Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Bài 31: II Samuên 22: "Bài Ca Tụng Của David"




ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Bài ca tụng của David
II Samuên 22

Trong cuộc chiến năm 1812, Pháo đài McHenry nằm ngay hải khẩu canh chừng không cho hạm đội Anh xâm nhập. Chỉ huy pháo đài, Thiếu tá George Armistead truyền lịnh may một lá cờ thật lớn, chừng 20/42 feet dài, lớn đủ để "cho kẻ thù trông thấy được từ xa". Quân Anh chiếm lấy Washington, DC, thiêu đốt nhiều toà nhà rồi tiến đánh Baltimore. Pháo đài McHenry, Thiếu tá Armistead và lá cờ khỗng lồ của ông đứng sừng sững trên đường tiến quân của họ. Vào buổi sáng 13 tháng 9 năm 1814, hạm đội Anh bắt đầu pháo vào cửa khẩu từ các địa điểm ngoài tầm đại bác phòng thủ của pháo đài. Cuộc pháo kích cứ tiếp tục trong đêm trời mưa gió. Một luật sư từ Washington có tên là Francis Scott Key quan sát trận chiến từ một chiếc tàu đậu cách pháo đài khoảng 8 dặm. Suốt cả đêm, ông lo âu chờ đợi tin tức của trận đánh, các khẩu súng của pháo đài chỉ trả đủa lác đác. Sau cùng, vào lúc trời hừng sáng, Key nhìn qua viễn vọng kính rồi thấy một lá cờ khỗng lồ đang phất phới trong cơn gió nhẹ buổi sáng. Thật cảm động khi thấy lá cờ đó, ông rút trong túi ra một bức thư rồi viết nghệch ngoạc đôi dòng thơ ở mặt sau. Khi hạm đội Anh rút đi, Key vào một khách sạn ở Baltimore và hoàn tất bài thơ của mình về sự chống cự anh dũng của Pháo đài McHenry. Không bao lâu sau đó bài thơ đã được in ấn và trớ trêu thay được phổ nhạc theo một thể điệu xưa của người Anh. Lá cờ khỗng lồ ngày nay ai cũng nhìn thấy trên Học viện Smithsonian, còn bài ca được xem là bài quốc ca của quốc gia chúng ta: "Lá Cờ Đầy Ngôi Sao".
Một số bài ca, giống như bài "Lá Cờ Đầy Ngôi Sao" kia vốn có một tiểu sử rất có ý nghĩa. Chúng neo chúng ta vào các sự cố chính trong quá khứ và nhắc cho chúng ta nhớ chúng ta là ai và chúng ta xuất thân từ đâu. Phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay là những lời lẽ dành cho một bài ca giống như thế. Khi chúng ta hướng về phần cuối của đời sống Vua David, chúng ta thấy thật là kỳ quặc, hai Thi thiên, không nằm trong sách Thi thiên mà bị tách ra ở đây trong các chương kết thúc của sách II Samuên. Khám phá chúng là một điều giống như bắt được một vật gia truyền đã bị quên lãng từ lâu ở dưới đáy một chiếc rương cũ vậy.
Thi thiên hay bài ca thứ nhứt nằm ở chương 22 và nó sẽ là phân đoạn Kinh Thánh cho phần nghiên cứu hôm nay. Thi thiên thứ nhì được thấy trong 7 câu đầu của chương 23 và chúng ta sẽ xem xét nó vào tuần tới. Các Thi thiên nầy tất nhiên là thể thơ do David viết theo tiếng Hy bá lai và đóng vai trò lược khảo lại đời trị vì làm vua của ông. Bài ca thứ nhứt dường như đã được viết ra khi David lần đầu tiên trị vì ở Hếprôn vì câu 1 chép: "Khi Đức Giê-hô-va đã giải cứu Đa-vít khỏi tay các thù nghịch và khỏi tay Sau-lơ, thì người hát các lời nầy mà ngợi khen Đức Giê-hô-va". Bài ca thứ hai, cũng theo thể thơ, viết như sau: "Nầy là lời sau hết của David".
Có lẽ David lần đầu tiên đã hát bài ca nầy lúc ông mới vừa lên ngôi làm vua. Nhiều năm tháng sống như kẻ ở ngoài vòng pháp luật và lẫn trốn Vua Saulơ đã qua rồi. Lời hứa của Đức Chúa Trời đối với cậu bé chăn chiên đã ứng nghiệm, ông đã làm vua. Khi David lần đầu tiên hát bài ca nầy, không nghi ngờ chi nữa giọng hát của ông hãy còn sung mãn và mạnh mẽ lắm. Ông mới có 30 tuổi. Giờ đây chúng ta thấy bài ca được đẩy vô phân đoạn Kinh Thánh gần cuối đời của David. Bây giờ ông đã là một cụ già. Giọng hát của ông đã khàn đi và yếu lắm rồi, thế nhưng ông hiện đang hát thậm chí với sự nồng nàn hơn vì các năm tháng trong cuộc đời, ông có thể làm chứng cho sự thật của lời lẽ mà ông đang hát! Trước tiên ông đã hát bài ca ấy như một sự nhắc nhớ lại sự ông được giải cứu khỏi tay Saulơ. Có thể ông hiện đang hát bài ca ấy một lần nữa khi nhớ lại lần giải cứu Israel ra khỏi nạn đói kém (21.14) và lần ông được giải cứu ra khỏi mấy gã giềnh giàng kia (21.15-22).
Bài ca của David phù hợp với khuôn sáo của loại bài hát lịch sử trong Cựu Ước. Thí dụ, quí vị có thể đọc Bài Ca Của Môise trong Xuất Êdíptô ký 15, ở đây Israel đã kỹ niệm sự họ được giải cứu khỏi quân đội của Pharaôn khi Biển Đỏ nuốt trọng quân đội ấy. Có Bài Ca Của Đêbôra trong Các Quan Xét 5 hay Bài Ca Của Anne trong I Samuên 2. Giống như bài "Lá Cờ Đầy Ngôi Sao", Thi thiên nầy có ý nhắc cho dân Israel nhớ tới lai lịch của họ và sự lớn lao của ơn phước Đức Chúa Trời.
Bài ca nói về sự giải cứu của David ở đây rất giống với Thi thiên 18, là Thi thiên dài nhất trong các Thi thiên của David. Tại sao Đức Thánh Linh lại đặt bài ca nầy ở đây, nơi phần cuối của sách II Samuên? Tại sao nó được lặp lại ở Thi thiên 18? Tôi muốn kết luận rằng bài ca đã được ghi lại ở đây là một phần trong bản tường trình của lịch sử. Còn trong Thi thiên 18, bài ca đã được ghi lại để hướng dẫn dân Israel bước vào sự thờ phượng và sự dạy dỗ – để cho ai nấy đều hát lên! Bài ca nầy được hát lên trong đền tạm và được hát trong đền thờ. Bài ca nầy được hát ở ngoài đường phố và được hát ở trong mỗi gia đình. Sau đó, bài ca nầy được hát lên trong các nhà hội và thậm chí được hát lên bởi Hội thánh đầu tiên. Mặc dù giai điệu nguyên thủy đã bị quên lãng từ lâu, chúng ta vẫn còn hát một số lời của Thi thiên nầy trong các bài hát ca ngợi của chúng ta.
Không những đây là một bài ca của lịch sử, giống như bài "Lá Cờ Đầy Ngôi Sao", mà nó còn được Kinh Thánh cảm thúc, được Đức Thánh Linh hà hơi qua David. Vì lẽ đó chúng ta phải nắm bắt bài ca nầy với sự quan tâm cẩn thận. Chúng ta phải chia bài ca nầy ra cho đúng và bằng lòng vâng theo nó vì giống như các phần khác của Kinh Thánh, đây là Lời của Chúa. Trong Thi thiên, David đang ngợi khen Đức Chúa Trời và mô tả sự cao trọng của Ngài theo nhiều phương thức. Ông tỏ ra cho chúng ta thấy sáu lý do để chúng ta phải vui mừng trong sự thờ phượng Chúa.
I. Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta (các câu 1-3).
Một trong những điểm khác biệt chính giữa II Samuên 22 và Thi thiên 18, ấy là Thi thiên 18 mở ra với lời lẽ như thế nầy: "Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng lực tôi, tôi yêu mến Ngài" (Thi thiên 18.1). Tấm lòng của David rất là vui mừng. Mọi tình cảm của ông đã dậy lên trong ông. Miệng ông thốt ra từ  sự tuôn đổ của tấm lòng. Giống như một đứa trẻ nhỏ đang kêu la: "Bố ơi, con yêu Bố!", giống như sứ đồ Phaolô đang kêu la: "Aba Cha" (Rôma 8.15; Galati 4.6), David đang thờ lạy Đức Giêhôva với một lời tuyên bố đơn giản về tình cảm như con trẻ của ông.
Trong các câu 2-3 của phân đoạn Kinh Thánh, David đang mô tả Đức Giêhôva với vài hình bóng khác nhau, mỗi ẩn dụ đó mô tả thể nào Đức Chúa Trời là một nơi nương náu, Đấng Bảo Hộ của dân sự Ngài. Thứ nhứt, ông nói: "Đức Giê-hô-va là hòn đá và đồn lũy tôi, Đấng giải cứu tôi". Từ ngữ "hòn đá" ở đây có ý nói tới một "vách đá đứng", một "đồn lũy" tự nhiên vượt cao lên và an ninh đối với bất kỳ một cuộc tấn công nào của kẻ thù. David thường sử dụng những địa điểm giống như thế để ẩn náu trốn tránh Saulơ. Ông nói Đức Giêhôva là "Đấng giải cứu" ông, nghĩa là Ngài luôn luôn bước vào đúng lúc. Tôi thường hay nói rằng Đức Chúa Trời hiếm khi đến sớm lắm, song Ngài không bao giờ chậm trễ.
Trong câu 3, Đức Giêhôva được mô tả là: "Đức Chúa Trời tôi là hòn đá tôi, nơi tôi sẽ nương náu mình, là thuẫn đỡ tôi, sừng chửng cứu tôi, ngọn tháp cao và nơi nương dựa của tôi; Hỡi Đấng che chở tôi! ấy Ngài giải cứu tôi khỏi sự hung bạo". Đức Chúa Trời vừa là nguồn sức lực vừa là đối tượng của đức tin chúng ta. Đức Chúa Trời là "thuẫn đỡ" của chúng ta.  Ngài bảo hộ chúng ta khỏi những làn tên lửa của kẻ thù (Êphêsô 6.16). Thi thiên 3.3 chép: "Nhưng, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên chở che tôi; Ngài là sự vinh hiển tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên". Thêm nữa, và tôi thực sự thích câu nầy, David đang mô tả Đức Giêhôva là "sừng chửng cứu tôi". Sừng biểu tượng cho cái gì? Quyền lực! Sức mạnh! Một trong các biểu tượng của bang Texas là con bò sừng dài. Thậm chí trên con dấu chính thức của thành phố Amarillo cũng có biểu tượng đó. Với những lời xin lỗi đến các bạn bè tôi ở Aggie, người Texas vốn ưa thích những cái sừng dài đó. Tôi đã nhìn thấy chúng được gắn trên một chiếc xe Cadillac! Hết thảy mấy người bạn chuyên săn nai của tôi đều muốn bắt một con nai đực với nhánh gạc dang rộng nhất, vì có nhiều gạc chúng tiêu biểu cho quyền lực. Trong thời buổi xa xưa, các chiến binh đều gắn sừng trên mão của họ để tỏ ra sự đe doạ và gây kinh hãi cho các kẻ thù của họ. Cho nên, nói Đức Chúa Trời là "sừng chửng cứu tôi" là công bố ra sức lực không thể thấy được bằng mắt thường của Cứu Chúa chúng ta.
Hơn nữa trong câu 3, David mô tả Đức Giêhôva là "ngọn tháp cao", "nơi nương dựa""Đấng che chở" của ông. Trong phần nghiên cứu của chúng ta về đời sống của David trước khi ông lên làm vua, ông thường tìm kiếm những ngọn tháp cao, những nơi cao, những nơi quan sát từ trên cao để nương náu và để bảo hộ người của mình. Một nơi nương náu như vậy giống như cái tổ của chim phượng hoàng, nó giữ  cho kẻ thù không làm sao đụng tới ông cho được.
Đức Chúa Trời là "hòn đá" và là "ngọn tháp cao" của chúng ta. Ngài là "nơi nương dựa" của chúng ta. Ngài ban ra sự yên ủi và sự bảo hộ ở giữa những giông bão của đời. Nếu Kinh Thánh quyết chắc cho chúng ta điều gì đó, Kinh Thánh quyết chắc rằng cuộc sống nầy đầy dẫy những thử thách và khó khăn. Phierơ viết: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường" (I Phierơ 4.12). Thử thách không phải là "một việc khác thường", mà là một phần bình thường trong cuộc sống. Là một Cơ đốc nhân không miễn trừ cho quí vị không gặp phải những lúc khó khăn, song là một Cơ đốc nhân bảo đảm có sự bảo hộ của Đức Chúa Trời trên quí vị. Quí vị thấy đấy, Đức Chúa Trời không di dời chúng ta ra khỏi những giông bão của đời, nhưng Ngài vẫn ở với chúng ta suốt những giông bão của đời đó.
Trong Mác 4, Chúa Jêsus đã để ra cả ngày giảng đạo và dạy dỗ. Ngài đã kiệt sức. Đến cuối ngày, Ngài và các môn đồ lên một chiếc thuyền nhỏ và băng ngang qua biển Galilê. Mặc dù Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, Ngài toàn tri và có một nguồn lực vô hạn, Chúa Jêsus cũng là con người nên Ngài rất mệt mỏi. Ngài đã gối đầu dưới thuyền mà ngủ. Có lẽ quí vị biết rõ câu chuyện rồi. Một cơn bão khủng khiếp đã thổi qua các ngọn núi. Biển liền gầm rống. Mấy ngư phủ tràn đầy kinh nghiệm kia đã bắt sợ hãi hòng chết. Khi cơn bão cuồng nộ, họ đã đánh thức Chúa Jêsus rồi nói: "Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?" Chúa Jêsus, Chúa của trời và đất đã phán với cơn bão: "Hãy êm đi, lặng đi" và biển đã phẳng lặng như một tấm gương. Ngài nhìn các môn đồ rồi hỏi: "Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?" (Mác 4.35-41).
Chúng ta thường sống giống như các môn đồ ấy. Mọi sự chúng ta có thể trông thấy là những trận bão. Chúng ta sợ hãi. Chúng ta lo lắng. Chúng ta kinh hoàng. Chúng ta quên rằng Chúa Jêsus đang ở trong chính chiếc thuyền với chúng ta. Thi thiên 46.1 chép: "Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân".
II. Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu của chúng ta (các câu 4-20).
Trong câu 4, David hát: "Tôi sẽ kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va, là Đấng đáng khen ngợi; Thì tôi sẽ được giải cứu khỏi các thù nghịch tôi". Chúng ta đang hát chính lời ấy hôm nay trong một bài hát ca ngợi thật lạc quan vui vẻ. Nhưng chúng ta có thực sự suy nghĩ về ý nghĩa của các lời ấy không? Trong dòng thơ nầy có các lẽ đạo quan trọng theo Kinh Thánh. CẦU NGUYỆN, THỜ PHƯỢNGGIẢI CỨU. Vì Đức Chúa Trời là "nơi nương dựa" của chúng ta, chúng ta có thể kêu cầu Ngài trong ngày gian nan. Chúng ta thờ phượng Ngài và Ngài giải cứu chúng ta. Đức Chúa Trời phán trong Thi thiên 50.15: "Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta: Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen ta".
Khi lâm cảnh gian truân, chúng ta thường kêu cầu ai đó khác trước khi chúng ta kêu cầu Chúa. Thường thì nhằm vào lúc mọi tài nguyên đời nầy của chúng ta bị cạn kiệt, chúng ta mới hướng mắt mình nhìn về thiên đàng. Thay vì cầu nguyện xin Đức Chúa Trời làm thoả mãn mọi nhu cần của chúng ta từ một tấm lòng thờ phượng biết rõ Đức Chúa Trời đáng "được khen ngợi", chúng ta cầu xin được cứu ra khỏi cảnh tuyệt vọng.
Giống như hầu hết những người làm cha, tôi là "Ông Sắp Xếp" trong gia đình của chúng tôi. Khi có việc gì đổ vỡ, mấy đứa con gái đem việc ấy đến cho tôi. Khi chúng thực sự còn nhỏ, chúng nghĩ tôi có thể sắp xếp mọi sự. Giờ đây chúng biết rằng tôi có thể sắp xếp một số việc mà thôi. Tuy nhiên, đôi khi chúng tự tìm cách sắp xếp trước khi chúng đem sự việc đến cho tôi. Thường thì nổ lực của chúng khi lo sắp xếp sao cho êm xuôi hơn là lo phục hồi lại sự việc bị đổ vỡ. Nếu chúng chỉ đem sự việc ấy đến cho tôi trong chỗ thứ nhứt, có lẽ tôi đã thu xếp sự việc ấy được rồi. Cũng một thể ấy, là con cái của Đức Chúa Trời chúng ta thường sĩ nhục Cha chúng ta ở trên trời với mọi nỗ lực yếu đuối lo sắp xếp mọi nan đề của chính chúng ta. Chúng ta nhắm vào các nan đề của mình đến nỗi chúng ta không thờ lạy Ngài. Chúng ta chỉ hướng về Ngài khi lâm cảnh thất vọng. Mặc dù Ngài giải cứu chúng ta, thái độ của chúng ta cướp đi khỏi Ngài sự vinh hiển xứng đáng với danh Ngài.
Trong các câu 5-6, David mô tả rất sinh động như đang sống rất gần với cái chết vậy. Ông đã nói với Giônathan trong I Samuên 20.3: "… Song ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống và mạng sống của anh mà thề rằng, chỉ còn một bước cách tôi và sự chết mà thôi". Khi David hát bài ca nầy trong lúc ông tuổi đã già, có lẽ ông đang suy nghĩ về trận đánh cuối cùng đó với quân Philitin, trong đó ông quá “mệt mỏi" và trong đó gã giềnh giàng Íchbi Bênốp đã tìm cách chém đầu ông bằng một "thanh gươm mới".
David đã sống gần với cái chết nhiều lần lắm. Ông nói: "Các lượn sóng của tử vong đã phủ bao tôi""Lụt gian ác chảy cuộn làm cho tôi sợ hãi". David đã bị chìm đắm trong nỗi sợ sự chết. Ông nói: "những dây của địa ngục [‘hell' trong tiếng Anh, nhưng có ý nói tới sự chết, mồ mả] đã vấn tôi""lưới sự chết có hãm bắt tôi". David cảm thấy giống như sự chết hãm bắt ông. Ông tưởng số ông đã tới rồi. Cuối cùng ấy chỉ còn một bước nữa mà thôi? Quí vị có từng sống gần với cái chết chưa? Một số người trong quí vị đã từng rồi đấy. Hãy suy nghĩ tới các thợ mỏ đã bị sập mỏ vào tuần rồi xem. Họ biết chính xác phương thức mà David đã cảm nhận.
Ô, nhưng rồi ông nói trong câu 7: "Trong cơn hoạn nạn tôi cầu khẩn Đức Giê-hô-va". Hãy lắng nghe phần đáp ứng vinh hiển nầy. "Ở nơi đền Ngài nghe tiếng tôi, tiếng kêu cầu của tôi thấu đến tai Ngài". Hãy lắng nghe, lời cầu nguyện yếu đuối nhất từ chỗ yếu đuối nhất của các thánh đồ của Đức Chúa Trời giống như cái loa ở trên trời vậy! Lỗ tai của Đức Chúa Trời đang chú ý tới lời cầu nguyện của chúng ta. Hãy lắng nghe những gì Charles Spurgeon đã viết:
Xa thẳm trong các bức tường khảm bích ngọc, và qua hai cánh cỗng bằng ngọc châu, tiếng kêu la của người thống khổ cầu xin đã được nghe thấy. Âm nhạc của thiên sứ và sự hoà thanh của các sêraphin không nhấn chìm hay làm lệch sai đi giọng kêu cầu khiêm hạ đó. Nhà vua đã nghe thấy lời cầu nguyện ấy trong đền sáng láng của Ngài, Ngài nghiêng tai sẵn lòng nghe tiếng kêu cầu của con cái yêu dấu của Ngài. Ôi lời cầu nguyện vinh hiển thay, nhờ huyết của Chúa Jêsus mà lọt vào tới hai lỗ tai và tấm lòng của Đức Chúa Trời!
Các câu 8-20 mô tả đáp ứng của Đức Chúa Trời trước lời cầu nguyện hạ mình của David. Đây là lời nói bóng bẩy, sinh động dường như kỳ lạ đối với hai lỗ tai hiện đại của chúng ta. Chúng ta cùng nhau đọc lời cầu nguyện ấy và rồi tôi sẽ đưa ra một lời giải thích.
Trong đáp ứng với lời cầu nguyện của ông, Có phải David đã nhìn thấy đất động và rung hoặc khói dấy lên từ hai lỗ mũi của Đức Chúa Trời không? Có người nói rằng mấy câu nầy tiêu biểu cho theophany, nghĩa là Đức Chúa Trời để cho David thấy một hình ảnh rõ ràng về chính mình Ngài. Tôi nghĩ nói như thế có nghĩa là Đức Thánh Linh đã cảm thúc David mô tả mọi điều mà chính mình ông cũng không hiểu nổi. Tôi nghĩ mấy lời nầy mô tả những gì đang xảy ra trong lãnh vực thuộc linh không thấy được bằng mắt thường hoặc lãnh vực ở trên trời trong phần đáp ứng với những lời cầu nguyện của chúng ta. Nếu chúng ta có thể nhìn xuyên qua bức màn và trông thấy mọi điều đang diễn ra đáp ứng với những lời cầu nguyện của chúng ta, ôi chúng ta đáng phải là những con người của sự cầu nguyện dường bao! Tôi tin phân đoạn nầy được ghi ra cho chúng ta như một cái nhìn thoáng qua vào lãnh vực thuộc linh mà mắt thường không sao nhìn thấy được.
Có một góc cạnh khác rất hay trong phân đoạn nầy. Một số giáo sư Kinh Thánh tin rằng mấy câu nầy có ý nói tới Đấng Mêsi, họ đang chỉ ra ở phía bên kia David cho thấy Con của David, là Chúa Jêsus và sự sống lại từ kẻ chết của Ngài.
Trong bài giảng quan trọng vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phierơ đã trưng dẫn từ Thi thiên khác của David, Thi thiên 16. Đặc biệt ông chỉ ra Thi thiên nhìn qua phía bên kia David tới sự sống lại của Chúa Jêsus. Thi thiên nầy chép: "Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để người thánh Chúa thấy sự hư nát. Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng" (Thi thiên 16.10-11). Cũng một thể ấy, Thi thiên trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta là phần mô tả rất bóng bẩy đáp ứng của thiên đàng trước cái chết của Đấng Christ trên thập tự giá.
Êphêsô 1.19-21 mô tả: "…và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình, mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa".
Philíp 2.9-11 chép: "Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha".
Côlôse 2.13-15 chép: "Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em sống lại với Đấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta: Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự; Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ".
"Quyền cai trị", "thế lực", "quân chủ" có ý nói tới lãnh vực thuộc linh mà mắt thường không sao nhìn thấy được. Trong sự sống lại, quyền phép của Đức Chúa Cha đã làm cho Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết. Câu 20 trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta nói tới Đấng Mêsi rất mạnh mẽ, câu ấy chép như sau: "Ngài đem tôi ra nơi rộng rãi, giải cứu tôi, vì Ngài ưa thích tôi".
Vì vậy chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã giải cứu David khỏi "các lượn sóng của tử vong" thường tràn ngập quanh ông. Theo một ý nghĩa tương tự, Đức Chúa Cha đã giải cứu Chúa Jêsus ra khỏi mồ mả, Ngài thành tín làm cho Chúa Jêsus sống lại. Cũng chính Đức Chúa Trời đó giải cứu tôi hôm nay. Bất luận gian truân nào của quí vị, hãy hạ mình xuống và kêu cầu nơi Ngài. I Phierơ 5.7 chép: "hãy trao phó mọi điều lo lắng cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em".
III. Đức Chúa Trời là Đấng ban thưởng cho chúng ta (các câu 21-28).
Trong tiểu đoạn nầy lời lẽ của David dường như rất kỳ lạ và thậm chí chỉ ra thái độ tự định liệu mọi sự của ông. Ông nói trong câu 21 rằng Đức Chúa Trời đã "thưởng" ông tùy theo "sự công bình""sự thanh sạch" của "tay" ông. Ông nói Đức Giêhôva đã "báo" hay ban lại cho ông. Trong câu 22 ông nói rằng ông đã "giữ theo các đường lối của Đức Giêhôva" và không "làm ác" xây bỏ Đức Chúa Trời. Ông nói trong câu 23 rằng ông để “các mạng lịnh” của Đức Chúa Trời ở trước mặt ông, là các nguyên tắc của Kinh Thánh. Trong câu 24 ông nói rằng ông đã ở "trọn vẹn" và đã giữ mình khỏi "gian ác". Ông nói trong câu 25 rằng Đức Giêhôva đã "báo" hay bồi lại cho ông tùy theo "sự công bình""sự thanh sạch" của ông trước mặt Ngài. Có ai ở đây từng thốt ra một lời cầu nguyện như thế chưa? Có ai trong chúng ta tin rằng chúng ta thực sự công bình trước mặt Đức Chúa Trời và tay chúng ta tinh sạch không có tội lỗi chăng?
Làm sao David dám nói ra những việc như thế? Mặc dù ông là người vừa lòng Đức Chúa Trời, ông còn là một kẻ phạm tội tà dâm và là một kẻ giết người. Từ nhận định của chúng ta, tay của ông đâu có tinh sạch. Nói như thế có nghĩa gì? Mặc dù tiểu đoạn nầy cũng nói tới Đấng Mêsi, nó cũng áp dụng cho David.
Chúng ta cần phải nhớ rằng David đã sống dưới thời Cựu Ước, dưới luật pháp Môise. Luật pháp đã thiết lập trong Phục truyền luật lệ ký 28 rằng vâng lời sẽ đem lại ơn phước của Đức Giêhôva và bất tuân sẽ đem lại sự rủa sả và tai vạ. Hãy nhớ rằng David có lẽ đã viết Thi thiên nầy khi ông mới có 30 tuổi, lâu lắm trước khi ông gặp Bátsêba. David vốn yêu mến Lời của Đức Chúa Trời. Ông đã tìm cách vâng theo Lời ấy. Ông đã tìm cách không cố ý bất tuân Lời ấy. Nghĩa là những điều ông đang nói ra ở đây.
Phần ứng dụng thực tế được thấy trong các câu 26-28. David nói: "Kẻ hay thương xót, Chúa sẽ thương xót lại; Đối cùng kẻ trọn vẹn, Chúa sẽ tỏ mình trọn vẹn lại. Đối cùng kẻ tinh sạch, Chúa sẽ tỏ mình tinh sạch lại". Đức Chúa Trời tôn cao sự vâng lời của chúng ta. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 5.7: "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!" Michê 6.8 cung ứng cho chúng ta một xác định đơn giản về một đời sống tin kính. Câu nầy chép: "Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhơn từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?"
Chúng ta cũng đọc trong câu 27b: "Còn đối cùng kẻ trái nghịch, Chúa sẽ tỏ mình nhặt nhiệm lại". Đức Chúa Trời biết kẻ nào trái nghịch sự công bình, họ không có lòng thương xót và rất kiêu ngạo.
Nguyên tắc trọn vẹn trong câu 28: "Vì Chúa cứu dân bị khốn khổ; Nhưng mắt Chúa coi chừng kẻ kiêu căng đặng làm chúng nó bị hạ xuống". I Phierơ 5.5-6 chép: "…vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên". Khi chúng ta hạ mình xuống, Đức Chúa Trời nâng chúng ta lên cao. Khi chúng ta tôn mình lên cao, Đức Chúa Trời hạ chúng ta xuống”. Cho phép tôi tóm tắt điều nầy như sau. Đức Chúa Trời ban thưởng cho sự vâng lời. Đức Chúa Trời chúc phước cho sự vâng lời.
IV. Đức Chúa Trời là nguồn năng lực của chúng ta (các câu 29-46).
Đức Chúa Trời ban cho con cái giao ước của Ngài mọi sự họ cần để sống cuộc sống nầy. Lẽ đạo nầy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và trong nhiều phương thức xuyên suốt các trang Kinh Thánh. Thí dụ, II Phirerơ 1.3 chép: "Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính…" Giacơ 1.17 chép: "mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào". Rôma 8.28 chép: "Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định". Philíp 4.19 chép: "Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ". Chúng ta không nhìn vào thế gian để có được một điều gì. Đức Chúa Trời là nguồn năng lực trọn vẹn cho đời sống chúng ta. Trong tiểu đoạn nầy, David tỏ ra một vài phương thức mà Đức Chúa Trời đã cung ứng cho ông.
Đức Giêhôva là SỰ SÁNG của chúng ta. Câu 29 chép: "Đức Giê-hô-va ôi! thật Ngài làm ngọn đèn tôi, và Đức Giê-hô-va sẽ chiếu sáng sự tối tăm tôi". Chúng ta sống trong một thời điểm có rất nhiều sự sáng, tuy nhiên cũng nhiều sự tối tăm. Trong kỹ nguyên điện lực hiện đại của chúng ta, chúng ta hầu như không thể tưởng tượng được bầu trời sẽ ra thể nào trước khi có cái bóng đèn đầu tiên. Không có một ngọn đèn đường nào, không có đèn cho xe ô tô, và chẳng có đèn pin nào hết. Cách duy nhứt để tìm đường đi vòng quanh vào một đêm tối đen là đốt lên một ngọn đèn. David đang nói: "Lạy Chúa, khi con cảm thấy như đang vấp ngã trong bóng tối tăm của thế gian, thì Ngài ban cho con ngọn đèn và sự chiếu sáng. Ngài tỏ ra cho con thấy đường đi". Tất nhiên Thi thiên 119.105 chép: "Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi". II Phirerơ 1.19 chép Ngôi Lời là "…cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm".
Đức Giêhôva là SỨC LỰC của chúng ta. David nói trong câu 30: "Nhờ Ngài tôi sẽ xông ngang qua đạo binh, cậy Đức Chúa Trời tôi, tôi vượt khỏi tường thành". David vốn biết rõ năng lực của ông là một chiến binh đến từ Đức Giêhôva. Hãy xem lại câu 35: "Ngài tập tay tôi chiến trận, đến đỗi cánh tay tôi gương nổi cung đồng". Câu 40 chép: "Vì Chúa đã thắt lưng tôi bằng sức mạnh để chiến trận". Câu 41 chép: "Chúa cũng khiến kẻ thù nghịch xây lưng cùng tôi, hầu cho tôi diệt những kẻ ghét tôi". David hiểu rõ lẽ thật của Phục truyền luật lệ ký 32.30, rằng với Chúa một người có thể rượt đuổi ngàn người và hai người rượt đuổi mười ngàn người. Lợi thế đời nầy không sánh được với sức lực của Đức Chúa Trời chúng ta. Quí vị đang đánh trận nào hôm nay? Đâu là bãi chiến trường của quí vị? Hãy nhớ gã thiếu niên David đã nói gì trước khi cậu ta đánh với Gôliát: "Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận" (I Samuên 17.47).
Đức Giêhôva là SỰ KHÔN NGOAN  của chúng ta. David nói trong câu 31: "Còn Đức Chúa Trời, các đường của Ngài vốn là trọn vẹn, Lời của Đức Giê-hô-va là tinh tường". Tôi là một người cha bất toàn. Tôi không biết hết mọi giải đáp. Có khi tôi phạm phải sai lầm. Có khi tôi lạc lối (thường tìm kiếm một ngõ tắt). Quí vị há chẳng vui sướng khi biết rõ "con đường" đó, phương hướng của Chúa là "trọn vẹn" sao? Từ ngữ Hy bá lai “trọn vẹn” có nghĩa là "không tì vít". Đức Chúa Trời không hề khiến cho quí vị phải lạc sai đâu. Ngài sẽ không cung ứng cho quí vị các phương hướng xấu hoặc phải ở trong một tính khí tồi bại. Thực ra, không những đường lối của Ngài là "trọn vẹn", mà "Lời" của Ngài còn là "tinh tường" nữa . "Tinh tường" có nghĩa là "đã được luyện lọc" như trong một lò lửa vậy. Thi thiên 12.6 chép: "Các lời Đức Giê-hô-va là lời trong sạch, dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần". Quí vị có thể nắm lấy Đức Chúa Trời nơi Lời của Ngài vì hết thế hệ tín đồ nầy sang thế hệ tín đồ khác trước quí vị đã thử Ngài ở giữa lò thử thách và sự khôn ngoan của Ngài không hề phai.
Đức Giêhôva là SỰ BẢO HỘ của chúng ta. Chúng ta đã xem qua rồi câu 3 rằng Đức Chúa Trời giống như cái "thuẫn" và chúng ta thấy ở đây một lần nữa trong câu 31, Ngài là "cái thuẫn cho mọi người  nương náu mình nơi Ngài". Ngày nay chúng ta sẽ nói "Đức Chúa Trời dõi theo lưng của tôi". Hãy lắng nghe Thi thiên 56.11: "Tôi đã để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi; Người đời sẽ làm chi tôi?" Thi thiên 118.6 tương tự: "Đức Giê-hô-va binh vực tôi, tôi chẳng sợ; Loài người sẽ làm chi tôi?" Hãy nhìn tới ở câu 44. Về sau trong đời sống của ông mấy lời nầy chắc chắn đã khiến cho David nghĩ tới Ápsalôm và nhiều người khác bắt đầu nổi loạn chống nghịch ông. Ông nói: "Chúa đã giải cứu tôi khỏi sự tranh giành của dân sự tôi". Là Mục sư tôi có thể hiểu được điều đó! Khi dân sự lằm bằm và than phiền ở sau lưng quí vị, Đức Chúa Trời là Đấng đang dõi theo sau lưng quí vị!
V. Đức Chúa Trời là Hòn Đá của chúng ta (các câu 47-51).
David đã mô tả "Hòn Đá" rồi ở câu 2 và 32. Giờ đây ông đóng Thi thiên có cùng lẽ đạo đó lại. Trong câu 2, như chúng ta đã lưu ý rồi, từ Hy bá lai dành cho "Hòn Đá" có nghĩa là "vách đứng cheo leo" như một đồn lũy nơi ẩn náu. Tuy nhiên, trong câu 32 và ở đây trong câu 47, "Hòn Đá" có ý nói tới một hòn đá thật lớn, một hòn đá cuội, một mép núi thậm chí một hòn núi. Khi David sử dụng từ ngữ nầy để mô tả Đức Chúa Trời, ông có ý nói Đức Giêhôva là nền tảng vững chắc trong đời sống ông.
David đang ca tụng. Ông đang thờ phượng với sự đắm đuối. Bản Kinh Thánh NKJV chép như sau: "Đức Giêhôva hằng sống! Phước thay là Vầng Đá của tôi! Hãy để cho Đức Chúa Trời được tôn cao, Hòn Đá cứu rỗi của tôi!" David đang hô to lên lời ngợi khen cho Chúa Giêhôva. Có một thời kỳ phải im lặng và bình tịnh ở trước mặt Chúa và có một kỳ để hô to lên!
David đưa ra vài lý do lời khen ngợi nầy. Ông nói trong câu 48 rằng Chúa "báo thù" cho ông và "khiến các dân quy phục" theo ông. Trong câu 49 Đức Chúa Trời "giải cứu" ông ra khỏi mọi kẻ thù nghịch, "nâng cao" ông trên cao hơn cả những chống nghịch ông. David nhìn biết Đức Chúa Trời đã "cứu" ông ra khỏi "người hung bạo".
Ông nói trong câu 50, "Vì vậy, Đức Giê-hô-va ôi! Tôi sẽ khen ngợi Ngài tại giữa các dân, và ca tụng danh của Ngài". Nói như thế có nghĩa là David không im lặng và bình tịnh trong thái độ biết ơn của ông. Ông muốn mọi người đều nhìn biết Đức Chúa Trời thể nào đã ở thành tín với ông. Không những ông công bố ở từng góc xó của Israel, ông còn muốn các bộ tộc người Ngoại theo tà giáo cũng nhìn biết sự vinh hiển lạ lùng của Chúa nữa.
Trong câu cuối cùng,  Đức Chúa Trời là "tháp cứu rỗi" và rằng Ngài đã cho ông thấy "lòng thương xót" hay tình yêu trước sau như một của Ngài. Ông nói về giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với ông trong chương 7 khi Ngài phán mọi điều nầy cho "David và cho dòng dõi người đến đời đời".
Chúng ta học được gì từ điều nầy? Cho phép tôi đưa ra ba đề nghị.
Thứ nhứt, chúng ta học được Đức Chúa Trời là nền tảng vững chắc cho đời sống chúng ta. "Đáng chúc phước thay là Hòn Đá!" David đã hô to lên. Đức Chúa Trời là nền tảng của đời sống chúng ta. Châm ngôn 10.25 chép: "Khi gió trốt thổi qua, kẻ hung ác không còn nữa; Song nền của người công bình còn đến đời đời". Tất nhiên Chúa Jêsus chính là "đá thử nghiệm", "đá quí báu" trong đời sống chúng ta (Êsai 28.16). Đối với người chưa tin Chúa, Ngài là "hòn đá vấp ngã, vầng đá vướng mắc" (Êsai 8.14). Chúa Jêsus đã thuật lại một thí dụ về hai ngôi nhà. Một được cất trên cát bị thổi bay đi. Một được xây trên Vầng Đá đứng vững vàng trong cơn bão (Mathiơ 7.24-27).
Thứ hai, chúng ta học được có khi sự ngợi khen phải thực thi ở chỗ đông người. David đôi khi đã suy gẫm yên lặng ở trước mặt Chúa. Tuy nhiên, ở đây ông hô to lên trong sự khen ngợi tại chỗ đông người. Ông dâng lời cảm tạ, bị phủ lút bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời đến nỗi ông hô to lên thậm chí với dân Ngoại nữa. Hêbơrơ 13.15 chép: "Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra". Đôi khi phải im lặng trong sự thờ phượng, nhưng nếu quí vị chưa bao giờ hô lên lớn tiếng, có điều chi đó đã sai lầm. Nếu quí vị ép chế niềm vui mừng của mình, quí vị không dâng lên sự ngợi khen cho Đức Chúa Trời và bản thân mình cũng bị ép chế về phước hạnh.
Thứ ba, chúng ta học được rằng chúng ta nương cậy Đức Chúa Trời hầu giữ giao ước của Ngài với chúng ta. David tin vào lời hứa Đức Chúa Trời lập ngôi Ngài cho đến đời đời (II Samuên 7). Ông biết Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa giao ước của Ngài. Đức Chúa Trời là Hòn Đá. Ngài vững chắc. Ngài là chắc chắn. Ngài là tinh tường. Ngài kêu gọi chúng ta nên thử Ngài và tin cậy nơi Ngài.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét