ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA
VUA DAVID
Hai thắc mắc quan trọng
II Samuên 12.15-31
Có hai thắc mắc
tôi muốn đưa ra và hy vọng trả lời theo Kinh Thánh hôm nay. Đó là: hậu quả của
tội lỗi là gì? Điều gì xảy ra cho những đứa trẻ khi chúng qua đời? Cả hai thắc mắc
nầy đều phát sinh ra từ câu chuyện quan hệ tội lỗi của Vua David với Bátsêba
xinh đẹp kia. Trước khi chúng ta đi xa hơn, chúng ta hãy ôn lại.
Chương 11 có thể
được đặt đề tựa là PHẠM TỘI. Ở đỉnh cao sự nghiệp làm
vua trên Israel ,
David đã ở lại cung điện không tham dự cuộc chiến với dân Ammôn. Trong khi đi dạo
trên nóc đền vua, David đã trông thấy một người nữ rất lịch sự đang tắm. Tên của
nàng là Bátsêba. Ông đã cho mời nàng vào cùng và ông đã ngủ với nàng. Sau đó
ông hay tin rằng nàng đã có thai. David triệu chồng nàng là Uri người Hêtít, từ
chiến trường về với sự mong mỏi rằng Uri sẽ ngủ với vợ mình và đứa trẻ sẽ là của
Uri. Uri không chịu cộng tác. Ông cứ ở tại đền vua cho tới chừng David đưa ông
trở lại với chiến trường kèm theo một chiếu chỉ ghi án chết của ông ta. David
truyền cho Giôáp quan Tổng binh phải đặt Uri ở đầu trận chiến rồi rút ra xa ông
ta. Thế là đủ, Uri đã bị giết chết. Sau một thời gian than khóc, Bátsêba đã lấy
David rồi dời vào trong cung điện. Vài tháng sau thì nàng hạ sanh một con trai
Mười hai câu đầu
tiên của chương 12 đã mô tả sự ĐỐI MẶT với tội lỗi. David chẳng
làm việc gì trừ ra vui sướng trong thời gian nầy. Thi thiên 32 ghi lại nỗi thống
khổ của ông khi ông tìm cách che đậy tội lỗi của mình. Ông nói "nước bổ
thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè". Giống như cái khăn ướt bị
vắt, Đức Chúa Trời đã vắt kiệt ông. Khi đúng thì, Đức GIÊHÔVA bèn sai Nathan đến
nói cho nhà vua nghe một câu chuyện về người giàu kia có nhiều chiên và một người
nghèo chỉ có độc nhứt một con chiên cái còn nhỏ mà ông ta rất cưng chìu. Khi người
khách đến nhà người giàu kia nhằm bữa ăn, ông ta đã bắt con chiên cưng của người
nghèo, đem giết rồi dọn thịt nó cho khách của mình ăn. David đã nổi giận dữ khi
nghe câu chuyện rồi nói người giàu kia phải thường gấp tư và ông ta đã phải chết
"vì
không có lòng thương xót" (câu 6). Nathan khi ấy mới chỉ
ngón tay xương xẩu của mình vào mặt nhà vua rồi khẳng định: "Vua là
người đó!" Thế rồi ông công bố sự phán xét của Đức Giêhôva
giáng trên tội lỗi của David.
Trong câu 13,
chúng ta thấy SỰ XƯNG TỘI. David đã hạ mình xuống. Sau cùng ông đã đối mặt với
tình trạng bẩn thỉu của tội lỗi mình. Ông đã xưng nhận: "Ta đã
phạm tội nghịch cùng Đức GIÊHÔVA". Nathan khi ấy đáp: "Đức
GIÊHÔVA cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu". Mặc dù tội lỗi
đã bị quăng ra xa. Mặc dù tội đã được tha và được dời khỏi ông vào trong đại dương
quên lãng của Đức Chúa Trời, David đã sống với HẬU QUẢ của tội lỗi
trong phần đời còn lại của mình.
Mặc dù có những
hậu quả ở cấp độ lâu dài, trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay chúng ta sẽ xét
qua các HẬU QUẢ tức thì của tội lỗi và kế đó xem xét thắc mắc quan trọng về điều chi xảy
ra khi con trẻ và thiếu nhi qua đời.
David nói rằng
người nào phạm việc thể ấy đáng phải chết, còn Đức Chúa Trời nói rằng người sẽ
không phải chết. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ buộc đứa trẻ phải chết. Tại sao chứ?
Hãy lưu ý câu 14: "Nhưng vì việc nầy vua đã gây dịp cho những kẻ
thù nghịch Đức GIÊHÔVA nói phạm đến Ngài, nên con trai đã sanh cho ngươi hẳn sẽ
chết". Đức Chúa Trời sẽ cất lấy mạng sống của đứa trẻ, không hình phạt David
song chỉ tỏ ra cho ai nấy thấy rằng Đức Chúa Trời là công bình và không bỏ qua
tội lỗi, dù là tội lỗi của nhà vua, của người vừa lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta
hãy xét qua bốn hậu quả tức thì tội lỗi
của David.
· Hậu quả 1. Đau khổ.
Câu 15 chép: "Đức GIÊHÔVA bèn đánh đứa trẻ mà vợ của U-ri đã
sanh cho Đa-vít, và nó bị đau nặng lắm". David đã có thì giờ để
hình thành một sự ràng buộc với đứa con nầy. Tôi nhớ khi mấy đứa con tôi chào đời.
Tôi là người đầu tiên bồng ẳm chúng, nhìn vào mắt chúng, cầu thay cho chúng.
Tôi nhớ tới sự tự hào khi đưa chúng từ bịnh viện về nhà và niềm vui khi trông
thấy chúng lớn lên, phát triển từng ngày trong những tháng đầu đời đó. David đã
có loại ràng buộc ấy với đứa con nhỏ bé nầy.
Trong lý trí của David, niềm vui duy nhất đã đến từ toàn bộ vụ việc bẩn
thỉu kia chính là đứa trẻ nầy. Có thể nó có đôi mắt của David hay mái tóc màu
hung hung đỏ của ông. Đứa trẻ ấy là việc tích cực duy nhất trong đời sống của
David. Đấy là lý do tại sao một cơn ớn lạnh đã phủ lên ông khi Đức Chúa Trời
phán rằng đứa trẻ phải chết. Đấy là lý do tại sao David đã quỵ lụy khi đứa trẻ đau
nặng. Ông vốn biết rõ đó là sự phán xét của Đức Chúa Trời và ông biết rõ đó là
phần lỗi của mình.
Câu 16 nói rằng David "vì con cầu khẩn Đức Chúa Trời". David hiểu rõ
rằng Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời giàu ơn. Hy vọng duy nhất của ông là
ném mình vào ơn thương xót của Đức Chúa Trời và nài xin Ngài tha mạng sống cho đứa
con của ông. Nhà vua đã thành khẫn trong lời cầu nguyện của mình đến nỗi ông "đã kiêng ăn,
trọn đêm nằm dưới đất". Câu 17 chép rằng: "Các trưởng
lão trong nhà chổi dậy đứng chung quanh người đặng đỡ người lên khỏi đất; nhưng
người không khứng, và chẳng ăn với họ". David đã bỏ cả bữa ăn tối.
Câu 18 nói trong khoảng thời gian nầy ông giữ sự kiêng ăn và cầu nguyện cho tới
"ngày
thứ bảy". Ông đã không ăn uống chi hết. Cũng không có tắm rửa.
Cũng không thay đổi áo xống. Ông đã cầu nguyện, kêu la, kêu la và cầu nguyện. Đây
là một trong những trường hợp cầu nguyện căng thẳng nhất trong toàn bộ Cựu Ước.
David không phải chỉ có một mình trong nỗi đau khổ của mình. Hãy tưởng tượng
tấm lòng tan nát của Bátsêba khi con trẻ của nàng bị cất đi mất xem. Toàn bộ
gia đình của David đã chịu khổ vì cớ tội lỗi nầy. Hãy nhớ, David đã chỉ cho
Nathan thấy luật pháp nói một con chiên bị trộm mất phải thường bồi “gấp tư" (câu 6; đối
chiếu Xuất Êdíptô ký 22.1). David đã thường bồi gấp tư trong chính gia đình
của ông. Con gái ông là Tama đã bị anh nàng hãm hiếp. Amnôn đã bị em mình giết
chết. Ápsalôm đã ngã chết trong khi cố gắng lật đổ chính phủ. Ađônigia đã bị
hành quyết vì cố gắng chiếm lấy nước khỏi tay Solomon.
Tội lỗi luôn luôn đem lại đau khổ. Hãy nghĩ tới cái giá cao của tội tà
dâm dành cho gia đình. Hãy nghĩ tới thể nào các hành động tư kỷ, tư dục của nhiều
người cha hay mẹ đã hủy diệt con cái của họ. Tội lỗi không những đang tác động
vào chính quí vị. Nó tác động vào mọi người sống chung quanh quí vị. Mọi người
quí vị yêu mến đang gánh chịu mọi hậu quả của tội lỗi của quí vị cùng với quí vị.
· Hậu quả 2. Sự
chết.
Câu 18 chép: "Ngày thứ bảy đứa trẻ chết". Đức Chúa Trời
đã nghe thấy những tiếng kêu la của David xin thương xót nhưng Ngài vẫn cứ phải thi hành sự phán xét.
Tội lỗi của David đã mang lại sự chết chóc cho gia đình ông.
Tội lỗi luôn luôn kết quả bằng sự chết. Kinh thánh chép: "tiền công
của tội lỗi là sự chết" (Roma 6.23). Cái điều chúng ta kiếm được
từ tội lỗi luôn luôn là sự chết. Chúng ta hãy mở Kinh thánh ra ở Giacơ 1.13-16.
“Chớ
có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa
Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng
mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang,
sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết. Hỡi anh em yêu dấu, chớ
tự dối mình”.
Hãy chú ý tiến trình của tiểu đoạn Kinh Thánh nầy. Sự cám dỗ không đến từ
Đức Chúa Trời. Ngài thù ghét tội lỗi và chắc chắn Ngài sẽ không bao giờ bảo quí
vị phải làm theo những điều mà Ngài thù ghét. Sự cám dỗ đến từ bổn tánh hay sa
ngã của chính chúng ta, từ tư dục của xác thịt chúng ta. Điều ác đặt ra một sự
cám dỗ ở trước mặt chúng ta, còn xác thịt chúng ta đòi hỏi điều ác đó. Chúng ta
ham mến sự tội. Chúng ta suy nghĩ luôn về tội. Chúng ta thèm muốn sự tội. Đấy
là chặng đường "ham mến". Rồi giống như một đứa trẻ ở trong thai, sự
ham mến ấy lớn lên và lớn lên cho tới chừng nó "cưu mang" sự tội. Nếu quí vị suy gẫm luôn về những sự ham mến tội lỗi của
mình lâu đủ, quí vị sẽ làm theo chúng cho xem. Thế rồi, khi tội lỗi "đã trọn" nó "sanh ra sự chết". Tôi đã phục vụ cho nhiều cặp vợ chồng trong tiến trình sẩy
thai và con cái họ chết non. Đây là một phương diện nát lòng của chức vụ. Tôi
nhớ một cặp vợ chồng trẻ kia cách đây nhiều năm rồi. Người mẹ mang thai con khoảng
7 tháng nhưng đã kinh nghiệm con mình chết ở trong bụng. Đứa trẻ phải sanh non
và khi sanh ra đã chết. Khi tôi nhận được điện thoại, tôi bèn chạy tới nhà thương
chỉ để bước vào một căn phòng tìm người mẹ và người cha hãy còn trẻ ấy đang ẳm đứa
con bé xíu, không có sự sống giống như nó hãy còn sống vậy. Trong nhiều tháng
trời họ đã mơ thấy đứa trẻ nhỏ nầy lớn lên sẽ giống ai. Họ đã tra xét nhiều cái
tên khác nhau. Họ đã trang hoàng phòng riêng của đứa nhỏ. Họ đã mong một đứa
con trai, nhưng mọi sự họ nhận được là sự chết.
Một người bạn từng đến nói cho tôi nghe về câu chuyện tà dâm riêng tư của
ông ta. Ông ta bị một thiếu phụ trong nhà thờ cuốn hút. Họ trở thành bạn bè. Họ
nói chuyện với nhau. Ông ấy "tư vấn" với nàng về các vấn đề
trong cuộc hôn nhân của nàng. Cuộc trao đổi của họ trở nên mật thiết hơn. Không
bao lâu sau đó thì họ ưa thích nhau. Họ đã tìm cách cáo lỗi để gặp nhau theo
cách riêng. Một ngày nọ sự việc đã xảy ra. Họ không còn làm chủ mình được nữa.
Họ đã làm theo mọi điều mà họ đã mơ mộng bấy lâu nay. Kết quả ra sao? Cuộc sống
chung của họ đã bị lay động cho “tới bến” luôn. Vợ của ông ta đã gặp phải
nhiều tháng trời ngã lòng kéo dài. Con cái của ông ta không còn kính trọng ông
ta nữa. Chồng của thiếu phụ kia đã ly dị với nàng. Con cái của nàng đã bị phân
tán. Ông ta nói cho tôi biết: "Một con sông không thể chở hết những giọt
nước mắt mà tôi đã khóc vì sự dại dột và cuộc sống tội lỗi của tôi".
Tội lỗi luôn luôn đem lại sự chết. Sự chết của một cuộc sống vợ chồng. Sự
chết của một gia đình. Sự chết của một chức vụ. Sự chết của lòng tin cậy. Sự chết
của lòng tôn trọng. Sự chết của ảnh hưởng. Ồ, tôi nguyện rằng chúng ta có sự
khôn ngoan khi liếc qua niềm vui nhất thời và sự phu phỉ của tội lỗi rồi nhìn
thấy mọi hậu quả kinh khủng đang chờ đợi. Một cặp vợ chồng cách đây mấy tuần,
tôi đọc cho quí vị nghe Châm ngôn 7 về sự tà dâm. Hãy lắng nghe một lần nữa các
câu 26-27:
“Vì
nàng làm nhiều người bị thương tích sa ngã, và kẻ bị nàng giết thật rất nhiều
thay. Nhà nàng là con đường của âm phủ, dẫn xuống các phòng của sự chết”.
· Hậu quả 3. Chấp
nhận.
Vào ngày thứ bảy của cơn bịnh, đứa trẻ chết. Câu 18 chép: "Các tôi tớ
của Đa-vít ngại cho người biết đứa trẻ đã chết". Họ lo cho ông
khi ông nằm kiêng ăn và cầu nguyện trong cả tuần lễ. Họ nói với nhau: "Lúc đứa trẻ
còn sống, chúng tôi có khuyên giải vua, vua không khứng nghe chúng tôi; vậy làm
sao chúng tôi lại dám nói cùng vua rằng đứa trẻ đã chết? Có lẽ vua rủi ro!"
Tuy nhiên, David "thấy những tôi tớ nói nhỏ nhỏ" và "hiểu rằng đứa
trẻ đã chết". Ông trực tiếp hỏi họ và họ nói cho ông biết sự thật.
Trước sự ngạc nhiên của họ, chủ của họ "chờ dậy khỏi đất,
tắm mình, xức dầu thơm, và thay quần áo". Trong 7 ngày ông đã nằm ở
đó. Giờ đây ông chờ dậy, tăm rửa, thay quần áo sạch sẽ rồi xức dầu thơm nữa.
Ông "đi
vào đền của Đức GIÊHÔVA và thờ lạy". Tiếp đến David "trở
về cung" truyền dọn vật thực mình, và người ăn.
Các tôi tớ không hiểu gì hết. Trong khi đứa trẻ còn đau bịnh, David buồn
rầu. Giờ đây đứa trẻ đã chết, David thôi không buồn nữa và hành động giống như
mọi sự đã tiến triển tốt đẹp vậy. Khi họ hỏi, ông cho biết:
“Vua
đáp: Khi đứa trẻ còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc, vì ta nghĩ rằng: Nào ai biết;
có lẽ Đức GIÊHÔVA sẽ thương xót ta, và cho đứa trẻ được sống chăng. Nhưng bây
giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thế làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến
nó nhưng nó không trở lại cùng ta".
David đã cầu xin Đức Chúa Trời buông tha cho con trai ông, nhưng đã chấp
nhận khi câu trả lời của Đức Chúa Trời là “không”. Một phần trong quá
trình sinh hoạt qua sự chịu khổ và sự chết của tội lỗi là chấp nhận rồi lo xử
lý với các hậu quả lâu dài. Tôi tin cũng có một vài hàm ý thần học ở đây cung ứng
cho David một số bảo đảm về sự yên ổn. Chúng ta hãy dành một phút bàn qua vấn đề
nầy.
· Hậu quả 4. Khôn
ngoan.
Chúng ta có thể lướt qua phần còn lại của chương một cách ngắn gọn.
David "an ủi Bátsêba". Sau đó ít lâu, họ để nỗi
buồn lại sau lưng và bắt đầu sống giống như một cặp vợ chồng mới kết hôn vậy.
Thế rồi một đứa trẻ khác đã ra đời cho họ. Họ đặt tên là "Solomon" có 2 ý nghĩa:
một, "Đức Chúa Trời là sự bình an", hai là "sự thay thế
của Ngài", cả hai đều là đúng cả. Câu 24 chép: "Đức
GIÊHÔVA yêu mến Sa-lô-môn". Nathan, tiên tri của Đức
GIÊHÔVA và là bạn thân của David đã gọi Solomon là "Giêđiđia", kẻ yêu dấu của
Đức GIÊHÔVA.
Suốt thời gian nầy, Giôáp đã truyền cho quân đội Israel khi họ đến bao
vây dân Ammôn tại thủ phủ của họ là Rápba. Giôáp gửi cho David một bản báo cáo
nói rằng sau cùng ông đã chiếm được nguồn cung cấp nước của thành phố và hoàn
toàn thắng trận. Ông yêu cầu David cho tập trung phần còn lại của quân đội đến đóng
trước cửa thành và chiếm lấy nó "kẻo tôi hãm lấy nó thì công đó về tôi
chăng". David làm theo lời khuyên của Giôáp. Thành phố đã bị chiếm lấy. Ông đội
lấy mão triều thiên của vua giặc. Ông bắt dân của họ làm tù binh chiến tranh.
Ông đã đoạt được chiến thắng vĩ đại. Chương Kinh Thánh kết thúc với câu nói: "Đoạn, Đa-vít
và cả dân sự đều trở về Giê-ru-sa-lem".
Hết thảy chúng ta đều đã phạm tội. Hết thảy chúng ta đều gánh chịu mọi hậu
quả của tội lỗi. Tuy nhiên, phải có một thời điểm trong đời sống của chúng ta,
khi chúng ta nhìn biết rằng Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta và chúng ta
phải tiếp tục. Chúng ta đã dối mình và cứ thế với mọi việc trong cuộc sống. Đấy
là sự khôn ngoan. Khôn ngoan có nghĩa là tiếp tục với cuộc sống song không bao
giờ quay trở lại với tội lỗi ấy nữa. Khôn ngoan có nghĩa là không chinh phục
cùng một vùng đất đó hai lần.
II. Điều chi xảy ra cho con trẻ khi chúng qua đời?
David có ý nói gì khi ông nói về đứa con đã chết của mình: "Ta sẽ đi đến
nó nhưng nó không trở lại cùng ta?" Câu hỏi thực nằm ở đàng
sau câu nói nầy là “Điều chi xảy ra cho con trẻ khi chúng qua đời?” Đối với nhiều
người, đây là một thắc mắc rất tư riêng. Nhiều gia đình nhóm lại với Hội thánh
chúng ta đều có con cái đã qua đời. Một số người trong quí vị đã kinh nghiệm
tai vạ sẩy thai hay sinh non. Một số người trong quí vị đều biết nỗi đau xé ruột
của hội chứng trẻ con chết thình lình (SIDS, sudden infant death
syndrome), trong hội chứng nầy một đứa bé trông thật khoẻ mạnh đi ngủ và
không bao giờ thức dậy nữa. Một số người đã kinh nghiệm nỗi đau đớn của sự phá
thai.
Không những thắc mắc nầy rất tư riêng, nó còn có tính toàn cầu và lịch sử
trong phạm vi của nó nữa. Hai mươi lăm phần trăm, 1 trong 4 đứa trẻ sơ sinh
không sống sót qua thời kỳ thai nghén. Dữ
liệu thống kê mới đây nhất, từ năm 1999 cho biết rằng trong năm đó 4.350.000 đứa
trẻ sơ sinh đã chết! Trong thời buổi y học tiến bộ của chúng ta hơn 4 triệu đứa
trẻ chết, con số nầy bằng với dân cư của vùng Dallas-Fort Worth! Hết năm nầy tới
năm khác qua lịch sử của con người và quí vị có một số lượng không đếm được nửa
số nhân mạng đã chết sớm như thế. Một số nguồn khác cho thấy rằng phân nửa số
nhân loại chưa hề lên tới tuổi trưởng thành.
Cuộc sống bắt đầu lúc ở trong thai. Thi thiên 139.13 chép: "Vì chính
Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi". Đức GIÊHÔVA đã
phán với tiên tri Giêrêmi: "Trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi…" (Giêrêmi 1.5). Mỗi đời sống
tiêu biểu cho một linh hồn sẽ sống cho đến đời đời. Thắc mắc là “chúng ở đâu?” Mỗi linh hồn đời
đời có một trong hai số phận sau cùng: thiên đàng hay địa ngục.
Chắc chắn chúng ta muốn tin rằng tất cả con trẻ nào chết đều đi đến
thiên đàng, nhưng nếu mọi sự mà chúng ta phải đặt vào là tin theo câu nói của
David ở đây, chúng ta không có một nền tảng nào hết. Tôi e rằng nhiều người đặt
niềm tin của họ về vấn đề nầy trên cảm tính hơn là trên Kinh Thánh.
Một số Cơ đốc nhân tin kính nói rằng chỉ có những đứa trẻ của bậc cha mẹ
Cơ đốc hay chỉ có những đứa trẻ nào đã chịu phép báptêm mới lên được thiên đàng.
Những người thuộc hệ phái Luther, Episcopal, Anglicans và dĩ nhiên Công giáo La
mã đều thực thi phép báptêm cho con trẻ vì họ tin rằng việc rãi nước trên một đứa
trẻ là ban ân điển của Đức Chúa Trời cho nó. Phép báptêm cho người lớn có cứu được
ai không? Không. Pháp báptêm cho con trẻ cũng vậy thôi. Phép báptêm là hình ảnh
về ơn cứu rỗi chớ không phải một việc làm để được cứu đâu!?! Tôi đã gặp nhiều
người, họ tin là họ sẽ lên thiên đàng vì khi họ còn là con trẻ, có người đã rãi
nước trên trán của họ.
Vẫn có những người khác, họ cho rằng một số con trẻ được chọn và một số
thì không. Những đứa trẻ được Đức Chúa Trời chọn lọc sẽ lên thiên đàng và những
đứa nào bị Ngài cho qua sẽ phải đi địa ngục thôi. Người ta ghi lại rằng, các
nhà lãnh đạo chủ chốt của thần học cải chánh trong lịch sử đã tu sửa thần học
theo thuyết Calvin đã từ chối quan điểm nầy. Spurgeon đã giảng một bài giảng có
đề tựa là “Sự cứu rỗi của con trẻ”, trong đó ông nói:
Người
ta đã vu khống, nói gian và dối trá về những người theo lý thuyết Calvin, rằng
chúng ta tin một số con trẻ sẽ bị hư mất. Người nào đưa ra lời vu khống đó đều
biết rõ sự kết án của họ là dối trá… Họ rất xấu xa khi cứ nhắc lại những điều đã
bị chối bỏ hàng ngàn lần, những điều họ biết rõ là không thật… Chúng ta không
nên mơ tưởng một việc như vậy… chúng ta đừng bao giờ hình dung những đứa trẻ đã
chết đều là những đứa trẻ bị hư mất, nhưng chúng ta cứ tin rằng chúng đang bước
vào Barađi của Đức Chúa Trời.
Vấn đề không phải là Cơ đốc nhân đang tin vào cái gì mà là Kinh Thánh dạy
cái gì. Tôi dám nói không ngần ngại rằng “Tôi tin Kinh thánh dạy rằng
mọi đứa trẻ sơ sinh, các em thiếu nhi và những người lớn, những ai thiếu khả năng
nắm bắt sứ điệp của Tin lành là được Đức Chúa Trời chọn lọc, được ân điển Ngài
bao phủ và được đưa vào thiên đàng khi họ qua đời”. Tôi không nói thế là do
phát xuất từ cảm tính đâu. Chúng ta không gây dựng lẽ đạo trên những gì chúng
ta hy vọng là thực, mà bởi những điều Kinh thánh tỏ ra là thực. Vì vậy trong mấy
phút kế tiếp đây, chúng ta hãy tìm cách kiếm cho kỳ được một khuôn mẫu theo
Kinh Thánh để đấu vật với thắc mắc nầy.
· Thứ nhứt, Mọi Người
Sinh Ra Đều Là Tội Nhân.
Từng người một, từng em thiếu nhi, từng đứa trẻ sơ sinh đã được sanh ra
trong thế gian nầy với một bản tánh tội lỗi hiển nhiên. Tội lỗi đã được gắn vào
toàn bộ dòng giống con người. David đã
nói trong Thi thiên 51.5: "Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã
hoài thai tôi trong tội lỗi". Thi thiên 58.3 chép: "Kẻ ác bị
sai lầm từ trong tử cung. Chúng nó nói dối lầm lạc từ khi mới lọt lòng mẹ". Truyền đạo
7.20 chép: "Thật, chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện, mà không
hề phạm tội". Tất nhiên, Roma 3 đang mô tả tình trạng hư hoại trọn
vẹn của con người đã được tóm tắt trong câu 10: "Chẳng có một người
công bình nào hết, dẫu một người cũng không".
Chúng ta thừa tự bản tánh tội lỗi nầy từ tổ phụ chung của chúng ta là Ađam.
Roma 5.12 chép: "Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào
trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết
thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội...". Chúng ta ra đời
với một bản tánh ham mến tội lỗi. Chúng ta không cần ai dạy mới biết phạm tội;
chúng ta phạm tội thật tự nhiên, bởi bản tánh. Êphêsô 2.3 chép chúng ta "tự
nhiên [bởi bản tánh] làm con của sự thạnh nộ". Đức Chúa Trời
đã nói về con người trong Sáng thế ký 8.21: "vì tâm tánh loài người
vẫn xấu xa từ khi còn tuổi trẻ". Nói cho ngắn gọn, mỗi con
người từng chào đời đều đã thừa tự một bản tánh loạn nghịch, tội lỗi rồi... Hết
thảy chúng ta đều xứng đáng với sự chết và hết thảy chúng ta đều xứng đáng với địa
ngục, thậm chí là các trẻ sơ sinh. Câu trả lời cho lý do tại sao các trẻ sơ sinh
được lên thiên đàng không phải vì chúng là vô tội đâu. Chúng là hạng
tội nhân còn nhỏ tuổi, chúng sẽ trở thành hạng tội nhân có tuổi một khi chúng lớn
lên.
· Thứ hai, Có Ngày
Khai Trình Vì Cớ Tội Lỗi.
Bất cứ lúc nào Cơ đốc nhân bàn bạc về vấn đề quan trọng nầy, ý niệm về "tuổi khai
trình" sẽ được đưa ra. Có người cho rằng khi một đứa trẻ đạt tới một độ tuổi
chín chắn, chỉ khi ấy chúng mới khai trình cho Đức Chúa Trời về mọi tội lỗi của
chúng. Vậy thì mấy tuổi nào? 6 tuổi chăng? 12? 13? Có người cho rằng phải có sự
khác biệt đối với hạng người khác nhau. Nếu vậy thì “không phải đợi đến
tuổi mới khai trình mà là điều kiện để khai trình”. Một số người
bại não không bao giờ đạt tới độ tuổi để ý thức về tội lỗi của họ và khó nắm bắt
được sứ điệp của tin lành.
Phải chăng điều kiện khai trình đã được dạy dỗ trong Kinh thánh? Phải.
Dù hết thảy chúng ta ra đời đã là tội lỗi, trụy lạc, Đức Chúa Trời nhìn xem người
chưa đạt tới điều kiện khai trình chẳng khác gì với những kẻ có ý thức đưa ra sự
lựa chọn loạn nghịch. Điều nầy đã được dạy dỗ trong nhiều phân đoạn Kinh Thánh,
xin cho phép tôi đưa ra cho quí vị thấy một vài trường hợp.
Thứ nhứt, khi Israel từ chối không chịu tin cậy Đức Chúa Trời vây lấy Đất
Hứa, hết thảy những người trưởng thành của thế hệ đó bị kết án phải ngã chết
trong sa mạc, kể cả Môise. Dù vậy, Đức Chúa Trời đã phán trong Phục truyền luật
lệ ký 1.39: "Những con trẻ của các ngươi và các ngươi đã nói rằng sẽ thành một
miếng mồi, và những con trai các ngươi hiện bây giờ chưa biết điều thiện hay là
điều ác, sẽ vào xứ đó. Ta sẽ ban cho chúng nó xứ nầy làm sản nghiệp". Đức Chúa Trời
không buộc con cái chịu trách nhiệm về tội lỗi của cha mẹ họ.
Thứ hai, Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Giôna đến Ninive để cảnh cáo
thành phố ngoại giáo đó về sự phán xét hầu đến. Ông thù ghét họ. Ông không muốn
cảnh cáo họ. Tuy nhiên, khi ông cảnh cáo họ rồi, họ đã ăn năn và Đức Chúa Trời đã
buông tha cho họ. Điều nầy làm cho Giôna phải tức tối! Ông muốn Đức Chúa Trời
phải giết hết thảy họ, thậm chí những con trẻ và thú vật nữa. Trong câu cuối của
quyển sách, Đức Chúa Trời đã hỏi Giôna một câu để đời:
“Còn
ta, há không đoái tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không
biết phân biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao?”
(Giôna 4.11).
Người nào không thể "phân biệt tay hữu và tay tả?" Những đứa trẻ,
các em thiếu nhi, những kẻ chậm phát triển về trí khôn. Đặc biệt Đức Chúa Trời đã
"thương
xót" hay sự thương cảm dành cho những kẻ bất lực nầy.
Thứ ba, chúng ta hãy xem xét Giêrêmi 19.4. Giêrêmi là một tiên tri đã
công bố sự phán xét của Đức Chúa Trời nghịch lại xứ Giuđa và thành Jerusalem.
Dân sự sẽ bị người Babylôn đến bắt phục và bị đưa đi lưu đày. Đức Chúa Trời đã
xét đoán dân sự Ngài theo cách nầy vì họ đã quên Luật pháp, Lời của Ngài mà xây
về sự thờ lạy hình tượng tà giáo. Hãy chú ý điều Đức Chúa Trời phán trong câu nầy:
“vì
chúng nó đã lìa bỏ ta, đã làm chỗ nầy nên xa lạ, đã đốt hương ở đó cho các thần
khác mà chúng nó, tổ phụ chúng nó, các vua Giu-đa đều chưa từng biết, và vì
chúng nó đã làm cho máu vô tội đầy nơi nầy”.
"Máu
vô tội" là máu gì? Những kẻ "vô tội" là con cái của
họ. Câu kế tiếp nói họ đã "đốt con trai mình làm của lễ thiêu dâng cho
Ba-anh". Họ đã dâng con cái của họ làm của lễ cho các hình
tượng tà giáo! Còn Đức Chúa Trời gọi những đứa trẻ ấy là gì? Ngài gọi chúng là
vô tội. Mặc dù chúng là con cái của những kẻ phạm thượng thờ lạy hình tượng, Đức
Chúa Trời gọi chúng là vô tội.
Roma 1 cho chúng ta biết rằng tất cả những người trưởng thành đều chịu
trách nhiệm vì thiên nhiên là nhân chứng duy nhất của họ. Tuy nhiên, dù con cái
theo tự nhiên là hạng tội nhân, Đức Chúa Trời dường xem chúng là vô tội cho tới
chừng nào chúng đạt tới trình độ phải khai trình.
· Thứ ba, Người
Nào Được Cứu Họ Được Cứu Bởi Ân Điển Của Đức Chúa Trời.
Nói tới con trẻ, chúng không vô tội theo ý nghĩa chúng không có bản chất
tội lỗi, mà chúng vô tội theo ý nghĩa chúng chưa đáng khiển trách theo tội lỗi
của chúng. Nếu chúng chưa được cứu trên cơ sở vô tội, làm thế nào chúng được cứu
chứ? Làm thế nào quí vị được cứu? Bởi ân điển! Nói như thế là đúng đấy. Quí vị
chẳng có việc chi phải làm với sự cứu rỗi của mình. Roma 8.29-30 nói rằng Đức
Chúa Trời vốn biết trước quí vị rồi, đã định trước quí vị rồi, đã kêu gọi quí vị,
đã xưng công bình quí vị và sẽ làm cho quí vị được vinh hiển. Đức Chúa Trời đã
làm mọi sự ấy. Êphêsô 2.8-9 cho chúng ta biết rằng ngay cả đức tin mà quí vị phải
tin không đến từ tấm lòng tội lỗi của quí vị mà đức tin chính là "sự ban
cho của Đức Chúa Trời". Quí vị được cứu bởi ân điển! Những đứa trẻ
sơ sinh được cứu bởi ân điển. Khi nói chúng ta được cứu bởi ân điển có nghĩa là
ơn cứu rỗi thuộc về Đức GIÊHÔVA. Tôi chẳng có gì phải làm với ơn cứu rỗi của
mình, chẳng khác gì những đứa trẻ sơ sinh đã chết nầy.
Trong Mathiơ 19.13-14, bậc cha mẹ đã đem "các con trẻ" đến với Chúa
Jêsus "đặng Ngài đặt tay trên mình và cầu nguyện". Các môn đồ
Ngài đã "quở trách" bậc cha mẹ cùng những đứa
trẻ nầy, nhưng Chúa Jêsus đã phán: "Hãy để con trẻ đến
cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy". Ngài muốn nói
gì vậy? Ngài có ý nói rằng không có một trường hợp cứu rỗi giàu ơn nào lớn lao
hơn cứu một đứa trẻ nhỏ vô dụng. Một đứa trẻ không thể làm gì để làm đẹp lòng Đức
Chúa Trời. Một đứa trẻ không thể quyết định tin theo. Nếu nó được cứu, ấy phải
bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà thôi. Đây là Nước Thiên Đàng! Đây là cách duy
nhứt mà người ta có thể được cứu!
· Thứ tư, Người
Nào Bị Hư Mất Họ Bị Hư Mất Bởi Việc Làm Riêng Của Mình.
Khải huyền 20 phác hoạ Ngai Phán Xét Trắng Và Lớn của Đức Chúa Trời ở cuối
thời kỳ. Đây là chỗ những kẻ nổi loạn nghịch lại Đức Chúa Trời và đã chối bỏ
Con của Ngài bị quăng vào hồ lửa để chịu án phạt đời đời. Câu 12 chép:
“Tôi
thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng
có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy
công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy”.
Họ sẽ bị phán xét như thế nào? Bởi việc làm của họ và bởi những điều đã
chép trong các sách. Đức Chúa Trời ghi lại từng tội một của từng người trong
các sách của Ngài. Kẻ bị đày ải đời đời sẽ không chịu phán xét vì bản chất tội
lỗi của họ mà vì bông trái của bản chất tội lỗi đó. Họ sẽ bị xét đoán bởi việc
làm tội lỗi của họ, là những điều Đức Chúa Trời đã ghi lại. Những đứa trẻ nhỏ
chẳng có gì được ghi lại vì chúng chưa phạm vào những việc làm tội lỗi và loạn
nghịch. Nếu chúng sống lâu đủ chúng sẽ phạm tội, nhưng khi chúng chết là con trẻ,
chúng chẳng có làm việc chi phạm pháp hết.
· Thứ năm, Thiên Đàng
Là Nơi Yên Nghỉ.
Sau khi Đức Chúa Trời cho phép các tai vạ đổ ra trên Gióp, ở nơi sâu thẳm
của sự ngã lòng, ông đã nói: "Nhân sao tôi chẳng chết từ trong tử
cung? Nhân sao không tắt hơi khi lọt lòng mẹ? Cớ sao hai đầu gối đỡ lấy tôi, và
vú để cho tôi bú? Bằng chẳng vậy, bây giờ ắt tôi đã nằm an tịnh, được ngủ và
nghỉ ngơi" (Gióp 3.11-13). Rõ ràng Gióp đã tin rằng
ông chết non hoặc bị sẫy thai hay thậm chí bị phá thai thì ông đã được "ngủ và nghỉ
ngơi" rồi. Được "ngủ và nghỉ ngơi" là hình bóng
theo Kinh Thánh chỉ về thiên đàng. Thiên đàng là nơi yên nghỉ của chúng ta từ
thế giới nầy.
David nói về sự chết của đứa trẻ nầy: "Ta sẽ đi đến nó nhưng
nó không trở lại cùng ta". Ông đã đau buồn trong khi đứa trẻ đau nặng,
nhưng đã chờ dậy, tắm rửa, thờ phượng và ăn uống sau khi đứa trẻ đã chết. Các
tôi tớ đã không hiểu nổi. Phần giải thích khả thi, ấy là David đã tin con mình đã
được "ngủ và nghỉ ngơi". Ông đã tin rằng con của
ông đã về đến thiên đàng và một ngày kia ông sẽ hội hiệp với nó tại đó.
Từ đây trở về sau, chúng ta sẽ chứng kiến phản ứng của David nơi sự chết
của các con trai khác. Không bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp Ápsalôm. Ápsalôm sẽ nổi
loạn chống nghịch cha của mình. Anh ta sẽ cướp lấy ngôi vị của cha mình, các
cung phi và vương quốc của ông. Đến cuối cùng, anh ta sẽ chết trong tội lỗi của
mình. Khi ấy chúng ta sẽ nghe tiếng kêu gào của David trong nổi sầu khổ lớn lắm:
"Vua
rất cảm thương, bèn lên lầu cửa thành và khóc. Người vừa đi vừa nói rằng: Ôi,
Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta
chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!" (II Samuên
18.33). Tại sao ông than khóc thảm thiết như thế vì đứa con nầy mà không có
nơi đứa con khác chứ? Vì một đứa con, đứa con sơ sinh đã “ngủ và nghỉ ngơi” với Đức
GIÊHÔVA. Đứa con khác trong sự loạn nghịch của nó đã xem khinh Đức GIÊHÔVA và đã
đi thẳng vào án phạt đời đời.
Chúng ta có thể kết luận rằng những trẻ sơ sinh, các em thiếu nhi, và thậm
chí những người lớn bị bại não, dù ra đời là tội nhân, nhưng họ chưa hề đạt tới
trình độ phải khai trình đối với tội lỗi, họ được Đức Chúa Trời lựa chọn, được
cứu bởi ân điển rồi được đưa vào thiên đàng khi họ qua đời. Sự cứu rỗi của họ
bao gồm sự thương xót của Đức Chúa Trời, tỏ ra sự sa ngã của con người và tôn
vinh ân điển của Đức Chúa Trời.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét