưa ra những lời cáo lỗi cho sự loạn nghịch của mình, nhưng Samuên đã ngăn ông ta lại và lần thứ hai đưa ra sự phán xét:
"Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua" (I Samuên 15.22-23).
Khi Samuên quay đi rồi, Saulơ túm lấy viền áo của Samuên rồi cắt đứt một mãnh. Samuên nói: "Ấy ngày nay Đức Giê-hô-va xé nước Y-sơ-ra-ên khỏi ngươi là như vậy, đặng ban cho kẻ lân cận ngươi, xứng đáng hơn ngươi" (câu 28). Samuên khi ấy cho đòi đem vua Amaléc đến, Aga bị đưa đến trước mặt ông. Aga tưởng nguy hiểm đã qua rồi, nhưng ông ta đã lầm. Cụ truyền đạo tuốt gươm ra rồi nói: "Hễ gươm ngươi đã làm người đàn bà không có con thế nào, thì mẹ ngươi cũng sẽ không có con thể ấy". Kinh Thánh chép rằng Samuên "bèn giết A-ga trước mặt Đức Giê-hô-va tại Ghinh-ganh" (câu 33).
Saulơ là nguyên mẫu của một tín đồ loạn nghịch. Tôi tin Saulơ đã được cứu. Tôi tin Saulơ đã nhìn biết Chúa. Tuy nhiên, thay vì kính sợ Đức Chúa Trời và vâng phục hầu việc Ngài, Saulơ đã ngoan cố loạn nghịch và đã làm bất kỳ điều chi ông ta muốn làm. 1 Giăng 5.16 chép: "Cũng có tội đến nỗi chết". Có thể một trong những con cái của Đức Chúa Trời đã sống loạn nghịch ở trên đất đến nỗi Đức Chúa Trời phải cất người khỏi đất. Kinh Thánh chép rằng: "Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ" trong thế gian nầy (II Côrinhtô 5.20). Một khâm sai tiêu biểu cho một quyền bính khác. Sẽ ra sao nếu một vị đại sứ không chịu làm theo các mạng lịnh của chính phủ mình? Ông ta sẽ bị triệu về quê nhà ngay tức khắc. Đấy mới đúng chính xác mọi điều Đức Chúa Trời đang làm với hạng tín đồ loạn nghịch. Nếu chúng ta không chịu vâng theo và chúng ta càng chai lì trong sự loạn nghịch của mình, Đức Chúa Trời sẽ cất lấy chúng ta về quê hương.
Vô luận có bao nhiêu cơ hội Đức Chúa Trời ban cho Saulơ để ăn năn, ông ta cứ tiếp tục bướng bỉnh trong sự loạn nghịch của mình. Khi chúng ta xem xét buổi tối u ám nầy trong cuộc đời của Saulơ, chúng ta sẽ kiếm được bốn bài học rất có giá trị về cái giá của sự loạn nghịch.

I. Sự loạn nghịch đóng cửa thiên đàng đối với chúng ta (các câu 3-6).

Chúng ta đã xét qua hai câu đầu tiên trong chương nầy tuần qua. Chúng ta đã học biết thể nào David đã phiêu bạt xa cách Chúa và đang sống trong xứ Philitin tránh xa tầm với của Saulơ, David đang phục sự Akích vua Philitin. David đã tấn kích các kẻ thù của Israel song lại khiến Akích tưởng chàng đang tấn công quân Israel. Chương 28 mở ra với tin tức nói rằng "dân Phi-li-tin hiệp với các cơ binh làm một đạo đặng giao chiến cùng Israel". Đây không phải là một cuộc tấn công nho nhỏ, mà là một cuộc tấn công toàn diện vào Israel. Trong lý trí của họ, đây là "một cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến". Akích bảo David rằng chàng phải đi đánh quân Israel. Người vừa lòng Đức Chúa Trời đang ở giữa một vị thế chẳng đặng đừng. Bấy giờ, bối cảnh nổi bật lên từ David đến Saulơ.
Chương 25 mở ra với các tin tức nói tới sự chết của Samuên. Samuên tất nhiên là một người cao trọng của Đức Chúa Trời, là tiên tri và quan xét, ông đã cai trị xứ trước khi Saulơ đăng quang làm vua. Câu 3 của chương 28 là một tái bản của thông tin đó. Câu nầy chép: "Vả, Sa-mu-ên đã qua đời; cả Y-sơ-ra-ên để tang cho người, và người ta chôn người tại Ra-ma, thành của người". Samuên luôn luôn bảo Vua Saulơ phải tương giao với Đức Chúa Trời. Samuên nói cho Saulơ biết ý chỉ của Đức Chúa Trời. Samuên nói cho Saulơ biết sự phán xét của Đức Chúa Trời. Thay vì thực thi mối tương giao với Chúa, Saulơ đã nương vào Samuên. Giờ đây Samuên đã qua đời, Saulơ không biết cách thức để quyết định theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Phần b của câu 3 chép: "Sau-lơ đã trừ khỏi xứ những đồng cốt và những thầy tà thuật". Trong luật pháp Môise có vài điều cấm kỵ nghịch lại "đồng cốt và tà thuật", là những kẻ chuyên giao tiếp với người chết. Lêvi ký 19.31 chép: "Các ngươi chớ cầu đồng cốt hay là thầy bói; chớ hỏi chúng nó, e vì chúng nó mà các ngươi phải bị ô uế: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi". 20.6 chép: "Nếu ai xây về đồng cốt và thầy bói mà thông dâm cùng chúng nó, thì ta sẽ nổi giận cùng người đó, truất nó ra khỏi dân sự mình". 20.27 chép: "Khi nào một người nam hay nữ làm đồng cốt, hay là bói khoa, thì hẳn sẽ bị xử tử; người ta sẽ ném đá chúng nó: huyết chúng nó sẽ đổ lại trên mình chúng nó". Hãy lắng nghe câu nói dứt khoát của Phục truyền luật lệ ký 18.10-14:
“Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy, và vì các sự gớm ghiếc ấy, nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đuổi các dân tộc đó khỏi trước mặt ngươi. Ngươi phải ở trọn vẹn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Vì những dân tộc mà ngươi sẽ đuổi đi, nghe theo tà thuật và bói khoa; song về phần ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi không cho phép ngươi làm như vậy”.
"Đồng cốt và tà thuật", những kẻ thể ấy sẽ bị giết hoặc bị ném đá chết. Saulơ không giết họ, ông ta đã “trừ [trục xuất] khỏi xứ” bọn ấy. Đây là sự vâng phục phần nào nơi phần của ông. Đây sẽ là phần thông tin rất quan trọng khi chúng ta bước qua phân đoạn kế tiếp.
Trong câu 4, chúng ta học biết rằng Saulơ đã gặp phải rắc rối lớn. Chiến dịch quân Philitin chống lại người Israel đã ở trong động thái đầy đủ rồi. Đoàn quân đông đảo của họ đã lên đường và đến "đóng trại nơi Sunem". Đồng thời, Saulơ "cũng hiệp hết thảy Israel", điều nầy có nghĩa là ông đã cho tập trung tất cả các chiến binh rồi đến "đóng trại tại Ghinhbôa" ngang qua đồng trũng đối mặt với quân Philitin.
Chúng ta sẽ học biết từ chương 29 rằng các lực lượng quân Philitin, có David và người của chàng đi kèm đến tại một địa điểm được gọi là "Aphéc" dọc theo mé biển. Có người cho rằng họ đã sử dụng con đường dưới thấp nầy để mở đường cho nhiều xe ngựa của họ. Từ đó, đoàn quân đông đảo nầy di chuyển vào sâu trong đất "Sunem". Kế hoạch của họ dường như là "chia cắt và chế ngự". Họ đã cắt ngang Israel ngay chính giữa và có lẽ dự định làm cho lực lượng chính của Saulơ bị suy giảm trên vùng cao Ghinhbôa. Khi ấy họ chia các lực lượng của họ rồi cùng lúc chuyển cả hai hướng nam bắc để tiêu diệt phần còn lại của xứ sở không có binh bảo hộ.
Saulơ "thấy trại quân Philitin" và thấy rõ ràng mọi điều họ dự tính làm. Ông ta nhận biết rằng họ đã có số lượng đông đảo và các thứ vũ khí siêu đẳng. Saulơ có hai sự lựa chọn. Ông ta có thể giao chiến hoặc đầu hàng. Ông ta vốn biết người Philitin sẽ tàn sát quân đội của mình tại chiến trường. Ông ta vốn biết mình không thể đem xứ sở mình đầu hàng những kẻ tà đạo nầy. Ông ta đã rơi vào thế chẳng đặng đừng rồi. Câu 5 chép: "Nhưng khi Sau-lơ thấy trại quân Phi-li-tin, thì sợ và lòng rung động lắm". Nếu chúng ta đi theo nghĩa đen của câu nầy, tôi giải thích câu nầy có ý nói rằng sự sợ hãi của Saulơ rất lớn và cấp độ căng thẳng của ông đang dâng cao đến nỗi lồng ngực ông ta đau đớn lắm. Ông ta sắp sửa bị một cơn đột biến tim.
Saulơ vẫn phải lắng nghe từ Đức Giêhôva. Ông ta cần phải nhìn biết ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ông ta cần phải biết rõ những điều phải làm. Người của Đức Chúa Trời, Samuên đã chết. Saulơ không còn có ai trung tín để cầu hỏi Đức Giêhôva cho ông ta nữa. Vì vậy ông ta đã tìm cách khác. Hãy chú ý câu 6: "Người cầu vấn Đức Giê-hô-va; song Đức Giê-hô-va không đáp lời, hoặc bằng chiêm bao, hoặc bằng u-rim, hay là bởi các đấng tiên tri". Saulơ đã cầu nguyện và xin Đức Chúa Trời ban cho ông ta những giấc "chiêm bao" hay sự hiện thấy song chẳng có một giấc chiêm bao hay sự hiện thấy nào xảy đến cả. Ông ta đòi đem "Urim" đến, là thứ mà chúng ta đã bàn qua ở phần đầu bài nghiên cứu nầy. Các thầy tế lễ đã sử dụng nó để quyết định "được" hay "không được" đến từ Đức Chúa Trời. Nhưng Urim cũng chẳng tỏ ra điều gì. Ông ta  cho đòi "các vị tiên tri" có lẽ từ trường Nagiốt, nhưng họ chẳng giúp chi cho ông ta được. Dường như thiên đàng đã im lặng đối với Saulơ. Vô luận ông ta đã thử cách chi, Đức Chúa Trời từ chối không tỏ ra một điều gì cho ông ta cả.
Trong kỷ nguyên truyền thông hiện đại của chúng ta, không liên lạc được với ai ngay tức thì, thật là dễ bực bội. Không những chúng ta có điện thoại trong nhà, tại sở làm, nhưng phần nhiều người trong chúng ta lại chưa có một điện thoại di động hay máy nhắn tin. Chúng ta có loại máy trả lời và máy gọi ID. Chúng ta chờ đợi cú gọi trong trường hợp có người gọi tới trong khi chúng ta bận đường dây. Tôi thường sử dụng các tiện nghi nầy đến nỗi bực dọc một khi tôi nhìn thấy dấu hiệu kẹt đường dây. Thực ra, một trong những vấn đề bực bội nhất đối với tôi ấy là máy chủ Internet xuống cấp và tôi bị kẹt đường dây và không thể nhận được e-mail của mình. Tôi cảm thấy bất lực. Tôi cảm thấy bị dứt bỏ ra ngoài. Tôi cảm thấy mình bị cản trở.
Còn tệ hại biết bao một khi bị dứt bỏ khỏi Đức Chúa Trời! Quả là kinh khủng khi thiên đàng im lặng vô tuyến với quí vị! Thật kinh khủng dường bao khi đang cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời thì bị dứt bỏ ra khỏi Ngài. Đấy là điều đã xảy ra cho Saulơ và đấy là điều có thể xảy ra cho chúng ta. Hãy lắng nghe Êsai 59.1-3:
“Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa. Vì tay các ngươi đã ô uế bởi máu, ngón tay các ngươi đã ô uế bởi tội ác; môi các ngươi nói dối, lưỡi các ngươi lằm bằm sự xấu xa”.
Êsai không nói "Đức Chúa Trời không thể nghe" mà ông nói "Ngài không nghe". Ấy không phải Đức Chúa Trời không thể hoặc không giải cứu Saulơ. Vấn đề, ấy là Saulơ thực sự không muốn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ông ta chỉ muốn Đức Chúa Trời đưa ông ta ra khỏi rắc rối một lần nữa mà thôi. Khi chúng ta sống trong sự loạn nghịch, chúng ta phải ăn năn trước khi chúng ta có thể có lại mối tương giao với Đức Chúa Trời. Beth Moore đã nói đúng: "Lời cầu xin sự giải cứu ra khỏi tội lỗi phải đi trước lời cầu xin được giải cứu ra khỏi mọi kẻ thù của chúng ta".
Tôi đã có nhiều lúc như thế trong đời sống của mình. Dường như tôi đã cầu nguyện bao nhiêu thì không phải là vấn đề, Đức Chúa Trời không lắng nghe, những lời cầu nguyện của tôi chẳng lên cao được quá khỏi cái trần nhà. Tuy nhiên, khi tôi cầu nguyện, sâu lắng trong tôi, tôi nhận biết điều chi đó đã sai lầm. Đã có tội lỗi ở trong lòng của tôi. Đức Thánh Linh đang thuyết phục tôi về một việc và tôi cứ bận bịu với việc ấy. Tôi đã ở trong sự loạn nghịch trong khu vực đó của đời sống tôi. Giống như Đức Chúa Trời đang phán với tôi: "Ta sẽ không để cho ngươi đi đâu xa quá mối quan hệ của chúng ta cho tới chừng ngươi ăn năn về tình trạng loạn nghịch nầy rồi xử lý với tội lỗi nầy trong đời sống ngươi". Biết điều chi nào? Luôn luôn có một nhận thức rất lớn về sự khuây khoả và sự tự do khi lúc sau cùng tôi đã xưng tội, ăn năn và quay trở lại với Chúa.

II. Sự loạn nghịch đang hợp lý hoá tội lỗi của chúng ta  (các câu 7-14).

Sự thất vọng của Saulơ chuyển thành sự loạn nghịch thậm tệ hơn. Có nhớ lời quở trách của Samuên: "sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật" (I Samuên 15.23) không? Tà thuật, phép phù thủy, cầu hồn, hoàn toàn ở trong sự loạn nghịch với Đức Chúa Trời. Saulơ nói trong câu 7: "Hãy kiếm cho ta một người đàn bà biết cầu vong; ta sẽ đi đến người mà cầu vấn". Thay vì ăn năn để cho Đức Chúa Trời đáp lời, Saulơ lại chuyển sang một kẻ môi giới của Satan. Thay vì đổ nước mắt than khóc buồn rầu rồi ném mình vào ơn thương xót của Đức Chúa Trời, Saulơ đã xây sang Satan xin giúp đỡ.
Hãy nhớ, Saulơ đã trừ khỏi xứ "đồng cốt và tà thuật". Tuy nhiên, các tôi tớ của ông ta đã tìm gặp một người còn sống ẩn dật trong xứ Israel. Họ nói: "Tại Ên-đô-rơ có một người đàn bà cầu vong" (câu 7b). "Ên Đôrơ" cách trại quân của Saulơ chừng 8 dặm về phía Bắc. Muốn tới đó ông ta phải men theo vòng ngoài của trại quân Philitin. Ông ta phải tự đặt mình vào cảnh nguy hiểm để thực thi chương trình của mình. Tội lỗi luôn luôn rất là nguy hiểm!
Trong lý trí của ông ta, Saulơ đã hợp lý hoá những điều ông sắp làm. Ông ta tự thuyết phục mình đi gặp một mụ biết cầu vong là đúng vì Đức Chúa Trời không chịu trả lời cho ông ta. Thật là dễ dàng cho chúng ta khi làm theo y như thế. Tội lỗi của chúng ta dường như được hợp lý hoá thật trọn vẹn cho chúng ta. Dường như đây là việc rất hợp lý cần phải làm. Thí dụ, thường thì có từng cặp đến gặp tôi ngõ ý muốn lấy nhau. Nhiều lần trong thời buổi nầy họ đã sống chung với nhau rồi, họ đã có mối quan hệ về tình dục mà Đức Chúa Trời đặt để cho người chồng và người vợ. Họ hợp lý hoá rằng họ sẽ cưới nhau sớm nếu việc ấy xong. Họ nói rằng rốt lại giấy hôn thú chỉ là một tờ giấy và tình yêu của họ mới là chơn thật. Họ đang tiết kiệm tiền bạc để thuê nhà. Thật rất nhiều lần họ cứ tiếp tục bước đi với nhiều lời cáo lỗi vì cớ tội lỗi của họ. Thế rồi tôi hỏi họ: "Quí vị mong Đức Chúa Trời chúc phước cho mối quan hệ của quí vị như thế nào SAU KHI quí vị đã lấy nhau, một khi quí vị không tuân theo những gì Ngài đã tỏ ra rõ ràng TRƯỚC KHI quí vị lấy nhau?"
Trong câu 8, chúng ta thấy Saulơ "giả dạng mặc những áo khác". Ông ta đã đem theo một hai người cùng đi với mình rồi đến nhà người đờn bà nầy "lúc ban đêm". Khi chúng ta hợp lý hoá tội lỗi của mình, chúng ta thường tìm cách che giấu chúng. Chúng ta nói với lòng mình rằng những gì chúng ta làm là đúng đắn, nhưng rồi chúng ta không muốn ai biết chuyện ấy. Chúng ta giả dạng hay ăn mặc khác đi hoặc thực thi công việc ấy dưới sự che phủ của bóng tối tăm. Có thể chẳng có ai biết Saulơ là ai hay ông ta sẽ đi đâu, nhưng Đức Chúa Trời biết. Đức Chúa Trời cũng biết rõ mọi việc chúng ta đang làm nữa. Châm ngôn 15.3 chép: "Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, xem xét kẻ gian ác và người lương thiện". David đã nói trong Thi thiên 139.11-12: "Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi, ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối, thì chính sự tối tăm không thể giấu chi khỏi Chúa, ban đêm soi sáng như ban ngày, và sự tối tăm cũng như ánh sáng cho Chúa". Che giấu hành động tội lỗi của chúng ta không cho người khác thấy thật dễ, song hãy nhớ, chúng ta không giấu chi khỏi Đức Chúa Trời được.
Saulơ đội lốt đến tại nhà của kẻ cầu vong rồi nói: "Xin ngươi hãy cầu vong mà bói cho ta, và hãy vời lên kẻ ta sẽ chỉ cho ngươi". “Cầu vong” tất nhiên là một nổ lực giao tiếp với người đã khuất. Houdini đã nhìn thấy sự đồi bại của cách thực hành nầy khi nổ lực giao tiếp với mẹ của mình.
Người đờn bà rất là lanh lợi. Bà ta vốn không biết Saulơ là ai. Bà ta e rằng đây là một cái bẫy để bắt lọn thói quen làm ăn không minh bạch của bà ta. Bà ta nói: "Ông biết rõ điều Sau-lơ đã làm, thể nào người trừ khỏi xứ những đồng-cốt và thầy tà thuật. Vậy, cớ sao ông lại gài bẫy đặng giết tôi?"
Saulơ đoan chắc với bà ta khi đưa ra câu "Đức Giêhôva hằng sống" thề rằng ông ta không phải là thám tử và sẽ không trừng phạt bà ta vì đã cầu vong, dù việc làm nầy đã bị ngăn cấm. Kẻ cầu vong kia tin theo ông ta rồi hỏi: "Tôi phải cầu ai trước mặt ông?" Saulơ nói cho bà ta biết ông ta muốn trao đổi với Samuên.
Hãy hiểu rằng hầu hết những kẻ dấn thân vào việc cầu vong, tà thuật, bói bài, đồng cốt và các khoa giống như thế chẳng có gì khác hơn là lừa lọc để lấy tiền bạc từ hạng người chịu tin theo, khi họ đang sống trong cảnh tuyệt vọng. Đâu đó trong những xóm nghèo bẩn thỉu của thị trấn hoặc sau khi quí vị xem chương trình "Madame Zelda" trên vô tuyến truyền hình, và cứ gọi theo số điện thoại họ cho, đa số đều là những kẻ lừa bịp, họ chỉ nhìn thấy tiền bạc ở trong túi của quí vị đấy thôi. Tuy nhiên, đã có một số người, họ có quyền lực mà chúng ta chỉ có thể giải thích là do hoạt động của ma quỉ hay thậm chí bị quỉ ám mà thôi.
Hãy chú ý câu 12. Khi người đờn bà bước vào tình trạng hôn mê rồi, "bà ta bèn la lớn tiếng". Bà ta vừa là kẻ bịp, chỉ nhìn thấy một việc gì đó và nó làm cho bà ta sợ phát chết được hoặc bà ta là một kẻ thuộc quyền Satan và ma quỉ bên trong bà ta đã tỏ ra lai lịch của Saulơ. Bà ta nói: "Cớ sao ông gạt tôi? Ông là Saulơ" (câu 12).
Saulơ đã lún quá sâu rồi không thể rút ra được nữa lúc bấy giờ. Ông ta nói: "Chớ sợ, nhưng ngươi thấy chi?" (câu 13). Ông ta đang ngồi bên mép ghế của mình. Tôi không biết là bà ta có trái cầu bằng pha lê hay không, nhưng bà ta nói: "Tôi thấy một vị thần ở dưới đất lên". "Thần" ở đây ra từ chữ elohim, một từ Hêbơrơ nói tới "thần linh". Bà ta vốn biết rõ đây không phải là khoa cầu vong của bà ta. Có điều chi đó rất đặc biệt đã xảy ra.
Bà ta nói tiếp: "y là một ông già ở dưới lên, mặc một cái áo tơi". “Áo tơi” của vị tiên tri là minh chứng tích cực cho Saulơ biết rằng đây là Samuên. Ông ta có thể đã hỏi phải chăng cái áo tơi đó đã bị rách một góc!?! Câu 14 chép: "Saulơ bèn cúi đầu, sấp mình xuống đất và lạy". Saulơ đã cúi lạy trước linh hồn của Samuên, thế mà ông ta không chịu cúi lạy trước mặt Đức Giêhôva. Ông ta đang sống đời sống thuộc linh của mình nương nhờ vào người khác. Samuên là đầu mối tiếp xúc của ông ta với Đức Chúa Trời. Đừng nương nhờ vào người bạn đời hay bố mẹ hoặc vị Mục sư Chủ toạ của mình làm mắc xích nối quí vị với thiên đàng! Khi làm như thế là chối bỏ sự tiếp cận đầy đủ với Đức Chúa Trời; Chúa Giêxu đã chịu chết để cung ứng cho quí vị! Sự chết ấy không thể cung ứng sự tôn kính cho nhân vật khác, là điều xứng đáng chỉ duy cho Chúa mà thôi!
Saulơ trước đây đã quyết định trục xuất những kẻ "đồng cốt và tà thuật" ra khỏi Israel. Giờ đây ông ta lại ngồi với sự chú ý tỉ mỉ lắm trước mặt một kẻ chuyên cầu vong. Sự loạn nghịch của ông ta đã đẩy ông ta đến chỗ hợp lý hoá một tội lỗi rất ư là kinh khủng. Biết bao lần chúng ta đã trục xuất một số tội lỗi ra khỏi đời sống chúng ta và rồi trong sự loạn nghịch đã trở lại với chúng? Biết bao lần quí vị quyết định chẳng uống một chút gì, nhưng rồi lại thấy một lon bia đang ở trong tay của quí vị? Biết bao lần quí vị từ chối thuốc lá hay cờ bạc hoặc mua vé số hay xem loại phim bẩn thỉu hoặc xem ảnh khiêu dâm hay bất cứ cái gì … quí vị cứ điền thêm vào tội lỗi của chính mình? Thế rồi quí vị bắt đầu phiêu bạt xa cách Chúa trong sự loạn nghịch và ở đó quí vị một lần nữa, đang hợp thức hoá, đang đưa ra những lời cáo lỗi tại sao lại phải ngồi với cái thứ mà quí vị đã tống khứ ra khỏi đời sống của mình.

III. Sự loạn nghịch từ chối ơn thương xót của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta (các câu 15-20).

Nếu Samuên bị Saulơ kích động khi còn sống, ông sẽ nổi cáu chắc chắn khi đã chết. Ông nói: "Nhân sao ngươi quấy sự yên tịnh ta mà gọi ta lên?" Saulơ thổ lộ ngay: "Tôi bị hoạn nạn lớn; vì dân Phi-li-tin tranh chiến với tôi, và Đức Chúa Trời đã lìa khỏi tôi. Ngài không trả lời cho tôi, hoặc bởi các đấng tiên tri, hoặc bởi chiêm bao. Vậy, tôi đã vời ông lên, để ông bảo cho tôi biết điều tôi phải làm" (câu 15).
Khi ấy Samuên, dù đã chết, đã tỏ ra Lời của Đức Giêhôva cho Saulơ lần cuối cùng. Saulơ đã không thay đổi, vì vậy Lời của Đức Chúa Trời dành cho ông ta cũng không thay đổi. Samuên hỏi: "Nhân sao ngươi cầu vấn ta, bởi vì Đức Giê-hô-va đã lìa khỏi ngươi và trở nên thù nghịch ngươi?" Saulơ đã đạt tới một tình trạng loạn nghịch hoàn toàn chống lại Đức Chúa Trời. Ông ta đã trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là “kẻ thù” của ông ta. Đức Chúa Trời không chủ định trở thành kẻ thù của Saulơ, mà đúng hơn sự loạn nghịch của Saulơ đã khiến cho Đức Chúa Trời trở thành kẻ thù của ông ta.
“Đức Giê-hô-va làm y như Ngài đã phán bởi miệng ta. Đức Giê-hô-va đoạt lấy nước khỏi tay ngươi mà ban cho kẻ lân cận ngươi là Đa-vít. Ngươi không vâng theo lời phán của Đức Giê-hô-va và không làm cho A-ma-léc cảm biết cơn giận phừng của Ngài; vì cớ đó nên ngày nay Đức Giê-hô-va đãi ngươi cách nầy. Vả lại, Đức Giê-hô-va sẽ phó Y-sơ-ra-ên và ngươi vào tay dân Phi-li-tin. Ngày mai ngươi và các con trai ngươi sẽ ở một nơi với ta. Đức Giê-hô-va cũng sẽ phó đạo binh Y-sơ-ra-ên vào tay dân Phi-li-tin” (các câu 17-19).
Trong sự thương xót, Đức Chúa Trời đã phán với Saulơ qua Samuên rằng ông ta sắp sửa chết mất. Ông ta sẽ ở nơi Samuên đã ở trong vòng 24 giờ đồng hồ nữa. Ông ta là một khâm sai bất tuân của Đức Chúa Trời, là người sắp sửa bị đưa về quê hương. Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót đã ban cho ông ta thời giờ để đưa ra những sự cải thiện. Ông ta có thì giờ để ăn năn. Ông ta đã có thời gian để quì gối xuống và đoạn tuyệt với sự bướng bỉnh kiêu căng của mình. Thế nhưng ông ta đã không làm theo như vậy. Câu 20 chép ông ta "té nằm dài xuống đất, vì các lời của Sa-mu-ên khiến người sợ hoảng". Ông ta đã từ chối ơn thương xót của Đức Chúa Trời.
Đối với người biết đồng đi với Đức Chúa Trời, cái chết là sự giải thoát thật ngọt ngào. Sứ đồ Phaolô nói: "Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy" (Philíp 1.21). Ông nói ông "đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn" (II Côrinhtô 5.8).
Đối với người không đồng đi với Đức Chúa Trời, cái chết là một điều đáng phải kinh sợ. Tôi tin Đức Chúa Trời đôi khi ngăn trở sự chết để người ta có thì giờ để ăn năn. Đức Chúa Trời đã cho phép Nabanh 10 ngày trước khi Ngài cất ông ta đi (25.38). Kinh Thánh chép Đức Chúa Trời "lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn" (II Phierơ 3.9). Biết bao người đã được cứu vào giờ cuối cùng vì ơn thương xót rời rộng của Đức Chúa Trời?
Tôi nghĩ đôi khi Đức Chúa Trời đầy ơn cho phép các tín đồ chạm trán chớp nhoáng với sự chết để đem họ trở lại với ý thức của mình. Vua Êxêchia là một trường hợp rất hay đó. Tôi có biết nhiều tín đồ tái phạm, họ đã chịu ăn năn và xây trở lại với Chúa sau khi có một sự gặp gỡ sát nút với tình trạng hay chết của chính họ.

IV. Sự loạn nghịch đem niềm yên ủi  tạm thời đến cho chúng ta (các câu 21-25).

Câu 20 cho chúng ta biết Saulơ đã "kiệt sức" vì ông ta "trọn ngày và đêm đó người không có ăn chi". Sau khi đi không ăn uống trong 24 giờ đồng hồ, một người trung bình sẽ không sao còn đủ sức lực nữa. Thực vậy, 24 giờ đồng hồ kiêng ăn đôi khi tạo ra năng lực. Chúa Giêxu nhiều lần mong muốn chúng ta kiêng ăn (Mathiơ 6.16-17). Kiêng ăn không đặt Saulơ vào tình trạng nầy. Sự loạn nghịch đã đặt ông ta vào đó.
Kẻ cầu vong đã làm đủ rồi. Bà ta lấy làm kinh khủng vì Saulơ sẽ ngã chết tại đó, trong chính ngôi nhà của bà ta. Tư tưởng duy nhứt của bà ta là kiếm ngay cho ông ta một số thức ăn hầu cho ông ta lấy lại chút sắc diện trên hai gò má và đôi chút sức lực đủ để rời khỏi đó. Bà ta nói:
“Nầy con đòi vua đã vâng theo tiếng vua. Tôi đã liều mạng mình đặng vâng theo các lời vua dạy. Vậy bây giờ, vua cũng hãy nghe lời của con đòi vua: Tôi xin đặt trước mặt vua một miếng bánh, để vua ăn bổ sức, đặng lên đường” (các câu 21-22).
Saulơ quá bướng bỉnh. Ông ta cảm thấy buồn cho chính mình. Có thể ông ta nghĩ nếu ông ta không ăn, ông ta sẽ chết ngay tại đó và sẽ không còn ra trận đánh người Philitin nữa. Ông ta nói: "Ta không ăn". Người đờn bà kia và hai đầy tớ của bà ta tiếp tục "ép nài" và sau cùng ông ta "chổi dậy khỏi đất" và đồng ý ăn chút ít.
Câu 24 chép người đờn bà đã giết "một con bò mập" cũng như đã làm bánh bằng bột không men. Nói theo địa phương Texas, bà ta đã lấy thịt bò nướng và bánh biscuits! Quí vị có thấy ở chỗ nào nói tới việc giết "một con bò mập" không? Đúng thế. Đây đúng chính xác là điều người cha đã làm để mừng đứa con trai đi hoang trở về trong Luca 15. Việc giết một "con bò mập" đồng nghĩa với việc kỷ niệm một sự đắc thắng. Khi Saulơ chổi dậy mà ăn, ông ta bắt đầu cảm thấy còn hơn được làm vua trở lại nữa. Rốt lại, người đờn bà nầy đã rút tấm thảm đỏ trải ra cho ông ta. Khi ông ta hồi sức lại rồi, ông ta bắt đầu cảm thấy khoẻ mạnh, cảm thấy mình vẫn là vua, cảm thấy mình vẫn đang nắm giữ quyền hành. Nói ngắn gọn, Saulơ đã không từ bỏ sự loạn nghịch của mình; ông ta chỉ thấy chút yên ủi trong đó. Sau khi "họ ăn xong" Saulơ cùng tôi tớ mình bèn "đi khỏi đó" trong đêm.
Có phải quí vị đã theo dõi câu chuyện tuần lễ nầy về nơi hoả táng ở Noble, bang Georgia? Các nhà cầm quyền đã khám phá các di tích của ít nhất 242 người và con số ấy còn cao hơn thế. Những thi thể nầy đã bị định phải hoả táng thành tro. Thay vì phải tốn chi phí cho việc hoả táng, những người đảm nhận công việc chỉ đưa cho các gia đình một hộp tro và đem sắp tất cả thi thể đó vào trong rừng, trong hồ và trong một số mồ mả. Mấy người nầy sao lại dại thế? Bộ họ nghĩ chẳng có ai khám phá ra các thi thể nầy sao?
Tội lỗi của chúng ta, sự loạn nghịch của chúng ta chống lại Đức Chúa Trời giống như đem chôn mấy cái xác chết vào sân sau vậy. Chúng ta thấy dễ chịu trong một thời gian ngắn thôi, nhưng chắc chắn mấy cái xác chết ấy bắt đầu hiện lên trên mặt đất. Đây không phải là một bức tranh đẹp đâu. Tại sao không chối bỏ tình trạng loạn nghịch của quí vị đi, hãy ăn năn và quay trở lại với Chúa ngay hôm nay?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét