Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bài 6: I Samuên 19: "Sự Giải Cứu Thiêng Liêng"



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Sự Giải Cứu Thiêng Liêng
I Samuên 19
Trong quyển Chức Vụ Từ Hội Chứng Thành Công, Kent Hughes thuật lại một câu chuyện từ đời sống của Ira Sankey, ca sĩ và là nhà sáng tác thánh ca đã đi khắp nơi với một nhà truyền đạo lỗi lạc, là D.L. Moody. Nhóm của Moody và Sankey vốn nổi tiếng trong thế kỷ 19 hơn cả Billy Graham và George Beverly Shea trong thế kỷ thứ 20.
Vào Lễ Giáng Sinh năm 1875, Ira Sankey đã đi trên chiếc thuyền chạy bằng hơi nước trên sông Delaware, khi ấy có một số hành khách nhận ra ông. Họ yêu cầu ông hát một trong các bài ca mà ông đã viết, song thay vì thế ông đã chọn hát bài thánh ca rất dễ thương "Savior Like a Shepherd Lead Us" [Cứu Chúa Như Người Chăn Dắt Tôi]. Một trong những câu ông đã hát có lời như thế nầy: "We are Thine; do Thou befriend us. Be the Guardian of our way" (Chúng con thuộc về Ngài; Ngài là thiết hữu của chúng con. Ngài là Đấng dẫn dắt đường lối của chúng con). 
Khi Sankey hát xong bài ca đó, có một người bước ra khỏi bóng  tối rồi lên tiếng hỏi: "Ông có bao giờ phục vụ trong Quân Liên Hiệp chưa?" Ông Sankey đáp: "Thưa có, vào mùa xuân năm 1860". "Ông còn nhớ, nếu ông là người đứng gát trong một đêm trăng sáng năm 1862 không?" Ông Sankey đáp với nỗi kinh ngạc: "Có đấy, tôi đứng gát đấy”. “Còn tôi đang phục vụ trong quân đội liên bang. Khi tôi nhìn thấy ông đang đứng ở trạm gát, tôi nghĩ thầm rằng: ‘Gã kia sẽ chẳng bao giờ còn sống nữa’. Tôi với lấy khẩu súng trường rồi đưa lên nhắm. Tôi đang đứng trong bóng tối, không có ai nhìn thấy, trong khi toàn bộ ánh sáng trăng đã chiếu trên ông. Ngay khi ấy, trước đấy chừng một vài phút, ông đã nhướng mắt lên trời và bắt đầu hát… Tôi nhũ thầm: `Cứ để cho hắn hát cho đến hết bài đi, rồi tôi sẽ bắn hắn. Hắn là nạn nhân đầu tiên của tôi và viên đạn của tôi sẽ không đi lệch đâu’. Nhưng bài hát mà ông đã hát khi ấy chính là bài mà ông mới vừa hát đó. Tôi đã nghe rất rõ: ‘Chúng con thuộc về Ngài; Ngài là thiết hữu của chúng con. Ngài là Đấng dẫn dắt đường lối của chúng con’. Mấy lời ca nầy đã làm cho ký ức tôi phải nhớ lại. Tôi bắt đầu nghĩ đến thời thơ ấu của mình và người mẹ kính sợ Đức Chúa Trời của tôi. Bà đã nhiều lần hát cho tôi nghe bài hát ấy. Khi ông hát xong bài thánh ca đó, thật là khó cho tôi khi phải đưa súng lên nhắm lại một lần nữa. Tôi suy nghĩ: ‘Đức Giêhôva là Đấng có quyền giải cứu gã kia khỏi chết chắc chắn phải là cao cả và mạnh sức lắm’. Và cánh tay tôi rũ xuống kẹp sát bên hông mình".
Thiên đàng vốn biết rõ mỗi một người chúng ta đã đến gần tai họa và sự chết biết bao nhiêu lần, còn Thiết Hữu của linh hồn chúng ta, Đấng dẫn dắt đường lối của chúng ta, chính mình Đức Giêhôva đã bảo hộ và giải cứu chúng ta theo cách thiêng liêng lắm. Chắc chắn Đức Chúa Trời đã làm như thế với David. Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã xức dầu cho chàng để trở nên vị Tân Vương cho Israel. Tuy nhiên có ít nhất 14 năm dài, một vài trận đánh và nhiều nổ lực nhắm vào mạng sống của chàng trước khi David chiếm được ngai vàng mà Đức Chúa Trời đã phán là của chàng. Suốt cả những năm tháng ấy, bàn tay bảo hộ thiêng liêng của Đức Chúa Trời rõ ràng đã ở trên David. Hôm nay, chúng ta sẽ nhìn thoáng qua bốn bức tranh nói tới sự giải cứu thiêng liêng và kế đó rút ra một số nguyên tắc thực tế cho đời sống chúng ta.
I. Giônathan đã bảo hộ David (các câu 1-7).
A. Saulơ bàn tính giết David (câu 1a).
Tới điểm nầy, Vua Saulơ đã đưa ra rồi một số lời đe doạ muốn lấy mạng của David. Ông ta đã phóng mũi giáo hai lần vào người chàng (18.11). Ông ta lập người hùng trẻ tuổi làm “trưởng ngàn người” với mong mỏi chàng sẽ bị địch giết chết nơi chiến trường (18.13). Ông ta đã hiến "con gái cả" cho David nếu chàng "đánh giặc cho Đức Giêhôva" thay cho ông ta (18.17). Ông ta đã hiến Micanh, con gái thứ của mình trong sự trao đổi để lấy một trăm dương bì của người Philitin, với lòng mong mỏi giặc sẽ giết chết David (18.20-25).
Mỗi một nổ lực nầy đều nhắm vào sinh mạng của David, hết thảy đã thất bại. Không một ai trừ ra David và Saulơ đã hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra. Khi chúng ta bước qua chương 19, cách đối xử thẳng tay đã diễn ra. Saulơ công khai với tôi tớ mình dính díu vào mọi nổ lực hòng giết chết David. Câu 1 chép: "Sau-lơ bàn-tính cùng Giô-na-than, con trai mình, và các tôi tớ, để giết Đa-vít".
Có lẽ Saulơ đã đặt một giá để lấy đầu của David. Có thể ông ta đã đưa ra một giá thưởng cho người nào lấy mạng của David giống như ông ta đã làm trong trường hợp của Gôliát. Mục tiêu: ấy là Saulơ đã cảnh giác toàn bộ gia đình của ông ta phải tìm một cơ hội để giết chết David.
B. Giônathan đưa ra lời biện hộ cho David (các câu 1b - 6).
Hãy chú ý một việc rất đặc biệt trong câu 1. Hai lần trong câu nầy Giônathan đã được nhắc tới là "con trai Saulơ" hay "con trai mình". Mặc dù Đức Thánh Linh không muốn chúng ta phải quên Giônathan là kẻ kế tự hiển nhiên đối với ngai vàng của Israel. Nói theo con người, nếu có ai đó hưởng lợi từ cái chết của David, thì người đó chính là Giônathan. Tuy nhiên, Giônathan lại "rất thương yêu David".
Chúng ta nhớ lại từ chương 18, rằng: "lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu mến Đa-vít như mạng sống mình". David và Jonathan đã lập một "khế ước" về tình bạn. Họ gắn bó với nhau trong một tình bằng hữu rất đặc biệt. Giônathan đã cung ứng cho David áo xống, gươm, cung và đai của mình. Không cứ cách nào đó, vị hoàng tử đã hiểu rõ David đã được Đức Chúa Trời xức dầu cho, rằng David sẽ kế tục Saulơ mà làm vua trên Israel. Ở  20.15 Giônathan đã buộc David phải thề tử tế với con cháu và dòng dõi của mình, dù khi Đức Giêhôva sẽ: "diệt hết thảy kẻ thù nghịch của David khỏi mặt đất".
Đúng là một con người đáng nể! Giônathan vốn biết rõ, hiểu rõ và đã chấp nhận ý chỉ của Đức Chúa Trời rằng một gã chăn chiên đơn sơ sẽ chiếm lấy địa vị hợp pháp của chàng là hoàng tử và sẽ trở thành vua kế vị. Đúng là sự tin kính! Đúng là hạ mình! Thái độ nầy nghịch lại với những ham mến tư dục của chúng ta chỉ muốn đề bạt bản thân và đòi hỏi quyền lợi cho mình. Trong khi Saulơ mưu giết David, Giônathan sẵn lòng chấp nhận David sẽ chiếm lấy địa vị hợp pháp của mình.
Sau khi nghe lịnh của Saulơ muốn giết chết David, Giônathan ngay lập tức đi gặp David và cảnh báo cho chàng biết. Giônathan nói: "cha tôi, tìm giết anh. Vậy, sáng ngày mai, hãy cẩn thận, ở nơi khuất-kín, và ẩn mình đi". Giônathan đã hứa “nói” với cha mình vì ích cho David và "thử xem" phản ứng của Saulơ rồi trở lại cho David hay.
Vì vậy Giônathan đã đứng “nơi ruộng” với Saulơ và "nói binh David cùng Saulơ". Chàng đã can đảm chỉ ra chứng hoang tưởng và dự định giết người của nhà vua là tội lỗi. Chàng nói: "Xin vua chớ phạm tội cùng Đa-vít, tôi tớ vua, vì người không có phạm tội cùng vua, mà lại có giúp công việc lớn lao cho vua nữa" (câu 4). Giônathan đã chỉ ra trường hợp đó bằng cách nói David thể nào đã "liều mạng" khi David "giết người Philitin" Gôliát kia và "làm sự giải cứu lớn cho cả Israel". Giônathan đã nhắc cho Saulơ nhớ thể nào khi nhìn thấy sự thể đó ông đã "mừng rỡ". Một lần nữa chàng hỏi: "nhân sao lại toan phạm tội cùng huyết vô tội, mà giết Đa-vít vô lý?"
Giônathan đã phải gánh chịu một áp lực rất lớn. Chàng bị lôi kéo giữa lòng trung thành với cha mình và khế ước với người bạn của mình. Có bốn bài học quan trọng ở đây về tình bạn chơn thật.
Thứ nhứt, bạn bè chơn thật phải trung tín với cả công và tư. Giônathan không phải là hạng người TIN KÍNH riêng tư và ở chỗ công cộng thì CHỐI BỎ đâu. Chàng không hành động theo một đường ở trước mặt David và theo một đường khác ở trước mặt Saulơ. Chàng là một người ngay thẳng. Quí vị có bao giờ gặp ai hành động giống như một người bạn ở trước mặt quí vị và rồi phản lại lòng tin của quí vị mà rẽ qua người khác chưa? Quí vị có bao giờ làm như thế với ai đó chưa? Mối quan hệ của quí vị với Chúa Giêxu như thế nào? Quí vị có tỏ ra lòng tin kính đối với Ngài, song kế đó lại chối Ngài công khai bởi lời nói hay thái độ của quí vị chăng?
Thứ hai, bạn bè chơn thật dính dáng vào không phải sợ. Có bao giờ quí vị có mặt giữa bữa tiệc với một thái độ bất đồng chưa? Có bao giờ quí vị lọt vào giữa một nan đề về hôn nhân chưa? Chúng ta bị cám dỗ phải nói: "Đó là vấn đề của họ, hãy để cho họ xử lý đi. Tôi chẳng dính dáng gì tới chuyện đó". Giônathan đã hết lòng với cả Saulơ và David. Chàng đứng giữa họ và đã tìm cách giữ lấy sự hoà thuận. Chúa Giêxu phán: "Phước cho kẻ làm sự hoà thuận, vì họ sẽ được gọi là Con của Đức Chúa Trời" (Mathiơ 5.9).
Thứ ba, bạn bè chơn thật phải lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật. Đôi khi người gần gũi nhất với quí vị phạm phải sai lầm. Đôi khi người bạn thân nhất của quí vị bị mù quáng đối với lẽ thật. Đôi khi chính gia đình của quí vị không thể nhìn thấy hết sự thực. Nếu quí vị tìm cách chỉnh đốn họ, họ sẽ làm mặt giận với quí vị. Chúa Giêxu phán: "các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi" (Giăng 8.32). Tình trạng sẽ không được giải quyết đúng đắn cho tới khi nào mọi người cùng đến đối mặt với sự thực. Đấy là lý do tại sao Kinh Thánh nói chúng ta phải "lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật" (Êphêsô 4.15). Giống như Giônathan, chúng ta phải lấy lòng yêu thương đối diện với họ bằng sự chơn thật.
Thứ tư, bạn bè chơn thật chỉ ra tội lỗi mà không phải e sợ. Giônathan đã bất chấp cơn giận của người cha hoang tưởng, điên dại qua cách nói lối hành động của ông là “tội”. Lần cuối cùng quí vị chỉ ra chuyện gì nơi đời sống của ai đó và gọi chuyện ấy là tội lỗi vào lúc nào? Lần cuối cùng bạn bè của quí vị nói ra chuyện gì đó trong đời sống quí vị là tội lỗi vào lúc nào? Chúng ta có e sợ việc đó không? Hãy lấy lòng yêu thương làm cho ai đó tỉnh thức về tội lỗi cùng mọi hậu quả thảm hại của nó trong đời sống người ấy là cách tiếp cận đáng yêu nhất mà quí vị có thể thực hiện. Châm ngôn 27.6 chép: "Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín; còn sự hôn hít của kẻ ghen ghét lấy làm giả ngụy". II Timôthê 3.16 chép: "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình”. Nếu chúng ta là người của Ngôi Lời, chúng ta sẽ nhận biết phương thức không những dạy người bằng lẽ thật, mà còn lấy lòng yêu thương bẻ trách và sửa trị họ nữa.
Khi ấy Saulơ "lắng tai nghe lời Giônathan nói" và đã bác bỏ cái điều cay độc mà ông đã toan tính đối với mạng sống của David. Ông nói: "Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, Đa-vít sẽ chẳng chết!" Giônathan đem David ra khỏi nơi trốn rồi đưa vào triều của Saulơ "hầu việc như trước".
II. David được bảo hộ bởi mệnh trời (các câu 8-10).
Trong một thời gian ngắn mọi việc đã trở lại bình thường, cuộc chiến tranh với người Philitin đã bắt đầu lại và David đã quay trở lại với chiến trường. Tiếng tăm của chàng là một chiến binh cứ tiếp tục lớn lên khi chàng: "làm cho chúng nó bị thua chạy trốn".
Khi chiến cuộc giảm dần đi một lần nữa "ác thần bởi Đức Giêhôva" mà chúng ta đã bàn luận qua trong các bài học trước lại "nhập vào Saulơ". Một lần nữa David bị triệu về và đã "khảy đờn" cho Saulơ nghe. Đức Chúa Trời đã dở bỏ cái hàng rào bảo hộ thiêng liêng ra khỏi Saulơ, Ngài cho phép một ác thần sợ hãi và hoang tưởng đến khuấy khuất ông ta. David đang ca hát và đàn các bản thi thiên khi ôm cây đàn lia hoặc guitar của mình. Tuy nhiên, hãy chú ý nếu quí vị thấy thứ mà Saulơ đang cầm trong tay, ông ta đã ngồi "cầm cây giáo nơi tay".
Theo 18.11, Saulơ đã hai lần tính giết David bằng mũi giáo trong khi David khảy đờn. Ở lần thứ ba, ông ta "muốn lấy giáo đâm David dính vào vách". Tôi nghĩ David để một mắt nhìn vào nhạc cụ còn một mắt thì nhìn chăm vào Saulơ. Khi Saulơ phóng mũi giáo, David "tránh khỏi" khi "giáo của Saulơ găm trong vách", nơi mà David đã ngồi một phút trước đó. Bấy nhiêu đó đã đủ cho David. Saulơ rõ ràng đã không hối hận về các dự tính giết người của mình. Châm ngôn 26.11 chép: "Kẻ ngu muội làm lại việc ngu dại mình, khác nào con chó đã mửa ra, rồi liếm lại”. Cung điện đã trở thành một nơi rất nguy hiểm. Vì vậy: "David trốn và được thoát khỏi buổi tối đó".

Phải, David rất cảnh giác. Nhưng một lần nữa tay của Đức Chúa Trời đã ở trên chàng. Đức Chúa Trời đã dùng Giônathan để cảnh báo chàng lần thứ nhứt. Lần nầy, Đức Giêhôva với sự khôn ngoan của Ngài đã khiến David nhảy ra khỏi con đường thật đúng thời điểm. Quí vị có bao giờ nhận được một sự kêu gọi sát nút như thế chưa? Có bao giờ quí vị cảm thấy thiên sứ bảo vệ của mình đã làm việc quá giờ chưa? Có bao giờ quí vị đụng phải các sự phá sản đúng thời điểm chưa? Có bao giờ quí vị trải qua một cuộc giải phẩu nguy hiểm chưa? Có thể là trong lúc chiến tranh, quí vị biết tránh né đúng thì chăng!?! Bàn tay khôn ngoan của Đức Chúa Trời đang nắm lấy quí vị. Đấy không phải là thì giờ phải chết của quí vị. Ngày giờ đã được ấn định cho chúng ta. David đã viết ra trong Thi thiên 139.16: "Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy".
III. David được Micanh bảo hộ (các câu 11-17).
Saulơ không bỏ đi mọi ý đồ giết người của ông ta cách dễ dàng đâu. Sau khi David "thoát khỏi" trong đêm hôm đó, Saulơ "sai người đến nhà David đặng canh giữ người". Chắc chắn là họ phải đợi cho tới khi chàng lộ diện vào buổi sáng và rồi “giết người đi”.
Trong khi người của Saulơ đang chực ở bên ngoài ngôi nhà, Micanh, vợ của David và là con gái của Saulơ đối diện với chồng của mình bên trong ngôi nhà. Có thể là David rất chất phác. Có thể David nghĩ nếu mình chỉ không đi theo đường lối của Saulơ, thì sẽ không sao. Micanh vốn biết rõ cha của mình. Nàng biết rõ ông ta sẽ giết David với bất kỳ giá nào, vì vậy nàng nói: "Nếu đêm nay chàng không trốn, thì sáng mai chàng sẽ bị giết". Rõ ràng, ngôi nhà của họ nằm trên vách thành và: "Mi-canh thòng Đa-vít xuống nơi cửa sổ; người trốn và thoát khỏi".
Trốn như thế sẽ là một sự bẽ mặt cho David. Khi chàng "trốn" chàng đã bỏ địa vị của mình lại sau lưng. Chỉ bốn câu trước đó (câu 8) chúng ta đọc thấy thể nào người Philitin đã "chạy trốn" khỏi David. Giờ đây chàng là người phải chạy trốn. Nhà vô địch nầy của Israel, người chiến binh dạn dày nầy, người đã giết gã giềnh giàng kia bị buộc phải vào sống trong đồng vắng.
Cũng rất là thú vị khi thấy David viết ra Thi thiên 59 về lần trốn tránh nầy và cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giải cứu khỏi các kẻ thù nghịch mình. Tôi hình dung chàng đã đóng trại trong đồng vắng đang ngồi viết dưới ánh lửa bập bùng.
Đồng thời, Micanh "lấy tượng thê-ra-phim mà để lên giường, dùng tấm nệm bằng lông dê bọc đầu nó, rồi bao phủ cái mình nó bằng một cái áo tơi". Từ ngữ "tượng" có ý nói tới "các tượng để trong nhà". Giờ đây, mấy cái tượng nầy ở đâu mà có? Chúng ta sẽ nói nhiều về bản tánh của Micanh về sau nầy. Còn bây giờ, nàng đang làm cái hình nộm để qua mặt mấy gã cảnh vệ của triều đình.
Sáng hôm sau khi chàng chưa ra khỏi nhà "Saulơ sai người đến bắt David". Quí vị không thấy như vậy sao? Sự thể giống như một cảnh trong phim xinê vậy. Đội đặc nhiệm đang đột nhập vào, khi họ gặp Micanh, nàng nói "Chàng đau" rồi chỉ cho họ thấy một thi thể bất động đang nằm trên giường. Saulơ khi ấy bảo họ lui lại và "Hãy đem hắn trên giường đến cùng ta, hầu cho ta giết hắn đi". Tuy nhiên, khi họ trở lại để đem David đi, họ mới khám phá ra sự lừa gạt của Micanh và đem nàng đến gặp cha của nàng.
Khi gặp mặt Saulơ, các sắc màu thực thụ của Micanh đều lộ rõ ra hết. Nàng không có tánh ngay thẳng của Giônathan anh mình. Không những nàng không lấy lòng chơn thật nói ra lẽ chơn thật, nàng không nói cái gì là sự thật cả đâu. Nàng nói với Saulơ: "Người có bảo tôi: Hãy để cho ta đi, bằng không, ta sẽ giết mầy". Nói cách khác: "Ôi cha ơi, hắn nói hắn sẽ giết con trừ phi con giúp cho hắn. Hắn buộc con phải làm thế, Cha ơi. Con nói thật đấy!"
Hãy lưu ý hai sự thật về Micanh. Thứ nhứt, nàng là một người nữ chuyên thờ lạy hình tượng. Con gái của nhà vua Israel đã làm gì với các thứ hình tượng? Điều nầy chỉ ra tính lạnh cảm thuộc linh nơi sự dạy dỗ của cha nàng và thậm chí ám chỉ đến sự David không thể cai quản được nhà của mình (một dấu vết mà chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều lần lắm). Thứ hai, Micanh là một kẻ nói dối và một kẻ tồi tệ đến mức độ như thế. Đức Chúa Trời về mặt thiêng liêng vẫn giải cứu David qua sự bảo hộ của một người nữ đầy mưu mẹo, thờ lạy hình tượng.
IV. David được Đức Thánh Linh bảo hộ (các câu 18-24).
Quí vị sẽ đi đâu khi quí vị không biết nơi phải quay về? Quí vị đi đâu khi quí vị đương trong lúc bối rối? Giônathan giờ đây không thể giúp được cho David nữa rồi. Micanh đã đến ở với cha của nàng. Vì vậy David đi đến gặp nhân vật thuộc linh nhất mà chàng quen biết. Câu 18 chép: "Đa-vít trốn và thoát khỏi, đi đến nhà Sa-mu-ên tại Ra-ma".
Có phải quí vị đang có một Samuên trong đời sống của mình không? Có phải ít nhất quí vị có một tín hữu lớn tuổi, khôn ngoan hơn để cho quí vị có thể nhắm tới để tìm kiếm sự khích lệ, sức lực và mưu luận tin kính không? Nếu quí vị không có, quí vị cần phải tìm cho ra một người đi nhé!
David đã thuật lại cho Samuên nghe "mọi điều Saulơ đã làm cho mình". Chàng trút hết nỗi lòng của mình. Sau cùng chàng chẳng che giấu chi hết và kể cho mọi người khác nghe mọi cảm xúc của chàng. Cụ già Samuên khôn ngoan kia vốn biết cụ phải làm gì rồi. Cụ đem David theo bên mình và hai người đi đến "ở tại Na-giốt".
Một thời gian qua, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những di tích xưa ở Na-giốt. Họ đã khám phá ra nhà cửa rất giống với các chung cư và căn hộ phức tạp hiện đại của chúng ta. Đã có khu nhà ở san sát nhau như một quần thể của mê cung vậy. Dường như Samuên đã nói với David: "Chúng ta hãy đến ẩn mình nơi Na-giốt, Saulơ sẽ không bao giờ tìm kiếm chúng ta trong một nơi có quần cư phức tạp như thế đâu".
Tuy nhiên, Saulơ đã có một số thám tử ở khắp nơi và không bao lâu nữa có người gửi đến ông ta một sứ điệp: "Kìa, David ở tại Na-giốt trong Rama". Saulơ ngay lập tức gửi một số cảnh vệ hoàng cung đến Na-giốt.
Thực ra quí vị cần phải sử dụng trí tưởng tượng của mình để vẽ ra bối cảnh nầy. Rõ ràng, Na-giốt không những là một căn lều quá đông người, mà nó còn là ngôi nhà hay trường học của các vị tiên tri, một loại chủng viện trong thời Cựu Ước nữa. Samuên không những đã che giấu David trong một chỗ đông người, mà còn ở giữa một nhóm tiên tri trẻ tuổi nữa! Các sứ giả” nầy đến từ Saulơ, họ dò theo dấu vết của David và Samuên rồi đến tại ngôi trường nầy và ở đó họ "thấy một đám tiên tri đương nói tiên tri, và Sa-mu-ên đứng đầu những người ấy". Khi họ đến tại đó rồi: "thì Thần của Đức Chúa Trời cảm động họ, họ cũng khởi nói tiên tri".
Giờ đây, chúng ta không biết chính xác bối cảnh ấy trông như thế nào!?! Chúng ta không biết họ có quên đi mọi sự về việc truy bắt David hay không!?! Dưới giao ước cũ, khi có người nói tiên tri, thường là họ đang dâng lời ngợi khen Đức Chúa Trời. Vì vậy chúng ta có thể đoán chính xác rằng sự nói tiên tri nầy đang xảy ra trong một buổi thờ phượng có quyền năng. Có thể là mấy người nầy đã nghe thấy lời tiên tri cho rằng David không bao lâu nữa sẽ trở thành vua và không lâu sau đó họ cũng nói tiên tri về chính sự việc ấy! Không có gì phải ngạc nhiên, họ đã bỏ qua bất kỳ một dự định nào trong việc bắt lấy chàng.

Saulơ vẫn giữ nguyên ý đồ ấy. Quí vị suy nghĩ xem, nếu cảnh vệ của hoàng cung đã nói tiên tri như thế thì Saulơ phải lo xét lại chứ. Không có cách nào khác nữa, Saulơ không xét lại. Ông ta tìm cơ hội thứ hai bằng cách sai nhóm thứ hai gồm các sĩ quan kém “thuộc linh” hơn đến tại Na-giốt. Quí vị có nhận ra điều đó chăng? Kinh Thánh chép: "họ cũng nói tiên tri như những người khác". Không nản lòng, ông ta cố sai đến thêm một nhóm thứ ba và tất nhiên "đến phiên họ cũng nói tiên tri". Thay vì có được David ngã chết hay lọt vào sự canh giữ, Saulơ chỉ có thêm người cho buổi thờ phượng được tổ chức tại Rama mà thôi!
Saulơ đã tin vào câu "nếu ngươi muốn một việc được làm thật mỹ mãn, hãy tự mình làm việc ấy", vì vậy ông ta "thân hành đến Rama". Ông ta đã đến bên một cái giếng rồi hỏi thăm hướng đi: "Samuên và David ở đâu?" Kiểu thân hành nầy giống như đến tại một trạm xe tải vùng hoang mạc rồi hỏi thăm người lạ mình đang ở đâu vậy. Người ta thậm chí chẳng biết mình là ai, thì đây là cơ hội rất lớn. Điều nầy không xảy ra tại Rama. Rõ ràng, cơn phấn hưng tại chủng viện nằm trên môi miệng của từng người vì người cung cấp tin tức đã cung ứng cho nhà vua hướng đi rất chính xác rồi (câu 22).
Dường như là Saulơ đã đến tại "Na-giốt" trên đường đi "Thần của Đức Chúa Trời cảm động đến phiên người" và khi "người cứ đi dọc đàng" người cũng "nói tiên tri cho đến khi tới Na-giốt trong Rama". Hơn nữa, sau khi đến trước mặt Samuên "người lột áo mình, nói tiên tri trước mặt Samuên, rồi ở trần nằm dưới đất trọn ngày và đêm đó".
Saulơ đã nhìn thấy ba nhóm cảnh vệ vũ trang theo sau David và hết thảy họ đều đã nói tiên tri. Giờ đây Saulơ tự làm mất mặt mình bằng cách lột vương bào ra rồi nằm trên đất ngợi khen Đức Chúa Trời và có lẽ nói ra lời của Chúa cho rằng David sẽ lên làm vua. Ông ta không thể buộc ai giết hay bắt bớ David nữa. Ông ta không thể tự mình làm việc ấy nữa. Khi ông ta cố sức, ông ta thấy mình đang thốt ra lời của Đức Chúa Trời, thậm chí gồm toàn những lời mà ông ta chẳng muốn nghe! Đúng là một bối cảnh mà ông ta phải có mặt trong đó. Lời đồn tản ra nhanh chóng và đám đông càng đông thêm. Không một ai có thể tin được điều đó. Mọi người đều thắc mắc: "Saulơ há cũng vào hàng các tiên tri sao?"
Chương 20 cho chúng ta biết trong khi Saulơ nằm dưới đất mà nói tiên tri, thì David đã trốn mất. Hãy nói tới sự giải cứu thiêng liêng! Câu chuyện cho thấy Đức Thánh Linh đã đặt một chiếc hàng rào bảo hộ quanh David và Saulơ không thể đụng đến người chàng được.
V. Các nguyên tắc  thực tế trong sự bảo hộ của Đức Chúa Trời (các câu 8-17).
A. Chúa Giêxu là Đấng Giải Cứu Vĩ Đại.
Roma 11.26 đưa ra tước hiệu nầy cho Ngài: "Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn…" Ngài giải cứu chúng ta tránh khỏi tai hoạ gì? Sự giải cứu là một từ khác nói đến sự cứu rỗi. Côlôse 1.13 chép: "Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài". Galati 1.4 chép: Ngài "phó mình vì tội lỗi chúng ta, hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác nầy, y theo ý muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta". Ngài sẽ còn giải cứu chúng ta nhiều nữa tránh khỏi sự phán xét trong tương lai, I Têsalônica 1.10 chép chúng ta phải "chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ ngày sau".
B. Đức Chúa Trời có thể giải cứu chúng ta ra khỏi bất cứ một tai hoạ gì.
Hơn cả sự cứu rỗi, Chúa Giêxu giải cứu chúng ta ra khỏi sự thất bại trong đời nầy. II Phierơ 2.9 chép: "thì Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ". Phaolô đã nói trong II Timôthê 4.18: "Chúa sẽ giải thoát ta khỏi mọi điều ác và cứu vớt ta vào trong nước trên trời của Ngài".
C. Đôi khi Đức Chúa Trời cất bỏ mọi sự vùa giúp khác để cho chúng ta chỉ nương cậy nơi Ngài mà thôi.
David đã đánh mất địa vị của mình trong quân đội. Chàng không còn tiếp xúc được với bạn hữu, vợ cùng cố vấn thuộc linh của mình. Hết thảy đối với chàng, chỉ còn là cô thân độc mã. Đôi khi đấy đúng là cách mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải cảm nhận. Khi ấy chúng ta mới học biết tin cậy nơi Ngài.
Một trong các bộ tộc người Mỹ da đỏ có cách làm là sai một thiếu niên đi sâu vào trong rừng đúng vào ngày sinh nhật thứ 13 của cậu ta. Cậu ta đã học biết săn bắn, gài bẫy và các kỹ xảo để bắt cá, song cậu ta phải có một thử nghiệm sau cùng. Cậu ta bị đem đặt vào một khu rừng, phải ở trong đó cả đêm một mình. Cậu ta bị bịt mắt lại rồi được đưa vào đấy cách vài dặm đường. Khi cậu ta được mở khăn bịt mắt ra, cậu ta đã ở giữa khu rừng già và cậu ta lấy làm sợ hãi! Mỗi lần có nhánh cây gãy, cậu ta mường tượng có một con thú rừng sẵn sàng tấn công. Sau thời gian giống như cõi đời đời ấy, ánh bình minh ló dạng. Trước sự kinh ngạc hoàn toàn của cậu ta, kìa có bóng người chỉ ở cách cậu ta chừng vài chục thước mà thôi, người ấy có mang theo cung tên nữa. Đó là cha của cậu. Ông đã có mặt ở đó suốt cả đêm hôm qua.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét