Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 7: I Samuên 20: "Sự Phân Ly Đau Đớn"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Sự phân ly đau đớn
I Samuên 20
Khi chúng ta nhìn lại mấy bài có đề tựa Đời sống và thời thế của Vua David, chúng ta thấy mỗi chương trong I Samuên dường như có một lẽ đạo riêng.
Chương 16, nơi đầu tiên chúng ta gặp David, gã thiếu niên chăn chiên dường như rất bận bịu với ÂN ĐIỂN, ân điển đã được ban cho David và đã bị cất khỏi Saulơ. Chương 17 nói về sự ĐẮC THẮNG. David, mạnh mẽ kháng cự, đã đạt được một chiến thắng thật khó tin nổi trước gã giềnh giàng Gôliát vì chàng tin "Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận" (câu 47). Chương 18 có lẽ đạo nói về ƠN PHƯỚC. Ở đây David dường như có cái chạm của thần may mắn vậy. Đức Chúa Trời chúc phước cho bất cứ điều chi chàng bắt tay làm. Chàng được phước với một giao ước kết tình bạn với Giônathan, một chức vụ lãnh đạo trong quân đội, được giải cứu khỏi sự ganh tỵ của Saulơ, được cưới Micanh làm vợ và nhiều chiến thắng khác đối với quân Philitin.
Chẳng có thắc mắc gì cả, lẽ đạo trong chương 19 là TRÁNH THOÁT,. Trong chương 18, Saulơ hai lần phóng mũi giáo vào người David khi chàng đang khảy đàn. Ông ta cũng nổ lực mấy lần tìm cách giết David bằng cách sai chàng đi đánh trận. Hết thảy các nổ lực nầy đều nhắm vào việc lấy mạng của David. Trong chương 19, đôi găng tay bị tuột mất. Saulơ bảo cả nhà mình "giết David" (câu 1). Giônathan, con trai của Saulơ và là bạn thiết của David đã chỉ cho người cha điên dại, có tánh giết người thấy rằng thái độ đối với David như thế là tội lỗi và trong một thời gian ngắn Saulơ đã dịu lại. Thế rồi không bao lâu sau đó, Saulơ lần thứ ba tìm cách "lấy giáo đâm David dính vào vách" (câu 10). Kế đó sai các tôi tớ đến tận nhà của David đặng giết chàng, song vợ của David, là Micanh con gái của Saulơ "thòng David nơi cửa sổ" để cho chàng "trốn và thoát khỏi" (câu 12). Thế rồi David trốn đến vị cố vấn thuộc linh của mình là Samuên. Cụ tiên tri đã đưa chàng đến tại "Na-giốt trong Rama" ở đó có một trường tiên tri (các câu 18, 19). Saulơ đã sai ba tốp lính đến bắt hay giết David nhưng "Thần của Đức Chúa Trời cảm động họ, họ cũng khởi nói tiên tri" (câu 20). Sau cùng, đích thân Saulơ đến tại Na-giốt và "Thần của Đức Chúa Trời cảm động đến phiên người" (câu 23). Thậm chí Saulơ "cũng lột áo mình" khi ông nói tiên tri và "ở trần như vậy nằm dưới đất trọn ngày và đêm đó". Với cách xử sự kỳ lạ như thế từ nhà vua, dân sự đã thắc mắc: "Sau-lơ há cũng vào hàng các tiên tri sao?" (câu 24). Bất luận Saulơ đã khó nhọc tìm cách nầy cách kia, ông ta không thể đụng đến David được. Đức Chúa Trời đã đưa bàn tay bảo hộ thiêng liêng ra đặt trên người chàng.
Lẽ đạo trong chương 20, phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đang nghiên cứu hôm nay, đang nói về NỖI ĐAU KHỔ. David không còn gì cả. Dường như mọi sự mà chàng đã kiếm được đều bị mất hết. Chàng chỉ còn là một cái bóng, ẩn núp và trốn khỏi Vua Saulơ. Chàng lâm vào cảnh khốn đốn, thất bại và nãn lòng. Một trong những khía cạnh đáng nhớ của Kinh Thánh, ấy là Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy cả hai chiều kích của các vị anh hùng thuộc linh. Trong chương nầy, chúng ta thấy sự hạ mình của David với một cái nhìn đầy đủ. Khi chúng ta nghiên cứu phân đoạn nầy, chúng ta sẽ học biết một vài mưu luận của Kinh Thánh về cách ứng xử với đau khổ.
I. Sự rối loạn của David (các câu 1-9).
A. David tra vấn Bạn của mình (các câu 1-4).
Trong khi Saulơ còn ở tại Na-giốt, David "trốn khỏi" và đã đến gặp người bạn thiết của mình là Giônathan. Chàng rất đỗi sợ hãi, lo lắng và bối rối. Chàng và Giônathan vốn có một "khế ước" về tình bạn với nhau. Họ là anh em kết nghĩa. Linh hồn của họ "khế hiệp" hay khắng khít với nhau. Tuy vậy, lần sau cùng David nói chyện với Giônathan, Giônathan đã bảo đảm với David rằng cha của mình không còn muốn giết David nữa (19.7). Dù vậy, từ thời điểm đó, Saulơ không làm chi khác hơn là tìm cách giết chết chàng. Giờ đây David lấy làm lạ không biết Giônathan có thực là bạn của mình không nữa!?! Chàng hỏi: "Tôi đã làm chi, tội ác tôi là gì? Tôi đã phạm tội chi cùng cha anh, mà người toan hại mạng sống tôi?" (câu 1).
Giônathan rõ ràng không biết Saulơ đã quay trở lại với lời thề của mình và hiện đang truy đuổi David. Chàng đáp: "Anh không chết đâu!" Nói cách khác: "David ơi, anh đang nói gì vậy? Cha tôi không tìm cách giết anh đâu. Anh hoang tưởng rồi. Tôi không tin như thế đâu. Ông ấy thề rồi mà!" Giônathan còn nói sâu xa hơn: "Cha tôi chẳng làm một sự gì, bất luận lớn hay nhỏ, mà chẳng nói trước với tôi. Vậy, nhân sao cha tôi giấu tôi sự nầy với tôi? Đều đó chẳng thể được" (câu 2). Giônathan không thể tin cha mình sẽ quay ngược lại với lời nói của ông rồi tìm cách giết chết David.
David "lại thề nguyền”. Chàng thề trước mặt Giônathan rằng chàng đang nói ra sự thật. Chàng nói: "Cha anh biết rõ rằng tôi được ơn trước mặt anh, nên có nói rằng: Chớ nên cho Giô-na-than biết gì, kẻo nó phải lo buồn chăng. Song ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống và mạng sống của anh mà thề rằng, chỉ còn một bước cách tôi và sự chết mà thôi" (câu 3). Giônathan, người bạn chân thành tái khẳng định lòng trung thành của mình rồi nói: "Hễ anh muốn tôi làm điều gì, thì ta sẽ làm cho anh" (câu 4).
David rất đỗi sợ hãi. Chắc chắn chàng cảm thấy Saulơ sẽ giết mình bất cứ ngày giờ nào. Chàng cảm thấy chỉ cách “một bước” là chàng gặp sự chết ngay. Lòng tin cậy của chàng bị lung lay rồi. Chàng không bị thương mà đến đó. Chàng trai trẻ nầy, là người đã giết một con sư tử, một con gấu và gã giềnh giàng Gôliát kia, lại đang run rẩy trước mặt người bạn của mình. Chàng đang ở trong cảnh đau khổ, thất vọng và bối rối. Chàng đã quên phứt mọi lời hứa của Chúa cùng các Thi thiên tuyệt vời thời trai trẻ của mình. Chàng đã nhắm vào người bạn duy nhứt của mình trong nỗi tuyệt vọng.
Hết thảy chúng ta đều băng ngang qua trũng bối rối trong chuyến hành trình ngang qua cuộc sống của mình. Khi áp lực dấy lên, chúng ta ngạc nhiên không biết bạn bè của mình là ai!?! Khi căng thẳng bắt lấy, chúng ta thường thất bại không còn tin cậy nơi Chúa nữa. Khi thất bại vịn lấy chúng ta, chúng ta quên phứt sự thành tín lớn lao của Đức Chúa Trời. Hãy đánh dấu lời tôi nói đi, có những lúc rối loạn, trong tình trạng ấy quí vị sẽ thắc mắc lòng trung thành của bạn bè mình và sự thành tín của Đức Chúa Trời cho xem.
Có người có ý cho rằng nếu quí vị dâng đời sống mình cho Đấng Christ thì sẽ chẳng còn chi hết, mọi sự sẽ trôi đi hết. Họ giảng rằng nếu quí vị thực sự kính sợ Đức Chúa Trời và đời sống của quí vị sẽ nếm trải hết kinh nghiệm cao như núi nầy tới kinh nghiệm cao như núi khác. Cách giảng dạy như thế là huyển hoặc lắm. Một mối giao thông với Đức Chúa Trời không có nghĩa là thiếu mất những kinh nghiệm trong đồng trũng; giao thông với Đức Chúa Trời là quí vị sẽ không ở một mình trong đồng trũng đó!
Đức Chúa Trời phán cùng chúng ta trong Hêbơrơ 13.5: "Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu". Sứ đồ Phaolô đã viết trong Roma 8.38-39: "Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta". Saulơ đã truy đuổi David trong hơn 10 năm trời, song Đức Chúa Trời đã ở cùng chàng.
Lẽ thật ở đây là có “một bước” giữa sự chết và mỗi một người chúng ta. Có bao giờ quí vị suy nghĩ mình chỉ cách cõi đời đời chừng vài mét khi quí vị lái xe vào giao lộ với vận tốc 70 dặm/giờ không? Sự chết sẽ đến với hết thảy mọi người chúng ta. Kinh Thánh chép trong Hêbơrơ 9.27: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét".
Câu hỏi không bao giờ là: "Tôi sẽ chết chăng?" mà là "Tôi có sẵn sàng gặp cái chết đang đến chưa?" Câu trả lời là phải tin cậy nơi Đấng Christ. Đấng Christ cất bỏ sự sợ hãi đối với sự chết. Ngài cất bỏ cái nọc của sự chết và đắc thắng của mồ mả. Hết thảy các tín đồ chân chính đều có thể nói với Phaolô: "Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy" (Philíp 1.21).
B. David nghĩ ra chương trình của mình (các câu 5-9).
Bạn bè chân thật luôn luôn sẵn sàng khi quí vị cần tới họ. Cũng một thể ấy với Giônathan. Chàng nói: "Hễ anh muốn tôi làm điều gì, thì ta sẽ làm cho anh" (câu 4). Hết thảy chúng ta đều cần tới loại bạn hữu giống như vậy đấy. Châm ngôn 17.17 chép: "Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn".
Hai anh em trong Chúa nầy đã quì gối với nhau trong sự cầu nguyện. Họ sẽ làm cho họ được vững vàng trong Chúa, song họ không làm như thế. Giống như chúng ta, họ đề ra chương trình riêng của họ, gồm có những lời nói dối và sự lừa lọc. Đức Chúa Trời không bao giờ chúc phước cho một lời nói dối, bất luận là động lực nào.
David chỉ ra rằng ngày hôm sau là ngày "mồng một" và chàng phải đến dự tiệc tại bàn của nhà vua. Chừng mấy tuần thì tới ngày mồng một, dân Israel tổ chức một bữa tiệc cùng với của lễ thiêu dâng vì tội lỗi của cả tháng trước. David vốn biết Saulơ sẽ nghĩ ra một chương trình nào đó để giết chàng, vì vậy chàng mới quyết định "đi trốn trong đồng bằng" thay vì đến dự bữa tiệc đó. Giônathan phải đi dự tiệc để bao che cho David. Nếu Saulơ hỏi thăm về David, Giônathan phải nói rằng David đã "đi về Bếtlêhem" đặng dự lễ đặc biệt hàng năm của gia đình.
Đây là cách họ thử Saulơ. Nếu ông ta nói: "Tốt", thì có nghĩa là ông ta đã ăn năn về mọi toan tính giết người của mình. Tuy nhiên, nếu ông ta "nổi giận" họ sẽ biết ngay là ông ta vẫn còn có ý đồ muốn giết chết David. David rất mệt mỏi trong mọi sự nầy, chàng nhắc cho Giônathan nhớ "đã nhơn danh Đức Giêhôva mà kết ước" rồi nói: "Song phần tôi ví có tội gì, xin chính anh hãy giết tôi đi". Nói cách khác: "Nếu tôi đáng chết, nguyện tôi ngã chết bởi tay của bạn hữu mình".
Giônathan một lần nữa thề hứa trung thành. Chàng nói: "Chớ có nghĩ như vậy! Trái lại, nếu tôi biết thật cha tôi có ý định hại anh, dễ nào tôi chẳng cho anh hay?" (câu 9).
II. Lòng trung thành của Giônathan (các câu 10-23).
A. Một sự tái khẳng định kết ước (các câu 10-17).
David đang suy nghĩ về những hậu sự. Nếu chàng ở "ngoài đồng bằng" thì làm sao chàng biết Saulơ trả lời với Giônathan như thế nào!?! Khi ấy Giônathan dẫn David "ra ngoài đồng" bên ngoài các bức tường thành đến một chỗ kín đáo. F.B. Meyer viết:
Bố cục tổng quát của kế hoạch nầy đã được sắp đặt bên trong cung điện, nhưng họ có đủ tin cậy cần phải trao đổi với nhau, bằng lời lẽ dịu dàng, thân mật, một khế ước đã được đưa vào cuộc, khế ước ấy được sắp xếp cách kín nhiệm, như vậy khôn khéo hơn là cứ tiếp tục trao đổi ở một nơi hẻo lánh, ở đó chỉ có cây cối, chúng không thể làm chứng cho bất cứ một việc gì cả.
Ở đây trong chỗ kín đáo ngoài đồng, Giônathan nói thật nhiều rằng chàng sẽ chết thay vì phản bội David. Chàng hứa nói cho David biết nếu cha chàng không có một toan tính xấu nào hoặc báo động cho David biết nếu ông ta có mưu tính xấu (các câu 12-13).
Như chúng ta đã lưu ý trước, Giônathan dường như đã hiểu rõ từ ban đầu rằng David sắp làm vua trong chỗ của Saulơ. Chàng nói ở cuối câu 13: "Cầu xin Đức Giêhôva ở cùng anh, như Ngài đã ở cùng cha tôi". Một lần nữa, đúng là một sự hạ mình, đúng là một sự tin kính mà Giônathan, theo quyền thừa kế sẽ làm Vua kế vị với ân sũng của người vừa lòng Đức Chúa Trời! Chẳng có ai khác trừ ra Chúa Jêsus là một mẫu mực quan trọng cho tình bạn vương giả ấy.
Hãy lắng nghe chàng đã nói gì kế đó: "Và ngày sau, nếu tôi còn sống, có phải anh sẽ lấy sự nhân từ của Đức Giê-hô-va mà đãi tôi chăng? Nhưng nếu tôi chết, dẫu khi Đức Giê-hô-va diệt hết thảy kẻ thù nghịch của Đa-vít khỏi mặt đất cho đến cùng, thì cũng chớ cất ơn thương nhà tôi đến đời đời" (các câu 14-15).
Có lẽ Đức Giêhôva đã ban cho Giônathan một loại linh cảm đối với mọi việc sẽ xảy ra. Có thể bóng tối tăm của Ghi-bê-a sắp sửa giáng xuống chàng rồi vậy. Không cứ cách nào đó, chàng nhận thức được rằng mình sẽ không còn sống để nhìn thấy Nước của David, vì vậy chàng đã cầu xin "sự nhân từ" đối cùng gia đình mình.
Quí vị thấy đấy, trong thời buổi đó không có một sự thân tình nào khi chính quyền thay đổi. Khi một triều đại của vua nầy bị vua khác lật đổ, nguyên cả gia đình của vua trước đều buộc phải chết hết, cả người nam, người nữ và trẻ con. Họ bị giết hầu cho chẳng còn có một sự dấy lên nữa trong tương lai. Giônathan đã yêu cầu David buông tha cho người nhà mình khi sau cùng David đăng quang làm vua. David đã làm như thế, chúng ta sẽ thấy qua câu chuyện nói về Mêphibôsết.
Một lần nữa, “khế ước” hay lời thề đã được lập ra giữa họ. David lập "một lời thề” với Giônathan và Kinh Thánh lại nói nữa Giônathan "thương yêu Đa-vít như mạng sống mình vậy". Không có chi kỳ lạ, cũng chẳng có gì là không thích đáng về loại tình yêu nầy. Đây là thứ tình cảm rất mạnh mẽ, của nam phái, giữa các chiến hữu với nhau. Một số người thích xuyên tạc dạy rằng hai người nầy có mối quan hệ đồng tính luyến ái, song nói như thế thì chẳng đúng với sự thật chút nào hết. Mỗi người đều cần có một người bạn biết yêu thương, biết trung thành giống như Giônathan.
Giônathan đã nhìn thấy nơi David những điều mà nhiều người khác không thấy. Người ta có thể nhìn thấy một người giết chết tên giềnh giàng, một chiến binh hung tợn, một nhạc sĩ có thực tài, còn Giônathan có thể nhìn thấy một vì vua. Lòng trung thành nhìn thấy nơi người khác những điều mà chẳng có ai khác nom thấy. Bạn bè trung tín nhìn thấy và khuyến khích các đức tính tiềm tàng. Họ gầy dựng nên chúng ta. Họ cung ứng cho chúng ta thấy một khải tượng về mọi điều chúng ta có thể trở thành! Họ tô vẽ một bức tranh về mọi điều mà chúng ta sẽ đạt được! Bạn bè trung thành nhìn qua phía bên kia những gì chúng ta đang làm đến những gì chúng ta sẽ trở thành. Không những họ nhìn thấy dáng dấp bề ngoài, mà họ còn nhìn thấu tận trong lòng chúng ta nữa. Họ tiếp tục khích lệ và gầy dựng chúng ta trong Chúa.
Đức tin nhìn thấy nơi Chúa Jêsus những điều người khác bỏ quên. Hầu hết người ta đều không tiếp nhận Chúa Jêsus. Đa số người ta đều xem Ngài là Vị Giáo Sư Lớn. Họ đã nhắm vào Ngài như vị giáo sư lớn, một người chuyên làm phép lạ và thậm chí là một kẻ làm chính trị nổi loạn. Dù vậy, các môn đồ đã xem Ngài là một Cứu Chúa. Họ đã bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Trên cây thập tự, một tên cướp đã nhìn thấy một tội phạm bị chế giễu, bị xem khinh, còn tên cướp kia thì nhìn thấy một vì vua bị đóng đinh trên thập tự giá. Một tên đã lãnh lấy án phạt đời đời, còn người nầy thì nhận được sự sống đời đời. Thế gian nầy đang nhìn xem Chúa Jêsus theo nhiều cách thức, còn quí vị nhìn xem Ngài như thế nào?
B. Một phương pháp của sự tương giao (các câu 18-23).
Sau bữa tiệc ngày “mồng một”, khi David được Saulơ nhớ tới, David phải đi tới một chỗ đã được biết trước là "hòn đá Êxe", có nghĩa là "ra đi". Giônathan khi ấy sẽ ra đồng với trang bị cung tên và tên đầy tớ. Chàng sẽ bắn ba mũi tên ngang qua đồng ruộng rồi sai tôi tớ mình đi lượm lại. Nếu chàng nói với tên đầy tớ: "kìa, các mũi tên ở bên nầy mầy", khi ấy sẽ là “bình an” cho David. Nếu chàng nói: "kìa, các mũi tên ở bên kia mầy", thì sứ điệp cho David sẽ là "bấy giờ anh khá đi, vì Đức Giêhôva khiến anh đi".
Khi họ chia tay Giônathan đã nói: "nguyện Đức Giêhôva làm chứng giữa anh và tôi đến đời đời".
III. Cơn giận của Saulơ (các câu 24-34).
A. Lời nói dối không thoả đáng của Giônathan (các câu 24-29).
Ngày “mồng một” đã đến và Saulơ đến ngồi bàn đặng ăn bữa, còn David đã bỏ trốn ở đồng ruộng ngoài thành phố. Câu 25 nói rất tỉ mỉ. Câu nầy chép: "người ngồi nơi chỗ thường ngồi ở gần bên vách". Saulơ vốn có “chiếc ghế thủ lãnh” đặt ở đầu bàn. Giống như Wild Bill Hickok, ông ta thường giữ lưng mình quay về phía vách hầu cho chẳng có một ai lẽn ra phía sau lưng mình. "Giô-na-than đứng dậy, và Áp-ne ngồi bên Sau-lơ; còn chỗ của Đa-vít thì bỏ không". Câu nầy rất khó dịch từ tiếng Hy bá lai, nhưng tôi tin câu nầy có ý nói như vầy: Giônathan đã có mặt tại chỗ chàng thường ngồi, phía bên tay hữu của Saulơ. Khi Ápne, quan Tổng binh của quân đội (và là anh em họ của Saulơ) đã đến tại nơi ăn uống, Giônathan đã nhường cho ông ta ngồi cạnh Saulơ và chuyển sang ngồi đối ngang Saulơ. Hãy nhớ rằng Giônathan đang ra sức dối gạt Saulơ và chẳng muốn ai đụng đến. Tuy nhiên, điều dễ nhìn thấy nhất, ấy là "chỗ của David thì bỏ không".
Saulơ để ý thấy David vắng mặt, nhưng "chẳng nói chi hết" vì ông ta tưởng David phải sự gì "ô uế" nên không thể đến dự tiệc được. Quí vị có thể bị ô uế theo nghi thức bằng nhiều cách lắm, giống như chạm vào một con thú không sạch hoặc đụng tới một xác chết hay phạm phải mối quan hệ tình dục bất chính (đối chiếu Lêvi ký 7.20-21; 15.16).
Đến ngày thứ hai, chỗ của David nơi bàn tiệc ấy vẫn bỏ trống và Saulơ đòi một sự giải thích. Ông hỏi Giônathan: "Cớ sao con trai của Y-sai không đến dự ăn bữa hôm qua và ngày nay?" Chứng tâm thần phân liệt của Saulơ rõ ràng cho thấy ông ta đã cố sức muốn giết chết David song khi thấy có chuyện lạ là David đã không trở lại với chỗ thường ngày của mình tại bàn tiệc.
Tôi nói cho quí vị biết rằng Đức Chúa Trời không hề ban phước cho những lời nói dối và sự lường gạt. David đã kéo Giônathan tin kính kia vào kế hoạch hai chiều của chàng. Giônathan nhắc lại lời nói dối của David rằng chàng đã “xin phép đi đến Bếtlêhem” để dự một buổi lễ của gia đình. Hãy lưu ý các chi tiết của lời nói dối trong câu 29. Giônathan thậm chí chiều theo David nói rằng anh của chàng "đã truyền” cho chàng phải về Bếtlêhem.
B. Saulơ vốn hiểu rõ (các câu 30-34).
Saulơ rất giận dữ, nhưng ông ta không cuồng đâu. Ông ta có thể nhìn thấu suốt lời nói dối của Giônathan. Hạng người đường hoàng vốn ghê khiếp những kẻ dối trá và cũng thế với Giônathan! Saulơ vốn biết ngay là Giônathan đã che giấu cho David và "nổi giận cùng Giônathan".
Tôi hình dung ra ông ta đang trong cơn giận dữ, gương mặt ông ta đỏ gay lên, mắt ông ta long lên khi ông ta gào lên với Giônathan: "Hỡi con, đáng hổ nhọc cho mầy, và đáng hổ nhục cho mẹ đã đẻ mầy thay!" Tôi bối rối trước cách dịch sát nghĩa của mệnh đề nầy. Tôi nghĩ quí vị có thể hình dung ra điều nầy cho chính mình!
Saulơ hỏi: "Ớ con trai gian tà và bội nghịch kia, ta biết mầy có kết bạn cùng con trai của Y-sai, đáng hổ-nhọc cho mầy, và đáng hổ nhục cho mẹ đã đẻ mầy thay!" Nói cách khác, "Hỡi Giônathan, ngươi không giấu được điều đó. Ta biết ngươi đã chọn bạn là David trước cả chính gia đình của ngươi đấy". Saulơ nói tiếp: "Thật, hễ con trai Y-sai sống lâu trên đất chừng nào, thì mầy và nước mầy chẳng vững bền chừng nấy". Saulơ vốn biết David phải chết hầu cho Giônathan trở thành Vua kế vị. Ông cho đòi: "Vậy bây giờ, hãy sai đi kiếm nó, dẫn nó về cho ta; vì nó phải chết hẳn” [sát nghĩa: ‘là con trai của sự chết’]" (câu 31).
Một lần nữa, Giônathan đòi hỏi sự công bình từ Saulơ. Chàng hỏi: "Cớ sao giết nó đi? Nó có làm điều gì?" David vốn là một tôi tớ sẵn lòng, và trung tín.
Saulơ luôn luôn nắm lấy mũi giáo nơi tay mặc dù ông ta không có tài sử dụng nó bao lăm. Lần nầy ông ta "phóng cây giáo đặng đâm người". Ông ta bị cơn giận dữ điều khiển đến nỗi ông ta muốn giết chết con trai mình, giống như muốn giết David vậy. Tôi nghĩ phân đoạn kế đó ở câu 33 là một sự hiểu biết rất kinh điển: "Giônathan bèn nhìn biết cha mình đã nhứt định giết David". “Nổi giận lắm”, Giônathan "bèn chổi dậy khỏi bàn""lấy làm buồn bực”“David, vì cha mình đã sĩ nhục người".
IV. Tạm biệt tình bạn (các câu 35-42).
Qua “ngày sau”, Giônathan đem theo một đứa tôi tớ trẻ và "đi ra ngoài đồng tại nơi đã hẹn cùng David". Chàng bắn một mũi tên qua đầu đứa trẻ. Theo chương trình, chàng hô lên tín hiệu kín cùng David: "Tên há chẳng ở bên kia mày sao?" Sau khi đứa trẻ lượm lại mấy mũi tên, Giônathan trao cho nó cây cung rồi sai nó đem vào thành phố. "Tôi tớ chẳng biết chi cả". Song chẳng bao lâu sau khi hắn ra đi, David bèn đi ra để gặp Giônathan.
Mục đích của tín hiệu là giúp cho David nhận rõ cách hoàn toàn, nhưng họ không mong như thế đâu! David đã "sấp mình xuống đất và lạy ba lần". Họ "đã ôm hôn nhau" nơi gò má theo thói thường người đờn ông hay làm trong thời ấy. Họ "ôm nhau và khóc, David khóc nhiều hơn". Họ nghĩ rằng họ sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nhau nữa.
Giônathan đã nói qua hai hàng nước mắt: "Anh hãy đi bình an; chúng ta đã nhơn danh Đức Giê-hô-va lập lời thề cùng nhau,” thế rồi họ lặp lại khế ước của mình: “Đức Giê-hô-va sẽ làm chứng giữa tôi và anh, giữa dòng dõi tôi và dòng dõi anh đến đời đời". David khi đó chổi dậy và đi, còn Giônathan "trở vào trong thành".
V. Ba nguyên tắc dành cho việc xử lý nỗi đau của chúng ta.
A. Nhận biết Đức Chúa Trời có một mục đích trong nỗi đau của chúng ta.
Đức Chúa Trời không tùy tiện để cho chúng ta phải gánh chịu nỗi khổ đâu. Mỗi một thương tổn giáng trên chúng ta Ngài đã cho phép hầu nắn đúc chúng ta ra giống theo ảnh tượng của Ngài. Mỗi một môn đồ đều biết rõ điều gì đó từ hoàn cảnh của Gióp. Thậm chí Con độc sanh của Đức Chúa Trời cũng không được miễn trừ nỗi đau khổ. Thực thế, Ngài bằng lòng gánh lấy nỗi khổ của mọi tội chúng ta. I Phierơ 4.12-13 chép: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót". C.S. Lewis lưu ý: "Chúng ta có thể yên nghỉ trong tội lỗi và trong sự dại dột của mình, và người nào trông thấy hạng ham ăn đang ngấu nghiến ngốn các món ăn ngon lành nhất giống như thể họ không biết họ đang ăn cái gì nữa, sẽ công nhận rằng chúng ta không biết khoái lạc. Thế nhưng đau khổ đang giáng trên người nào đang có mặt. Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta trong mọi khoái lạc của chúng ta, Ngài đang phán trong lương tâm của chúng ta, nhưng Ngài lại hô lên lớn tiếng trong nỗi đau khổ của chúng ta. Chính trong dây loa của Ngài mà khuấy động cả một thế giới bị điếc kia".
B. Hãy tin cậy bạn bè chơn thật của mình.
Trong một thời gian ngắn, dường như nỗi đau khổ đã khiến cho David phải nghi ngờ lòng trung thành của Giônathan. Chàng quá giận nên nỗi đã sa vào chứng hoang tưởng giống như Saulơ. Mục đích của Hội thánh là đem bạn bè chơn thật vào trong đời sống của chúng ta, những "Giônathan" nào giúp đỡ chúng ta mang lấy gánh nặng của mình.
C. Trao nỗi buồn đau cho Đức Giêhôva.
David đã bật lên trong đau khổ vì mọi sự truy kích của Saulơ. Chàng đã trốn khỏi Saulơ, rồi chờ đợi Đức Chúa Trời giải cứu chàng. David đã ăn ở phải lẽ trong phòng ăn của Saulơ và Saulơ không thể tra tay trên chàng được. Saulơ không thể đánh bại chàng được. Điểm rắc rối, ấy là David đã không tin chuyện ấy. Chàng không tin cậy Đức Giêhôva. Thay vì trao nỗi đau của mình cho Đức Giêhôva là Đấng giải cứu chàng, David lại tố cáo người bạn tốt nhứt của mình về tội lừa gạt rồi đưa bạn ấy vào một âm mưu nặng tính dối gạt nghịch lại với cha của bạn ấy để bạn ấy suýt bị cha giết chết. Đau khổ sẽ đến. Bạn bè có thể giùm giúp. Nhưng chỉ ở trong Chúa chúng ta mới có thể tìm được sự khuây khoả thực sự.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét